HỘI NGHỊ GÓP Ý KIẾN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018
Hội nghị do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQVN và UBVHGD Quốc hội khóa XV tổ chức tại Hà Nội, ngày 2/8/2023. Tham dự Hội nghị có GS.TS Nguyễn Thị Doan, Nguyên Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Uỷ banTrung ương MTTQVN, Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm UBVHGD Quốc hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà sư phạm đến từ nhiều cơ quan khoa học, Viện nghiên cứu, Hội Khoa học,… tại Hà Nội.
Để có cơ sở đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp tình hình nhân dân về việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 2022. Báo cáo “Tình hình nhân dân về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 – 2022” nêu những nội dung quan trọng:
- Việc ban hành chính sách, pháp luật và công tác quản lí nhà nước về đổi mới
chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2014 – 2022. Nhân dân đồng tình và ủng hộ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 “về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông”. Đây là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, kịp thời để đổi mới phương pháp, nội dung giáo dục phù hợp với tình hình chung về công tác giáo dục trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với tình hình mới hiện nay; thể chế hóa việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập Quốc tế”. Các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội “về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông” phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về việc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định phê duyệt danh mục SGK dùng trong cơ sở giáo dục và đào tạo nhưng thực tế vào đầu năm học một số trường học đưa danh mục bộ SGK có sự không rõ ràng giữa SGK và tài liệu tham khảo, sách bài tập dẫn đến chi phí mua sách đội lên rất nhiều; tình trạng giá SGK nhiều thời điểm tăng cao, gây khó khăn, lãng phí tiền của nhân dân.
Việc triển khai chương trình, SGK giáo dục phổ thông đang tồn tại việc trong cùng một địa phương có thể lựa chọn giảng dạy các bộ SGK giáo dục phổ thông khác nhau. Điều này sẽ phát sinh những bất cập,..
- Về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
2.1. Việc đáp ứng nội dung đổi mới của Chương trình .
Nhân dân đồng tình và đánh giá cao Chương trình giáo dục phổ thông 2018
đã đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Chương trình được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc, biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời. Việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước được cấp ủy, chính quyền quan tâm tổ chức triển khai thực hiện trong các cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp, đảm bảo đạt mục tiêu giáo dục.
2.2. Mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất
kĩ thuật của nhà trường và khả năng tiếp thu của học sinh. Nhiều ý kiến nhân dân đánh giá cao chương trình giáo dục mới tập trung vào nội dung và phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm. Chương trình này phát huy tính tích cực của người học, giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh. So với chương trình hiện hành, học sinh đã được tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách nhẹ nhàng, giáo viên chủ động, sáng tạo trong dạy học. Học sinh được đánh giá tự tin và tích cực hơn trong quá trình dạy học, đọc thông, viết thạo hơn, đạt được phẩm chất, năng lực cần thiết. Học sinh nắm chắc được các kiến thức cơ bản của từng môn học theo yêu cầu cần đạt; biết vận dụng có hiệu quả các kiến thức đã học, thực hành được các kĩ năng theo yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học. Học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực (năng lực chung, năng lực đặc thù) theo yêu cầu; đa số các em mạnh dạn trong giao tiếp, biết hợp tác với bạn bè để giải quyết vấn đề và có sáng tạo, sống hòa đồng với bạn bè, yêu quý thầy cô và gia đình.
Tuy nhiên, có một số ý kiến băn khoăn ở một số nội dung về chương trình
giáo dục phổ thông: Việc thực hiện chương trình mới còn những bất cập; thiếu giáo viên cục bộ tại một số trường; cơ sở vật chất trường, lớp còn thiếu, xuống cấp, sĩ số học sinh trong một lớp học ở một số thành phố lớn quá đông. Tình trạng giáo viên bỏ nghề giáo dục có xu hướng tăng trong vài năm gần đây,… Việc biên soạn và thực nghiệm Chương trình Giáo dục 2018, nhất là việc triển khai còn nhiều bất cập: Việc lựa chọn nhóm môn học khiến nhiều học sinh bỡ ngỡ và khó lựa chọn môn học phù hợp, đa số sẽ chọn theo cảm tính,…Việc gộp các môn lại với nhau để gọi là tích hợp, rõ nhất là hai môn học Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật gây khó khăn nhiều cho giáo viên giảng dạy và việc tiếp nhận môn học của học sinh. Việc chuyển tiếp trong cách dạy học cho học sinh từ cấp mẫu giáo bước vào lớp 1 bậc Tiểu học gặp khó khăn,…
2.3 Đổi mới phương pháp giáo dục; đổi mới đánh giá chất lượng (thi, kiểm
tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh). Đa số ý kiến cho rằng cách thi, kiểm tra trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 phát huy được tính sáng tạo của học sinh, không phải theo khuôn mẫu, gắn với đời sống hằng ngày. Hình thức kiểm tra đa dạng, giúp học sinh bớt áp lực trong thi cử. Người dân cơ bản đồng tình với cách đánh giá theo chương trình mới, không có xếp loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu, tạo sự tự tin cho các em.
Tuy nhiên, vẫn còn một số giáo viên ở một số trường học tổ chức cho học sinh
làm việc nhóm nhưng cách làm hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình,…Việc đổi mới, đánh giá chất lượng giáo dục ở một số nới còn mang nặng hình thức,…Vẫn còn tình trạng tổ chức nhiều kì thi gây lãng phí tiền của nhà nước và nhân dân.
- Về sách giáo khoa giáo dục phổ thông
3.1. Về nội dung, chất lượng: Có nhiều ý kiến cho rằng, các bộ SGK đã được Bộ
GD&ĐT phê duyệt có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, hình ảnh và chữ đẹp, rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản ánh: Cấu trúc giữa các bài học trong một số SGK chưa đảm bảo đủ các thành phần theo đúng quy định; một số câu hỏi đặt ra chưa rõ ràng và sát với nội dung bài học; một số SGK mắc nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh; một số sách có nội dung chưa phù hợp, chưa mang tính giáo dục, thậm chí gây phản cảm,…
3.2. Về tài liệu giáo dục địa phương: Nhân dân quan tâm và đồng tình với việc
tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn thành các chủ đề, đảm bảo phù hợp với học sinh của mỗi tỉnh, thành phố và phù hợp với từng độ tuổi học sinh từng lớp học, cấp học. Qua đó, nội dung sẽ mang nét đặc trưng, bản sắc con người và vùng đất từng địa phương để hấp dẫn và luôn gợi dẫn các em tiếp tục khám phá nhiều hơn những vẻ đẹp của quê hương, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước cho học sinh.
3.3. Về xã hội hóa biên soạn SGK: Nhiều ý kiến đồng tình việc thực hiện xã hội
hóa biên soạn SGK không sử dụng ngân sách nhà nước, tuy nhiên cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước; quan tâm việc lựa chọn đơn vị có đủ khả năng tham gia xã hội hóa, tránh lợi ích nhóm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lí nghiêm vi phạm,…
3.4. Về giá SGK và in ấn, phát hành SGK:
Người dân băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm
trong việc in ấn, phát hành SGK và giá SGK còn quá cao ảnh hưởng đến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế, nhất là các gia đình ở vùng sâu, vùng xa.
Nhân dân bức xúc trước vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi hạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công Ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam đẩy giá SGK lên quá cao gây khó khan cho nhiều gia đình có con em đang trong độ tuổi đi học, làm bức xúc trong dư luận.
- Về các điều kiện đảm bảo triển khai, thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
4.1. Về đội ngũ nhà giáo: Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, số lượng giáo viên
biên chế ở cấp tiểu học, THPT còn thiếu so với mức quy định, nhất là ở cấp tiểu học. Ở cấp THCS, số lượng giáo viên cơ bản đủ, tuy nhiên còn tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên ở một số bộ môn như thừa giáo viên Toán, Ngữ văn, thiếu giáo viên môn Tin học, Công nghệ, Thể dục, Địa lí. Đối với cấp THPT thiếu giáo viên Âm nhạc và Mĩ thuật, thậm chí có địa phương chưa có giáo viên về 2 môn này. Các cơ sở giáo dục đã lựa chọn đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên và triển khai chương trình giáo dục phổ thông. Việc bố trí, sử dụng giáo viên dạy các môn “tích hợp”, các môn học mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhất là môn Khoa học tự nhiên ở cấp THCS năm 2018 gặp khó khan do giáo viên các môn (Hóa học, Sinh học, Vật lí) chưa được bồi dưỡng để giảng dạy “tích hợp”.
