Thực trạng nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông hiện nay
TCGCVN - Giới trẻ đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ở mỗi quốc gia vì đó là một lực lượng đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, một thực tế đáng báo động ở nước ta hiện nay là lối sống đạo đức của một bộ phận học sinh phổ thông đang đi xuống.
Thực trạng của suy thoái đạo đức ở học sinh phổ thông hiện nay trước hết có thể kể đến căn bệnh vô cảm. Biểu hiện của căn bệnh này ở học sinh là không biết nói lời “xin lỗi” khi có lỗi; nhiều em dửng dưng thờ ơ với bạo lực học đường, không dám lên tiếng phản đối cái xấu, bảo vệ điều hay lẽ phải, có em còn coi đó là thú vui bằng việc đứng xem, chụp hình, quay phim tung lên mạng xã hội, thậm chí còn chửi bới phụ họa, cổ súy cho hành động phi nhân tính của bạn mình. Bên cạnh đó còn một bộ phận học sinh lười biếng, thiếu trung trực trong học tập rèn luyện, điều đó thể hiện bằng hiện tượng quay cóp với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhờ sự hỗ trợ của các thiết bị kỹ thuật số hiện đại. Tình trạng quan hệ tình dục sớm trong giới trẻ; trong đó, có một bộ phận nhỏ học sinh đã dẫn tới hậu quả về mặt tinh thần, thể chất. Sau thời gian học tập, nhiều em dành phần lớn thời gian giải trí qua mạng xã hội, có xu hướng cổ súy, bắt chước và thực hành những câu nói và hành động vô nghĩa. Thực trạng nói tục chửi thề ở mạng xã hội, ở trường học vi phạm đạo đức học sinh và quy tắc ứng xử học đường, dẫn tới mâu thuẫn, gây xung đột và leo thang bạo lực học đường. Thậm chí thực tế còn diễn ra những hành vi như trộm cắp, cố ý gây thương tích… là những hành vi vi phạm pháp luật.
Bất kỳ một lỗi lầm nào cũng xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa của nó. Đạo đức của học sinh ngày càng suy thoái, bị “tha hóa” cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó là những nguyên nhân khách quan như tác động của internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc… khiến giới trẻ nói chung và học sinh phổ thông nói riêng ngày càng bị phụ thuộc. Thời gian sống ảo trên mạng xã hội của học sinh ngày càng tăng, sự tương tác giao tiếp trực tiếp với cộng đồng xã hội ít dần đi khiến các em thiếu đi những kỹ năng sống cơ bản. Tuy nhiên cũng cần thiết phải ‘tự soi lại chính mình’ bởi nguyên nhân xảy ra các sa sút về đạo đức, lối sống của học sinh phổ thông hiện nay, trước hết phải khẳng định là do từ chính các em - chủ thể của các hành vi vô đạo đức đã chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách. Trong những tình huống nảy sinh, những học sinh này đã không đủ sức phân biệt được điều hay, lẽ phải và đó là nguyên cớ dẫn đến những hành vi lệch lạc.
Từ đó cần thiết phải xem xét lại hai nguyên nhân quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức học sinh xuất phát từ phía gia đình và nhà trường. Có thể nói, gia đình là cái nôi, là nền tảng hình thành nhân cách và hoàn thiện đạo đức cho con cái. Gia đình thiếu quan tâm hoặc là giáo dục con em mình không đúng cách là nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo đức của các em. Không hiếm những gia đình đã thiếu quan tâm đến con cái, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức con cái mình, phó mặc cho nhà trường. Cũng có gia đình, khi biết con mắc các khuyết điểm về đạo đức, nhân cách đã chỉ biết xử phạt mà không biết chỉ bảo một cách tâm tình để con nhận ra điều hay, lẽ phải và tự sửa. Có gia đình, bố mẹ lục đục, cãi cọ nhau, anh chị em mâu thuẫn đánh chửi nhau, con cái vì thế ít nhiều đã bị ảnh hưởng, mang cái không khí “vô đạo đức” của chính gia đình mình vào lớp học, vào trường học và thực hiện với các bạn bè của mình.
Bên cạnh đó việc giáo dục đạo đức ở nhà trường chưa thực sự đạt hiệu quả, chưa đạt được mục đích là giáo dục hướng thiện đối với con người. Một số nhà trường quá chú trọng dạy về kiến thức mà không chú trọng “dạy người”. Một số ít giáo viên và thậm chí cả cán bộ quản lí đôi lúc còn thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, chưa thực sự là “tấm gương sáng để học sinh noi theo”.
Tóm lại trong những năm gần đây đạo đức học sinh phổ thông đang tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại khiến chúng ta phải nhìn nhận với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc rằng việc giáo dục đạo đức cho các em ngày càng trở nên cấp bách.
