Triết lý giáo dục về người Thầy giáo trong dòng chảy văn hóa dân gian Việt nam
1. Đặt vấn đề
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chống sự đồng hóa, dân tộc ta, nhân dân ta đã sản sinh ra dòng văn hóa dân gian. Dưới các triều đại phong kiến, nền văn hóa Việt Nam đã phát triển theo hai hướng chính, đó là dòng văn hóa dân gian và dòng văn hóa bác học. Dòng văn hóa dân gian tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng có sức sống khá mãnh liệt, nó góp phần đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, hình thành một dòng văn hóa giáo dục không chính thống tồn tại trong nhân dân. Chính dòng văn hóa giáo dục dân gian đó đã sản sinh ra các quan điểm triết lý giáo dục dân gian mang màu sắc đặc trưng riêng của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển của triết lý giáo dục dân gian đã trở thành quan điểm định hướng cho dòng giáo dục dân gian, góp phần gìn giữ bản sắc con người Việt Nam và đấu tranh chống lại những quan điểm, tư tưởng giáo dục ngoại bang sai trái. Triết lý giáo dục dân gian đã thâm nhập, lan tỏa cả vào nền văn hóa bác học, trở thành môi trường xã hội làm cơ sở nền tảng cho dòng giáo dục chính thống của chế độ xã hội, tác động vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Nhờ có sự phát triển của triết lý giáo dục dân gian mà trải qua hàng nghìn năm bắc thuộc nhưng nền văn hóa Việt Nam vẫn đứng vững, không bị đồng hóa.
Ngày nay, trong xã hội hiện đại, dòng văn hóa giáo dục dân gian đã hòa nhập với dòng văn hóa bác học, triết lý giáo dục dân gian tiếp cận với các quan điểm triết học giáo dục hiện đại, bổ sung cho nhau, phối hợp cùng nhau trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu triết lý giáo dục dân gian về người thày giáo là nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng dân gian trong lịch sử về một thành tố chủ thể quan trọng nhất của quá trình giáo dục. Đây là cơ sở khoa học để mỗi chúng ta hiểu biết rõ hơn về truyền thống “Tôn sư, trọng đạo” của dân tộc, về vai trò, trách nhiệm của người thày giáo trong lịch sử, từ đó có những giải pháp tiếp theo cho sự phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo hiện nay.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Triết lý về vai trò của người thày giáo trong dòng văn hóa dân gian
Tục ngữ có câu: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; có danh, có vọng nhớ thày năm xưa”. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà mỗi chúng ta dường như ai cũng thuộc. Đạo lý đó đã làm nên truyền thống “tôn sư trọng đạo” và trở thành một tư tưởng triết lý giáo dục việt nam.
Từ xưa, nhân dân đã khẳng định vai trò, công ơn của người thày là rất to lớn: "Không thày đố mày làm nên". Bởi vậy trong giáo dục, dạy dỗ con cái, nhân dân ý thức được rằng: "Muốn khôn thì phải có thày; Không thày dạy dỗ đố mày làm nên". Hoặc: "Dốt kia thì phải cậy thày; Vụng kia cậy thợ thì mày làm nên".
Từ nhận thức vai trò quan trọng đó, nhân dân đề cao tình nghĩa giữa thày và trò: "Một chữ nên thày, một ngày nên nghĩa", học trò phải biết kính trọng thày."Nhất tự vi sư; bán tự vi sư". Không chỉ học trò kính trọng thày mà xã hội cũng đặt vai trò của người thày lên vị trí "Tam ngôi". Người thày giáo được đặt sau vua và trên cả cha đẻ. Triết lý trong giáo dục về mối quan hệ Quân – Sư – Phụ đã được dân gian hóa thành câu:
"Vua, thày, cha ấy ba ngôi,
Kính thời như một, trẻ ơi ghi lòng".
Quan điểm Nho gia của người Việt Nam được khái quát như sau:
"Nhân hữu tam ân tình, khả sự như nhất.
Phi phụ bất sinh
Phi sư bất thành
Phi quân bất vinh".
Dịch là:
Con người ta có ba ân tình phải coi trọng như nhau.
Không có cha làm sao ta sinh ra được,
Không có thày làm sao ta thành đạt được,
Không có minh quân (vua sáng) làm sao ta hiển vinh được [1, tr.37].
Chính vì vậy mà đã thành truyền thống trong dân gian về câu thành ngữ mỗi khi tết đến xuân về: "Mồng một tết cha, mồng ba tết thày". Câu thành ngữ đó về sau được phát triển thành: "Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày", với hàm ý là mồng một, mồng hai là ngày báo hiếu cha mẹ, mồng ba là ngày đền đáp công ơn dưỡng dục của thày.
