Nâng cao năng lực đấu tranh Tư tưởng, Lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn Khoa học Xã hội và Nhân văn ở các nhà trường quân đội hiện nay
Đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là một bộ phận của đội ngũ nhà giáo quân đội; lực lượng nòng cốt trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy các môn KHXH&NV trong các nhà trường quân đội; phẩm chất, trình độ, năng lực, tiềm năng sáng tạo, sức mạnh nói chung, năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận nói riêng của đội ngũ này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các nhà trường quân đội và sự nghiệp xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
1. Vai trò của đội ngũ giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận
Đấu tranh tư tưởng lý luận là nhiệm vụ của toàn đảng, nhưng trước hết và trên hết là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ lý luận của Đảng, trong đó có đội ngũ giảng viên KHXH&NV các nhà trường quân đội. Đội ngũ giảng viên KHXH&NV ở các nhà trường quân đội là những người được đào tạo cơ bản, chuyên sâu về KHXH&NV (trình độ đại học trở lên) và nghiệp vụ sư phạm, có đủ phẩm chất và năng lực đảm trách công việc giảng viên KHXH&NV, được giao nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và nghiên cứu khoa học về một hoặc một số bộ môn thuộc KHXH&NV ở các nhà trường quân đội. Giảng viên KHXH&NV vừa là các chuyên gia giáo dục, vừa là nhà khoa học, nhà chuyên môn giỏi, đồng thời là nhà sư phạm mẫu mực trong nhà trường quân đội. Giảng viên là người giữ vai trò chủ đạo, định hướng, tổ chức, điều khiển quá trình dạy học; đồng thời là người chịu trách nhiệm hướng dẫn người học, chức năng chính của người dạy là giúp đỡ người học học được, hiểu và vận dụng. Theo đó, vai trò của giảng viên KHXH&NV trong đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội biểu hiện như sau:
Vai trò tổ chức đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên được thể hiện khi họ thiết kế và thực hiện các kế hoạch dạy học, tổ chức giảng dạy các chuyên đề nội khoá, ngoại khoá, các giờ học lý thuyết, thực hành, các đợt thực tập chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu khoa học có lồng ghép các nội dung, vấn đề, chuyên đề, đề tài có liên quan đến đấu tranh tư tưởng, lý luận, nhất là về nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua các luận cứ, luận chứng khoa học của đối tượng nghiên cứu của từng chuyên ngành trong ngành KHXH&NV. Năng lực tổ chức của giảng viên có ảnh hưởng đến việc hình thành nề nếp, thói quen và kỹ năng đấu tranh tư tưởng, lý luận của học viên thông qua hoạt động giảng dạy.
Vai trò hướng dẫn đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên được thể hiện khi họ giúp học viên sưu tầm tài liệu, lựa chọn phương pháp học tập, chuẩn bị các báo cáo hội thảo, tiến hành các thí nghiệm, thực hành, thực tập nghề nghiệp, triển khai các đề tài khoá luận, luận văn tốt nghiệp có liên quan đến đấu tranh tư tưởng, lý luận. Phương pháp hướng dẫn của giảng viên có tác động rất lớn đến việc hình thành kỹ năng, phương pháp và kết quả học tập nói chung, kết quả đấu tranh tư tưởng, lý luận nói riêng của học viên. Giảng viên hướng dẫn tốt sẽ tạo cho học viên thói quen và kỹ năng tranh tư tưởng, lý luận, vì thế có thể nói giảng viên giảng dạy tốt là những giảng viên có kỹ năng hướng dẫn học viên học tập bằng phương pháp tranh tư tưởng, lý luận tốt nhất.
Vai trò điều khiển hoạt động đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên thể hiện khi họ nắm vững bản chất lý thuyết nhận thức và kiến tạo tri thức của học viên, đề xuất các mục tiêu học tập, nghiên cứu để định hướng, dẫn dắt học viên tư duy bằng đưa ra các tình huống mâu thuẫn, bằng hệ thống câu hỏi, bằng lập luận, phân tích, giúp học viên suy nghĩ, cùng với tập thể thảo luận, từ đó có thể tự rút ra các kết luận khoa học về những quan điểm sai trái, thù địch.
Vai trò giáo dục của giảng viên được thể hiện khi họ sử dụng các phương pháp động viên, khích lệ học viên có tình cảm cách mạng với nền tảng tư tưởng của Đảng, thái độ kiên quyết với quan điểm sai trái, thù địch trong học tập. Bằng tâm huyết khoa học và nghệ thuật sư phạm giảng viên tạo cho học viên nhu cầu, hứng thú, niềm say mê và tính tích cực trong học tập và đấu tranh tư tưởng, lý luận.
2. Năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường quân đội
Năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của giảng viên KHXH&NV thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội là tổng hoà những khả năng có thể huy động được của toàn bộ đội ngũ vào việc phát hiện, phê phán, đấu tranh ngăn chặn và khắc phục ảnh hưởng của những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, phản động nhằm bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước; bảo vệ và phát huy bản chất, truyền thống của quân đội, sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo đó, nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội là tổng thể các biện pháp, cách thức nhằm phát triển khả năng phát hiện, phê phán, ngăn chặn và khắc phục ảnh hưởng của những quan điểm, tư tưởng thù địch, phản động, sai trái từ hoạt động dạy học nhằm truyền bá, bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, bản chất truyền thống quân đội và sự nghiệp cách mạng của Nhân dân.
Năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận là một trong những phẩm chất quan trọng đối với đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn k KHXH&NV, là cơ sở tiền đề cho đội ngũ này hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu ở các nhà trường quân đội hiện nay. Để nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, bồi dưỡng thế giới quan khoa học và phương pháp luận duy vật biện chứng trong xem xét giải quyết các vấn đề tư tưởng, lý luận làm cơ sở nâng cao nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội. Bồi dưỡng thế giới quan khoa học và phương pháp luận duy vật biện chứng là quá trình chuẩn bị cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV nắm vững nguyên lý, quy luật vận động phát triển của thế giới khách quan; lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân; phương pháp tiếp cận trong xem xét, phân tích có căn cứ khoa học về nguồn gốc ra đời, bản chất, xu hướng vận động của các trào lưu tư tưởng, quan điểm phi mác-xít nhằm bảo đảm cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV nghiên cứu luôn đứng vững trên lập trường quan điểm giai cấp công nhân của Đảng, biết cụ thể hoá vận dụng sáng tạo các nguyên lý, nguyên tắc của phương pháp duy vật biện chứng vào quá trình dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội.
Bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV ở các nhà trường quân đội sẽ trực tiếp góp phần nâng cao năng lực quán triệt, thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng vào thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đồng thời góp phần quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện phẩm chất nhân cách của chính họ và của học viên; trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bồi dưỡng thế giới quan khoa học, phương pháp luận duy vật biện chứng trong giảng dạy và nghiên cứu của giảng viên KHXH&NV cần thực hiện tốt một số biện pháp cụ thể sau: Thứ nhất, thông qua giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao nhận thức, củng cố thế giới quan, lập trường quan điểm giai cấp công nhân của Đảng cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV. Hai là, Thường vụ Đảng ủy các học viện, nhà trường mở các lớp tập huấn theo từng chuyên ngành, chuyên môn để trang bị, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng xem xét, phân tích giải quyết các vấn đề về đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội, bảo vệ nền tảng tư tưởng cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV. Thứ ba, tổ chức tốt các diễn đàn, hội thảo, hội nghị chuyên đề trao đổi để bồi dưỡng thế giới quan khoa học và phương pháp luận duy vật biện chứng trong nhận diện, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng. Thứ tư, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường cung cấp thông tin cập nhật, có chính sách khuyến khích giảng viên KHXH&NV tích cực tham gia về đấu tranh tư tưởng, lý luận và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thứ năm, thường xuyên tổ chức tốt việc rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV để bồi dưỡng thế giới quan, phương pháp luận và kinh nghiệm thực tiễn đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ này.
Hai là, trang bị kiến thức toàn diện và nâng cao giác ngộ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV ở các nhà trường quân đội. Đây là giải pháp cơ bản có ý nghĩa quyết định tới quá trình nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội giai đoạn hiện nay. Trang bị kiến thức toàn diện và nâng cao giác ngộ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho giảng viên KHXH&NV các nhà trường quân đội là tạo cơ sở nền tảng để họ có thể tham gia có hiệu quả vào công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội. Thực hiện giải pháp này cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các cấp ở các nhà trường quân đội và các chủ thể giáo dục trong giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV. Thứ hai, tăng cường, mở rộng hoạt động nghiên cứu chuyên đề để trang bị bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV. Thứ ba, thực hiện nghiêm túc kế hoạch giáo dục chính trị, học tập tại chức hàng năm do Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Chính trị tổ chức. Thứ tư, phát động phong trào thi đua tự học tập, tự nghiên cứu nâng cao trình độ kiến thức toàn diện trong đội ngũ giảng viên KHXH&NV, nhất là năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận.
Ba là, nâng cao năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên KHXH&NV thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội hiện nay. Đây là giải pháp vừa cơ bản, vừa thiết thực trực tiếp nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội. Thực hiện giải pháp này cần thực hiện tốt một số biện pháp cơ bản sau: Thứ nhất, đổi mới công tác đào tạo giảng viên KHXH&NV, nhất là giảng viên lý luận chính trị ở các cơ sở đào tạo cả ở trong và ngoài quân đội đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân. Thứ hai, thường xuyên bổ sung, cập nhật chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, đảm bảo tính khoa học, hiện đại, thực tiễn và tính hiệu quả trong đấu tranh tư tưởng, lý luận. Thứ ba, lấy việc tự bồi dưỡng năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận của đội ngũ giảng viên KHXH&NV là trung tâm trong đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học ở các nhà trường quân đội.
Bốn là, phát huy tính tích cực của đội ngũ giảng viên KHXH&NV trong tự nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội. Đội ngũ giảng viên KHXH&NV vừa là đối tượng của hoạt động nâng cao, vừa là chủ thể tự nâng cao. Vì vậy, họ phải hoàn thành tốt trách nhiệm trên cả phương diện là đối tượng nâng cao và chủ thể tự nâng cao. Trên thực tế sự tham gia vào quá trình nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV của các chủ thể nâng cao chỉ giữ vai trò quan trọng, định hướng, hướng dẫn, còn yếu tố giữ vai trò trực tiếp quyết định lại phụ thuộc vào tính tích cực, chủ động, tự giác của bản thân họ. Đây là giải pháp hết sức quan trọng xuất phát từ nguyên tắc giáo dục, dạy học của Đảng ta. Thực hiện giải pháp này cần tập trung làm tốt một số nội dung biện pháp sau: Thứ nhất, các Cấp uỷ, Ban giám đốc, Ban giám hiệu mà trực tiếp là cấp ủy, chỉ huy ở các khoa ở các nhà trường quân đội phải làm tốt việc giáo dục, xây dựng động cơ ý thức trách nhiệm của đội ngũ giảng viên KHXH&NV trong tự nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ nền tảng của Đảng. Thứ hai, hướng dẫn, giúp đỡ đội ngũ này xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giảng viên KHXH&NV thực hiện thắng lợi kế hoạch tự nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV của bản thân họ. Thứ ba, bản thân đội ngũ này phải nêu cao trách nhiệm trong lựa chọn nội dung, phương pháp, và bảo đảm tính kế hoạch trong tự nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV. Thứ tư, các chủ thể quản lý phải có chính sách động viên khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích trong tự nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận thông qua dạy học các môn KHXH&NV.
Tóm lại, đấu tranh tư tưởng, lý luận để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay vừa là vấn đề lý luận vừa là vấn đề thực tiễn cấp bách trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược lâu dài, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, trong đó, nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội hiện nay là vấn đề cốt yếu trong quân đội. Theo đó, cũng đòi hỏi có hệ thống giải pháp đồng bộ để nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng, lý luận cho đội ngũ giảng viên thông qua dạy học các môn KHXH&NV ở các nhà trường quân đội là vấn đề cốt yếu trong quân đội giai đoạn hiện nay. Mỗi giải pháp trên có vị trí vai trò, nội dung yêu cầu và biện pháp cụ thể khác nhau nhưng có quan hệ chặt chẽ với nhau, đòi hỏi các chủ thể bồi dưỡng phải nên cao trách nhiệm vận dụng và cụ thể hoá cho phù hợp với đặc điểm tình hình và từng đối tượng cụ thể mới đem lại kết quả./.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”, Hà Nội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2019), Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Hà Nội, ngày 22/10/2019.
3. Cao Văn Trọng (2016), Nâng cao năng lực đấu tranh tư tưởng của giảng viên lý luận trong các nhà trường quân đội hiện nay, LATS triết học, Học viện Chính trị, Hà Nội.
Thượng tá, TS. Phạm Thành Trung - Phó Chủ nhiệm chính trị, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng