TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM 1945 MỞ RA KỶ NGUYÊN MỚI CHO DÂN TỘC VIỆT NAM
Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam long trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã hội tụ và tỏa sáng truyền thống mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử phong trào đấu tranh của các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới, vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc
Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
Thực tiễn không phải quốc gia nào trên thế giới sau khi tiến hành cách mạng lật đổ chế độ xã hội cũ và lập nên chính quyền nhà nước mới cũng có được bản Tuyên ngôn độc lập. Tiếp theo Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, thì bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo, trở thành một áng hùng văn lập quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.
Ngay phần mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn nội dung tinh túy của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Người còn trân trọng viện dẫn lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của nước Pháp, đó là: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được. Việc trân trọng viện dẫn những tinh hoa cuộc cách mạng tiêu biểu của nước Pháp và nước Mỹ để mở đầu cho Tuyên ngôn lập quốc của nước mình, vừa thể hiện nét độc đáo, sáng tạo, đầy tính nhân văn cao cả và cử chỉ ngoại giao rất tinh tế, sắc bén của chủ nhân một quốc gia độc lập, nhưng cũng vừa mang tính chủ động tiến công cách mạng của một lãnh tụ có tầm nhìn chiến lược trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, quân sự...
Với tầm nhìn chiến lược về ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam tuyên bố mong muốn làm bạn với các quốc gia, dân tộc, các tổ chức quốc tế, trong đó có nước Cộng hòa Pháp và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Điều đó càng sáng ngời tư tưởng đại nghĩa, lòng khoan dung cao cả của chủ nhân một quốc gia có truyền thống hàng nghìn năm văn hiến vừa mới giành được độc lập
Thực tiễn trong hơn 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, Người đã thấu hiểu tận tim gan bản chất bóc lột dã man, tàn bạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Ngay cả khi đã vạch rõ tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ Việt Nam, chúng “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”; rồi trong vòng 5 năm chúng lại “bán” nước ta cho phát xít Nhật, gây cho nhân dân ta thảm cảnh “một cổ hai tròng” với hơn hai triệu người dân bị chết đói. Song đến khi thực dân Pháp thất thế và rút chạy, nhân dân Việt Nam vẫn độ lượng khoan hồng, giang tay cứu giúp cho nhiều người Pháp và tài sản của họ thoát khỏi bàn tay tàn bạo, đê hèn của phát xít Nhật lúc đó.
Nhân dân nước Mỹ rất tự hào về Tô-mát Giép-phơ-xơn, người đã khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Niềm tự hào đó càng được đề cao khi trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam mới lại được mở đầu bằng chính những nội dung tinh túy nhất trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, đúng vào thời điểm quân Đồng minh vừa chiến thắng phe phát xít. Sự thật lịch sử đó không có cớ gì mà Chính phủ Mỹ đương thời lại bỏ qua cử chỉ đặc biệt thân thiện của nhân dân Việt Nam. Nhưng điều còn thú vị hơn là trực tiếp vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam đã cho L.A Pát-ti, đại diện của quân đội Mỹ ở Hà Nội khi đó được xem trước bản Tuyên ngôn độc lập mà Người sẽ đọc tại cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội, khiến cho chính viên thiếu tá tình báo này thú thực rằng “không còn tin ở tai mình nữa”. Sau hơn ba thập kỷ với biết bao chính biến thăng trầm của lịch sử, ngài L.A Pat-ti đã tự thuật lại sự kiện trên rất sinh động, hấp dẫn và nghiêm túc trong tác phẩm Why Viet Nam? (Tại sao Việt Nam?). Rõ ràng, ngay trong thời kỳ đầu lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động đặt nền móng mối quan hệ ngoại giao thân thiện giữa Việt Nam với Chính phủ và nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nước Mỹ và nước Pháp. Thế nhưng, cơ hội lịch sử đó đã bị chính phủ đương thời ở nước Mỹ và nước Pháp bỏ qua, đúng vào thời điểm nhân dân Việt Nam sát cánh cùng phe Đồng minh để đấu tranh loại trừ chủ nghĩa phát xít tàn bạo trên thế giới.
Như vậy, xét trên nhiều phương diện, có thể khẳng định bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 là sự kết tinh tâm huyết của dân tộc Việt Nam trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước; thể hiện truyền thống, khí phách quật cường, bản lĩnh và ý chí quyết tâm sắt đá trong đấu tranh để giành và giữ vững nền độc lập, tự do của dân tộc. Nhưng ngay tại thời điểm có tính chất bước ngoặt của dân tộc Việt Nam, các thế lực thực dân, đế quốc lại đang có những toan tính mới hòng xóa bỏ mọi thành quả cách mạng của nước ta mới giành được. Chúng núp dưới danh nghĩa phe Đồng minh chiến thắng phát xít để âm mưu áp đặt các nước thuộc địa ở Á châu dưới chế độ “Uỷ trị quốc tế”, trực thuộc vào nước Mỹ hay nước Pháp. Tổng thống Cộng hòa Pháp De Gaulle lấy tư cách một nước thuộc phe Đồng minh, mưu toan tiếp tục nắm giữ toàn vẹn đất đai ở hải ngoại đã từng thuộc Pháp trước chiến tranh. Thực dân Pháp vẫn không chịu từ bỏ âm mưu biến nước ta thành thuộc địa vĩnh viễn của chúng. Lúc này, đế quốc Mỹ cũng đang thừa cơ lăm le tìm mọi thủ đoạn để nhẩy vào độc chiếm Đông Dương, xâm chiếm đất nước ta. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ đối tượng kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của cách mạng Việt Nam, của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới.
Nếu như trong hơn 30 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lên án đối tượng kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp, với bản “Yêu sách 8 điểm” nổi tiếng, gửi Hội nghị Véc-xây vào đầu năm 1919; hay “Bản án chế độ thực dân Pháp” năm 1925..., thì nay, trước tình hình thế giới và trong nước phát triển rất mau lẹ, bằng sự nhạy cảm về chính trị và tầm nhìn chiến lược sâu rộng, Người đã phân tích và nhận rõ nguy cơ nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước sự đe dọa từ đối tượng kẻ thù mới là đế quốc Mỹ. Người đã tìm mọi cách để phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ từng đối tượng, kể cả long trọng khởi đầu bản Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam bằng sự viện dẫn nội dung bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ.
Trên cơ sở pháp lý và chính nghĩa, Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã trở thành một văn kiện mẫu mực về nghệ thuật phân hóa, cô lập kẻ thù để nhằm loại bỏ từng kẻ thù nguy hiểm của cách mạng. Đứng trước dã tâm xâm lược trở lại nước ta của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lột rõ bộ mặt “bảo hộ” giả nhân, giả nghĩa, núp dưới bóng cờ quân Đồng minh của thực dân Pháp. Bằng những lập luận đanh thép và vững chắc, Người đã chỉ cho toàn thế giới thấy rõ một thực tế lịch sử là: Từ mùa thu năm 1940, thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, dâng nước ta cho phát xít Nhật. Cho nên, sự thật cũng từ đó Việt Nam đã trở thành thuộc địa của Nhật. Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo toàn dân đứng lên đấu tranh để giành lại đất nước từ phát xít Nhật. Do đó, cơ sở pháp lý về sự tồn tại quyền lợi của thực dân Pháp ở Việt Nam cũng như trên toàn Đông Dương không còn nữa. Theo các Hiệp nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn nêu rõ: Nếu các nước Đồng minh đã công nhận quyền dân tộc tự quyết của các nước bị phát xít chiếm đóng, thì “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Những lập luận dựa trên cơ sở pháp lý quốc tế và rất đanh thép đã đặt cả chủ nghĩa thực dân cũ và mới vào tư thế của những kẻ can thiệp và xâm lược, nếu chúng dã tâm núp dưới bóng cờ của quân Đồng minh để quyết thôn tính nước ta. Vì vậy, bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xác định rõ đối tượng cần tranh thủ, cần phân hóa; đồng thời thể hiện tính chủ động, linh hoạt, cần kíp trong tiến công cách mạng của Đảng ta ở thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt.
Như vậy, sau khi đất nước giành được độc lập, cách mạng Việt Nam phải liên tục đương đầu với đủ loại thù trong, giặc ngoài, có những thời điểm vận mệnh cách mạng như “ngàn cân treo sợi tóc”. Nếu chỉ cần một nước cờ sai thì mọi thành quả của Cách mạng Tháng Tám 1945 có thể bị chôn vùi. Nhưng với tinh thần và ý chí của toàn dân tộc được hội tụ trong lời tuyên bố đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”, Đảng ta đã sáng suốt, mưu lược, bình tĩnh chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, giành được nhiều thắng lợi to lớn.
Trong hành trình 79 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, nước ta phải tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1945-1954) chống thực dân Pháp xâm lược mới làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Sau hơn 20 năm thực hiện phương châm chiến lược của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” (1954-1975), nhân dân ta đã làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối, mở ra kỷ nguyên mới đưa cả nước tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trải qua gần 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo và kém phát triển sau chiến tranh, đến nay nền kinh tế nước ta đã có sự tăng trưởng khá nhanh và bền vững. Nếu như trước thời kỳ đổi mới, nước ta hằng năm phải nhập hàng chục tấn lương thực, thì nay đã trở thành một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo; một số loại hàng hóa nông sản cũng chiếm vị trí đầu về xuất khẩu. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả tích cực. An sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Trong tiến trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đảng ta chủ trương đổi mới tư duy, thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước; đồng thời, tham gia tích cực vào Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ và tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược/đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (6/2014), qua đó khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cùng với đó, khung khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với các nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả; vị thế, uy tín, tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường…
Những thành tựu của đất nước đạt được trong gần 40 năm đổi mới đã tạo thế và lực cho cách mạng nước ta mạnh lên rất nhiều. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Thực tiễn sinh động đó của đất nước là biểu hiện sự kết tinh và tỏa sáng truyền thống và sức mạnh Việt Nam được hội tụ trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945, truyền thống văn hóa dựng nước và giữ nước Việt Nam trong thời đại mới.
Đã 79 năm trôi qua, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử hôm nay vẫn như còn âm vang lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Lời hiệu triệu của Người vẫn đang thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, với tất cả những đồng bào Việt Nam đang làm ăn sinh sống, công tác và học tập ở nước ngoài, không phân biệt người có tín ngưỡng, tôn giáo hay không theo tín ngưỡng, tôn giáo nào, ở miền ngược cũng như miền xuôi, hãy luôn đồng lòng, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm thực hiện khát vọng vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững lòng tin vào thắng lợi công cuộc đổi mới trên đất nước Việt Nam thân yêu./.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Thắng
Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển Giáo dục