Phải chăng cần quan tâm hơn tới chính sách đãi ngộ đối với nhân viên trường học?
TCGCVN - Vừa qua, nhiều nhân viên thư viện nhà trường đã có đơn kiến nghị về những khó khăn vất vả trong công tác và mong muốn được quan tâm, đãi ngộ tương xứng với đóng góp.
(Ảnh minh họa )
Hiện nay thu nhập chính thức của không ít giáo viên (giáo viên mới ra trường, giáo viên hợp đồng) từ ngân sách nhà nước so với mặt bằng chung thu nhập xã hội cũng còn bất cập, chưa tương xứng với vai trò, vị thế và đóng góp của nhà giáo.
Tuy nhiên, thực tế trong nhà trường còn có một lực lượng thiệt thòi, công việc vất vả không kém mà chế độ đãi ngộ còn thấp hơn giáo viên, đó chính là các nhân viên kế toán, văn thư, y tế học đường, thiết bị, giáo vụ,… gọi chung là nhân viên trường học họ phải chịu nhiều thiệt thòi, chế độ đãi ngộ rất thấp.
Vừa qua nhiều giáo viên thư viện nhà trường đã có đơn kiến nghị về việc điều chỉnh cách tính tiền lương.
Trong đó, các giáo viên này kiến nghị xem xét để chuyển đúng chức danh là “giáo viên thư viện” thay vì “nhân viên thư viện” như hiện nay để họ được hưởng chế độ chính sách giống giáo viên (có phụ cấp đứng lớp và thâm niên nhà giáo).
Ngoài ra, các giáo viên thư viện cũng đề xuất chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức làm công tác thư viện - thiết bị vì có thời gian làm việc nhiều với các loại ẩm mốc, mực in, hóa chất độc hại, nguy hiểm (do có địa phương chưa thực hiện chi trả phụ cấp độc hại cho viên chức thư viện - thiết bị theo quy định của Chính phủ). Và bổ sung chế độ tiền lương kiêm nhiệm đối với những viên chức thư viện, thiết bị phải làm kiêm nhiệm thêm các công việc độc lập khác theo định mức biên chế vị trí việc làm đang còn thiếu ở đơn vị.
( Ảnh minh họa )
Yêu cầu công việc lớn, áp lực ngày một nhiều nhưng nhiều giáo viên phụ trách công tác thư viện trên 15 năm và thậm chí gần 20 năm mà tiền lương chỉ dao động 4 - 6 triệu đồng/tháng.
Cô T. ở Thường Xuân, Thanh Hóa kể, ngoài giờ làm việc cô làm bánh nhãn với các công đoạn nhào bột, tạo hình, chiên giòn, lăn đường và đóng gói rồi bán online. Vào mùa bánh nhãn cô T. phải tranh thủ thời gian, thậm chí thức đến 2 đến 3h sáng để làm để kịp đơn cho khách.
"Tôi mong lãnh đạo quan tâm hơn đến đời sống của những người làm công tác thư viện trường học như chúng tôi” - cô T. nêu ý kiến.
Cũng tại Trường Tiểu học Xuân Trường xã Xuân Trường huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa cô Nguyễn Thị Hạnh là một người làm công tác thư viện thiết bị trong trường tiểu học 16 năm. Số lương hiện cô được nhận hơn 5 triệu đồng/tháng. Với số lương đó, cô không đủ sống và nuôi con ăn học.
“Chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo mất tháng 8/2021, một mình tôi nuôi bốn con nhỏ, gia đình thuộc hộ cận nghèo” - cô Hạnh tâm sự.
Ở trường, ngoài công tác chuyên môn, cô Hạnh còn phải kiêm nhiệm thêm công việc hành chính văn thư và những công việc khác do hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phân công.
Cô Hạnh mong muốn sớm có chính sách tiền lương phù hợp để nhân viên trường học như cô không bị thiệt thòi mà yên tâm công tác gắn bó với công việc, được cống hiến cho sự nghiệp giáo dục trồng người.
Đồng cảnh ngộ như cô Hạnh là cô B.T.T nhân viên thư viện của một trường TH&THCS tỉnh Hòa Bình. Với 17 năm công tác gắn bó với nghề, cô có 6 năm đi làm hợp đồng và 11 năm biên chế, mặc dù đã bậc 5 nhưng lương của cô mới chỉ dừng lại ở con số 4 triệu đồng.
“Nhiều lúc nghĩ cũng tủi thân lắm, mang tiếng làm nhà nước mà lương có tháng không mua được thùng sữa cho con, cầm lương mà trong lòng bao suy tính không biết sẽ mua gì mà trả nợ ai, có tháng về đến nhà lương còn lại mấy chục nghìn. Tôi mong muốn trong thời gian tới các cấp bộ, ban ngành quan tâm đến lương và đời sống của bộ phận nhân viên trường học nhất là nhân viên thư viện, để mọi người yên tâm công tác, cống hiến và tâm huyết với nghề” - cô B.T.T chia sẻ.
( Ảnh minh họa )
Chia sẻ của chị Phạm Thị Thu Hà – nhân viên thư viện Trường Trung học cơ sở Lương Khánh Thiện (huyện An Lão, Hải Phòng)
" Gần 20 năm công tác, lương sắp kịch trần vẫn không nổi 5 triệu đồng/ tháng. Thực tế lương chúng tôi không bằng lương của công nhân bậc 1 với trình độ hết lớp 9. Chúng tôi sẽ chi tiêu như thế nào với đồng lương còm cõi ấy trong thời đại bão giá này.
Chúng tôi không dám mong ước chế độ đãi ngộ như giáo viên nhưng ít nhất cũng phải đủ sống để chúng tôi yên tâm công tác, phấn đấu, tận tụy với nghề. "
Đó cũng là những tâm tư của hầu hết đội ngũ nhân viên trường học tại Hải Phòng.
Như vậy, qua trao đổi với những người nhân viên thư viện mới thấy hết được những thiệt thòi và đóng góp cố gắng hàng ngày của họ để theo đuổi nghề nghiệp. Trái với những áp lực công việc và sự đóng góp thì đồng lương của họ quá thấp, những giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt thì đời sống quá vất vả.
Lương không nuôi sống nổi bản thân, phải gánh vác việc gia đình, nên đời sống của các nhân viên thư viện quá khó khăn, tất cả đang nỗ lực hàng ngày để chờ mong về một chính sách tiền lương hợp lý tương xứng với những đóng góp của họ, để mọi người yên tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Văn Anh - Văn Ba