QUAN ĐIỂM PHƯƠNG PHÁP LUẬN TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
TCGCVN - Quan điểm phương pháp luận có chức năng thế giới quan và nhận thức luận trong quá trình nghiên cứu. Chức năng thế giới quan được thể hiện ở hệ thống quan điểm có tính chất nguyên tắc để chỉ đạo hoạt động nghiên cứu của nhà khoa học đi đúng hướng, mang lại hiệu quả cao. Chức năng nhận thức luận thể hiện ở hệ thống phương pháp nhận thức, khám phá đối tượng nghiên cứu. Nó chỉ ra cách thức tiếp cận và lôgíc nhận thức đối tượng nghiên cứu. Chức năng thế giới quan và chức năng nhận thức luận luôn có mối liên hệ mật thiết, thống nhất với nhau, hỗ trợ cho nhau, đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu khoa học đạt được chất lượng, hiệu quả thiết thực.
Vai trò của quan điểm phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học
Quan điểm phương pháp luận xác định hai vấn đề quan trọng trong nghiên cứu khoa học.
Một là, xác định lập trường xuất phát có tính chất lý luận đối với việc nghiên cứu, xác định thế giới quan và định hướng quá trình tư duy khoa học giúp cho người nghiên cứu tiếp cận đối tượng trên cơ sở lý luận nào, học thuyết nào, tránh được những sai lầm về lý luận trong quá trình nghiên cứu. Thực tiễn nghiên cứu khoa học cho thấy, cùng là một sự vật, hiện tượng khách quan nhưng đứng trên quan điểm phương pháp luận khác nhau sẽ có cách giải thích và xem xét khác nhau.
Hai là, định hướng cho người nghiên cứu cách thức tiếp cận tổng quát đối tượng nghiên cứu; tiếp cận đối tượng nghiên cứu bằng cách nào, theo con đường nào. Quan điểm phương pháp luận quy định việc lựa chọn, sử dụng phương pháp nghiên cứu, chỉ ra con đường, biện pháp nhận thức đối tượng một cách tốt nhất. Tách ở đối tượng cái cần nghiên cứu để dẫn tới một ý tưởng khoa học nào đó.
Tóm lại, quan điểm phương pháp luận nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trong nghiên cứu không những phải dựa trên một nền tảng lý luận khoa học nhất quán mà còn phải đứng trên một lập trường quan điểm chính trị vững vàng. Sau khi xác định được đối tượng nghiên cứu, phương pháp tiếp cận đối tượng có ý nghĩa quyết định kết quả nghiên cứu.
Các cấp độ phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học
Phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học bao gồm hệ thống các quan điểm chỉ đạo hoạt động nghiên cứu khoa học với nhiều cấp độ khác nhau. Trong lịch sử phát triển của khoa học, người ta đã tìm ra nhiều cách phân loại phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học. Xét trong mối quan hệ giữa phương pháp luận với phương pháp, người ta thường chia thành ba cấp độ: phương pháp luận, phương pháp hệ, phương pháp cụ thể. Một cách phân loại tương đối phổ biến hiện nay là dựa trên phạm vi ứng dụng. Theo cách phân loại này, quan điểm phương pháp luận có ba cấp độ sau đây:
Một là, quan điểm phương pháp luận triết học. Đó là những quan điểm phương pháp luận chung, phổ biến chỉ dẫn hoạt động nhận thức đối với tất cả các lĩnh vực khoa học. Quan điểm phương pháp luận triết học là những quan điểm được rút ra từ phép biện chứng duy vật, từ nhận thức luận và lôgíc biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Quan điểm phương pháp luận triết học là cơ sở xuất phát cho các quan điểm phương pháp luận chuyên ngành và nhóm ngành.
Hai là, quan điểm phương pháp luận chung cho một nhóm ngành hay một số lĩnh vực khoa học. Đó là những quan điểm phương pháp luận chỉ dẫn hoạt động nhận thức chung đối với một số bộ môn khoa học nhất định. Chẳng hạn, có các quan điểm phương pháp luận chung trong nghiên cứu các môn khoa học xã hội và nhân văn; có các quan điểm phương pháp luận chung cho các môn khoa học tự nhiên và có các quan điểm phương pháp luận chung cho các môn khoa học quân sự. Quan điểm phương pháp luận chung cho một nhóm ngành còn được gọi là quan điểm phương pháp luận riêng rộng. Chúng không vạch ra con đường chung, phổ biến cho sự vận động của nhận thức đến chân lý hoàn toàn, mà chỉ là công cụ để nghiên cứu một số thuộc tính, mặt, quan hệ của thế giới khách quan mà thôi.
Ba là, quan điểm phương pháp luận riêng. Đó là những quan điểm phương pháp luận chỉ dẫn hoạt động nhận thức riêng đối với một bộ môn hoặc một chuyên ngành khoa học cụ thể. Chẳng hạn, quan điểm phương pháp luận dạy học chỉ áp dụng trong lĩnh vực dạy học, quan điểm phương pháp luận toán học chỉ áp dụng trong lĩnh vực toán học. Mỗi bộ môn khoa học cụ thể vừa chịu sự chỉ dẫn của các quan điểm phương pháp luận triết học chung và các quan điểm phương pháp luận của nhóm ngành, vừa chịu sự chỉ dẫn của các quan điểm phương pháp luận riêng của bản thân môn khoa học đó.
Mối quan hệ qua lại và sự tương tác giữa ba cấp độ phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học phản ánh mối quan hệ và tác động qua lại giữa ba phạm trù triết học: cái chung, cái riêng và cái đặc thù. Trong sự vận động, phát triển của các phương pháp nhận thức thế giới khách quan, các cấp độ phương pháp luận luôn có xu thế thâm nhập vào nhau, chuyển hoá lẫn nhau từ cấp này sang cấp khác. Xét đến cùng, các quan điểm phương pháp luận chung chỉ có thể phát huy được tác dụng khi nó được thâm nhập vào một bộ môn hay một chuyên ngành khoa học cụ thể.
Quan điểm phương pháp luận duy vật biện chứng trong nghiên cứu khoa học
Đây là một quan điểm phương pháp luận triết học trong nghiên cứu khoa học. Theo quan điểm này, phép biện chứng duy vật là cơ sở chung của mọi nhận thức khoa học. Quan điểm này giúp người nghiên cứu giải quyết hai vấn đề quan trọng trong nghiên cứu khoa học là xác định rõ lập trường quan điểm triết học trong nghiên cứu khoa học và cách thức giải quyết các vấn đề nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận triết học duy vật biện chứng.
Quan điểm phương pháp luận chung nhất, phổ biến nhất trong nghiên cứu khoa học là quan điểm triết học. Bởi vì, triết học là bộ phận quan trọng nhất của thế giới quan, mà thế giới quan lại tạo nên phần quan trọng nhất trong nội dung của phương pháp luận. Các quan điểm triết học là cơ sở để nghiên cứu và xây dựng căn cứ lý luận cho các loại phương pháp nhận thức chung nhất.
Thực chất của quan điểm này là sử dụng hệ thống những luận điểm triết học duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin làm cơ sở lý luận định hướng chung cho toàn bộ quá trình nghiên cứu. Nội dung của quan điểm này chỉ ra rằng, trong thời đại ngày nay triết học Mác - Lênin là cơ sở phương pháp luận phổ biến khoa học duy nhất, đáp ứng được đầy đủ nhất những yêu cầu của nghiên cứu khoa học hiện đại. Bởi vì triết học Mác - Lênin được xây dựng và được khái quát từ những thành tựu của khoa học và của thực tiễn, nó vạch ra những quy luật phát triển chung nhất của thế giới, và do đó, nó vũ trang cho nhà nghiên cứu phương pháp đúng đắn nhất để nhận thức và cải tạo hiện thực.
Triết học Mác - Lênin với những quan điểm lý luận duy vật biện chứng đã trở thành cơ sở phương pháp luận triết học của mọi khoa học, kể cả khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Ph.Ăngghen đã viết: "Chính phép biện chứng là một hình thức tư duy quan trọng nhất đối với khoa học tự nhiên, bởi vì chỉ có nó mới có thể là cái tương đồng và do đó mới đem lại phương pháp giải thích những quá trình phát triển diễn ra trong giới tự nhiên, giải thích những mối quan hệ chung, những bước quá độ từ một lĩnh vực nghiên cứu này sang một lĩnh vực nghiên cứu khác... Chỉ có phép biện chứng mới có thể giúp cho khoa học tự nhiên thoát ra khỏi những khó khăn về lý luận"[1, tr. 488, 489].
