XÂY DỰNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
XÂY DỰNG TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
CHẤT LƯỢNG CAO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(TCĐTGCVN) - Xây dựng trường THPT chất lượng cao về thực chất là quản lý quá trình phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường. Đó là tổ chức, điều khiển quá trình phát triển của nhà trường, đảm bảo cho quá trình phát triển chất lượng được diễn ra theo chương trình, kế hoạch có mục đích, có tổ chức. Chủ thể xây dựng trường THPT chất lượng cao bao gồm các chủ thể quản lý nhà nước và các chủ thể quản lý nhà trường về giáo dục. Đối tượng tác động của các chủ thể quản lý xây dựng trường THPT chất lượng cao là quá trình phát triển chất lượng giáo dục của các nhà trường THPT.
Lễ kết nạp đảng viên mới cho 7 học sinh khối 12 Trường THPT Lê Lợi, ngày 25/4/2023
1. Mục tiêu, nguyên tắc và phương thức xây dựng trường THPT chất lượng cao
Mục tiêu xây dựng trường THPT chất lượng cao nhằm xây dựng mô hình giáo dục mới gánh vai trò mũi nhọn trong đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới, góp phần phát triển giáo dục ngang tầm thời đại.
Một trong những mục tiêu quan trọng của xây dựng trường THPT chất lượng cao trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh và người dân trong thời kỳ mới. Mục tiêu này đã được quy định tại khoản 3, điều 12 của Luật Thủ đô và được cụ thể hóa trong Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về tiêu chí xây dựng trường chất lượng cao.
Mục tiêu cụ thể của xây dựng trường THPT chất lượng cao là phát triển chất lượng nhà trường về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, về chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Đây là các tiêu chí của trường THPT chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay.
Nguyên tắc xây dựng trường THPT chất lượng cao đã được xác định tại điều 2 trong Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2013 của UBND Thành phố Hà Nội như sau: 1. Việc theo học tại các trường chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện. 2. Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập. 3. Trường chất lượng cao phải được kiểm định theo quy định và được Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định công nhận; được công bố công khai, rộng rãi trong xã hội. Từ thực tiễn xây dựng trường THPT chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, cần bổ sung các nguyên tắc sau: Trường THPT chất lượng cao phải đáp ứng đầy đủ, đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về trường THPT chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường THPT. Trường THPT chất lượng cao phải cập nhật chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình quy định và thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Chỉ công nhận trường THPT chất lượng cao trong toàn trường, không công nhận từng lớp hay từng bộ phận trong nhà trường.
Phương thức xây dựng trường THPT chất lượng cao được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và những quy định của địa phương. Trước hết, cần phải căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn và phương thức xây dựng trường chuẩn quốc gia theo Thông tư số 13/2012/TT-BGDĐT ngày 6 tháng 4 năm 2012. Đồng thời, phải căn cứ đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng địa phương mà lựa chọn phương thức xây dựng trường THPT chất lượng cao cho phù hợp. Đối với Thành phố Hà Nội, để xác định phương thức xây dựng các trường THPT chất lượng cao cần phải phân tích rõ những thuận lợi, khó khăn, thời cơ và thách thức trong lĩnh vực giáo dục. Một thực tế dễ nhận thấy là nhu cầu học tập của con em nhân dân thủ đô ngày càng đa dạng, người dân thủ đô cũng ngày càng nhận thức rõ xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới. Rất nhiều cha mẹ học sinh mong muốn cho con em mình được học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục hiện đại, tiên tiến, được thụ hưởng các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo dục chất lượng cao, giống như những cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài nhưng chi phí thấp hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Bởi vậy, xây dựng mô hình trường công lập chất lượng cao là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Thành phố Hà Nội, phù hợp với xu thế phát triển của giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên để được học tập trong môi trường và điều kiện như vậy cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Đây là phương thức quản lý vĩ mô, phù hợp với Hà Nội trong bối cảnh hiện nay. Thực tiễn đã chứng minh, với phương thức này, từ năm 2007 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo Thủ đô đã xây dựng được 18 trường thực hiện thí điểm mô hình trường chất lượng cao được phụ huynh, học sinh, giáo viên ghi nhận và đánh giá cao. Các mô hình trường này đã và đang bổ sung cho nhu cầu học tập đa dạng của con em các gia đình sống trên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội. Phương thức quản lý vĩ mô này đã chi phối phương thức quản lý vi mô trong xây dựng trường THPT chất lượng cao.
