Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ những khó khăn vất vả của bậc học mầm non
TCGCVN - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định vị trí quan trọng của bậc học mầm non, bậc học đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ.
Tại buổi trò chuyện gần đây với các cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp mầm non ngành giáo dục Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi đã có những chia sẻ đầy tâm huyết và xúc động, nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ của bậc học mầm non cũng như nghề giáo nói chung.
Bà đã đề cập đến ba nội dung cốt lõi của nhiệm vụ giáo dục mầm non: “nuôi dưỡng - chăm sóc - giáo dục”. Theo Thứ trưởng, giai đoạn từ 6 tháng đến 5 tuổi là thời điểm vàng, khi mà mong muốn lớn nhất của ông bà và cha mẹ là con cái được nuôi dưỡng và chăm sóc tốt.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi và Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao giấy khen cho các cá nhân đoạt giải tại hội thi nhân viên nuôi dưỡng giỏi
Thứ trưởng đã đúc kết một thông điệp quan trọng, đó là dinh dưỡng hợp lý và vận động phù hợp, là phần chuyên môn thiết yếu trong bậc học mầm non. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần được tham gia các hoạt động vận động cho tay chân, trí tuệ và tâm hồn thông qua việc nói chuyện, ca hát và tâm sự.
Cuối cùng, bà lưu ý rằng cả dinh dưỡng và vận động cần phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với thể chất của từng trẻ cũng như đặc thù của từng vùng miền.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi xúc động kể lại trải nghiệm của mình về những chuyến thăm các điểm trường mầm non thuộc vùng dân tộc miền núi và thực sự thấy các cô giáo mầm non ở đó vô cùng vất vả.
Để có bữa ăn trưa, phụ huynh có thể chỉ nộp nông sản theo mùa mà không có tiền nên các cô phải trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn; đồng thời xin nhà hảo tâm ủng hộ xoong nồi, bát đĩa để tổ chức bếp ăn cho học trò”, Thứ trưởng kể.
"Các cô giáo mầm non ở vùng sâu vùng xa yêu thương học sinh như con đẻ, bởi đa phần các cô ở miền xuôi lên, con gửi ông bà chăm sóc. Xa và nhớ con, đêm nằm ngủ quơ tay tìm con nhưng không thấy. Nỗi nhớ đó được khỏa lấp bằng học trò”- Thứ trưởng xúc động nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi chia sẻ những khó khăn, vất vả của các cán bộ giáo viên, nhân viên cấp học mầm non
Nghề giáo là nghề cao quý nhất
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh rằng nghề giáo không chỉ là một nghề mà còn là một nghiệp. Dù nhiều giáo viên phải đối mặt với lương thấp và điều kiện làm việc vất vả, nhiều người vẫn từ chối cơ hội chuyển sang công việc nhàn hạ hơn vì tình yêu với nghề và mến trẻ. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.
Thấu hiểu những khó khăn của ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non, Thứ trưởng đề nghị trong quản lý nhà trường cần có sự chia sẻ hơn nữa. Đây là bậc học vất vả nhất, vì vậy cần xem đây là ưu tiên hàng đầu. Bà cũng kêu gọi cần linh hoạt trong các thủ tục hành chính và giảm bớt áp lực cho giáo viên thông qua các biện pháp quản lý hợp lý.
Dù giáo dục mầm non ở Hà Nội có nhiều thuận lợi, giáo viên vẫn phải đối mặt với áp lực cao từ yêu cầu của phụ huynh. So với công sức bỏ ra, lương của giáo viên còn chưa thỏa đáng. Thứ trưởng hy vọng lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội có thể ban hành các cơ chế hỗ trợ, kêu gọi doanh nghiệp và nhà tài trợ chung tay giúp đỡ bậc học mầm non.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi tham quan khu trải nghiệm tại hội thi nhân viên nuôi dưỡng giỏi cấp học mầm non thành phố Hà Nội
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh rằng đối tượng của nghề giáo chính là con người. Dù có chính sách tốt đến đâu, nếu thiếu trách nhiệm và tâm huyết, thì không thể đạt được thành công. Bà khuyến khích các thầy cô yêu nghề hãy tận dụng tâm huyết của mình để vượt qua khó khăn, đồng thời tin tưởng rằng Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến giáo dục và đang nỗ lực điều chỉnh chính sách để hỗ trợ giáo viên.
Bà cũng cho biết Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ và Quốc hội về việc sửa đổi các bộ luật liên quan đến giáo dục, bao gồm việc xây dựng Luật Nhà giáo. Bộ cũng tích cực soạn thảo nhiều thông tư, nghị định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương trong việc phát triển chính sách và cơ chế hỗ trợ giáo dục.
Bùi Bình