Quốc hội sắp họp bất thường để sửa luật liên quan đến tinh gọn bộ máy
TCGCVN - Dự kiến giữa tháng 2/2025, Trung ương Đảng sẽ họp và đến cuối tháng, Quốc hội họp bất thường để sửa đổi một số điều các luật liên quan tới tinh gọn bộ máy, sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị.
Sáng 10/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã phát biểu khai mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Mẫn cho biết nếu Chính phủ không có tờ trình đột xuất về các vấn đề cấp bách, phiên họp này sẽ là phiên họp cuối cùng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, dự kiến giữa tháng 2, Trung ương Đảng sẽ họp và đến cuối tháng, Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp bất thường để sửa đổi một số điều trong các luật liên quan tới việc tinh gọn bộ máy và sắp xếp tổ chức của hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết hiện các cơ quan Quốc hội đang rà soát các luật cần sửa đổi, trong đó có các luật như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ông lưu ý, trước mắt cần triển khai ngay các luật vừa thông qua để đảm bảo thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển.
Về các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 122 văn bản quy định chi tiết, bao gồm 60 nghị định, quyết định của Thủ tướng và hơn 50 thông tư của các bộ. Ông cũng đề nghị chuẩn bị các văn bản liên quan để sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Báo cáo công tác dân nguyện, Phó Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết cử tri và nhân dân đánh giá cao chủ trương tinh gọn bộ máy và kỳ vọng sẽ giúp cải cách hệ thống chính trị, tạo động lực cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần quan tâm đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực hiện.
Cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 8, đặc biệt là việc đổi mới công tác lập pháp, tăng cường phân cấp, phân quyền và cải cách hành chính.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 10, 11
Cử tri ghi nhận việc chuyển đổi mạnh mẽ từ luật quản lý sang kết hợp giữa quản lý hiệu quả và khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Tuy nhiên, họ vẫn lo lắng về một số vấn đề, như hiện tượng tiêu cực trong đấu giá đất, tình trạng doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động chưa có xu hướng giảm, cũng như công nhân bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội.
Cử tri cũng băn khoăn về tình trạng ngộ độc thực phẩm, đặc biệt trong dịp cuối năm. Trước những vấn đề này, Ban Dân nguyện đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường kiểm soát đấu giá đất, bảo đảm minh bạch, đồng thời nghiên cứu chế tài xử lý hành vi thao túng thị trường bất động sản.
Bộ Y tế cũng được đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm, đặc biệt là tại bếp ăn tập thể, căng tin, nhằm giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Trọng Thanh