Phương thức quản lý vi mô trong xây dựng trường THPT chất lượng cao là phương thức tác động của chủ thể quản lý giáo dục trong nhà trường đến quá trình phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường. Đối với các trường công lập, chủ thể quản lý nhà trường là Ban Giám hiệu nhà trường. Ban Giám hiệu nhà trường tác động vào quá trình phát triển chất lượng giáo dục của nhà trường thông qua các con đường tác động trực tiếp và tác động gián tiếp lên các đối tượng, nhằm huy động được mọi nguồn lực trong và ngoài nhà trường cùng tham gia xây dựng trường THPT chất lượng cao. Ban Giám hiệu nhà trường THPT phải xây dựng Đề án phát triển trường chất lượng cao trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và xây dựng kế hoạch thực hiện. Đề án xây dựng trường THPT chất lượng cao phải vạch ra được các chủ trương, biện pháp, các điều kiện đảm bảo và lộ trình các bước tổ chức thực hiện.
2. Các biện pháp xây dựng trường THPT chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh hiện nay
2.1. Hoàn thiện các văn bản pháp quy về xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao
Mục tiêu của biện pháp này nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội; bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý về xây dựng trường THPT chất lượng cao, tạo cơ sở, làm hướng dẫn cho các cơ quan, ban ngành có liên quan cũng như các đơn vị giáo dục có định hướng xây dựng mô hình trường chất lượng cao. Để đạt được các mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Nghiên cứu, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, của Thành ủy và UBND Thành phố Hà Nội về giáo dục và đào tạo. Khái quát các chủ trương, quan điểm định hướng phát triển giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các ban ngành, các cơ quan chức năng mà còn là nhiệm vụ của các nhà khoa học và các nhà quản lý giáo dục trên địa bàn Thành phố.
Rà soát các văn bản pháp lý hiện hành liên quan tới xây dựng trường THPT chất lượng cao. Đây là chức năng của cơ quan pháp lý thuộc Sở GD&ĐT.
Xây dựng, bổ sung các văn bản quản lý mới đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Cần phải phân cấp các loại văn bản quản lý, có những văn bản thuộc về quan điểm, chủ trương thì có giá trị trong thời gian dài; những văn bản mang tính chỉ đạo thực tiễn thì phải thường xuyên bán sát thực tiễn, phải bổ sung theo sự phát triển của thực tiễn.
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi chúc mừng
các học sinh đạt giải Hội thao do nhà trường tổ chức
2.2. Quy hoạch xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố Hà Nội
Biện pháp này nhằm đảm bảo cho quá trình xây dựng, phát triển các trường THPT chất lượng cao diễn ra phù hợp với nhịp độ phát triển chung của hệ thống giáo dục và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô Hà Nội. Để đạt được các mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Trước hết cần phải quy hoạch về số lượng trường chất lượng cao. Số lượng trường THPT chất lượng cao phải phù hợp với thực tiễn phát triển của giáo dục và thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội trong từng giai đoạn.
Quy hoạch về cơ cấu hệ thống trường THPT chất lượng cao. Các trường THPT chất lượng cao cần có quy hoạch cân đối về cơ cấu tỷ lệ giữa trường công lập với các trường ngoài công lập; giữa trường nội thành với trường ngoại thành. Đặc biệt, cần quy hoạch hệ thống trường THPT chất lượng cao đồng bộ trong hệ thống trường chất lượng cao của các cấp học khác. Đảm bảo cho học sinh tốt nghiệp các trường chất lượng cao ở cấp dưới có thể tiếp tục theo học các trường chất lượng cao ở cấp trên. Hệ thống các trường chất lượng cao được mở rộng theo từng giai đoạn phù hợp với năng lực quản lý của ngành giáo dục.
Quy hoạch về tiến độ xây dựng trường chất lượng cao. Tiến độ xây dựng trường THPT chất lượng cao được quy hoạch theo từng giai đoạn, từng năm học. Căn cứ đặc điểm riêng của từng nhà trường cụ thể mà quy hoạch xây dựng tiêu chí nào trước, tiêu chí nào sau, hoặc tiến hành đồng bộ các tiêu chí.
Quy hoạch về nội dung xây dựng trường THPT chất lượng cao theo chiến lược hiệu quả. Tăng cường nguồn lực xây dựng trường THPT chất lượng cao.
Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính giáo dục: coi trọng nâng cao hiệu quả phân bổ dự toán và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình thực hiện quy hoạch; phân định rõ nội dung, phạm vi đầu tư giữa các cấp tỉnh, cấp huyện và xã. Tiết kiệm chỉ tiêu ngân sách Nhà nước, tập trung chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục và bồi dưỡng cán bộ giáo viên, công nhân viên.
2.3. Tổ chức xây dựng nội dung, chương trình giáo dục của trường trung học phổ thông chất lượng cao phù hợp đặc điểm riêng của nhà trường
Biện pháp này nhằm xác định nội dung, chương trình giáo dục ở các trường THPT chất lượng cao và cách thức tổ chức xây dựng nội dung, chương trình đó. Để đạt được mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Xây dựng nội dung, chương trình các môn học đảm bảo tính khoa học, tính giáo dục và tính thực tiễn. Nội dung này đòi hỏi các nhà trường phải triển khai xây dựng chương trình nội dung cụ thể từng môn học sao cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện sư phạm cụ thể của nhà trường.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Xây dựng nội dung, chương trình giáo dục ở các trường THPT chất lượng cao cần phải quán triệt quan điểm chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Xây dựng nội dung, chương trình giáo dục vượt trội, mở rộng và nâng cao so với chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Căn cứ đặc điểm của từng nhà trường mà xây dựng chương trình giáo dục vượt trội này đối với các môn học thích hợp. Chương trình vượt trội có thể là mở rộng hoặc nâng cao kiến thức của từng môn học. Chương trình vượt trội không theo một khuôn mẫu chung cho mọi môn học và mọi nhà trường. Chương trình vượt trội này phải linh hoạt và biến động cập nhật theo sự biến động của thực tiễn giáo dục.
2.4. Chỉ đạo đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo tiêu chí trường chất lượng cao
Biện pháp này nhằm đổi mới một thành tố quan trọng của quá trình dạy học, đảm bảo cho phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung dạy học, cùng hướng vào phát triển năng lực của học sinh. Để đạt được các mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp dạy học kiến thức với dạy học phương pháp. Phương pháp dạy học ở các trường THPT chất lượng cao không chỉ hướng vào trang bị kiến thức cho học sinh mà đồng thời với mục tiêu trang bị kiến thức, phát triển năng lực tư duy trí tuệ phải phát triển năng lực về phương pháp học tập cho học sinh. Nghĩa là, thông qua quá trình dạy học để rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học suốt đời, học mọi lúc, mọi nơi.
Chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức dạy học theo hướng đa dạng hóa, kết hợp dạy học theo lớp với dạy học theo nhóm và dạy học cá nhân, tăng tỷ lệ các hình thức trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh. Đối với các trường THPT chất lượng cao, một mặt phải quán triệt, tổ chức thực hiện các hình thức tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục mới, mặt khác phải phân loại năng lực học sinh để lựa chọn hình thức tổ chức dạy học cho phù hợp. Cần phải kết hợp hình thức tổ chức dạy học chung theo lớp với các hình thức tổ chức dạy học theo nhóm và hình thức tổ chức dạy học theo năng lực cá nhân. Trong nhà trường, có những nội dung dạy học chung cho cả lớp, có nội dung dạy học cho một nhóm học sinh cùng sở thích và có nội dung dạy riêng cho từng học sinh có năng lực riêng.
Chỉ đạo đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hướng đánh giá toàn diện, chú trọng đánh giá mức độ phát triển năng lực. Đối với các trường THPT chất lượng cao, kiểm tra đánh giá không chỉ thông qua các bài kiểm tra viết, kiểm tra vấn đạp, mà còn thông qua những hoạt động tích hợp liên môn, tiết học trải nghiệm thực tế, học sinh làm dự án,…đồng thời đánh giá đạo đức, thái độ học tập, ý thức kỉ luật, của học sinh. Tiêu chí đánh giá không chỉ đánh giá trình độ nắm kiến thức của học sinh mà phải đánh giá được mức độ phát triển năng lực của học sinh.
