Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc: Phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam
TCGCVN – Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986, Đảng ta đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 – ngày Đảng thành lập Mặt trận Thống nhất - để làm Ngày Truyền thống của MTTQ Việt Nam. Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ra Nghị quyết về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới.
Biểu tượng Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc
Trong nhiều năm qua, Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc đã tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Vào dịp này, tinh thần đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn càng được phát huy, góp phần thực hiện tốt các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Xây dựng văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng các gia đình điển hình có “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” đấu tranh chống lại các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, xóa dần những tệ nạn trong xã hội.
Thông qua Ngày hội, nhiều khu dân cư đã sáng tạo ra các hình thức thi đua giữa các xóm, tổ dân phố, tổ nhân dân, thực hiện các công trình dân sinh trên địa bàn, giải quyết việc làm, thành lập các tổ giúp đỡ nhau trong sản xuất hay xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chăm sóc người già yếu, neo đơn… Ngày hội cũng đã tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, giúp cấp ủy đảng và chính quyền các cấp lắng nghe được những nguyện vọng, những phản ánh của nhân dân trong cuộc sống.
Theo định hướng của Ủy MTTQ Việt Nam TPHCM, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2023 cần chú trọng một số nội dung như giới thiệu, tuyên truyền về lịch sử truyền thống vẻ vang của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 93 năm qua; tuyên truyền trong nhân dân hướng về biên giới, biển, đảo Tổ quốc; nâng cao ý thức, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chăm lo thiết thực cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ và đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Để Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc thực sự là một ngày vui và có ý nghĩa như tên gọi “ngày hội” của nó, cấp ủy và chính quyền các địa phương cần quan tâm chỉ đạo tổ chức Ngày hội nghiêm túc, nội dung phong phú, hình thức sinh động trong không khí phấn khởi để toàn thể nhân dân được hòa chung vào tinh thần yêu nước, ghi nhớ công lao các chiến sĩ và lan tỏa tinh thần yêu nước, giữ nước muôn năm.
Bùi Bình