Xã hội đề cao vai trò của người thày nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực của người thày. Người thày giáo có vai trò rất quan trọng, song người thày giáo muốn dạy được học trò, muốn được kính trọng, đề cao thì phải có kiến thức vững vàng. Bởi vậy, nhân dân đặt ra yêu cầu đối với người học nhưng cũng là yêu cầu đối với người thày giáo:
"Muốn sang thì bắc cầu ô,
Muốn làm thày đồ phải học cho hay".
Ngày nay, nhà giáo được vinh danh là kỹ sư tâm hồn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Người thày giáo tốt - thày giáo xứng đáng là thày giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thày giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Người thày luôn tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, là “khuôn vàng, thước ngọc” cho học sinh noi theo.
Được coi trọng như vậy, người thày phải đáp ứng yêu cầu rất cao của xã hội về phẩm chất đạo đức, nhân cách và năng lực. Người thày phải là tấm gương mẫu mực để người học noi theo. Sự gương mẫu của người thày trong thời đại ngày nay không phải chỉ giới hạn về đạo đức nhân cách mà còn ở tài năng trong lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp, trên các mặt hoạt động thực tiễn chính trị, xã hội, thực tiễn cuộc sống hàng ngày. Nhà giáo lão thành Đặng Quốc Bảo đã graph hóa phẩm chất, năng lực của người thày giáo bằng ba đỉnh của một hình tam giác: “Sư đạo” – “Sư đức” – “Sư thuật” để tạo thành “Sư hinh”. Thày giáo thật sự xứng đáng là thày giáo thì phải thường xuyên học tập, rèn luyện
2.2. Triết lý về vai trò của thày giáo thông qua các thành tố của quá trình giáo dục
Việc tìm hiểu triết lý giáo dục Việt Nam qua ca dao, tục ngữ là điều vô cùng quan trọng. Bởi vì triết lý giáo dục đã được người dân chấp nhận, sử dụng trong đời sống hàng ngày và phát huy sức mạnh thực tế của nó. Tìm hiểu kho tàng văn hoá dân gian, nhất là tục ngữ, ca dao, ta thấy rất nhiều vấn đề quan trọng của những lý thuyết, phương châm, nguyên tắc giáo dục được hình thành một cách trọn vẹn và sinh động trong đông đảo quần chúng nhân dân, và mang tính triết lý sâu sắc. Đó là những luận điểm mang tính triết lý đặt ra yêu cầu đối với hoạt động giáo dục của xã hội nói chung và đối với người thày giáo nói riêng.
- Triết lý về mục đích học tập. Người dân Việt Nam thường quan niệm mục đích học là để làm người. Bởi vậy dù khó khăn đến mấy người dân vẫn cố gắng cho con em mình đi học. Học trước hết để làm người, sau mới làm việc đời, giúp nước. Cho nên, mục đích quan trọng hàng đầu mà ông cha ta đã khẳng định là: "Có dăm ba chữ để làm người". Từ khi cha mẹ sinh ra đã là người, nhưng muốn trở thành con người Việt Nam như một nhân cách thì phải qua giáo dục. Triết lý này định hướng cho hoạt động của người thày là dạy học không phải chỉ dạy chữ, mà cái quan trọng là phải dạy người. Trong mối quan hệ giữa tài với đức, nền văn hóa giáo dục Việt Nam từ xưa tới nay luôn đặt vấn đề giáo dục đạo đức lên đầu “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Dưới chế độ phong kiến, đặc biệt dưới sự cai trị của các thế lực ngoại xâm thì thày giáo phải dạy cho trẻ cách làm người Việt Nam, theo chuẩn mực đạo đức của xã hội Việt Nam.
- Triết lý về vị trí, vai trò của việc học. Từ xa xưa, cha ông ta đã khẳng định vai trò của việc học: "Nên thợ nên thày nhờ có học" và rất coi trọng, đề cao chữ thánh hiền: "Một chữ ông thánh bằng một gánh vàng", hoặc: "Một kho vàng không bằng một nang chữ". Thật là sâu sắc khi cha ông ta đã lấy một vật có giá trị nhất (đó là vàng) để so sánh với chữ (kiến thức), và hơn thế nữa, cả "một kho vàng" vẫn "không bằng một nang chữ ". Người có chữ, có kiến thức còn hơn có cả kho vàng. Đề cao vai trò của việc học cũng là đề cao vai trò của người thày giáo và đề cao vai trò của nghề dạy học. Người thày giáo đã góp phần chủ yếu trong việc đào tạo nguồn nhân lực “nên thợ, nên thày”. Đồng thời thông qua đào tạo nguồn nhân lực mà người thày giáo đã góp phần tạo ra sản phẩm cho xã hội.