2.5. Tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên các trường THPT theo chuẩn giáo viên trường chất lượng cao
Mục tiêu của biện pháp này nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên những hiểu biết chung về trường chất lượng cao, đồng thời bồi dưỡng và tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay. Để đạt được các mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Xác định mục đích bồi dưỡng nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên ở các trường THPT chất lượng cao. Mục đích bồi dưỡng không chỉ nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên mà thực chất là nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đáp ứng yêu cầu của trường chất lượng cao. Mục đích chung của bồi dưỡng là nâng cao năng lực hoạt động sư phạm cho giáo viên. Thông qua bồi dưỡng giúp các giáo viên THPT chất lượng cao có kiến thức, có kỹ năng biết tổ chức hoạt động sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục chất lượng cao, giúp giáo viên biết ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình sư phạm trong nhà trường.
Xác định nội dung bồi dưỡng năng lực hoạt động sư phạm cho giáo viên ở các trường THPT chất lượng cao. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào những phẩm chất và năng lực của giáo viên trường THPT. Đối với giáo viên ở các trường THPT chất lượng cao, cần phải chú ý bồi dưỡng một mảng nội dung quan trọng là chương trình, nội dung giáo dục mới ở các trường THPT. Bồi dưỡng những nội dung này sẽ giúp cho giáo viên có định hướng rõ ràng hơn khi xác định các yêu cầu mới về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm.
Xác định phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động sư phạm cho giáo viên các trường THPT chất lượng cao. Sử dụng nhiều phương pháp và hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp với đối tượng giáo viên được bồi dưỡng. Yêu cầu chung của phương pháp và hình thức tổ chức bồi dưỡng là đa dạng hóa các hình thức tổ chức bồi dưỡng, đảm bảo cho mọi giáo viên có thể được tham gia bồi dưỡng. Mặt khác, phương pháp và hình thức tổ chức bồi dưỡng phải bám sát nội dung, chương trình bồi dưỡng, hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ giáo viên THPT, giúp họ biết cách tổ chức các hoạt động sư phạm theo hướng phát triển năng lực học sinh ở trường THPT chất lượng cao.
2.6. Xây dựng cơ sở vật chất, khai thác, sử dụng các dịch vụ và điều kiện đảm bảo cho xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao
Biện pháp này nhằm xác định các nội dung về xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng dịch vụ giáo dục ở trường THPT chất lượng cao và cách thức tổ chức thực hiện các nội dung đó trong bối cảnh hiện nay. Thông qua đó, xây dựng cơ chế quản lý về cơ sở vật chất, tài chính và các dịch vụ đảm bảo cho hoạt động của trường THPT chất lượng cao phù hợp với đặc điểm của nhà trường và điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hiện nay. Để đạt được các mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo cho hoạt động của trường THPT chất lượng cao. Nhà trường THPT chất lượng cao phải đạt được tiêu chí cơ sở vật chất theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 06 năm 2013 của UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành. Những tiêu chí này đã được cụ thể hóa thành tiêu chí đánh giá trường THPT chất lượng cao.
Chỉ đạo huy động nguồn tài chính đảm bảo cho hoạt động của trường THPT chất lượng cao. Nguồn tài chính là một điều kiện không thể thiếu đảm bảo cho xây dựng và triển khai hoạt động của nhà trường THPT chất lượng cao. Theo quy định, các trường THPT chất lượng cao trong giai đoạn xây dựng chủ yếu dựa vào nguồn tài chính của nhà nước cấp, sau đó các nhà trường phải tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, cơ chế tự chủ về tài chính đang bị rằng buộc bởi nhiều cơ chế quản lý khác. Các nhà trường THPT cần nghiên cứu biện pháp đa dạng hóa nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Ngoài nguồn kinh phí được cấp phát theo quy định, các nhà trường cần chủ động trong việc tự cân đối, tự huy động nguồn tài lực từ các hoạt động khác của nhà trường phục vụ cho các hoạt động nâng cao chất lượng giáo dục.
Khai thác, sử dụng các dịch vụ và điều kiện đảm bảo cho xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao. Nhà trường THPT chất lượng cao phải đạt được tiêu chí các dịch vụ chất lượng cao trong giáo dục theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 06 năm 2013 của UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành.
2.7. Tổ chức phối hợp các lực lượng trong xây dựng trường trung học phổ thông chất lượng cao
Mục tiêu của biện pháp này nhằm xác định nội dung phối hợp các lực lượng và cách thức tổ chức phối hợp các lực lượng trong xây dựng trường THPT chất lượng cao trên địa bàn Thành phố Hà Nội phù hợp với bối cảnh hiện nay. Để đạt được các mục tiêu trên đây cần phải thực hiện các nội dung cơ bản như sau:
Phối hợp các lực lượng trong ngành giáo dục. Đây là phối hợp các lực lượng bên trong của ngành giáo dục nhằm thực hiện các nhiệm vụ xây dựng trường THPT chất lượng cao. Bao gồm phối hợp giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường THPT. Phối hợp giữa các trường THPT chất lượng cao với các cơ quan chức năng của Sở GD&ĐT. Phối hợp này nhằm xây dựng chương trình giáo dục vượt trội của nhà trường; xây dựng phát triển đội ngũ giáo viên của nhà trường. Đặc biệt là phối hợp với Sở GD&ĐT trong kiểm tra, đánh giá mức độ đạt chuẩn chất lượng của nhà trường THPT chất lượng cao. Phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong Sở GD&ĐT nhằm cùng nhau thực hiện các phần công việc được phân công trong xây dựng trường THPT chất lượng cao. Phối hợp giữa các nhà trường THPT với nhau cùng nhau hoặc hỗ trợ nhau xây dựng trường chất lượng cao.
Phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương. Mọi chủ trương xây dựng, phát triển giáo dục trên địa bàn Thành phố phải được sự phê duyệt của chính quyền Thành phố. Để huy động các nguồn lực xã hội xây dựng trường THPT chất lượng cao cần phải thông qua chính quyền. Nhiều vấn đề phát triển nhân lực, vật lực, tài chính của các trường THPT chất lượng cao phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND, Hội đồng nhân dân Thành phố. Đặc biệt, để huy động các nguồn vật lực về cơ sở vật chất, đất đai, về xây dựng môi trường xã hội và môi trường cảnh quan theo tiêu chí chuẩn phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương trên địa bàn cùng giải quyết.
Phối hợp giữa nhà trường với cộng đồng xã hội. Một đặc điểm của Thủ đô Hà Nội là trên địa bàn Thành phố có nhiều cơ quan tổ chức cùng đứng chân. Đây là cơ hội cho các nhà trường THPT chất lượng cao trên địa bàn Thành phố tổ chức xây dựng trường và tổ chức các hoạt động đa dạng của nhà trường. Nhà trường phải phát hiện ra các mối liên hệ phổ biến đó để phối hợp, tận dụng các điều kiện huy động cộng đồng cùng tham gia xây dựng trường THPT chất lượng cao.
3. Kết luận
Xây dựng trường THPT chất lượng cao là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập, hợp tác quốc tế hiện nay. Xây dựng trường THPT chất lượng cao là một khoa học, đó là khoa học về quản lý chất lượng giáo dục nhà trường THPT.
Xây dựng trường THPT chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh hiện nay phải được thực hiện phù hợp với quan điểm của Đảng và Thành ủy về đổi mới giáo dục được thể hiện rõ trong các văn bản pháp lý; phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đời sống nhân dân toàn thành phố, hướng vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục THPT.
Dựa trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn về xây dựng trường THPT chất lượng cao, bài viết này đề ra 7 biện pháp xây dựng trường THPT chất lượng cao tại Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Mỗi biện pháp có vai trò, vị trí khác nhau, tác động vào một khâu, một bước khác nhau.
Các biện pháp có mối quan hệ biện chứng với nhau, rằng buộc lẫn nhau, tác động qua lại lẫn nhau cùng hướng vào xây dựng trường THPT chất lượng cao. Thực hiện đồng bộ các biện pháp được đề xuất sẽ xây dựng thành công hệ thống trường THPT chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội (2012), Nghị quyết 05/2012/NQ của ngày 05/04/2012 và Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 về Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục của Thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội (2013), Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2012), Luật Thủ đô 25/2012/QH13 ngày 21/11/2012, Quốc hội 13.
- UBND Thành phố Hà Nội (2013), Về việc ban hành Quy định cụ thể tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục chất lượng cao áp dụng tại một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao, Quyết định số: 20/2013/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 06 năm 2013
- UBND Thành phố Hà Nội (2013), Về việc ban hành quy định về việc bổ sung chương trình giảng dạy nâng cao, ngoài chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông để áp dụng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao (Theo quy định tại điểm b, khoản 5, Điều 12, Luật Thủ đô), Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND, ngày 24 tháng 06 năm 2013.
TS Lê Xuân Trung
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, Hà Nội