Xây dựng quy trình chấm thi vào 10 đảm bảo chất lượng
TCGCVN - Mùa tuyển sinh lớp 10 vừa qua là một hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ cần nhanh chóng xây dựng và ban hành quy trình chấm thi thống nhất để đảm bảo tính công bằng, minh bạch cho các kỳ thi sau.
Các thí sinh thi vào lớp 10 - Ảnh minh họa
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 - 2025 tại Thái Bình đã thu hút sự chú ý lớn từ dư luận do các sai phạm trong khâu tổ chức, đặc biệt là việc hồi phách bài thi tự luận không đúng quy trình. Trong kết luận thanh tra được công bố vào cuối tháng 9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ ra trách nhiệm của ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, dẫn đến việc ông bị cách chức cùng với việc xử lý nghiêm đối với nhiều cán bộ liên quan .
Một vụ việc khác cũng gây xôn xao là trường hợp "thủ khoa trượt lớp 10" ở Thanh Hóa, khi điểm số của học sinh được nhập nhầm dẫn đến kết quả sai lệch và phải dừng học. Những sai phạm này đặt ra câu hỏi về việc làm sao để tránh lặp lại những vấn đề tương tự trong các kỳ thi tuyển sinh tương lai.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến cho dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Dưới góc độ một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm tham gia chấm thi, tôi xin đóng góp một số ý kiến để đảm bảo kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sắp tới diễn ra an toàn, minh bạch và hiệu quả.
Thứ nhất, về yêu cầu đối với giáo viên chấm thi: Dự thảo hiện quy định thành phần hội đồng ra đề, chấm thi và phúc khảo phải là giáo viên "am hiểu Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở". Tuy nhiên, trong thực tế, đội ngũ tham gia chấm thi có cả giáo viên từ trung học cơ sở lẫn trung học phổ thông, và việc yêu cầu giáo viên trung học phổ thông phải "am hiểu chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở" là không thực tế. Chỉ cần giáo viên nắm vững kiến thức chuyên môn bộ môn của mình là đủ để đánh giá chính xác phẩm chất, năng lực của thí sinh qua các đáp án đề ra. Do đó, tôi đề xuất thay đổi cụm từ này thành "giáo viên nắm vững kiến thức chuyên môn" để phù hợp với thực tế hơn.
Thứ hai, về phần mềm chấm thi và phúc khảo: Dự thảo yêu cầu phần mềm chấm thi phải đảm bảo độ chính xác và được nghiệm thu trước khi sử dụng. Để tránh tình trạng sai sót, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ ràng rằng phần mềm chấm thi, phúc khảo phải do Bộ cung cấp cho các địa phương. Bộ có Cục Công nghệ thông tin có khả năng nghiệm thu và đánh giá chất lượng phần mềm này, đảm bảo độ chính xác và tính khoa học, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các địa phương. Quy định này cũng sẽ giúp việc thanh tra, kiểm tra và hỗ trợ địa phương diễn ra thuận lợi hơn.
Thứ ba, quy trình ráp phách và nhập điểm: Mặc dù nhìn bề ngoài, khâu ráp phách và nhập điểm sau khi chấm thi có vẻ đơn giản, nhưng đây chính là mắt xích có thể gây sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh. Vụ việc xảy ra tại Thái Bình và Thanh Hóa là minh chứng cho điều này. Do đó, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy trình chuẩn về làm phách, ráp phách và nhập điểm cho các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên toàn quốc để thống nhất và tránh sai sót.
Những góp ý này nhằm hướng đến việc đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, để các sai phạm không còn tái diễn và các thí sinh có thể yên tâm dự thi trong một môi trường nghiêm túc, an toàn.
Huyền Vy