Thủ tướng: Đầu tư cho tương lai bằng cách nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
TCGCVN - Sáng ngày 27/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tập trung thảo luận ba dự án luật: Luật Quản lý và Đầu tư Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Nhà giáo, và Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 2 trong tháng 8 và là phiên họp thứ 8 trong năm nay của Chính phủ về lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật ngày 27/8 (Ảnh: Nhật Bắc)
Đối với dự án Luật Quản lý và Đầu tư Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, các thành viên Chính phủ đã trao đổi về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các quy định liên quan đến việc điều chuyển Quỹ Đầu tư Phát triển, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, cũng như chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Chính phủ đã nhất trí tiếp tục hoàn thiện Luật Nhà giáo nhằm tạo ra một khung pháp lý toàn diện, đáp ứng yêu cầu cấp bách của sự nghiệp giáo dục. Luật mới sẽ kế thừa những quy định hiệu quả đã được thực tiễn kiểm chứng, đồng thời bổ sung các giải pháp linh hoạt để giải quyết những thách thức mới.
Đối với Luật Công nghiệp Công nghệ số, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận về những vấn đề trọng tâm như cơ chế quản lý các dự án lớn, đặc thù; quy trình phê duyệt các hoạt động thử nghiệm; sự tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt là việc quản lý trí tuệ nhân tạo – một công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các dự án luật phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đồng thời phản ánh rõ các chính sách đã được Chính phủ thông qua. Cơ chế chính sách cần phải thông thoáng, khả thi nhưng cũng phải được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là trong việc đào tạo và bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực liên quan, và huy động các nguồn lực hợp pháp để phát triển đất nước.
Đối với dự án Luật Quản lý và Đầu tư Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu bám sát Nghị quyết số 12-NQ/TW về cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, ưu tiên lợi ích quốc gia và dân tộc. Cần rà soát và khắc phục các bất cập thực tiễn, kế thừa những quy định hiệu quả của luật hiện hành, và đảm bảo sự đồng bộ với các luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, và Luật Xây dựng.
Về dự án Luật Công nghiệp Công nghệ số, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt và thể chế hóa các chủ trương về phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về dự án Luật Nhà giáo, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, coi thầy cô giáo là động lực và nguồn cảm hứng cho học sinh, sinh viên.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới.
Huyền Vy