Những hiện vật biết nói tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
TCGCVN - Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật quý giá mà còn là nơi những câu chuyện lịch sử được tái hiện sống động. Từ những chiếc máy đánh chữ cổ kính đến những tờ báo đầu tiên, mỗi hiện vật tại đây đều mang trong mình một "lời tự sự" riêng, kể lại hành trình phát triển của nền báo chí nước nhà. Hãy cùng khám phá và lắng nghe những câu chuyện đầy cảm xúc từ những hiện vật biết nói này.
Với mong muốn gìn giữ, tôn vinh và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ngày 28/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam, và bảo tàng chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020.
Trải qua hơn 1.000 ngày để triển khai, dự án sưu tầm tài liệu, hiện vật đã được triển khai với trên 20.000 hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại kho cơ sở của bảo tàng. Trong số đó đã có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Dự án trưng bày triển khai cùng dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công.
Hướng dẫn viên của Bảo tàng giới thiệu cho khách tham quan.
Các bạn trẻ thích thú khám phá, tìm hiểu câu chuyện lịch sử đằng sau những hiện vật tại bảo tàng.
Những màn “đấu thanh” mang khát vọng thống nhất ở vĩ tuyến 17.
Một trong những hiện vật gây ấn tượng với nhiều người là chiếc loa khổng lồ trưng bày tại Bảo tàng. Đây là chiếc loa được sử dụng tại bờ sông Bến Hải trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiếc loa có công suất 500W, được ghép từ 3 đoạn, hai đoạn đầu tạo thành thân loa, chiều dài 1,41 m, đoạn cuối là vỏ chứa tổ hợp khuếch đại âm thanh có chiều dài 0,72 m, toàn bộ mặt bên trong phẳng, mặt bên ngoài được đúc gờ nổi dọc thân. Chiếc loa đại này vừa là nhân chứng tiêu biểu cho câu chuyện lịch sử của hơn 50 năm trước tại vĩ tuyến 17.
Chiếc loa đại nổi bật giữa không gian trưng bày, minh chứng cho những “cuộc đấu loa” quyết liệt ở vĩ tuyến 17.
Sau hiệp định Geneva (Giơ-ne-vơ), cầu Hiền Lương (Quảng Trị) đã trở thành ranh giới chia cắt 2 miền Nam-Bắc nước ta suốt 21 năm. Trong những năm tháng đó, tại vĩ tuyến 17, ngoài “cuộc chiến” màu sắc, cuộc chọi cờ đầy cam go,... ta không thể không nhắc đến những trận “đấu thanh” đầy căng thẳng nhằm thực hiện quyết liệt công tác tuyên truyền, địch vận ở miền Bắc.
Để tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân đấu tranh thống nhất đất nước, vạch trần âm mưu thâm độc của Mỹ, kêu gọi những người lầm đường lạc lối ở bên kia chiến tuyến trở về với Cách mạng, quân ta đã xây dựng một hệ thống loa phóng thanh lớn, phát các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam, đài Vĩnh Linh, ca nhạc, kịch nói, dân ca…nhằm khích lệ, cổ động tình yêu nước và khát vọng thống nhất non sông của nhân dân 2 bên bờ sông. Có những hôm trời gió to, âm thanh của loa có thể truyền đi hàng chục cây số về phía Gio Linh, làm sôi sùng sục cả một vùng sông nước. Bên phía bờ Nam cũng không chịu thua, dựng một hệ thống loa có công suất lớn, không ngừng xuyên tạc lịch sử nhằm làm dao động ý chí Cách mạng của dân ta.
Cuộc đọ thanh với công suất lớn, tần suất dày đặc suốt 21 năm bên bờ Hiền Lương dưới làn mưa bom bão đạn cho đến ngày chiến thắng. Đây được xem như minh chứng thép về một giai đoạn hào hùng của báo nói (báo phát thanh) Việt Nam, góp phần làm nên bản tráng ca bên bờ sông giới tuyến: Bắc-Nam về chung một nhà.
Máy quay “ngựa trời” - nền móng của truyền hình Việt Nam
Ngày 1/5/1968, sau khi tiếp khách quốc tế, Bác Hồ hỏi thăm phóng viên Phan Thế Hùng: “Bao giờ các chú cho nhân dân ta được xem truyền hình?”. Chính mong muốn cho nhân dân 2 miền Nam, Bắc bình đẳng, đều có báo hình để xem của Bác đã thôi thúc thế hệ lớp người chẳng biết truyền hình là gì khi đó, để rồi sau 2 năm chuẩn bị, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, các kỹ sư truyền hình non trẻ đã sáng chế thành công 2 chiếc máy quay đầu tiên của truyền hình Việt Nam đặt tên là “ngựa trời 1” và “ngựa trời 2”, lần lượt mang số hiệu “NT1” và “NT2”.
Trong bối cảnh những ngày đầu sơ khai của truyền hình miền Bắc, kinh tế hạn chế, việc mua các thiết bị hiện đại tối tân là điều bất khả thi, vì vậy ban lãnh đạo Đài đã động viên các anh chị em kỹ thuật cùng nhau chung sức, phát huy tinh thần tự lực, tự cường và lắp ráp các thiết bị truyền hình từ những linh kiện phát thanh sẵn có. Đối với một chiếc máy quay, ống thu hình là bộ phận quan trọng nhất nhưng chúng ta không sẵn có nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và lắp ráp. May mắn thay, vấn đề đã được khai thông khi Tổng biên tập Trần Lâm đã ngoại giao thành công để “vay mượn” 2 ống thu hình Super Orthicon đã quá thời hạn sử dụng của nước bạn Liên Xô.
Từ đầu tháng 8 năm 1970, công việc lắp camera điện tử được tiến hành khẩn trương. Sau nhiều ngày đêm miệt mài nghiên cứu, các cán bộ kỹ thuật đã lắp được chiếc camera điện tử đầu tiên, cho ra những hình ảnh lờ mờ trôi trên màn hình. Mọi người ai ai cũng háo hứng và phấn khởi khi thấy với những linh kiện dùng cho phát thanh được gom từ nhiều nguồn cùng những nỗ lực không mệt mỏi của anh chị em, chiếc camera đã cho ra hình ảnh có thể sử dụng được. Sau một thời gian tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện, 2 camera điện tử đã được lắp ráp thành công. Tuy một số tính năng còn chưa hoàn chỉnh như: không di chuyển được, 3 ống kính khó thay đổi khi bắt hình, nhưng cả 2 camera đều đã cho ra hình ảnh trên monitor.
Máy quay “ngựa trời” độc nhất vô nhị đánh dấu sự khai sinh của truyền hình Việt Nam.
Cuối cùng, bằng sự khéo léo, quyết tâm thực hiện mong muốn cho nhân dân cả nước được xem báo hình của Bác, các kỹ sư đã biến hóa những mảnh ghép tưởng như rời rạc, không thể liên kết với nhau thành một chiếc máy quay hình hoàn chỉnh. Ông Trần Lâm - Tổng biên tập Đài lúc bấy giờ đánh giá cáo tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường của anh em kỹ thuật viên, quyết định đặt tên là “Ngựa trời” cho 2 chiếc máy quay có vóc dáng độc đáo, lạ mắt với ống thu hình to và lớn như súng “ngựa trời” (tên một loại súng tự chế của quân Giải phóng miền Nam, đầu phóng đạn của súng to, là nỗi ám ảnh của kẻ thù). Việc đặt tên này cũng thể hiện tình cảm đậm sâu của anh chị em Đài Tiếng nói Việt Nam đối với miền Nam thân yêu. Đó vừa là niềm tự hào về lòng quyết tâm, sự sáng tạo của một thế hệ từ hai bàn tay trắng đã tạo nên chiếc camera độc nhất vô nhị, đặt những viên gạch đầu tiên cho truyền hình nước nhà, đồng thời “ngựa trời” cũng là những khát vọng vươn cao, vươn xa, đưa truyền hình đến mọi miền Tổ quốc và thế giới, gắn kết mọi người của những người làm truyền hình Việt Nam.
