MẸ TÔI – NGƯỜI PHỤ NỮ KIÊN CƯỜNG TỪ TRONG KHÓI LỬA CHIẾN TRANH
TCGCVN - Hướng tới Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 - Một ngày quan trọng và ý nghĩa biết bao, tôi muốn gửi lời tri ân sâu sắc đến mẹ tôi – bà Phạm Thị Hẳn. Ở tuổi 87, mẹ vẫn là một tấm gương sáng của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả, và tình yêu thương bao la dành cho gia đình và quê hương. Mỗi khi ngồi bên mẹ, lắng nghe những câu chuyện thời chiến, tôi cảm nhận rõ rệt về một thời kỳ gian khổ nhưng đầy tự hào, nơi mẹ và những người phụ nữ Việt Nam như mẹ đã sống và cống hiến.
Ký ức về một thời kháng chiến chống Pháp hào hùng
Mẹ tôi sinh ra và lớn lên tại Ứng Hòa, Hà Nội – một vùng đất nghèo khó nhưng đầy kiên cường trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Từ nhỏ, mẹ đã phải chứng kiến sự tàn bạo của quân xâm lược đối với nhân dân Ứng Hòa, đặc biệt là những cuộc tấn công dã man của thực dân Pháp vào Khu Cháy – một vùng chiến lược quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Những năm từ 1946 đến 1950, mẹ thường kể rằng Khu Cháy là nơi trung chuyển, nuôi giấu cán bộ cao cấp của Đảng, và là điểm tựa quan trọng để cung cấp nhân lực, vật lực cho kháng chiến. Mẹ cùng bà con trong làng hết lòng bảo vệ và nuôi dưỡng cách mạng, bất chấp hiểm nguy. Từ năm 1951, khi thực dân Pháp thực hiện chính sách “tam quang” (đốt sạch, phá sạch, giết sạch), mẹ đã cùng những người phụ nữ khác đấu tranh kiên cường, bảo vệ quê hương và lực lượng kháng chiến.
Tôi nhớ rõ mỗi khi nhắc về thời kỳ đó, đôi mắt mẹ ánh lên sự tự hào, như thể ngọn lửa yêu nước vẫn cháy mãi trong trái tim người phụ nữ bình dị ấy.
Người phụ nữ kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng đã để lại trong lòng mẹ tôi biết bao kỷ niệm sâu sắc. Những năm tháng đó, mẹ không chỉ là một người phụ nữ quê mùa, lo chuyện đồng áng, mà mẹ còn là một Trung đội trưởng dân quân tự vệ của thôn Vĩnh Hạ (xã Sơn Công) từ 1961 đến 1963. Mẹ kể, những ngày ấy, dù vất vả nhưng tinh thần yêu nước của cả dân làng không hề lùi bước. Mẹ cùng bà con trong làng dốc sức bảo vệ quê hương và nuôi dưỡng lý tưởng cách mạng.
Từ 1964 đến 1971, mẹ đảm nhiệm vai trò Xã đội phó, phụ trách công tác chính sách, cấp phát tiền cho lực lượng đi B (1). Mỗi khi có ai rời quê hương lên đường chiến đấu, mẹ là người chuẩn bị cho họ hành trang, cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi còn nhớ, mẹ kể về những buổi chia tay đầy nước mắt, nơi lòng người dâng trào cảm xúc. Đặc biệt, mẹ luôn tự hào về phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” và “Chiếc nhẫn chung thủy” của thanh niên Ứng Hòa, thôi thúc bao nhiêu thế hệ hăng hái lên đường, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Mẹ - Người phụ nữ vẹn toàn của gia đình và quê hương
Dù bận rộn với công tác xã hội, mẹ chưa bao giờ quên vai trò của mình trong gia đình. Đối với tôi và các anh chị, mẹ là điểm tựa vững chắc, luôn tận tụy chăm lo, nuôi dạy chúng tôi nên người. Mỗi lần tôi hỏi mẹ về những ngày tháng chiến đấu, mẹ luôn nói rằng: “Mẹ làm tất cả không chỉ vì đất nước mà còn vì tương lai của các con”. Tình yêu nước, lòng kiên cường, và đức hy sinh của mẹ không chỉ là tấm gương sáng cho chúng tôi, mà còn là di sản tinh thần quý giá cho các thế hệ sau này.
Trong thời gian miền Bắc gồng mình để chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mĩ, mẹ vẫn tiếp tục cống hiến cho quê hương trong vai trò Ủy viên Hội đồng nhân dân huyện Ứng Hòa, và là thành viên tích cực của Ban chấp hành Hội phụ nữ xã Sơn Công. Những đóng góp của mẹ âm thầm và lặng. Hôm nay, bất chợt tôi tìm thấy trong đống giấy tờ cũ thấy bản xác nhận của chính quyền địa phương quê chồng, tôi bồi hồi xúc động. Đến thời bình, mẹ tôi lấy chồng về xã Quảng Phú Cầu (cùng huyện), tiếp tục nỗ lực hết sức mình để góp phần xây dựng gia đình, xã hội tốt đẹp hơn.
Lòng biết ơn dành cho mẹ và những người phụ nữ Việt Nam
Chuẩn bị cho Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất tới mẹ – một người phụ nữ kiên cường, người đã dành trọn đời mình cho quê hương, đất nước và gia đình. Mẹ là hiện thân của những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: yêu nước, trung hậu, bất khuất, đảm đang (2)
Những năm tháng trôi qua, tóc mẹ đã bạc, đôi chân không còn nhanh nhẹn, nhưng tình yêu thương và lòng nhiệt huyết của mẹ vẫn luôn sáng ngời trong trái tim chúng tôi. Đối với tôi, mẹ không chỉ là người mẹ hiền từ mà còn là một anh hùng thầm lặng, đã sống và chiến đấu cho tự do của đất nước, cho hạnh phúc của gia đình.
Mẹ ơi, con tự hào vì được là con gái của mẹ. Con sẽ luôn khắc ghi những gì mẹ đã truyền dạy, để sống sao cho xứng đáng với những hy sinh và cống hiến của mẹ.
(1) Là khái niệm được dùng để nói về những cán bộ từ miền Bắc với tinh thần tự nguyện vượt Trường Sơn vào miền Nam tham gia kháng chiến
(2) Tám chữ vàng Bác Hồ tặng cho phụ nữ Việt Nam
(3) Con gái bà Phạm Thị Hẳn
Ths. Nguyễn Thị Cúc – Trường THCS Lê Quý Đôn – Hà Đông (3)