TRẦN VĂN GIÀU – NHÀ CÁCH MẠNG, NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC
TRẦN VĂN GIÀU – NHÀ CÁCH MẠNG, NHÀ GIÁO, NHÀ KHOA HỌC
TCGCVN – Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Tạp chí Giáo chức Việt Nam trân trọng giới thiệu với bạn đọc về tấm gương sáng của GS.NGND Trần Văn Giàu. Ông vừa là nhà cách mạng, vừa là nhà giáo, nhà khoa học lớn đã có nhiều cống hiến cho sự hình thành, phát triển của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Những công trình khoa học đồ sộ của ông để lại là nguồn tài liệu có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý giá của quốc gia. Với những cống hiến không mệt mỏi của mình, ông đã được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.
GS. Trần Văn Giàu, phu nhân cùng các Giáo sư: Trần Quốc Vượng,
GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Hà Văn Tấn và GS. Phan Huy Lê.
1. Tóm tắt tiểu sử và hoạt động cách mạng
Ông sinh ngày 6 tháng 9 năm 1911 trong một gia đình trung lưu ở xã An Lạc Long huyện Châu Thành tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An), thuở nhỏ Trần Văn Giàu học ở trường tiểu học Tầm Vu.
Năm 1926 ông được gia đình cho lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat. Ông tham gia phong trào để tang nhà chí sĩ Phan Châu Trinh và phong trào thanh niên do Nguyễn An Ninh tổ chức. Cuộc đời hoạt động của hai nhà yêu nước này đã có tác động mạnh đến tư tưởng cách mạng của Trần Văn Giầu.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông được gia đình cho sang Pháp du học tại trường Đại học Toulouse. Tháng 3 năm 1929, Ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và tham gia tích cực các phong trào công nhân và phong trào đấu tranh của du học sinh và công nhân người Việt ở thành phố Toulouse.
Đầu năm 1930, vụ đàn áp của nhà cầm quyền thực dân ở Đông Dương đối với cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã gây xúc động mạnh đến Việt kiều ở Pháp. Trần Văn Giàu, lúc ấy với tư cách là đại biểu của học sinh, binh lính, thợ thuyền Việt Nam ở Toulouse, đã lên Paris tham gia cuộc biểu tình trước dinh Tổng thống ngày 19-5-1930 đòi xóa án tử hình cho 13 chiến sĩ ở Yên Bái. Ông bị cảnh sát bắt khi tham gia biểu tình và bị giam một thời gian ở nhà tù La Roquelles, sau đó ông cùng với 18 người Việt Nam khác bị trục xuất về nước.
Về Sài Gòn, ông xin dạy học tại trường trung học tư thục Huỳnh Công Phát do Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Cũng trong thời gian này, Ông gia nhập Đàng Cộng sản Đông Dương. Cùng với Hải Triều, ông phụ trách “Ban phản đế học sinh" của Xứ ủy Nam Kỳ.
Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, giữa năm 1931, ông được tổ chức đưa sang Liên Xô học tại Trường Đại học Đông Phương Moskva cùng với Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân) và Mười Giáo. Năm 1933, ông bảo vệ thành công đề tài tốt nghiệp "Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương", sau đó rời Moskva về nước.
Về đến Sài Gòn ông tìm lại cơ sở cũ (lúc này, qua những đợt khủng bố ác liệt hệ thống tổ chức Đảng bộ vỡ hầu hết), bắt liên lạc được với đồng chí Phan Văn, Trương Văn Bang. Cùng với một số đồng chí, ông vận động xây dựng lại tổ chức Xứ bộ Nam kỳ, ra tờ báo Cờ đỏ và Bộ Cộng sản Tùng thư. Nổi tiếng với tài diễn thuyết cùng kiến thức sâu rộng cũng như kinh nghiệm hoạt động ở Pháp, Liên Xô, ông nhiều lần tham gia các buổi diễn thuyết trước hàng ngàn người ở Sài Gòn để đánh thức lòng yêu nước. Uy tín của ông ngày càng tăng trong quần chúng và cả trong giới nhân sĩ trí thức Nam Kỳ.
Với những hoạt động chống chính quyền thực dân công khai của mình, ông bị chính quyền thực dân theo dõi từ khi ông du học tại Pháp. Ngày 25 tháng 6 năm 1935, ông bị tòa án Pháp tại Sài Gòn kết án 5 năm tù và 10 năm quản thúc vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Khi bị giam ở Khám Lớn Sài Gòn với số tù 6826 mpp, ông được các tù nhân cử làm Tổng đại diện, nhiều lần đấu tranh với Chúa ngục đòi cải thiện chế độ sinh hoạt của tù nhân. Vì vậy, để cách ly, ngày 26 tháng 6 năm 1937, ông cùng một số đồng chí bị đưa vào biệt giam tại Bấtiment S cho đến khi mãn hạn tù.
Ngày 23 tháng 4 năm 1940, ông mãn hạn tù, được tha, nhưng bị bắt lại sau mấy ngày và bị đưa đi an trí ở trại Tà Lài. Cùng chung chuyến áp giải với ông còn có Tào Tỵ, nhà báo Nguyễn Công Trung và một người lính áp tải là Trương Văn Giàu. Tại Tà Lài, ông một lần nữa được cử làm Tổng đại diện.
Cuối năm 1941, ông tham gia chỉ đạo một số anh em tù chính trị tổ chức vượt ngục Tà Lài. Bản thân ông tham gia chuyến vượt ngục đợt 2 vào đầu tháng 3 năm 1942, gồm 8 người, cùng với các ông Châu Văn Giác, Trần Văn Kiệt, Dương Văn Phúc, Trương Quang Nhâm, Nguyễn Công Trung, Nguyễn Văn Đức và Tô Ký. Cuộc đào thoát thành công, sau đó phân tán thành nhiều hướng. Trần Văn Giàu sau nhiều lần di chuyển, tìm cách bắt lại liên lạc và trở lại hoạt động tại Sài Gòn.
Tháng 10-1943, trong Hội nghị đại biểu toàn Kỳ tại Chợ Gạo, Xứ ủy mới được thành lập gồm 9 ủy viên, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, trong hoàn cảnh không liên lạc được với Trung ương ngoài Bắc, không hay biết việc Nguyễn Ái Quốc đã về nước, triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 và thành lập Việt Minh, ông "Không đành chịu ngồi chờ, bất đắc dĩ bọn tôi phải tự vạch ra một đường lối cách mạng" cho Nam Kỳ. Trong một thời gian ngắn, ông cùng các đồng chí tích cực hoạt động xây dựng cơ sở, nhằm có thể tập hợp lực lượng lớn chớp thời cơ đã được nhận định gần kề. Ông chủ trương: "Ta phải mạnh hơn tất cả các chánh đảng và giáo phái thân Nhật cộng lại thì mới mong đem chính quyền về tay nhân dân được". Trên cơ sở đó, Xứ ủy đã: Nhanh chóng khôi phục hệ thống tổ chức Đảng các cấp, đặc biệt, với các cơ sở tại Sài Gòn – Chợ Lớn. Đích thân ông phụ trách Ban cán sự thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn. Phục hồi tổ chức công đoàn, thành lập Tổng công đoàn Nam Kỳ (tháng 4 năm 1944), trong nửa năm, phát triển nhanh chóng 40 công đoàn cơ sở với 5.000 đoàn viên. Tập hợp nhiều trí thức, sinh viên, nhà công thương vào một số tổ chức như Tân dân chủ đoàn, Hội truyền bá quốc ngữ, nhóm báo Thanh Niên… Xuất bản báo Tiền Phong và các sách bỏ túi như "Việt Nam trên đường độc lập", "Rạng đông của dân tộc"..., mở các lớp huấn luyện chính trị do chính ông trực tiếp là giảng viên.[9]
Ông nhận định: "Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân; riêng lực lượng của Đảng không làm nổi cách mạng; phải có sự tham gia, sự nổi dậy của hàng triệu đồng bào". Đặc biệt, với việc hậu thuẫn thành lập và nắm chắc tổ chức Thanh niên Tiền phong thông qua một số đảng viên bí mật như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Huỳnh Văn Tiểng,... Xứ ủy Nam Kỳ đã tạo được một bình phong cho các đảng viên Cộng sản hoạt động, nhanh chóng tập hợp được một lực lượng lớn, vượt qua các tổ chức chính trị khác thời bấy giờ, kể cả một nhóm những đồng chí Cộng sản của mình trong Xứ ủy Giải phóng.
Tháng 8-1945, thi hành lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, ông cùng với các đồng chí trong Xứ uỷ lãnh đạo giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ vào ngày 25-8-1945.
Ông được cử làm Chủ tịch Lâm ủy hành chính Nam bộ và khi giặc Pháp gây hấn (23-9-1945), ông làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ.
2. Nhà giáo, nhà khoa học Trần Văn Giàu
Đầu năm 1947, ông được điều trở về chiến khu Việt Bắc; từ 3/1950 ông giữ chức Tổng Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam thay Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng. Năm 1951, ông tham gia Bộ Giáo dục, xây dựng ngành dự bị đại học và sư phạm cao cấp.
Tháng 11 năm 1954, Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, kiêm giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam (được coi là người sáng lập những ngành khoa học này của nền Khoa học Sư phạm Việt Nam hiện đại).
Năm học 1955, 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng vẫn tham gia đào tạo ở Đại học Sư phạm Hà Nội.
Những năm 1962–1975, ông công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Từ sau năm 1975, ông tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.
Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, Trần Văn Giàu đã viết trên 50 quyển sách lớn nhỏ, trong đó có cả những bộ sách dày cả ngàn trang. Dưới đây là một số công trình tiêu biểu của ông:
-Hồi ký 1940–1945 Trần Văn Giàu.
-Triết học phổ thông.
-Triết học và tư tưởng.
-Biện chứng pháp (1995).
-Vũ trụ quan (1995).
-Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỷ 19 đến Cách mạng tháng Tám. (3 tập).
-Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam (1980).
-Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858.
-Lịch sử chống quân xâm lăng (3 tập, 1956–1957).
-Lịch sử Giai cấp công nhân Việt Nam.
-Lịch sử cận đại Việt Nam.
-Miền Nam giữ vững thành đồng.
-Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.
-Giai cấp công nhân Việt Nam (2 tập).
Ngoài ra, ông còn có hàng trăm bài nghiên cứu, báo cáo, tham luận khoa học đăng trên các Tạp chí, các báo ở Trung ương và địa phương hoặc in trong các kỳ yếu khoa học và lịch sử, triết học, văn học, giáo dục...
Trước khi qua đời, GS Trần Văn Giàu đã bán ngôi nhà của mình lấy 1.000 lượng vàng gửi ngân hàng để làm Quỹ Trần Văn Giàu. Giải thưởng Trần Văn Giàu (tên đầy đủ Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu) là giải thưởng do GS Trần Văn Giàu sáng lập năm 2002 với mục tiêu trao giải cho các tác giả với các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng tại Nam Bộ và khu vực cực Nam Trung Bộ. Giải thưởng được Ủy ban giải thưởng Trần Văn Giàu tổ chức và trao hằng năm.
Ông qua đời lúc 17 giờ 20 phút ngày 16 tháng 12 năm 2010 tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ 3 tháng sau lễ mừng thọ 100 tuổi. Phần mộ ông hiện ở xã Dương Xuân Hội huyện Châu Thành -Long An.
Tên ông được đặt cho một ngôi trường tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ngày 01/09/2012: 700 học sinh đầu tiên của trường PTTH Trần Văn Giàu đã tham gia lễ khai giảng năm học mới đầu tiên của trường. Đây là ngôi trường có diện tích 1,5ha và 45 phòng học.
Ngày 8 tháng 8 năm 2012, theo Quyết định số 34/2012/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh lộ 10B cùng với một đoạn đường Tỉnh lộ 10 được đặt tên là đường Trần Văn Giàu. Tuyến đường này dài 14 km, điểm đầu tại đường Tên Lửa (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ranh giới Thành phố Hồ Chí Minh – Long An.
Tài liệu tham khảo
1. Địa chí Long An, Nhà xuất bản Long An và Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Xuất bản năm 1990, trang 625-626-627
2.https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_V%C4%83n_Gi%C3%A0u#T%C3%A1c_ph%E1%BA%A9m
3, Hội Cựu Giáo chức Việt Nam, Gương sáng giáo dục, Hà Nội 2021
PGS.TS Trần Đình Tuấn
Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục