TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NGHỀ GIÁO VÀ SỰ VẬN DỤNG TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO QUÂN ĐỘI HIỆN NAY
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa kiệt xuất, đồng thời là một nhà tư tưởng, nhà giáo lỗi lạc. Người không chỉ trực tiếp giác ngộ, giáo dục, đào tạo những hạt nhân nòng cốt cho Đảng và cách mạng Việt Nam, mà còn mở ra cho dân tộc ta một nền giáo dục mới - nền giáo dục tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục là một lĩnh vực chủ yếu của văn hóa, mà văn hóa cùng với chính trị, kinh tế, xã hội là bốn lĩnh vực quan trọng ngang nhau và tất cả đều chịu sự chi phối của chính trị. Vì vậy, cùng với quá trình đấu tranh chính trị, Người đã trở thành nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam và một trong những mục tiêu đấu tranh chính trị của Người là đem lại cho nhân dân Việt Nam quyền được học hành.
Bác Hồ thăm lớp Bình dân học vụ (Ảnh tư liệu)
Từ năm 1919, trong bản “Yêu sách tám điểm” của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc và nhóm người Việt Nam yêu nước gửi Nghị viện Pháp và các đoàn đại biểu dự Hội nghị Véc-xây, tại điểm thứ sáu đã nêu rõ “Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ” [1, tr.440]. Xuyên suốt quá trình hoạt động cách mạng, giáo dục là lĩnh vực được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, có giáo dục mới giác ngộ được tinh thần cách mạng của quần chúng, mới phát huy được sức mạnh của nhân tố con người trong cải tạo thế giới. Do đó, sau khi nước nhà giành được độc lập, Hồ Chí Minh đã cùng với Đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một nền giáo dục thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc tạo lập yếu tố nền tảng cho mỗi con người, đó là đạo đức. Người đã nhấn mạnh: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, Phần nhiều do giáo dục mà nên” [2, tr.413].
Hồ Chí Minh đề cập đến giáo dục ở nhiều khía cạnh, trong đó nhấn mạnh đến nghề giáo, mà người làm nghề là nhà giáo - những người có vai trò quan trọng, quyết định đến giáo dục. Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề giáo thể hiện ở những quan điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, nghề giáo là nghề cao quý, vẻ vang - nghề “trồng người”.
Hồ Chí Minh từng khẳng định: “nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang” [3, tr.403], nghề “trồng người”. Tầm quan trọng của sự nghiệp trồng người được Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” [4, tr.528]. Tư tưởng trên đã được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quán triệt và tiếp tục phát triển với quan điểm nổi tiếng: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Sự cao quý của nghề giáo biểu hiện ở mục tiêu của nghề và ý nghĩa xã hội mà nghề mang lại, đó là đào tạo ra các thế hệ con người “vừa hồng”, “vừa chuyên”, “đào tạo những người kế tục sự nghiệp cách mạng to lớn của Đảng và Nhân dân ta...” [5, tr.508]. Khác với những nghề khác ở chỗ, nghề giáo không trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất, nhưng lại có liên quan mật thiết đến quá trình ổn định và tạo ra của cải vật chất cho xã hội; đó là tạo ra những lớp người làm ra của cải vật chất cho xã hội. Nếu nghề đó được thực hiện tốt, đúng đường lối giáo dục, đào tạo của Đảng, sẽ tạo ra lớp người có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực hoạt động thực tiễn chất lượng cao, thúc đẩy xã hội phát triển và ngược lại. Khi nghề giáo được quan tâm, đội ngũ giáo viên phát triển, đảm bảo cơ cấu, có chất lượng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Vì thế, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ, thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hóa” [6,tr.378].
Theo Hồ Chí Minh, người làm nghề giáo là người vinh dự nhất, mang trọng trách cao, được xã hội tôn vinh và cần có sự quan tâm, ưu tiên đặc biệt từ xã hội. Người cho rằng: “Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được?” [7, tr.403].
Thứ hai, nghề giáo đặt ra yêu cầu cao về sự tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương con người và tính mô phạm.
Người làm nghề giáo, với vị thế xã hội vốn có, thực hiện nhiệm vụ vinh quang, nhưng chỉ có thể làm tốt trên cơ sở sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, tình yêu đất nước thực sự. Theo đó, Hồ Chí Minh yêu cầu, người thầy giáo phải phấn đấu hết mình để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Theo Người: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý” [8, tr.378]. Trong nghề giáo, người thầy phải có đạo đức cách mạng, đạo đức của nghề trồng người, nổi lên là: Phải luôn yêu ngành, yêu nghề, yêu thương con người, yêu thương học trò. Hồ Chí Minh cho rằng: yêu nghề xuất phát từ tình cảm yêu thương con người, yêu thương nhân loại và “Phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình, không nên phân biệt bỉ thử các cháu vùng này hay các cháu vùng khác. Cháu nào cũng là con em đại gia đình ta” [9, tr.499].
Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, “Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu” [10, tr.269]. Một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Ngược lại một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo. Theo Hồ Chí Minh: “Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ, vì vậy sự học tập ở nhà trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên và tương lai của thanh niên là tương lai của nước nhà” [11, tr.120].
Thứ ba, nghề giáo đòi hỏi cao về phẩm chất đạo đức và tri thức để giáo viên hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình.
Phẩm chất nhân cách, đạo đức là yếu tố rất quan trọng cần có của nhà giáo, có tác động và ảnh hưởng to lớn đến phẩm chất nhân cách người học. Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng” [12, tr.345] và đã là giáo viên thì “phải thật thà yêu nghề” [13, tr.402].
Làm nghề giáo, đi giáo dục con em nhân dân, tất yếu ngoài phẩm chất đạo đức, phải có trình độ, chuyên môn theo từng môn đảm nhiệm. Nhưng chuyên môn đó không phải tự nhiên mà có, cũng không phải “có” một lần là xong, mà phải thường xuyên, kiên trì học tập để không ngừng nâng cao. Người nhắc nhở: "Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ. Chớ tự túc, tự mãn, cho là giỏi rồi thì dừng lại. Mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, mình tự đào thải trước. Cho nên phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo tư tưởng của mình, cải tạo con em và giúp vào việc cải tạo xã hội” [14, tr.266]. Do đó, Hồ Chí Minh căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kĩ thuật” [15, tr.507].
Về nghề giáo, Hồ Chí Minh còn nhiều lần khẳng định, người giáo viên phải luôn thực hành dân chủ, thật thà đoàn kết, đề cao tự phê bình và phê bình. Người cho rằng: “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, cần phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò...” [5, tr.508] 5; “Thầy và trò thật thà đoàn kết và dùng cách dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình) để giúp nhau tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi” [6, tr.400].
Bác Hồ với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Chính trị Trung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 25-10-1951. Ảnh Tư liệu
Một là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề cho đội ngũ nhà giáo Quân đội.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục không chỉ để thực hiện quyền con người, mà giáo dục còn là giải pháp quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng chính trị. Theo đó, đội ngũ nhà giáo Quân đội phải có nhận thức chính trị đúng đắn, lập trường tư tưởng vững vàng, nắm vững lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội nói chung và các nhà trường Quân đội nói riêng. Do vậy, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về tình hình chính trị quốc tế, khu vực và trong nước; mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của các nhà trường, nhiệm vụ của giảng viên. Coi trọng “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội” [6, tr.136] cho đội ngũ nhà giáo Quân đội.
Trên cơ sở đó, mỗi nhà giáo nêu cao tinh thần tự giác, tự tu dưỡng phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề, luôn có ý thức nuôi dưỡng, phát triển khát vọng, sự đam mê, tâm huyết, yêu ngành, yêu nghề, tất cả vì học viên thân yêu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp giáo dục, đào tạo trong Quân đội giai đoạn mới. Nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối quan điểm của Đảng cho đội ngũ nhà giáo Quân đội cần thường xuyên đổi mới, bám sát đối tượng giảng viên, giáo viên ở từng nhà trường, theo từng chuyên môn, chuyên ngành cụ thể. Qua đó giữ vững, tăng cường bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, nâng cao trách nhiệm của nhà giáo Quân đội với nhiệm vụ của các nhà trường, với Tổ quốc và nhân dân. Mỗi nhà giáo Quân đội phải thực sự là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, về năng lực sư phạm để truyền tri thức, truyền cảm hứng cho người học phấn đấu tự học tập, rèn luyện chiếm lĩnh tri thức khoa học.
Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Quân đội cả về phẩm chất đạo đức, năng lực và kỹ năng sư phạm.
Quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa đức và tài, trong đó đức là gốc, tài là quan trọng. Người chỉ rõ: “Có tài mà không có đức… thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người” [17, tr.399]. Do vậy, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo Quân đội cả về phẩm chất đạo đức và kỹ năng sư phạm là nội dung cơ bản, quan trọng hàng đầu. Theo đó, các nhà trường phải đặc biệt chú trọng rèn luyện, phát triển đạo đức nghề nghiệp, làm cho giảng viên ở các nhà trường Quân đội nhận thức thức rõ vị thế xã hội, vai trò, trách nhiệm của bản thân với sự nghiệp giáo dục, đào tạo, tích cực tu dưỡng phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, thực sự mẫu mực, là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống để học viên học tập, noi theo.
Các nhà trường Quân đội cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để đội ngũ nhà giáo có kiến thức cơ bản, toàn diện, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, phương pháp, tác phong công tác khoa học, sử dụng thành thạo ngoại ngữ, tin học,… Có tình yêu nghề, yêu thương con người, tin vào khả năng của con người, nhất là khả năng hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Cùng với sự quan tâm đào tạo, bồi dưỡng của lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường, mỗi nhà giáo Quân đội cần tích cực, chủ động phấn đấu tự học tập, rèn luyện, tự đặt ra yêu cầu cao cho bản thân, yêu mến, gắn bó với nghề, ra sức phấn đấu vì mục tiêu giáo dục, đào tạo nguồn lực có chất lượng cho sự nghiệp xây dựng quân đội và phát triển đất nước.
Ba là, thường xuyên quan tâm thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo Quân đội và tạo môi trường thuận lợi để mỗi nhà giáo tự học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực.
Các ban, bộ, ngành có liên quan cần có chính sách thu hút, khuyến khích, đãi ngộ thỏa đáng, giúp đội ngũ nhà giáo Quân đội an tâm, phấn đấu, rèn luyện, cống hiến vì nghề. Các chính sách đó cần được cụ thể, kịp thời, sát với đặc thù Quân đội, bảo đảm hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ, giữa quyền lợi và nghĩa vụ, qua đó hiện thực hóa chủ trương của Đảng “cải thiện mức sống, nâng cao trình độ và chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý” [18, tr.139].
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc xây dựng môi trường văn hóa sư phạm, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi nhà giáo tu dưỡng, học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đây là nội dung quan trọng đã được Hồ Chí Minh chỉ rõ, đó là môi trường “thầy ra thầy, trò ra trò”, phải thực hành đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau… Vì vậy, các nhà trường Quân đội cần xây dựng bầu không khí tích cực ở các cơ quan, khoa giáo viên, thực hiện dân chủ trên tất cả các phương diện, nhất là dân chủ trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nêu cao tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và trong công việc, thực hiện tốt các quy chế, quy định của các nhà trường và của từng cơ quan, khoa giáo viên; đồng thời, nghiên cứu, quán triệt và thực hiện tốt quy chế văn hóa công sở của Chính Phủ đã ban hành. Quá trình xây dựng môi trường văn hóa sư phạm trong các nhà trường Quân đội luôn đi cùng với đấu tranh chống lại các biểu hiện phản văn hóa, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, suy thoái về đạo đức, lối sống, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển biến” trong nội bộ cơ quan, đơn vị, trong từng cán bộ, giảng viên.
Để xây dựng môi trường văn hóa sư phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà giáo tu dưỡng, rèn luyện, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục với nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa sư phạm, nhất là lãnh đạo, chỉ huy các nhà trường Quân đội; chủ động đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định có liên quan đến đội ngũ giảng viên và học viên; gắn xây dựng môi trường văn hóa sư phạm với các phong trào thi đua xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp và Cuộc vận động Xây dựng môi trường văn hóa trong quân đội; xây dựng chuẩn mực nhân cách nhà giáo Quân đội; chú trọng việc xây dựng và nhân điển hình tiên tiến, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tấm gương nhà giáo Quân đội mẫu mực, tiêu biểu.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghề giáo có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, là cơ sở lý luận quan trọng để các nhà trường nghiên cứu, quán triệt và vận dụng vào xây dựng đội ngũ nhà giáo, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần thực hiện có hiệu quả định hướng của Đảng: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo… phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài” [19, tr.37] trong các nhà trường Quân đội hiện nay và chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”./.
Tài liệu tham khảo
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 440.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 413.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 403.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 528.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 508.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 378.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 403.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 378.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 499.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 269.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 120.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 345.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 402.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 266.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 507, 508.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 400.
- Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 399.
18. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 139.
19. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 37.
Thiếu tướng, PGS,TS ĐẶNG SỸ LỘC
Phó Giám đốc Học viện Chính trị