Viện Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Giáo dục: Nghiên cứu thực tế giáo dục nghề nghiệp
Năm 2023, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giao nhiệm vụ nghiên cứu đề tài tư vấn, phản biện và giám định xã hội, với chủ đế “Tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay: Những khó khăn, bất cập và giải pháp khắc phục”. Thực hiện kế hoạch nghiên cứu đề tài, vừa qua Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục đã cử đoàn cán bộ khoa học đi nghiên cứu thực tế giáo dục nghề nghiệp ở các thành phố và khu công nghiệp trọng điểm trên toàn quốc. Mục đích nhằm điều tra, khảo sát phát hiện những khó khăn, bất cập trong thực tiễn GDNN hiện nay.
PGS.TS Trần Đình Tuấn – Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn
Đoàn công tác nghiên cứu thực tế do PGS.TS Trần Đình Tuấn – Chủ nhiệm đề tài làm trưởng đoàn. Cùng tham gia đoàn có TS Nguyễn Phú Tuấn, ThS Ngô Quang Binh. Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có ThS Đặng Văn Sự - Trưởng phòng GDNN Sở Lao động-Thương binh &Xã hội cùng tham gia. Đoàn nghiên cứu thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội do TS Ngô Thị Hằng – Thư ký đề tài chủ trì tổ chức thực hiện. Đoàn công tác nghiên cứu thực tế đã làm việc với 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 1 doanh nghiệp. Mỗi đơn vị là một mô hình khác nhau về đào tạo nghề.
Tại các đơn vị đoàn đến công tác đều có sự phối hợp và tạo điều kiện tốt cho các hoạt động nghiên cứu. Quy trình làm việc đã được thông báo trước bằng công văn của Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục gửi qua Sở Lao động – Thương binh & Xã hội hoặc gửi trực tiếp tới các đơn vị. Đoàn công tác được nghe lãnh đạo đơn vị và các cán bộ đầu mối của từng đơn vị báo cáo tóm tắt về đơn vị mình, nêu ra những khó khăn, bất cập trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp của đơn vị đang gặp phải. Các thành viên trong đoàn công tác đã trao đổi, tọa đàm, phỏng vấn một số cán bộ, giáo viên về các nội dung liên quan. Đoàn công tác đã phát phiếu điều tra, khảo sát thực trạng cho cán bộ quản lý, giáo viên và phiếu cho học viên của các nhà trường. Tiếp đó, đoàn công tác đã đi thăm quan thực tiễn hoạt động giáo dục đào tạo ở các đơn vị, thăm quan cơ sở vật chất, trang thiết bị và trực tiếp tiếp xúc với giáo viên, học viên của các ngành nghề đào tạo.
Một số hình ảnh Đoàn công tác làm việc tại các cơ sở GDNN
Buổi sáng ngày 9 tháng 5, Đoàn công tác làm việc tại Trường Trung cấp KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh. Địa chỉ số 502, Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP HCM. Đây là trường công lập có truyền thống lâu năm. Mục tiêu của trường là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước trình độ trung cấp, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên. Tại đây, Đoàn công tác đã được nghe đại diện Ban Giám hiệu nhà trường báo cáo về tình hình chung của nhà trường, được nghe ý kiến trao đổi của cán bộ, giáo viên về những khó khăn, bất cập trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Theo sự hướng dẫn của cán bộ nhà trường, Đoàn công tác đã lần lượt đi tham quan các lớp học, trao đổi với các học viên về những vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban Giám hiệu
Trường Trung cấp KT-KT Nguyễn Hữu Cảnh
Buổi chiều ngày 9 tháng 5, Đoàn công tác làm việc tại Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM. Địa chỉ số 802/1-3-5 Nguyễn Văn Quả, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP HCM. Trường được thành lập năm 2007, đây là trường trung cấp tư thục. Tổ chức biên chế của trường gọn nhẹ, coi trọng hiệu quả. Tại đây, Đoàn công tác đã được nghe đại diện Ban Giám hiệu nhà trường báo cáo về tình hình chung của nhà trường, được nghe ý kiến trao đổi của cán bộ, giáo viên về những khó khăn, bất cập trong giáo dục nghề nghiệp của trường tư thục hiện nay. Trong đó nhấn mạnh cần phải có chính sách đồng bộ, tạo điều kiện cho nhà trường mở rộng cơ sở hạ tầng. Theo sự hướng dẫn của cán bộ nhà trường, Đoàn công tác đã lần lượt đi tham quan các lớp học, trao đổi với các học viên về những vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giáo viên
Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM
Buổi sáng ngày 10 tháng 5, Đoàn công tác làm việc tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM. Địa chỉ số 390, Hoàng Văn Thụ, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM. Trường được thành lập từ năm 1971, là một trong những trường công lập chất lượng cao có uy tín đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước. Hiện nay Nhà trường đào tạo 43 ngành bậc Cao đẳng, 43 ngành bậc Trung cấp với các nhóm ngành: Điện – Điện tử , Cơ Khí, Động lực, Nhiệt lạnh, Công nghệ thông tin, May – Thời trang, Kinh tế, Tiếng Anh, Xây dựng, Du lịch và Khách sạn. Với đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và chất lượng, nhà trường cam kết mang đến cho người học chất lượng đào tạo với học phí hợp lý. Tổng số cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường hơn 300 người, trong đó, 100% giảng viên đạt và vượt chuẩn về chuyên môn, về nghiệp vụ sư phạm. Chương trình đào tạo của trường , đặc biệt là các ngành đang xây dựng nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực ASEAN và nghề trọng điểm cấp quốc tế liên tục được cập nhật, cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Để hướng tới mục tiêu trở thành Trường Chất lượng cao của Quốc gia và đạt chuẩn Asean, nhiều năm qua, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Tp.HCM đã tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các đơn vị, tổ chức đến từ các quốc gia phát triển như: ký kết, thỏa thuận về hợp tác đào tạo, chuyển giao chương trình… nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển đội ngũ, mở rộng hoạt động nghiên cứu, tạo cơ hội cho giảng viên cập nhật các kiến thức và công nghệ mới. Sinh viên được học liên thông tại các trường Đại học, Cao đẳng tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Qua trao đổi với Ban Giám hiệu và cán bộ, giáo viên của nhà trường về những khó khăn, bất cập trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay, đã có nhiều ý kiến phát biểu rất thẳng thắn. Trong đó, một số ý kiến của giáo viên cho rằng có những quy định không hợp lý về các chứng chỉ nghề nghiệp đối với giáo viên. Có những chứng chỉ không dùng đến nhưng vẫn phải học. Theo sự hướng dẫn của cán bộ nhà trường, Đoàn công tác đã đi thăm quan các lớp học, trao đổi với các học viên về những vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Đa số học viên tỏ ra hào ừng trong học tập.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện Ban Giám hiệu
Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM
Đoàn công tác làm việc với khoa Điện – Điện tử
Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM
Buổi chiều ngày 10 tháng 5, Đoàn công tác làm việc tại Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn. Địa chỉ số 347A, Nguyễn Thượng Hiền, phường 11, quận 10, TP HCM. Đây là trường cao đẳng tư thục được thành lập từ năm 1991 với hơn 30 năm đào tạo trong lĩnh vực Du lịch Khách sạn Nhà hàng, là một trong những trường đào tạo ngành du lịch có uy tín tại Việt Nam. Cho đến nay, trường đã đào tạo cho ngành Du Lịch hơn 10.000 các nhà quản lý Du lịch Lữ hành & Khách sạn – Nhà hàng, Hướng dẫn viên du lịch quốc tế (Anh, Hoa, Pháp, Nhật, Đức …) và nội địa. Nhiều thế hệ cựu học viên của trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn hiện nay đã và đang thành công rực rỡ trong sự nghiệp hoạt động du lịch của mình. Với đội ngũ hơn 400 anh chị đang giữ các chức vụ trong các Công ty du lịch lữ hành và Khách sạn nhà hàng chính là cầu nối tuyển dụng cho học viên của trường sau khi tốt nghiệp ra trường. Qua trao đổi với Ban Giám hiệu và cán bộ, giáo viên của nhà trường về những khó khăn, bất cập trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay, đã có nhiều ý kiến cho rằng, những quy định hiên hành đòi hỏi giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm nghề là không phù hợp. Điều đó đã cản trở việc huy động các giám đốc công ty Du Lịch, Khách sạn – Nhà hàng tham gia giảng dạy cho chọc viên.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ, giáo viên và học viên
Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn
Buổi sáng ngày 11 tháng 5, Đoàn công tác làm việc tại Công ty Cổ phần Hướng nghiệp Á Âu. Địa chỉ số 02-04, khu biệt thự Chu Văn An, phương 26, quận Bình Thạnh, TP HCM. Cô Trà My và cô Xuân Mai thay mặt cho lãnh đạo Công ty đã báo cáo khái quát về tình hình chung của Công ty. Hướng Nghiệp Á Âu được thành lập vào ngày 28/4/2011. Kể từ khi thành lập đến nay, HNAAu không ngừng lớn mạnh và liên tục phát triển không chỉ về quy mô doanh nghiệp mà cả số lượng học viên. Với gần 200,000 học viên theo học và trưởng thành với nghề, từ 1 chi nhánh trong ngày đầu thành lập, tới nay số lượng đã lên tới 19 chi nhánh phủ rộng khắp cả nước tại các thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ, Kiên Giang…Bên cạnh thế mạnh về lĩnh vực F&B, ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu du lịch và quầy ăn uống, Hướng Nghiệp Á Âu còn mở ra các ngành học mới như Digital Marketing, Quản lý sản xuất truyền thông, Chăm sóc sắc đẹp, Âm nhạc… Các lĩnh vực trên không chỉ tạo được sức hút với rất nhiều người mà còn có nhu cầu tuyển dụng lớn.
Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện
Công ty Cổ phần Hướng nghiệp Á Âu.
Buổi chiều ngày 11 và sáng 12 tháng 5, Đoàn công tác làm việc tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi. Địa chỉ số 1, đường 6A, KCN Biên Hòa II Biên Hòa, Đồng Nai. Trường được thành lập vào ngày 1/6/2005 theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ giảng viên của trường có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, giảng viên ngành khoa Công nghệ May và Giày đều được tu nghiệp chuyên sâu ở Pháp. Trường có diện tích 21 ha, nhà ở, phòng học được thiết kế và xây dựng cơ bản, hiện đại. Trường có xưởng thực hành May – Giày, phòng thực hành Nhà hàng khách sạn, sân bóng đá – bóng chuyền, phòng giải trí,…Mục tiêu của trường nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng và tay nghề vững chắc, biết tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học gắn kết với doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp mũi nhọn. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ thích ứng nhanh với công việc thực tế, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Đến nay, Trường Cao đẳng Công nghệ & Quản trị Sonadezi đã đào tạo hơn 5000 cử nhân cao đẳng đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong Tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, đã liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ với các tổ chức giáo dục uy tín của Việt Nam và nước ngoài.
PGS.TS Trần Đình Tuấn trao giấy mời tham gia hội thảo khoa học cho TS Nguyễn Tiến Mạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi
Phỏng vấn bà Chu Thị Thư, nguyên Hiệu trưởng đầu tiên của
Trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi
Qua nghiên cứu thực tiễn ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và khu công nghiệp Biên Hòa, Đồng Nai cho thấy, nhìn chung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đang tồn tại những khó khăn, bất cập cả ở cấp vĩ mô và cấp vi mô. Từ sự thiếu đồng bộ của chủ trương, chính sách, thiếu sự phối hợp về phương thức tổ chức quản lý giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đến các vấn đè bất cập trong chiêu sinh đầu vào, quá trình đào tạo, nội dung, chương trình, phương pháp hình thức tổ chức đào tạo và đầu ra. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, tìm ra giải pháp tháo gỡ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển tốt hơn.
Trần Đình Tuấn – Ngô Quang Binh