Mô hình khuyến học, khuyến tài Tộc họ ở một vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận
TCGCVN - Không chỉ có kho tàng văn hóa riêng giàu bản sắc, đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận còn được biết đến là cộng đồng có truyền thống hiếu học. Phong trào khuyến học, khuyến tài, nhất là khuyến học trong các tộc họ trong những năm gần đây, đã không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Một buổi họp hàng năm của chi hội Khuyến học tộc họ Kut Hamu Phok (nhánh 1) trao thưởng cho học sinh.
Huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận) là địa phương có đông người Chăm sinh sống nhất các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung bộ. Hiện nay dân tộc Chăm trong huyện có 11.125 hộ/52.119 khẩu, chiếm tỷ lệ 32,20%. sinh sống tập trung chủ yếu tại 22 thôn, khu phố thuộc 8 xã, thị trấn. Ngoài những nét văn hóa giàu bản sắc của đồng bào Chăm được bảo tồn lưu giữ, thì đồng bào Chăm ở đây còn được biết đến là cộng đồng có truyền thống hiếu học, có số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học, có trình độ thạc sĩ, Tiến sĩ ngày càng nhiều.
Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Ninh Phước cho biết: Là một trong những địa phương có phong trào thi đua khuyến học sôi nổi, đến nay 100% số xã, thị trấn đều có hội khuyến học cơ sở đã góp phần tạo động lực trong xây dựng xã hội học tập vùng đồng bào Chăm nói riêng,cả huyện nói chung. Huyện hiện nay có 84 dòng họ khuyến học, chủ yếu là các dòng họ của đồng bào dân tộc Chăm. Trong thực tế, vai trò của dòng họ trong công tác khuyến học ở vùng đồng bào dân tộc là rất quan trọng, có vai trò lớn trong việc xây dựng xã hội học tập, bởi đây là nơi khơi dậy truyền thống dòng họ, nơi giữ gìn, phát huy tốt nhất các giá trị tốt đẹp của dân tộc, truyền thống văn hóa của dân tộc mình, giáo dục con cháu hướng về cha ông, tổ tiên; dòng họ còn là nơi động viên, hỗ trợ, khen thưởng cả người lớn làm kinh tế giỏi và các cháu vượt khó học tập có thành tích xuất sắc. Đây đồng thời cũng là địa chỉ để định hướng việc học hành, nghề nghiệp cho con cháu… Huyện Ninh Phước có nhiều dòng họ đã thể hiện tốt vai trò trong phong trào khuyến học, khuyến tài, điển hình như Tộc họ Kut Hamuphok (nhánh 1) tại làng dệt Thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp thị trấn Phước Dân, nơi nhiều năm nay làm tốt công tác khuyến học, không có con em nào bỏ học nửa chừng và có nhiều cháu đỗ đạt, học ra trường có việc làm ổn định.
Tiết mục múa truyền thống dân tộc Chăm do chính con cháu trong tộc họ biểu diễn tại lễ trao thưởng.
Kut Hamu Phok (nhánh 1) là một Tộc họ nhỏ, các gia đình hiện sinh sống chủ yếu tại làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (khu phố Mỹ Nghiệp và 13 của thị trấn Phước Dân). Nghề nghiệp chủ yếu là làm nông và dệt thổ cẩm, thu nhập bấp bênh. Trước đây tình trạng con em bỏ học giữa chừng đi làm thuê rất phổ biến, cái nghèo khó cứ đeo đuổi các gia đình như một định mệnh truyền đời. Sau khi tham khảo một số giáo viên về hưu, các vị cao niên trong tộc họ đã đề nghị Hội khuyến học thị trấn, xin thành lập mô hình khuyến học riêng của Tộc họ. Hơn 10 năm qua, với sự đồng tình hưởng ứng của mọi gia đình, mô hình khuyến học Tộc họ được duy trì và phát triển.
Về làng Chăm Mỹ Nghiệp, nếu hỏi về ông Lộ Phú Thượng, 64 tuổi là thành viên của Tộc họ khuyến học Kut Hamu Phok (nhánh 1) thì ai cũng biết, Nhà chỉ có 1 sào ruộng, 2 sào đất, hoa lợi từ đất không đủ nuôi 10 miệng ăn. Để nuôi dạy 8 người con, vợ chồng ông ròng rã mấy chục năm bôn ba vất vả đi làm nuôi con ăn học, ông đã có lần chia sẻ “Những ngày tôi ở ngoài đường làm thuê còn nhiều hơn ở nhà”. Ngoài cố gắng của gia đình, ông luôn nhận được sự động viên giúp đỡ của Chi hội khuyến học Tộc họ. Đến nay tất cả các con ông đều học hành đến nơi, đến chốn và có công ăn việc làm. Trong số những người con bây giờ đã là niềm tự hào không chỉ gia đình, tộc họ mà cả cộng đồng Chăm ở Việt Nam, Đó là Lộ Nữ Hoàng Tiên sinh năm 1991, vào tháng 8/2021 cô đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Hàn Quốc, đạt điểm hạng nhất tuyệt đối, được nhà trường khắc bảng vàng lưu danh. Hiện nay cô tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc (Korea Institute of Industrial Technology - KITECH). Lộ Nữ Hoàng Tiên chính là nữ người dân tộc Chăm đầu tiên có được học vị tiến sĩ này.
Trao thưởng cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.
Nhà giáo về hưu Từ Công Bánh, được tộc họ Kut Hamu Phok (nhánh 1) tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng khuyến học cho biết: Hiện nay, hơn 50 gia đình trong tộc họ, không có con em đến tuổi đến trường mà phải ở nhà, không có cháu nào bỏ học nửa chừng. Dịp hè hàng năm chúng tôi đều tổ chức họp mặt tất cả các gia đình và các cháu sinh viên, học sinh. Đây là dịp mọi người trong tộc họ cùng nhau học hỏi kinh nghiệm học tập, giao lưu về văn hóa, văn nghệ, truyền đạt kỹ năng sống và khen thưởng những gương người tốt, việc tốt, học sinh giỏi, học nghèo vượt khó. Đây cũng là dịp để các bậc cao niên trong tộc họ giáo dục cho con em mình có thêm nhận thức hành vi đúng đắn tại trường học, gia đình, cộng đồng; các gia đình tạo điều kiện thuận lợi về thời gian cũng như vật chất để con cháu thực hiện tốt các công việc trong học tập, rèn luyện và sinh hoạt thường ngày. Những cháu có thành tích nổi bật như Tiến sĩ Lộ Nữ Hoàng Tiên thì được Chi hội Tộc họ tổ chức vinh danh. Số quỹ của chi hội được đóng góp tự nguyện, ban đầu chỉ có hơn chục triệu, đến nay đã trên 150 triệu. Số lượng được khen thưởng ở mỗi cấp học tăng hàng năm. Cụ thể năm học vừa qua, tộc họ đã tổ chức buổi gặp mặt khen thưởng, biểu dương 123 cháu có thành tích xuất sắc trong học tập, tu dưỡng với số tiền khen thưởng hơn 22.000.000 đồng.
Chi hội khuyến học tộc họ Kut Hamu Phok (nhánh 1) luôn đề cao phương châm “Toàn thể con cháu của Tộc họ nói không với vi phạm pháp luật, quyết tâm luôn vượt khó, không bỏ học và có thành tích”. Các hộ tự nguyện cam kết không cho con em nghỉ học giữa chừng và đăng ký danh hiệu gia đình hiếu học, hộ nào khó khăn Chi hội cho vay từ quỹ để phát triển kinh tế. Các con cháu được động viên học hết chương trình phổ thông, tiếp tục tham gia học nghề Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và sau Đại học. Nhiều cháu đã biết tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ liên thông lên Đại học và sau Đại học đạt được trình độ cao như Bác sỹ Chuyên khoa Cấp 1, Thạc sỹ, Tiến sỹ. Điều vui nhất như ông Từ Công Bánh chia sẻ là hầu hết các cháu sau khi học xong, có việc làm ổn định đã quay lại đóng góp, hỗ trợ cho quỹ khuyến học của Tộc họ, các cháu coi đây chính là bổn phận và trách nhiệm của mình với tộc họ mình.
Bà Lê Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội khuyến học huyện Ninh Phước tặng hoa chúc mừng Tiến sĩ Lộ Nữ Hoàng Tiên tại buổi lễ vinh danh của Tộc họ.
Tại vùng đồng bào Chăm trước đây, từ chỗ phần lớn các gia đình định hướng cho con em sau khi học phổ thông, thì chú trọng theo hai ngành chính là Giáo dục và Y tế, Tuy nhiên, hiện nay các gia đình và bản thân học sinh đã chuyển hướng theo học đa ngành, nghề thuộc nhiều lĩnh vực: khoa học – kỹ thuật, văn hóa - xã hội, du lịch… Cá biệt không ít cháu sau khi học xong, lại trở về địa phương phát triển sản xuất kinh doanh và thành công bởi chính nghề truyền thống của dân tộc mình.
Truyền thống rất hiếu học thực tế đều có ở mỗi gia đình, dòng họ đồng bào dân tộc Chăm. Đây chính là thế mạnh riêng, nếu được nhân rộng và định hướng cách làm thiết thực, nhất định mô hình khuyến học Tộc họ sẽ có đóng góp tích cực cho phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm, xu hướng hội nhập và phát triển kinh tế, góp phần tích cực vào xây dựng “Nông thôn mới - Đô thị văn minh” ở địa phương.
Núi Xanh