Mấy kết quả nghiên cứu về xã hội – lịch sử qua văn khắc Hán Nôm của một số cựu giáo chức Thanh Hóa
Từ năm 2000 trở về sau, một số cựu giáo chức và cán bộ nghỉ hưu Thanh Hoá như cụ Võ Hồng Phi, cụ Quách Lục Kinh, cụ Hương Nao. . .được sự giúp đỡ về học thuật của PGS Trần Nghĩa Viện trưởng Viện Hán Nôm, GS Hà Văn Tấn Viện trưởng Viện khảo cổ học, GS Phan Huy Lê Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, cụ Lê Văn Uông nhà Hán Nôm học Thanh Hoá.. . .đã tự nguyện cộng tác cùng nhau khảo sát, nghiên cứu những bút tích Hán Nôm hiện còn ở Thanh Hoá và đã thu được mấy kết quả đáng khích lệ sau đây :
Bốn đại tự “Thanh kỳ khả ái” của Nhật Nam nguyên chủ (Trịnh Sâm) đề năm Canh Dần (1770) trên khối đá tự nhiên ở núi Xuân Đài, gần động Hồ Công.
(Ảnh: 7-2003)
1. Tìm được xuất xứ một bài thơ hàng trăm năm qua còn nghi vấn
Khoảng trước năm 2000, trên vách đá ở động Từ Thức, thuộc xã Nga Thiện huyện Nga Sơn, một thắng cảnh đã nổi tiếng từ xa xưa, có một bài thơ chữ Hán khắc trên vách đá, ngay phía trên cửa động. Bài thơ này thấy đề :” Ngự chế đề Từ Thức động” ( Vua đề động Từ Thức). Phía dưới ghi tên tác giả là “ Nhật Nam nguyên chủ” (日南元主題)thời gian đề thơ là “ Tân Mão trọng xuân” (Tháng 2 năm Tân Mão). Nhiều nhà nho, nhà nghiên cứu vài trăm năm qua đã đến vãn cảnh đẹp thưởng thức thơ đề động Từ Thức, bởi lẽ động này chẳng những cảnh quan vào loại đẹp, mà còn gắn với câu chuyện cổ tích Từ Thức gặp nàng tiên Giáng Hương tại nơi này, được chép trong cuốn “ Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ ở thế kỉ XVI (1). Tuy nhiên có một điều lạ là bài thơ này chưa hề thấy dịch và công bố trên sách vở, báo chí. Nguyên do chủ yếu là vì bài thơ ghi là “Ngự chế”, nghĩa là “ Vua đề”, nhưng tên tác giả lại ghi là “ Nhật Nam nguyên chủ”. Trong lịch sử phong kiến Việt Nam không thấy ông vua nào lấy hiệu là Nhật Nam nguyên chủ. Thời gian đề bài thơ lại thấy ghi vào năm Tân Mão nhưng không kèm theo niên hiệu đời vua nào. Trong Âm lịch có nhiều năm Tân Mão, vì thế cũng không thể xác định được thời gian sáng tác bài thơ.
Khi chúng tôi đến tham quan động Từ Thức (1996), mấy cụ biết chữ Hán trong ban quản lí di tích này miễn cưỡng giải thích “ Có thể là thơ của vua Lê Thánh Tông, vì vị vua này hay chữ và có một số bài thơ khắc ở động Bạch Á, Lục Vân. . . cũng trong huyện Nga Sơn”. Tuy vậy các cụ cũng còn hoài nghi vì bút danh của vua Lê Thánh Tông là “Thiên Nam động chủ”, chứ chưa bao giờ thấy nói là Nhật Nam nguyên chủ.
Khi triến khai đề tài “ Nghiên cứu di sản văn hóa Hán Nôm hiện còn ở Thanh Hóa”, chúng tôi đi thực địa, đến hang Màu thuộc xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy. Đọc chữ trong hang mới biết đây chính là động Diệu Sơn ghi trong sách vở, trên vách động có khắc bài thơ Đường luật, phía dưới đề tên tác giả là “Nhật Nam nguyên chủ” và thời gian vào năm Canh Dần trọng đông” (Tháng 10 năm Canh Dần). Bài thơ này trong các sách “ Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, thế kỉ XIX, Trịnh gia chính phả của Trịnh Như Tấu. đầu thế kỉ XX (2). . đều thấy ghi chúa Trịnh Sâm (1739-1782) đến thăm động Diệu sơn ở huyện Cẩm T mấyhủy và cho khắc lên vách đá nội dung bài thơ này.Từ đó. đã phát hiện được bút danh “ Nhật Nam nguyên chủ” là của chúa Trịnh Sâm (1739-1782), một vị chúa thích văn chương và vào loại giỏi thi ca.
Tiếp theo tra cứu trong chính sử (3) thì biết mùa đông năm Canh Dần triều Cảnh Hưng (1770), chúa Trịnh Sâm tuần hành vào Thanh Hóa mãi đến mùa xuân năm Tân Mão (1771) mới trở về Kinh. Vậy là chúng tôi đã xác định được chính xác bài thơ “ Ngự chế đề Từ Thức động” khắc trên vách đá là của chúa Trịnh Sâm (1739-1782), khắc vào thời gian tháng 2 năm Tân Mão triều Cảnh Hưng (1771), trên đường nhà chúa từ Thanh Hóa trở về Kinh.
2. Phát hiện được xuất xứ chính xác một số đại tự Hán ngữ mà xưa nay chưa biết rõ
2.1.Bốn đại tự “ Cẩm Vân” và “ Trí Diệu” ở động Diệu Sơn
Sách Đại Nam nhất thống chí có nói đến 4 đại tự này, nhưng không cho biết tác giả và thời gian khắc. Nay căn cứ vào đầu đề bài thơ chữ Hán khắc ở động Diệu Sơn, đã ghi : “ Phỏng Diệu Sơn động chí tác tịnh thư Cẩm Vân Trí Diệu nhị đại tự.”
訪妙山洞之作
併書“錦雲”,“致妙”二大字
(Làm bài thơ khi đi thăm động Diệu Sơn và viết 2 chữ lớn Cẩm Vân và Trí Diệu), nên đã khẳng định được Nhật Nam nguyên chủ, tức chúa Trịnh Sâm là tác giả 4 chữ Cẩm Vân và Trí Diệu và được khắc vào thàng 11 năm Canh Dần (1770).
2.2. Biết xuất xứ 4 đại tự “ Thanh kỳ khả ái”, khắc trên phiến đá nguyên khối ở động Hồ Công, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc
Hồ Công là một động đá đẹp nằm trên ngọn núi Xuân Đài, gắn với truyền thuyết một vị tiên là Phí Trường Phòng tu luyện ở đây. Phía trong và ngoài động có đến mấy chục bút tích thơ văn của vua, chúa, danh nho Việt Nam từ thế kỉ XV đến đầu thế kỉ XX. Dưới chân núi có chùa Du Anh thời nhà Trần. Trên đường từ chùa lên động, du khách sẽ đi qua một phiến đá nguyên khối có khắc 4 chữ Hán lớn “ Thanh kì khả ái”( 清 奇 可 愛) mỗi chữ có chiều cao đến 0,3m. Một số sách như, Hoàng Việt thi tuyển, Hồng Đức quốc âm thi tập (4). . đều nói đến 4 đại tự này. Có dịch giả sách suy đoán đây là bút tích của chúa Trịnh Tùng, nhiều ý kiến khác lại bảo là của vua Lê Thánh Tông. . Trong dịp đến trực tiếp khảo sát các bút tích Hán nôm ở động Hồ Công, chúng tôi thấy có một bài thơ Đường luật khắc trên vách đá cao phía ngoài cửa động, dưới ghi là Nhật Nam nguyên chủ và cho biết 4 đai tự “ Thanh kì khả ái” là “ đặc bút” của tác giả này. Vậy đã xác định được chính xác 4 đại tự “Thanh kì khả ái” là của chúa Trịnh Sâm và được khắc vào năm Canh Dần thángTiểu xuân, tức là tháng 10 năm 1770.
Đây là một phát hiện mang tính khoa học, chính xác, đính chính cho những nhầm lẫn trong sách vở trước đây. Tuy nhiên gần đây trên một số báo chí vẫn viết rằng 4 đại tự trên là của vua Lê Thánh Tông là do không biết đến hoặc không sử dụng một thành tựu nghiên cứu nghiêm túc nói trên, đã được một số báo chí trung ương và địa phương giới thiệu vào đầu thế kỉ XXI
2.3. Về tác giả của chữ “Thần”( (神) một đại tự Hán ngữ ở núi Bia Thần, huyện Nga Sơn
Đại tự này rất nổi tiếng, được khắc sâu vào vách một ngọn núi thuộc dãy Thần Phù, thuộc địa phận xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn. Chữ này có khuôn khổ cực lớn, rộng trên 1m và ở vị trí khá cao, trên ngọn núi Bia Thần. Sách Đại Nam nhất thống chí có chép đại tự này và cho rằng “Tương truyền do vua Lê Thánh Tông đề.”. Thực ra phía dưới chữ “Thần” còn có mấy dòng chữ nhỏ, có lẽ ghi xuất xứ, song đã bị đục phá khiến không thể đọc rõ. Khi bắc thang lên xem, chúng tôi nhận thấy mấy chữ nhỏ phía dưới còn đọc được, như chữ “Nhật”, chữ “đặc bút” . Vì tác giả “Nhật Nam nguyên chủ” cũng thường dùng chữ “ Đặc bút” khi đề các đại tự đặc biệt như “Thanh kì khả ái” ở động Hồ Công, hoặc hai chữ “ Bích Động” ở danh thắng Tam Cốc Bích Động tỉnh Ninh Bình. . .Vì thế, chúng tôi suy đoán chữ “Thần” ở dãy Thần Phù là của chúa Trịnh Sâm.
Núi Diệu Sơn ( Ảnh Quốc Chấn 2005)
3. Bổ sung một số câu thơ, bài thơ mà các sách xưa chưa thấy chép
- Sách Lịch triều hiến chương loại chí, cũng như một số sách khác có chép bài thơ của chúa Trịnh Sâm đề núi Chích Trợ, nay thuộc thôn Văn Đức, xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, đều thấy chỉ có 6 câu, thiếu 2 câu cuối ( cả bản chữ Hán và các bản dịch). Khi chúng tôi trực tiếp đến khảo sát núi Chích Trợ, thấy có bài thơ chữ Hán nói trên của chúa Trịnh Sâm còn nguyên 2 câu cuối sau:
“挾超自是英雄志
前席何須更借籌”
Phiên âm :
“. . .Hiệp siêu tự thị anh hùng chí
Tiền tịch Hà tu cánh tá trù.”
( Ôm non vượt biển anh hùng chí
Thuở trước nào ta có nghĩ đâu.)
Vậy là đã bổ sung đầy đủ nội dung bài thơ đề núi Chích Trọ của chúa Trịnh Sâm.
Cũng ở núi Chích Trợ, sách Hồng Đức quốc âm thi tập thấy chép một bài thơ chữ Nôm của vua Lê Thánh Tông đề núi chich Trợ như sau :
“ Trấn cõi Nam minh nẻo thủa xưa
Đời Nghiêu nước cả ngập hay chưa
Nguồn tuôn xuống, tanh tao sạch
Triều dấy lên, mặn ngọt ưa
Súc xương kình tăm chẳng độn
Dò lòng biển sóng khôn lừa
Trời nay dành để An nam mượn
Vạch chước bình Ngô mãi mới vừa.”
Tiếp sau, sách này chép thêm một bài khảo dị :
“Cắm chặt Nam minh nẻo thủa xưa
Đời Nghiêu hồng thủy ngập hay chưa
Nguồn tuôn xuống đó tanh dơ sạch
Triều dẫy lên trên mặn ngọt ưa
Phỏng gãy xương kình tăm chẳng động
Như dò rốn biển sóng khôn lừa
Trời kia dành để An Nam mượn
Vạch chước bình Ngô chí mới vừa.”
Phần chú thích sách này ghi rằng: Bài núi Chiếc Đũa ( Chích Trợ) trên cũng thấy chép trong sách “ Thanh Hóa kỉ thắng” của Vương Duy Trinh ( Tổng đốc Thanh Hóa).Sách này chép: “. . . Năm Cảnh Thống thứ 4 (1501), Lê Hiến Tông, con Lê Thánh Tông đi chơi cửa biển Thần Phù làm bài thơ này”. Đối chiếu thấy 2 bài có một số chữ khác nhau, nên chép cả hai để độc giả tham khảo.
Nhưng khi tới khảo sát núi Chích Trợ, chúng tôi thấy vua Lê Hiến Tông có một bài thơ chữ Hán khắc trên núi vào năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ tư (1501), nhan đề “Ngự chế phiếm Thần Phù đăng Chích Trợ sơn lưu đề nhất thủ”
( 御製泛神符海登隻箸山留题一首) ( Vua đi thuyền qua biển Thần Phù, lên núi Chích Trợ đề thơ để lại) . Bài này là chữ Hán chứ không phải chữ Nôm, có nội dung khác hẳn 2 bài thơ Nôm trên. Từ đây chúng tôi đoán nhận rằng, hai bài thơ Nôm nói trên tuy có vài chữ khác nhau, nhưng cũng là một, song không phải thơ Lê Hiến Tông khắc ở núi Chích Trợ, như Tổng đốc Vương Duy Trinh chép trong sách “ Thanh Hóa kỉ thắng”.
- Ngoài ra sách “ Lê Thánh Tông thơ văn và cuộc đời” (5)có giới thiệu bài “Đề Chiếu Bạch sơn thi tịnh tự” ( Bài thơ đề núi Chiếu Bạch) của Lê Thánh Tông.
Phiên âm :
“Hạo đảng triều đầu thủy tiếp thiên
Nguy nga lão thạch trám thanh xuyên
Y hi cổ thụ dung trang thượng
Mạn lạn tiên hoa sắc xuyết tiền
Hoãn bộ hưu tường thi tứ nhã
Thanh lâm khoái lạc đạo tâm huyền
Động trung hữu thú xuân quang tại
Tráng thị hùng tư vĩnh viễn niên.”
Núi Chiếu Bạch nay thuộc địa phận xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Khi chúng tôi tới khảo sát thì còn thấy 2 tấm bia đang nguyên dựng dưới chân núi, một tấm đã bị vỡ nhiều mảnh nằm kề bên. Một bia khắc bài thơ “Ngự chế đề Bạch Chiếu sơn” ( Vua đề thơ ở núi Chiếu Bạch) năm Tân Mão, niên hiệu Cảnh Thống 4 (1501) của Thượng Dương động chủ ( Lê Hiến Tông). Còn văn bia kia là hai khổ bài thơ “Đề Chiếu Bạch sơn thi tịnh tự” ( 题照白山詩并序)( Vua đề thơ và lời tựa ở núi Chiếu Bạch) của Bảo Thiên động chủ ( Lê Tương Dực) vào ngày 7 tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 6 (1514). Điều làm chúng tôi băn khoăn là nội dung ngày tháng của lời tựa và khổ 1 bài thơ của vua Lê Tương Dực trên bia giống hệt ngày tháng lời tựa và bài thơ của vua Lê Thánh Tông giới thiệu trong sách trên. Hồi đó (năm 2000) chúng tôi đã chụp tấm bia vỡ, còn một số chữ đọc được thì thấy giống bài thơ vua Lê Tương Dực trên bia. Quan sát kĩ các bia ở đây, dựng ở dưới núi, không có mái che mà chữ vẫn rõ, chúng tôi suy đoán rằng số bia này do người đời sau khắc lại. Khi khắc có lẽ tấm bia có thơ vua Lê Thánh Tông đã bị mất, nên mới nhầm thơ của vua Lê Tương Dực chăng ?. Tiếc rằng khoảng 2 năm sau chúng tôi trở lại định khảo sát kĩ tấm bia vỡ, thì đã bị dọn dẹp sạch!. Đặc điểm những bài thơ của Lê Tương Dực hiện còn ở động Lục Vân, động Bạch Á, chùa Kim Âu mà chúng tôi khảo sát, đều thấy có từ 2 đến 3 khổ. Bài thơ trên bia của Lê Tương Dực ở núi Bạch Chiếu cũng có 2 khổ, nên có thể suy đoán bài thơ Lê Thánh Tông chép trong các sách là thơ của Lê Tương Dực. Còn chính bài thơ đề núi Chiếu Bạch của Lê Thánh Tông thì lâu nay đang bị thất lạc!.
-Bản dịch sách Hoàng Việt thi văn tuyển của Bùi Huy Bích, thấy giới thiệu một bài thơ chữ Hán của vua Lê Hiến Tông đề động Lục Vân, thuộc xã Nga Điền, huyện Nga Sơn. Khi đến động Lục Vân trực tiếp khảo sát, chúng tôi mới phát hiện bài thơ giới thiệu trong sách chỉ là khổ thứ 2 của bài thơ “Ngự chế đề Lục Vân động ( Nhị thủ)” (御製题綠雲洞二首)(Vua đề động Lục Vân (hai khổ) của Thượng Dương động chủ (vua Lê Hiến Tông). Do đó đã bổ sung khổ thứ nhất như sau vào bài thơ trên:
“汎瀾闔闔潟雲根
手擘煙霞訪世尊
地上雖同雙日月
壺中别是壹乾坤
杯浮玉屑流溪水
乳化羊群洒洞門
天設虛窗豈無意
人間午夜警潮暾.”
Phiên âm :
“ Phiến lan hạp hạp tả vân căn
Thủ phách yên hà phỏng thế tôn
Địa tượng tuy đồng song nhật nguyệt
Hồ trung biệt thị nhất càn khôn
Bôi phù ngọc tuyết lưu khê thủy
Nhũ hóa dương quần sái động môn
Thiên thiết vô song khởi vô ý
Nhân gian ngọ dạ cảnh triều đôn.”
Dịch nghĩa :
“ Sóng lớn lênh đênh lopws lớp dồn về phía chân may
Muốn vươn cánh tay vạch cõi tiên để hỏi đức Thế Tôn
Tại sao trên mặt đất cùng chung đôi vầng nhật nguỵet
Mà trong bầu ( Tiên) lại riêng chiếm một cõi trời
Chén nổi bóng ngọc tan theo khe nước
Thạch nhũ hóa thành như bầy dê rải rác khắp cửa động
Cửa trống ( ở phía trước) trời đặt ra đâu phải là vô lí
Muốn để cho người đời đêm ngày được thấy ánh mặt trời buổi sớm.”
Dịch thơ :
“Chiều mây lớp lớp sóng xô dồn
Tay vạch yên hà hỏi Thế Tôn
Mặt đất chung cùng đôi nhật nguyệt
Bầu Tiên riêng chiếm một càn khôn
Chén trôi bóng ngọc lan trong nước
Đá hóa đàn dê rãi động môn
Cửa trống trời dành riêng có ý
Để ngày đêm ngắm ánh triều tuôn.”
Cũng sách trên có giới thiệu bài thơ “ Du Lục Vân động” ( Đến chơi động Lục Vân) của Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ.(1726-1780). Qua khảo sát, chúng tôi phát hiện vách động còn khắc một bài thơ chữ Hán của Hoàng giáp Ngô Thì sĩ, nội dung khác hẳn bài giới thiệu trong sách. Do đó đã bổ sung thêm một bài của Ngô Hoàng giáp sáng tác về động Lục Vân chưa thấy sách vở ghi chép.
- Tiến sĩ Ninh Tốn (1743-?), một vị đại khoa nổi tiếng mà các trước tác của Ông đã được Viện Hán Nôm biên tập in thành sách “ Thơ văn Ninh Tốn” (6). Khi đến khảo sát núi Vân Lỗi, ở xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, chúng tôi thấy ông còn có bài “ Vân Lỗi sơn kí”(雲磊山記). Bài kí về núi Vân Lỗi) khắc trên vách núi, dài khoảng 762 chữ đang đọc được, trong đó có chừng hơn chục chữ đã bị mòn. Vậy là đã bổ sung thêm một bài văn rất hay vào các tác phẩm văn chương nổi tiếng của Tiến sĩ Ninh Tốn.
4. Tìm lại được tấm bia thời nhà Lý vùi trên con đường làng
Từ thế kỉ XVIII, nhà bác học Lê Quí Đôn vào Thanh Hóa công cán suốt một năm. Ông đã biết trong động Bạch Á, nay thuộc xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn có dựng một tấm bia đá lớn có khắc một chữ “ Phật” to của vua Lý Thánh Tông (1054-1071) triều Lý. Nhưng năm 1998, khi chúng tôi tới khảo sát thì thấy rất nhiều tượng Phật bị vỡ nằm la liệt, còn tấm bia nói trên đã biến mất. Hỏi thăm dân địa phương mới hay trước đó người ta dùng bia làm bàn kê máy bơm nước, còn con rùa đội bia thì bắn xuống ngòi nước. Họ còn cho biết tấm bia hiện đang nằm sâu dưới con đường làng. Chúng tôi đã tới tận nơi, khơi đất lên thì quả thấy một tấm bia to, có một chữ “ Phật” Hán ngữ choán gần hết mặt bia, phía trên có 8 chữ Triện, Chúng tôi chụp và đem ra Hà Nội hỏi GS. Hà Văn Tấn Viện trưởng Viện khảo cổ học. Ông dịch 8 chữ đó là : “ Trùng tu Diên Linh Chân Giáo tự bi.”, nghĩa là “ Bia trùng tu chùa Diên Linh Chân Giáo”.GS. Hà nói rằng tấm bia này rất quí và viết giấy vào cho UBND huyện Nga Sơn tổ chức lấy bia về bảo quản. Sau khi bia được đưa về trụ sở UBND xã Nga Thiện, chúng tôi lại đến khảo sát và thấy bia cao 1,8m, rộng 1,13m, dày 0,25m, một mặt khắc chữ “Phật” rất lớn, còn mặt kia đá bị sạt mòn không thấy chữ, nhưng hoa văn kiểu thời Lý cả 4 mặt bia còn khá rõ và rất đẹp. Có lẽ hồi thế kỉ XVIII, bia vẫn còn chữ nên Bảng nhãn Lê Quí Đôn mới biết chữ Phật do vua Lý Thánh Tông đề chăng ? Hay ông căn cứ vào ghi chép của sách Đại việt sử kí toàn thư (7) ?. Gần đây nhà xuất bản Thanh Hóa in cuốn “Văn bia thời Lý Trần”(8) có viết về tấm bia này và đặt tên là “Bia chữ Phật ở chùa hang Bạch Á,”. Tên tấm bia này là 8 chữ Triện còn rất rõ “ Trùng tu Diên Linh Chân Giáo tự bi”, tại sao lại nghĩ ra tên bia như trên làm mất tính chân thực, chính xác của một di sản văn hóa cổ ? .