Triết học Mác - Lênin vũ trang cho các nhà khoa học một phương pháp nhận thức đúng đắn duy nhất. Chỉ có triết học Mác - Lênin mới xác định đúng được khuynh hướng của khoa học, chỉ ra được về đại thể phương hướng đúng đắn của sự tìm tòi khoa học trong mỗi lĩnh vực, hiện tượng nhất định, vạch ra được các hình thức và các phương pháp làm phong phú nó bằng các kết quả mới. Triết học Mác - Lênin mới thực sự là phương pháp luận phổ biến duy nhất đúng đắn của khoa học hiện đại.
Cơ sở phương pháp luận triết học trong nghiên cứu khoa học hiện đại là toàn bộ triết học Mác - Lênin, bao gồm những vấn đề cơ bản như sau:
Những luận điểm chung nhất của triết học Mác - Lênin về tự nhiên, xã hội, tư duy. Đó là những luận điểm về biện chứng của tự nhiên, về quy luật phát triển của xã hội, về con người trong triết học, về lý luận nhận thức, về tư duy và lôgíc. Những luận điểm này chỉ ra cho các nhà khoa học quy luật chung nhất của thế giới khách quan, của tự nhiên, xã hội và tư duy.
Những nguyên lý cơ bản của phép duy vật biện chứng. Đó là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến và nguyên lý về tính phát triển của thế giới. Các nguyên lý này chỉ ra cho các nhà khoa học về tính vô hạn của thế giới, tính hữu hạn của các sự kiện, hiện tượng cụ thể và mối quan hệ phức tạp của chúng. Các nguyên lý này cũng chỉ ra cho nhà khoa học rằng, mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại trong trạng thái vận động, biến đổi không ngừng và đều có xu hướng phát triển.
Những quy luật, các cặp phạm trù của phép biện chứng. Những quy luật và các cặp phạm trù này đã chỉ ra nguồn gốc, động lực, con đường, xu hướng phát triển của thế giới khách quan, giúp cho nhà khoa học biết cách tiếp cận đối tượng nghiên cứu đảm bảo tính khoa học, khách quan.
Quan điểm phương pháp luận duy vật biện chứng đặt ra cho hoạt động nghiên cứu khoa học những yêu cầu chung như sau:
- Trong quá trình nghiên cứu, nhà khoa học phải xác định rõ cơ sở triết học của vấn đề nghiên cứu. Thành phần quan trọng nhất tạo nên cơ sở phương pháp luận của vấn đề nghiên cứu là triết học. Việc xác định cơ sở phương pháp luận của vấn đề nghiên cứu, trước hết là xác định cơ sở triết học của vấn đề nghiên cứu đó. Bất kỳ một sự nghiên cứu khoa học nào cũng phải dựa trên một cơ sở triết học nhất định. Để nghiên cứu một đề tài khoa học, người nghiên cứu phải xác định được cơ sở triết học để tiếp cận vấn đề nghiên cứu, phải xem xét, nhận thức đối tượng nghiên cứu theo một trục lý luận triết học nhất quán.
Trong thời đại ngày nay, mọi nghiên cứu khoa học muốn đạt đến chân lý khách quan phải dựa trên cơ sở phương pháp luận triết học Mác - Lênin. Cơ sở phương pháp luận triết học trong nghiên cứu khoa học hiện đại là toàn bộ triết học Mác - Lênin chứ không phải chỉ là lý luận nhận thức, lôgic học hay một bộ phận nào đó của triết học. Tuy nhiên, trong đó, chủ nghĩa duy vật biện chứng là hạt nhân quan trọng nhất. Các quan điểm, nguyên lý, các quy luật và các cặp phạm trù của phép duy vật biện chứng là một cơ sở lý luận rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học chỉ có đứng trên lập trường duy vật biện chứng để nghiên cứu thế giới mới có thể đạt đến chân lý khách quan.
- Nhà khoa học phải dựa trên quan điểm phương pháp luận triết học để xác định cơ sở lý luận chính trị của vấn đề nghiên cứu. Quan điểm lý luận chính trị là một thành phần quan trọng tạo nên cơ sở phương pháp luận của vấn đề nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học phải đảm bảo sự thống nhất giữa các quan điểm phương pháp luận triết học với các quan điểm chính trị. Người nghiên cứu phải dựa trên quan điểm phương pháp luận triết học để xác định lập trường xuất phát có tính chất lý luận đối với việc nghiên cứu, xác định thế giới quan và định hướng quá trình tư duy khoa học. Quan điểm phương pháp luận triết học chi phối quan điểm chính trị của chủ thể nghiên cứu. Bởi vì, mỗi chế độ xã hội đều có quan điểm chính trị riêng được xây dựng dựa trên một cơ sở triết học nhất định. Như vậy, trong khi đứng trên quan điểm phương pháp luận triết học để tiếp cận đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu cũng đồng thời đứng trên quan điểm chính trị của một chế độ xã hội nhất định. Các đề tài nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay phải dựa trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nhà khoa học phải dựa trên quan điểm phương pháp luận triết học để xây dựng và phát triển cơ sở lý luận chuyên ngành của vấn đề nghiên cứu. Những phạm trù, khái niệm, lý thuyết khoa học chuyên ngành là một thành phần quan trọng tạo nên cơ sở phương pháp luận của vấn đề nghiên cứu. Trong nghiên cứu khoa học phải dựa trên các quan điểm phương pháp luận triết học để phát triển lý luận của vấn đề nghiên cứu. Các quan điểm triết học thâm nhập vào các bộ môn khoa học, tạo cơ sở cho các bộ môn khoa học phát triển lý luận, tạo ra các phạm trù, các khái niệm, các lý thuyết khoa học mới. Chính các phạm trù, khái niệm và lý thuyết khoa học của bộ môn khoa học đó lại trở thành cơ sở phương pháp luận cho vấn đề nghiên cứu.
Quan điểm này đòi hỏi trong khi xem xét, đánh giá một đề tài khoa học, phải xác định rõ vấn đề nghiên cứu đó đã được tác giả dựa trên nền tảng triết học nào và bản thân chúng ta đang đứng trên cơ sở triết học nào để xem xét, đánh giá đề tài khoa học đó. Chẳng hạn, khi nghiên cứu tư tưởng giáo dục của Khổng Tử, nhà nghiên cứu phải chỉ rõ cơ sở triết học trong tư tưởng giáo dục của Khổng Tử. Dựa trên cơ sở triết học đó để chỉ ra cơ sở chính trị, xã hội trong tư tưởng giáo dục của Ông. Một sự xem xét, đánh giá như vậy đã mang tính biện chứng, khách quan của vấn đề nghiên cứu theo quan điểm phương pháp luận triết học Mác - Lênin.
- Nhà khoa học phải dựa trên quan điểm phương pháp luận triết học để lựa chọn, sử dụng các phương pháp nghiên cứu đối tượng. Quan điểm phương pháp luận triết học duy vật biện chứng không chỉ định hướng cho người nghiên cứu trong quá trình tìm ra các phương pháp nghiên cứu đối tượng mà còn định hướng ngay cả trong quá trình vận dụng các phương pháp đó. Việc lựa chọn và sử dụng phương pháp nghiên cứu khoa học phải được thực hiện dựa trên sự phân tích những đặc điểm triết học của phương pháp.
Tuy nhiên, quan điểm phương pháp luận triết học chỉ là những quan điểm chung nhất về các phương pháp, làm căn cứ lý luận cho các loại phương pháp nhận thức đối tượng nghiên cứu cụ thể. Quan điểm phương pháp luận triết học không đồng nhất với phương pháp triết học hoặc phương pháp nghiên cứu của một bộ môn khoa học cụ thể. Triết học Mác - Lênin không phải là vạn năng chứa sẵn mọi cách giải quyết cụ thể cho tất cả mọi vấn đề cụ thể của khoa học cũng như của đời sống.
Tóm lại, mọi hoạt động nghiên cứu khoa học muốn đạt tới đỉnh cao của sự sáng tạo thì nhất thiết phải đứng trên một cơ sở phương pháp luận triết học nhất quán. Trong thời đại ngày nay, mọi nghiên cứu khoa học muốn đạt đến chân lý khách quan phải dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng của triết học Mác - Lênin.
Tài liệu tham khảo
[1]. C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2004, T. 20, tr. 488, 489.
[2]. Vũ Cao Đàm (1999), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
[3]. Dobrov.G.M (1996), Khoa học về khoa học, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
[4]. Lê Tử Thành (1995), Logic học và phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Trẻ, Hà Nội
[5]. Trần Đình Tuấn (2008), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội.
PGS.TS Trần Đình Tuấn
Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục