Thái Nguyên: Tiếp bài “Gia đình cô giáo 18 năm sống trong sợ hãi!” Giải pháp nào để gia đình cô giáo được an toàn?
TCGCVN – Câu chuyện về gia đình cô giáo Nguyễn Thị Tiến (Thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ) đã sống trong nơm nớp lo âu bởi có đường dây 220kv Tuyên Quang - Thái Nguyên chạy qua. Gia đình cô đã phải cải tạo chuồng trâu cũ thành nơi tá túc cho 5 nhân khẩu, đã khiến nhiều bạn đọc phải rơi nước mắt.
Vụ việc này đã được khá nhiều cơ quan từ trung ương, Bộ ngành và tỉnh Thái Nguyên, huyện Đại Từ vào cuộc, xem xét giải quyết, nhưng đến nay, hộ gia đình cô giáo (đã về hưu - CGC) Nguyễn Thị Tiến và CCB Nguyễn Văn Bình vẫn kiên trì bám trụ ở chuồng trâu cũ để tiếp tục đeo đuổi kiến nghị.
Nguồn điện nhiễm vẫn còn quanh nhà
Chiều và tối ngày 22/11/2024, phóng viên đã quay trở lại nhà CGC Nguyễn Thị Tiến, với ý định sẽ thử xem còn nguồn điện nhiễm nữa hay không.
Phóng viên đã tự thử nguồn điện dưới đất, trên cây, cọc tre khô… để phơi quần áo, chậu nước, cũng như thử trực tiếp trên người, bút thử điện vẫn phát sáng (thử bằng bút thử điện thông thường)
Nguồn điện nhiễm vẫn tồn tại suốt thời gian qua, thật quá nguy hiểm mỗi khi trời giông bão. Cô Tiến cũng từng bị phóng điện ngã sấp mặt khi ra giếng múc nước.Ảnh:LT
Theo lời cô Tiến, trước kia, khi còn đang công tác, đã rất nhiều lần cô gục ngã trên bục giảng khi đang giờ lên lớp, đầu óc luôn quay cuồng, chóng mặt nhưng cô vẫn cố trụ bởi chồng cô sức khỏe không được tốt, trong người bị nhiễm chất độc màu da cam…Cuộc sống với biết bao lo toan, gánh vác trách nhiệm cô không cho phép mình ốm, vẫn cố gắng lên lớp, ôm giáo án đến những chỗ không bị nhiễm điện để soạn bài. Miệt mài, đeo đuổi tìm đường thoát khỏi cảnh “ngày đêm nơm nớp không chợp mắt”.
CCB Nguyễn Văn Bình, chồng cô, thương vợ nhưng cũng không biết phải làm sao. “vào sinh, ra tử” ông không hề nao núng, cái chết không làm ông chùn bước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Ngày lên đường nhập ngũ cũng là ngày ông và đồng đội được làm chính quyền địa phương làm“lễ truy điệu”, “cái chết được báo trước” mà lòng ông vẫn phơi phới niềm tin. Ông buồn rầu, bởi những gì đang diễn ra trước mắt, sự đau khổ cùng cực lại đến với ông khi đất nước đã yên bình. Khuôn mặt ông lộ rõ những vết hằn sâu của thời gian, người lính già kiên cường vẫn luôn hi vọng vợ chồng ông sẽ có ngày thoát khỏi cảnh “sống tạm” tại chuồng trâu trên chính mảnh đất ông cha để lại.
Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên ảnh hưởng tới nhiều hộ dân
Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên được triển khai trên địa bàn huyện Đại Từ và Thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên với chiều dài 40km, đã khiến cuộc sống của người dân có đường dây đi qua ít nhiều bị ảnh hưởng, quyền sử dụng đất của họ bị hạn chế, ảnh hưởng đời sống sinh hoạt, khiến cho việc khiếu kiện tập thể, khiếu kiện đông người nhiều năm về trước đã diễn ra…
UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản 1722/UBND-SXKD (23/10/2008) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết những kiến nghị của các hộ dân do ảnh hưởng đường dây 220KV Tuyên Quang - Thái Nguyên,
Nội dung báo cáo nêu: Dự án đường dây 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên là dự án trọng điểm Quốc gia được đầu tư xây dựng theo cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, từ khi đường dây 220kv đóng điện, vận hành vào tháng 4/2007 đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về việc bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa đáng và đề nghị được di chuyển nhà ở, vật công trình kiến trúc ra khỏi hành lang bảo vệ lưới điện.
Để giải quyết những kiến nghị này, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên (Đoàn ĐBQH) và UBND tỉnh Thái Nguyên đã nhiều lần kiểm tra và thấy có hiện tượng nhiễm điện, không an toàn đối với một số hộ dân sinh sống trong hành lang an toàn lưới điện (ATLĐ).
Theo đó, ngày 15/8/2007, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên gửi Bộ TNMT, Bộ Công thương, Bộ KHCN về việc “đề nghị giải quyết kiến nghị của công dân”.
Ngày 24/8/2007, UBND tỉnh Thái Nguyên có Văn bản 1116/UBND-GPMB báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc “giải quyết vướng mắc của dự án đường dây 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên”, nhằm giải quyết đề nghị chính đáng về quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân do ảnh hưởng của đường dây 220kv.
Trên cơ sở kiến nghị, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở tiến hành khảo sát, kiểm tra, xem xét những kiến nghị của người dân sinh sống trong hành lang bảo vệ ATLĐ 220kv.
Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Bộ TNMT kết luận “nhà ở và công trình của các hộ dân đủ điều kiện tồn tại trong hành lang bảo vệ ATLĐ 220kv theo quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ”.
Nhiều hộ dân không nhất trí và rất bức xúc khi nhận được kết quả trên nên đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan Trung ương và địa phương để yêu cầu giải quyết ngay.
Người dân cho rằng, đường dây điện chạy qua đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe của họ: thường xuyên đau đầu, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, sút cân…; khi thử bút thử điện vào người và một số vật dụng đều phát sáng, có tiếng kêu réo phát ra từ đường dây, nhất là vị trí gần chân cột; bất tiện trong sinh hoạt, hạn chế khả năng sử dụng đất, không thể xây dựng nhà ở thêm tầng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt; thiệt thòi nhiều so với các hộ dân nằm ngoài hành lang bảo vệ ATLĐ; mức bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất còn thấp, chưa sát với thực tế và đề nghị được di dời ra khỏi hành lang ATLĐ cao áp 220kv…
UBND tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Tổ công tác thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam và cơ quan có trách nhiệm liên quan tiến hành kiểm tra, khảo sát và tiếp xúc với một số hộ dân có công trình nằm dưới hành lang ATLĐ tại huyện Đại Từ và TP.Thái Nguyên. Kết quả kiểm tra 22 hộ dân thuộc 8 xã của huyện Đại Từ và TP. Thái Nguyên trong điều kiện cả hai mạch đường dây mang điện, cho thấy khi kiểm tra trong nhà và ngoài nhà (cách nền nhà, nền đất 1m) “cường độ điện trường” xuất hiện ở 2 hộ và hầu hết 22 hộ đều “nhiễm điện” từ mức 0.00728kv/m đến cao nhất là 0,075kv/m tại hộ ông Vũ Xuân Chung, tiếp theo đó hộ cao thứ 2 là gia đình Cô giáo Nguyễn Thị Tiến với kết quả đo được 0,054kv/m.
“Báo cáo cũng nêu rõ về hiện tượng “nhiễm điện” khi thử bút điện thông thường vào người đứng trên ghế, cây cối, và một số vật dụng khác ở ngoài nhà vào ban đêm tại một số hộ bút thử điện sáng là có thật”.
Ngoài ra, “một số hộ dân đóng của bỏ nhà chuyển đến nơi ở khác như hộ ông Ma Lăng Thủy ở xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên; các hộ ông Lê Văn Thịnh, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Tĩnh phải làm nhà tạm “sơ tán”, hoặc không sinh sống như hộ ông Phạm Quốc Trường ở xã Hùng Sơn”…
Vẫn đủ điều kiện để tồn tại dưới hành lang bảo vệ ATLĐ?
Theo báo cáo của Tổ công tác thì 21 hộ vẫn đủ điều kiện tồn tại dưới hành lang bảo vệ ATLĐ 220kv Tuyên Quang – Thái Nguyên; duy nhất chỉ có hộ ông Ma Lăng Thủy, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên là không đủ điều kiện tồn tại dưới hành lang lưới điện.
Từ kết quả kiểm tra, UBND tỉnh Thái Nguyên kiến nghị Thủ tướng cho phép “tăng mức hỗ trợ đối với các hộ dân có nhà ở, công trình vật kiến trúc nằm trong hành lang ATLĐ cao áp mà không phải di dời có khoảng cách nhỏ hơn hoặc bằng 18m từ dẫy tĩnh đến mặt đất và các hộ có nhà cách chân cột nhỏ hơn 10m. Mức kinh phí, hỗ trợ xấp xỉ bằng mức hỗ trợ, bồi thường đối với các hộ dân phải di dời để các hộ dân có đủ điều kiện chủ động di dời ra khỏi hành lang lưới điện. Trường hợp hộ dân nào không tìm được đất để di dời tái định cư thì UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ quy hoạch tái định cư cho các hộ dân”.
Tuy nhiên, gia đình CGC Nguyễn Thị Tiến vẫn phản ánh tới tạp chí Giáo chức VN, khiếu nại về việc triển khai thực hiện Dự án đường dây 220kv đi qua đất của gia đình mình, không được giải quyết đúng với Quyết định 1195/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 457/UBND-SXKD ngày 04/5/2006 của UBND tỉnh Thái Nguyên về thỏa thuận với hộ dân có dự án đi qua cũng như trình tự, thủ tục về bồi thường, GPMB. Nghiêm trọng hơn, CGC Nguyễn Thị Tiến còn cho rằng, có dấu hiệu giả mạo, cắt ghép chữ ký của ông Bình (chồng bà) trong bản kiểm kê chi tiết thu hồi đất; bản kiểm kê chi tiết nhà cửa, vật công trình kiến trúc và cây cối hoa mầu bị ảnh hưởng bởi dự án… để hợp thức hóa hồ sơ chi tiền; gia đình bà cũng chưa ký “bản thỏa thuận” với cơ quan, đơn vị nào khi triển khai dự án.
Bản chất sự việc như thế nào (căn cứ vào hồ sơ tại thời điểm triển khai dự án), PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.
Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một kết luận cụ thể nào về hiện tượng nhiễm điện của người dân như đã nêu trên là có ảnh hưởng tới sức khỏe hay không? Mức độ nhiễm điện như vậy có thực sự là an toàn? các nhà chuyên môn cần nghiên cứu, báo cáo đánh giá một cách toàn diện về mức độ ảnh hưởng điện từ trường của lưới điện cao áp đến sức khỏe nhân dân để có kết luận và đưa ra kiến nghị các giải pháp cụ thể để người dân ổn định đời sống.
https://tapchigiaochuc.com.vn/thai-nguyen-gia-dinh-co-giao-18-nam-song-trong-so-hai-.html?
Linh Tuệ