"Xén tiền thưởng" của VĐV thể dục dụng cụ: Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
TCGCVN - Gần đây, ngành thể thao xảy ra liên tiếp những sự việc không hay. Gần đây nhất, khi nói về lùm xùm "xén tiền thưởng" của VĐV thể dục dụng cụ, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng đó là "những câu chuyện buồn", đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị phải "tổng rà soát mạnh tay".
VĐV Phạm Như Phương, người từng giành 2 HCB và 2 HCĐ ở SEA Games 31 - Ảnh: Mạnh Quân
Gần đây, một loạt các tin tức về những câu chuyện đáng buồn liên quan đến ngành thể thao đã nổ lên. Nhận thấy điều này, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã có những phản ánh về sự việc này. Đó là việc bớt xén bữa ăn, "ăn không đủ no" của VĐV bóng bàn (tháng 10/2023); Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình nợ thuế và lãi chậm nộp 1.000 tỷ đồng, không còn khả năng thanh toán. Mới đây nhất, VĐV thể dục dụng cụ liên tiếp "tố" bị cắt xén tiền thưởng, kê khống ngày công…
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ảnh: Phạm Thắng
Bàn về các sự việc nêu trên, ông Hoà nói: "Tôi cho rằng không chỉ hôm nay, mà thời gian trước đây có khi cũng đã có chuyện bớt xén đó, chỉ có điều chưa ai phát hiện, chưa ai dám tố cáo mà thôi. Đây thực sự là scandal (vụ bê bối - PV) trong ngành thể dục thể thao".
Vị đại biểu này thẳng thắn nêu ý kiến về việc người đứng đầu Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở, chỉ đạo thanh tra toàn bộ hoạt động thể dục thể thao, bởi đây là một trong những ngành lớn mạnh giúp Việt Nam bước lên trên trường quốc tế.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này cũng được Quốc hội phê duyệt rất lớn, mà lại có chuyện vào "túi riêng" của một cá nhân, nhóm người hoặc một bộ phận, tổ chức là điều cần phê bình và bị xử lý nghiêm.
Những lùm xùm thời gian gần đây đều là những hành động, cư xử không thể nào chấp nhận được, dù không đáng là bao nhiêu nhưng tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh, trả lời công luận rõ ràng và trả lại hoạt động thể dục thể thao của Việt Nam lành mạnh, trong sáng hơn", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Đánh giá các sự việc xảy ra, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Uỷ viên chuyên tránh Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đánh giá những ồn ào đó xảy ra vào thời điểm giáp Tết thật không hay. "Nếu những phản ánh của báo chí đều là sự thật thì rất đáng lên án. Chúng ta đang hướng tới nền thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao mà xảy ra sự việc như thế thì rất không ổn về mặt pháp luật và đạo đức. Cách làm đó diễn ra sẽ tác động tới chất lượng đào tạo, huấn luyện, tâm lý của VĐV, ảnh hưởng tới hình ảnh của nền thể thao rất cần nhân văn", ông Trịnh Xuân An phân tích.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - Ảnh: Phạm Thắng
"Về mặt chỉ đạo, tôi cho rằng Bộ trưởng đã có ý kiến cụ thể rồi, cần phải có biện pháp thật mạnh tay để xử lý triệt để vụ việc này. Hơn nữa, phải nhìn nhận xem tại sao vụ việc xảy ra như vậy có tính hệ thống hay không, bởi không chỉ với thể dục dụng cụ mà trước đó còn xảy ra với VĐV bóng bàn trẻ. Liệu có đích thực phải đợi tới khi VĐV có tố giác, báo chí phản ánh thì mới biết được?", ông An băn khoăn.
Từ đó, vị đại biểu Quốc hội này đề nghị cần phải có cuộc "tổng rà soát mạnh tay" để làm sạch hệ thống đào tạo VĐV, hướng tới nền thể thao phát triển đúng với các chỉ tiêu đặt ra. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng phải có hệ thống các quy định công khai, rành mạch về tiêu chí, định mức, tiền thưởng; có sự đầu tư thích đáng nhằm hướng tới thể thao thành tích cao.
Ngay sau sự việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã yêu cầu Cục Thể dục thể thao chấn chỉnh công tác tập huấn các đội tuyển, đội tuyển trẻ quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến công tác huấn luyện, chế độ chính sách của đội tuyển thể dục dụng cụ nữ quốc gia; xử lý nghiêm theo quy định nếu phát hiện có sai phạm.
Bùi Bình