Camera điện tử "Ngựa Trời" đã làm tròn sứ mệnh của mình trong buổi phát sóng chương trình truyền hình thử nghiệm đầu tiên vào 19h ngày 7 tháng 9 năm 1970, tại Studio M (phòng thu nhạc lớn) 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Chiếc camera thô sơ chính là "linh hồn" của buổi truyền hình kéo dài gần hai tiếng đồng hồ với đầy đủ các chương trình Thời sự, Những bông hoa nhỏ và Ca nhạc.
Bục Kim Cương - nơi Tôn Vinh Những Viên Ngọc Quý Của Báo Chí Việt Nam
Bục "Kim Cương" tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một hiện vật đặc biệt, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc tôn vinh giá trị của báo chí. Khi xây dựng bảo tàng, lãnh đạo đã quyết định trưng bày những tờ báo cổ xưa nhất thế giới và Việt Nam trên bục hình viên kim cương 10 cánh. Ý tưởng này nhằm thể hiện rằng những tờ báo này là những viên kim cương vô giá, cần được đặc biệt nâng niu và giữ gìn.
Bục "Kim Cương" trưng bày 10 tờ báo nổi tiếng, tiêu biểu, đại diện cho các châu lục và Việt Nam. Trong đó, có tờ Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien, xuất bản năm 1605, được coi là tờ báo cổ nhất thế giới. Bên cạnh đó, bục còn trưng bày Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, và Báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.
Tờ Gia Định Báo (1865)
Báo Thanh niên (1926)
Thông tin về những tờ báo cổ nhất châu Mỹ, châu Phi, châu Á, châu Đại Dương, tờ cổ nhất Đông Nam Á, tờ nhật báo cổ nhất thế giới hiện vẫn đang phát hành cũng dần được tìm ra và được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Với lịch sử 415 năm báo chí thế giới, 155 báo chí quốc ngữ và 95 năm báo chí cách mạng Việt Nam, lịch sử báo chí nhân loại và Việt Nam được ghi lại bằng những dấu mốc đậm nét với những giá trị lịch sử vĩnh hằng. Từ nền móng này, báo chí thế giới, các châu lục và Việt Nam đã dần hình thành và phát triển.
Du khách tham quan Bục kim cương tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Việc trưng bày các tờ báo trên bục "Kim Cương" không chỉ là cách để bảo tồn và tôn vinh giá trị lịch sử của báo chí mà còn là cách để nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu này.
Những chiếc máy ảnh của các phóng viên chiến trường - chứng nhân thầm lặng của lịch sử báo chí Việt Nam
Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, những chiếc máy ảnh của các phóng viên chiến trường được trưng bày như những chứng nhân thầm lặng, kể lại câu chuyện về những năm tháng khốc liệt của lịch sử. Những chiếc máy ảnh này không chỉ là công cụ ghi lại hình ảnh mà còn là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự hy sinh của các phóng viên trong cuộc chiến tranh.
Hiện vật máy ảnh của các nhà báo trưng bày tại Bảo tàng
Những chiếc máy ảnh này không chỉ ghi lại những khoảnh khắc lịch sử mà còn là minh chứng cho sự tàn khốc của chiến tranh và lòng dũng cảm của các phóng viên. Chúng kể lại câu chuyện về những con người đã dấn thân vào nơi nguy hiểm để mang về sự thật, góp phần vào công cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho dân tộc.
Triển lãm những chiếc máy ảnh của các phóng viên chiến trường tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là nơi tôn vinh những người đã hy sinh mà còn là lời nhắc nhở về giá trị của hòa bình và sự thật. Những hiện vật này giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lịch sử và trân trọng những đóng góp to lớn của báo chí trong việc ghi lại và truyền tải những sự kiện quan trọng của đất nước.
Những hiện vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam không chỉ là những vật chứng lịch sử mà còn là những câu chuyện sống động về sự phát triển và đóng góp của báo chí Việt Nam qua các thời kỳ. Từ những chiếc máy đánh chữ, máy ảnh của các phóng viên chiến trường, đến những tờ báo cổ xưa, mỗi hiện vật đều mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu.
Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày những hiện vật này mà còn là nơi tôn vinh những người đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp báo chí. Những câu chuyện đằng sau mỗi hiện vật nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của báo chí trong việc ghi lại và truyền tải sự thật, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Linh Uyên - Thu Hằng