Phóng viên Tạp chí GCVN đã có buổi trao đổi với Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội thực trạng nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng suy thoái đạo đức học sinh phổ thông
Luật sư Phan Kế Hiền – Giám đốc Công ty Luật Bảo Tín, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội
Thứ nhất, phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhà trường và phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức cho học sinh thay vì tập trung quá nhiều vào kiến thức. Các bậc phụ huynh nên dành thời gian nhiều hơn để quan tâm, thấu hiểu con em mình, kịp thời nhận biết những bất thường trong tâm lý của con để có giải pháp phối hợp hiệu quả với nhà trường. Các nhà trường cần triển khai dạy học các môn như Đạo đức, Giáo dục công dân theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua đó giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh sát thực tế hơn. Đồng thời cả gia đình, nhà trường và xã hội phải có sự kết nối và thống nhất trong các hoạt động vui chơi giải trí và biện pháp giáo dục trẻ. Nhà nước phải can thiệp và quản lý những hoạt động văn hóa - xã hội, đảm bảo tạo môi trường sống lành mạnh cho trẻ. Chính vì thế, chúng ta phải đặt quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong mối quan hệ biện chứng không thể tách rời nhau. Đây là giải pháp cơ bản nhất để hoàn thiện việc giáo dục đạo đức cho học sinh phổ thông hiện nay.
Thứ hai, phát huy vai trò tự học tập, tự du dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của học sinh. Bản thân mỗi học sinh tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Các em cần hạn chế thời gian tiếp xúc với mạng xã hội mà thay vào đó nên tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, trải nghiệm thực tế và gắn kết với mọi người xung quanh. Chỉ khi tự tin vào bản thân, tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống và được trang bị những kỹ năng sống để đối phó với những tác động tiêu cực từ xã hội thì các e mới có thể tránh xa những tệ nạn, tránh xa lối sống suy thoái đạo đức.
Theo luật sư cần có kiến nghị gì với các cấp có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan về điều tiết các chế độ chính sách trong việc phòng ngừa ngăn chặn sự suy thoái đạo đức của học sinh phổ thông hiện nay?
Thực tế Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã ban hành nhiểu chỉ thị, nghị quyết về công tác giáo dục đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh nói riêng nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn còn tồn tại những hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế đó, trước hết liên quan và trực tiếp nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng hơn trong công tác giáo dục đạo đức học sinh; tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt công tác đào tạo đội ngũ giáo viên, các chương trình giảng dạy, nhất là tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp tốt với phụ huynh học sinh. Cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút, rèn luyện học sinh. Kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của học sinh phổ thông.
Bên cạnh đó nhà nước ta phải can thiệp và quản lý những hoạt động văn hóa - xã hội, đảm bảo tạo môi trường sống lành mạnh cho học sinh. Môi trường sống xung quanh cùng với những tệ nạn xã hội đang diễn ra tràn lan và ngày càng xâm nhập sâu vào học đường cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về đạo đức….Do vậy văn hóa trong xã hội từ văn hóa giao thông cho đến tất cả cách ứng xử, văn hóa trên không gian mạng… đều cần làm tốt để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến các em.
Liên quan đến lĩnh vực pháp luật, mặc dù hiện nay, pháp luật về tư pháp người chưa thành niên của Việt Nam cơ bản đã được điều chỉnh khá đầy đủ, tuy nhiên các quy định này đang bị tản mạn, chồng chéo, mâu thuẫn nên nhiệm vụ quan trọng trước mắt cần xây dựng đạo luật tư pháp người chưa thành niên toàn diện, đồng bộ. Sau đó cần triển khai tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan cho học sinh phổ thông để nâng cao nhận thức về hành vi vi phạm pháp luật và hậu quả nếu thực hiện các hành vi này của các em. Việc này rất quan trọng vì vẫn có tình trạng các học sinh thờ ơ với pháp luật, thậm chí có những suy nghĩ rằng vì bản thân chưa đủ 18 tuổi nên nếu có gây ra hậu quả thì cũng không bị xử phạt nghiêm khắc.
Như vậy, nếu giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì việc giáo dục đạo đức học sinh chính là trang đầu của quốc sách ấy. Việc giáo dục đạo đức học sinh, ngăn chặn lối sống suy thoái đạo đức không chỉ là nhiệm vụ của môn học Đạo Đức trong nhà trường, hay chỉ là của ngành giáo dục mà cần thiết phải có sự chung tay của cả xã hội. Một môi trường xã hội lành mạnh, mọi người sống tuân thủ pháp luật và tôn trọng những giá trị đạo đức sẽ tác động vào nhận thức của học sinh và khi các em cũng tuân thủ những nguyên tắc ứng xử ấy sẽ đẩy lùi được tính trạng suy thoái đạo đức như hiện nay.
Đồng Mão