Nhân dân quan tâm nhiều đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên để đáp ứng yêu cầu hiện nay, lương cơ bản của giáo viên hiện nay còn thấp chưa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo kinh tế thị trường. Với những áp lực này, kể cả khi có chương trình mới, người dân lo ngại vẫn sẽ có giáo viên duy trì dạy theo kiểu cũ, tư duy cũ cho an toàn, hoặc nếu đổi mới cũng tập hợp lại thành tổ nhóm để “thiết kế nội dung”, rồi dạy rập khuôn.
Nhiều ý kiến cho rẳng, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn nặng so với Chương trình 2006, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức dơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả, trong đó mỗi học sinh đều được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, rèn luyện kĩ năng và vận dụng những điều đã học để phát hiện, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống phù hợp với lứa tuổi.
4.2. Về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học: Các tỉnh, thành phố đã có sự quan tâm xây dựng và ban hành các kế hoạch đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cho các trường học trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục rà soát, điều chỉnh, bố trí sắp xếp lại cơ sở vật chất hiện có, xây dựng kế hoạch đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất trường học (đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có phù hợp với tình hình thực tế) để đáp ứng yêu cầu phục vụ dạy và học theo lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
UBND các tỉnh, thành phố đã quan tâm bố trí ngân sách từ nguồn vốn ngân sách địa phương; đồng thời thực hiện lồng ghép có hiệu quả với các chương trình, dự án khác, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học, đặc biệt ưu tiên giải quyết cho các cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, phòng học không an toàn, quá tải số lớp/trường, số học sinh/lớp, xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã có sự quan tâm nhưng chưa đáp ứng với tình hình hiện nay, đặc biệt là thiếu máy vi tính và phòng học môn Tin học; nhà tập luyện thể dục thể thao, phòng thí nhiệm,… làm cho việc giảng dạy tại các trường và tiếp cận khoa học công nghệ của học sinh còn hạn chế. Chương trình khi ban hành chưa đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục nên phải tiếp tục ban hành bổ sung trong các năm sau, gây khó khăn cho việc chuẩn bị SGK và triển khai thực hiện đối với một số môn học.
Cùng với các nội dung trên, Báo cáo cũng nêu những đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đề xuất, kiến nghị Đối với Chính phủ; đề xuất, kiến nghị Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan.
Các đại biểu dự Hội nghị nhất trí cao Báo cáo trên cũng như với nội dung được tổng hợp trong bản báo cáo do Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội trình bày. Đồng thới, các nhà khoa học, các chuyên gia cũng đã trao đổi, giải thích, nhấn mạnh hơn một số nội dung về các biện pháp tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 một cách bài bản, khoa học, phù hợp. Việc thực hiện xã hội hóa giáo dục phải đồng bộ ở tất cả các khâu. Vấn đề đầu tư xây dựng trường Sư phạm, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, lương giáo viên, nâng cao đời sống cho giáo viên,…được các đại biểu hết sức quan tâm và coi đây là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của việc thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Kết thúc Hội nghị Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cảm ơn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia và khẳng định đây là giám sát quá trình thực hiện chưa phải là giám sát kết quả thực hiện, vì vậy 8 nhóm vấn đề : Về Nhà giáo, Xã hội hóa giáo dục, Phương pháp dạy học, Chính sách giáo dục, Biên soạn, in ấn, phát hành SGK, Điều kiện thực hiện, Phân luồng học sinh, Định hướng phát triển giáo dục trong thời gian tới mà các đại biểu nêu trong Hội nghị này sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp thu, nghiên cứu và thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, có hiệu quả.
PV