- Triết lý về nguyên tắc chỉ đạo hoạt động dạy và học. Thể hiện trong thành ngữ quen thuộc: “Tiên học lễ, hậu học văn". Điều này xuất phát từ mục đích đề cao nhân cách con người của nhân dân ta. Trước khi học chữ, học kiến thức, học sinh phải học phép tắc, lễ nghĩa, nhân cách làm người trước, bởi nếu không, việc học sẽ trở thành vô dụng đối với những con người kém đạo đức. Chữ “lễ” được hiểu theo nghĩa rộng là các mối quan hệ xã hội, là những chuẩn mực đạo đức của xã hội được quy định thành phép tắc mà mọi người phải tuân theo. Đây là triết lý về mối quan hệ giữa đức và tài trong giáo dục. Nguyên tắc này thống nhất với triết lý về mục đích giáo dục đã được xác định. Triết lý này định hướng cho hoạt động giáo dục của thày giáo là phải gắn dạy chữ với dạy người, dạy chữ phải hướng vào dạy người “nét chữ là nét người”.
- Triết lý về nội dung giáo dục. Về nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh được khái quát bằng câu “Trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì trinh tiết làm câu dặn dò”. Trung, hiếu là phẩm chất tối thượng của người quân tử, đồng thời cũng là phẩm chất quan trọng đầu tiên của người con trai trong xã hội phong kiến. Trung là trung thành với vua, hiếu là hiếu thảo với cha mẹ. Trung hiếu được thể hiện qua câu “Quân xử thần tử, thần bất tử, bất trung”; “Phụ xử tử vong, tử bất vong, bất hiếu”. Phẩm chất của người con gái là “trinh tiết”, là “Tam tòng, tứ đức”. Tam tòng là “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tứ đức là “công – dung – ngôn – hạnh”. Đó là bốn phẩm chất của người phụ nữ.
Mặc dù nội dung “trung hiếu” và “tam tòng, tứ đức” theo quan niệm của chế độ phong kiến còn nhiều điều phải bàn luận nhưng xét về một khía cạnh tích cực có thể thấy sự phân chia các chuẩn mực giá trị đạo đức theo đối tượng, theo giới tính để giáo dục đã có tác dụng định hướng cho hoạt động giáo dục cả trong dân gian và trong các nhà trường. Giáo dục đạo đức không phải chỉ bằng các bài giảng lý thuyết chung chung qua các bài lên lớp của ông thày mà phải có chuẩn mực đạo đức rõ ràng.
Nội dung về dạy chữ được dân gian đặt ra phải học một cách toàn diện. Quan điểm đó được thâu tóm trong câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Học ăn, học nói theo quan niệm của nhân dân là: "Ăn nên đọi, nói lên lời", "Ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Và dù có đói cũng phải giữ được phẩm chất "Đói cho sạch, rách cho thơm". Lời nói có một ý nghĩa rất quan trọng "Lời nói gói vàng". Bởi vậy, ông cha ta luôn nhắc nhở: "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Khi nói cũng cần phải có mức độ, bởi "Những lời nói lắm dẫu hay cũng nhàm". Học ăn, học nói vừa là dạy chữ là dạy làm người. Học phải biết vận dụng vào cuộc sống thường ngày. Học không chỉ trong sách vở mà phải học trong thực tiễn cuộc sống, sinh hoạt, học trong công việc.
“Học gói, học mở” vừa là học thực hành, học làm việc, vừa là học cách gói lại và mở ra trong các tình huống cụ thể. Học phải biết gói lại kiến thức cơ bản, đồng thời phải biết mở rộng ra các nội dung khác.
Có thể nói, những lời răn dạy trên không qua sách vở, không qua những bài giảng có bài bản trên lớp, nhưng bất cứ ai là con người Việt Nam cũng đều luôn thường trực trong suy nghĩ của mình về cách ăn, cách nói, cách mặc, cách làm…Phải có tính triết lý sâu sắc thì những câu tục ngữ, ca dao ấy mới có sức sống mãnh liệt, trường tồn trong đời sống đến thế. Triết lý về nội dung giáo dục trong dân gian đã định hướng cho người thày giáo về cách lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học.
- Triết lý về phương pháp giáo dục. Từ xa xưa, nhân dân đã hiểu rất rõ rằng, muốn dạy người phải hiểu được tâm lý của con người. Bởi vậy tục ngữ có câu: "Dạy con từ thủa còn thơ". Nghĩa là phải giáo dục trẻ con ngay từ khi đứa trẻ còn thơ dại, non nớt, giống như "Tre non dễ uốn", vì kinh nghiệm cho thấy rằng "Non chẳng uốn, già nổ đốt","Bé không vin, lớn gẫy cành". Đó là triết lý định hướng về phương pháp giáo dục theo lứa tuổi.