Hoa văn hình rồng trên bề mặt tấm bia “Trùng tu Diên Linh Chân Giáo tự bi” (xưa dựng ở động Bạch Á) - (Ảnh: Quốc Chấn, 6 - 1999)
5. Phát hiện hàng chục bài văn thơ Hán Nôm của các nhà khoa bảng, quan chức triều Nguyễn ở khu thắng tích Kim Sơn
Núi Kim Sơn ở xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc là một khu thắng cảnh, di tích ở Thanh Hóa, trước kia còn ít người biết đến . Khoảng năm 1998, chúng tôi đến khảo sát thắng tích này và phát hiện được tổng số 11 bút tích văn thơ Hán Nôm khắc lên vách đá của các danh nho, quan chức cao cấp triều Nguyễn, như Tiến sĩ Hiệp biện Đại học sĩ Bùi Văn Dị (1831-1895), Phó bảng Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện đại học sĩ Nguyễn Thuật (1842-1911), Cử nhân Thái sư Cần chính điện Đại học sĩ Trương Đăng Quế (1794-1865), Cử nhân Thống đốc quân vụ Lạng, Bình, Ninh, Thái Hoàng Kế Viêm (1820-1909). . . Những bút tích này trước khi chúng tôi khảo sát phần lớn chưa hề được dịch giới thiệu trên sách báo . Ngoài ra khu thắng cảnh này còn thấy một cái hang có dấu tích người ở ẩn, với những chữ Hán khắc trên vách đá : Oa Thiều Hy ( 窩 邵 希)( Nơi ở của Thiều Hy), Cầm Bích ( 琴 壁) (Vách treo đàn), Thư lâu ( 書 樓) ( Lầu để sách) và nhiều chữ khác nhung chữ đã bị mất hết nét không thể đọc được .Hang này nằm trong động Ngọc Kiều, tên động do Cử nhân Án sát Nguyễn Xuân Tiêu khắc lên vách núi vào mùa hạ năm Nhâm Thìn, triều Thành Thái (1892).
Những phát hiện trên đã được công bố trên một số báo chí trung ương và địa phương và chưa thấy ý kiến nào phản bác. Kết quả đó là công sức trèo núi, lội sông khảo sát, đọc, chụp dập, phiên âm, dịch, của mấy giáo chức, cán bộ đã nghỉ hưu của xứ Thanh (9)
--------------------------------------
- Nguyễn Dữ - Truyền kì mạn lục – Nxb Văn Nghệ, Hội nghiên cứu giảng dạy Văn học TP. HCM 1998
- Quốc sử quán triều Nguyễn – Đại Nam nhất thống chí – Tập 2 – Nxb Thuận Hóa Huế 1992
Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chí – Tập I – Tủ sách cổ văn, Ủy ban dịch thuật Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa Xb 1972 ( Bán chữ Hán và bản dich ra Việt ngữ).
Trịnh Như Tấu – Trịnh gia chính phả - Nhà in Ngô Tử Hạ 1932.
- Đại Việt sử kí tục biên (1676-1789) – Nxb KHXH,H.1991.
- Tồn Am Bùi Huy Bích – Hoàng Việt thi văn tuyển- Tập III – Nxb Văn hóa ,H. 1958.
Hồng Đức quốc âm thi tập – Nxb Văn học .H. 1982.
- Lê Thánh Tông thơ văn và cuộc đời – Mai Xuân Hải tuyển chọn, biên soạn – Nxb Hội nhà Văn, H.1998
- Viện Hán Nôm – Thơ văn Ninh Tốn – Nxb KHXH,H. 1984.
- Đại Việt sử kí toàn thư – Tập I- Nxb.KHXH,H.1983- Tr.287.
- Tuyển tập văn bia Thanh Hóa- Tập I Văn bia thời Lý Trần – Nxb Thanh Hóa 2012- Tr.293.
- Tư liệu trong bài viết lấy từ tác phẩm “ Những bút tích Hán Nôm hiện còn ở các hang động, vách núi xứ Thanh” do Hồng Phi và Hương Nao chủ biên – Nxb Giáo dục 2007.
Quốc Chấn – Hội Cựu Giáo chức tỉnh Thanh Hóa