Khi giáo dục, dạy bảo con người, phải biết dùng những lời nói ngọt ngào có tình có lý, nhằm thuyết phục người nghe, bởi "Nói ngọt lọt đến xương". Điều đó mang lại hiệu quả cao hơn là sự "thét mắng" hay dùng "roi vọt": "Lọ là thét mắng cặp rèn; Một lời xiết cạnh bằng nghìn roi song"
Việc dạy và học phải thông qua hoạt động thực tiễn trong đời sống. Học theo lối trải nghiệm thực tiễn "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Câu tục ngữ này chẳng những đúc rút kinh nghiệm học tập của người xưa, mà còn khái quát một điều có tính qui luật về hoạt động nhận thức.
Học theo lối trực quan "Trăm nghe không bằng một thấy". Học phải hành, phải làm, phải biết ứng dụng lý thuyết vào thực tế vì "Trăm thấy không bằng một làm", "Trăm hay không bằng tay quen", "Nói hay không tày làm tốt".
Học mọi lúc, mọi nơi, học hỏi không sợ xấu hổ. Trong Luận ngữ, Khổng Tử có viết: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên. Trạch kì thiện giả nhi tòng chi, kì bất thiện giả nhi cải chi”. Câu ấy có nghĩa là: Trong ba người cùng đi đường, nhất định có người mà mình đáng học tập. Hãy lựa chọn ưu điểm của họ để tăng cường học tập, phát hiện ra nhược điểm của họ để loại bỏ, từ đó có thể sửa đổi mình, hoàn thiện nhân cách mình. Tư tưởng đó của Khổng Tử đã được dân gian hóa thành triết lý về phương pháp giáo dục dân gian.
Có thể nói, những quan điểm về phương pháp giáo dục, giảng dạy của nhân dân ta thật là sâu sắc. Nhiều quan điểm đã trở thành phương châm, nguyên lý chỉ đạo nền giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, những vấn đề như trực quan trong dạy học, học gắn với hành dường như vẫn còn nằm trên lý thuyết mà vẫn chưa đi vào thực tiễn dạy học. Tình trạng học chay, học chưa gắn với hành đang là một trong những điểm yếu trong việc đổi mới phương pháp dạy học thời nay.
- Triết lý dân gian về mối quan hệ giữa thày giáo với học sinh và gia đình học sinh. Khổng Tử đã khái quát mối quan hệ thầy trò là “Giáo học tương trưởng”. Nghĩa là, cả người dạy và người học tác động qua lại lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Trong dạy và học thày trò phải cùng nhau cố gắng “Học không biết chán, dạy không biết mỏi". Một quá trình dạy học thật sự khoa học sẽ dẫn dắt hoạt động dạy phối hợp với hoạt động học, gắn kết người dạy với người học.
Về mối quan hệ giữa thầy giáo với cha mẹ học sinh được thể hiện trong câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thày”. Đây như một lời nhắc nhở khi nào cuộc sống còn cần kiến thức, con người còn văn minh thì người thày còn được tôn trọng, đồng thời mong muốn thế hệ sau phải biết gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp này.
3. Kết luận
Thày giáo và hoạt động dạy là một thành tố quan trọng nhất của quá trình dạy học. Từ xưa tới nay, thày giáo luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng. Theo chuẩn mực giá trị đạo đức của người dân Việt Nam đòi hỏi học trò phải tôn kính thày dạy của mình, bởi lẽ nếu cha mẹ cho ta sự sống thì chính các thầy giáo cho ta phương cách sống để làm người tử tế.
Nghiên cứu triết lý giáo dục về người thày giáo trong văn hóa dân gian cho ta thấy vai trò vị trí quan trọng của người giáo viên. Giáo viên là người tác động, điều khiển tất cả các thành tố cấu trúc của quá trình giáo dục, trực tiếp thực hiện mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục. Với lý do đó có thể khẳng định rằng chất lượng giáo dục cao hay thấp phần chủ yếu thuộc về phẩm chất, năng lực của người giáo viên.
Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác. Chính vì vậy, Nhà giáo dục nổi tiếng Comenxki đã khẳng định: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phạm Minh Giản, Đặng Quốc Bảo (2021), Người thày, người cán bộ quản lý giáo dục và những tấm gương sáng người thày trong dòng chảy giáo dục Việt Nam, Nxb Thông tin và truyền thông.
2. Phạm Minh Hạc (2011), Triết lí giáo dục, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội
3. Trần Đình Tuấn (2012), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Nxb. QĐND. HN.
4. Trần Đình Tuấn (2013), Tập bài giảng Triết lí giáo dục, dùng cho đào tạo sau đại học, Học viện Chính trị.
NGƯT. PGS.TS Trần Đình Tuấn - Viện nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục