Kỹ năng kiến tạo về trường học hạnh phúc và bền vững của tỉnh Đồng Tháp hiện nay
1. Khái niệm trường học hạnh phúc và bền vững
Trong suốt tiến trình lịch sử của loài người, ở hầu hết các quốc gia, giáo dục luôn được xem là động lực phát triển của đất nước. Việt Nam có truyền thống hiếu học, tư tưởng trọng dụng nhân tài. Với nhãn quan sáng suốt “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn...”, phần lớn nhà lãnh đạo chú trọng việc dạy và học, xây dựng cơ sở đào tạo. Trong thời kỳ công nghệ 4.0, tri thức chính là chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập thế giới và tạo dựng tương lai phát triển thịnh vượng, văn minh. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa giáo dục, Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục nỗ lực: “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo”. Trong đó, xây dựng trường học thân thiện, hạnh phúc là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trường học là nơi phản chiếu xã hội, là cơ sở ươm mầm tài năng, nhân cách con người. Do vậy, nhà trường cần và phải được đầu tư xây dựng thành nơi hạnh phúc và phát triển bền vững.
Trong cuộc đời của mình, ai cũng luôn mong muốn hạnh phúc. Hạnh phúc đơn giản chỉ là được duy trì cuộc sống thường nhật ở mỗi thời điểm. Hạnh phúc là trạng thái vui vẻ vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Theo từ điển Bách khoa, “Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí". Hạnh phúc, sung sướng là hai từ gần nghĩa, đều chỉ cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả nào đó. Tương tự như vậy, hạnh phúc có mối quan hệ với phát triển bền vững mà phát triển bền vững là khái niệm được phổ biến rộng rãi vào năm 1987. Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland). Báo cáo này cho rằng: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai..." Nhận thức đúng đắn về bản chất của hạnh phúc và phát triển bền vững sẽ nhận diện các rủi ro và tìm giải pháp khả thi nhằm giải quyết vấn đề đang và sẽ đe dọa đến sự phát triển bền vững của con người. Chính sự phát triển bền vững tạo ra nền tảng, sự kích hoạt phát triển hạnh phúc trong mọi môi trường trong đó có giáo dục để đánh giá đo lường sức khoẻ phát triển toàn diện về mặt trí tuệ, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh và làm thế nào để tạo dựng ngôi trường hạnh phúc thân thiện với thiên nhiên.
Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại chỉ là khẩu hiệu hay một phong trào nhất thời, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Chúng ta có thể tin rằng trường là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc như: J.A.Cômenxki (1592 - 1670) là nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Séc và của thế giới cho rằng: “Thầy dạy ít hơn nhưng học sinh học được nhiều hơn… để trong trường học không có tiếng kêu la, không có cảm giác sợ và sự lao động bỏ ra một cách vô ích mà chỉ có niềm vui và sự hi vọng đầy thành tích…”
Giờ học của Trường mầm non Bình Thạnh B
2. Mô hình kiến tạo về trường học hạnh phúc và bền vững trong xu thế hội nhập hiện nay
Vào năm 2014, một dự án của UNESCO được khởi động nhằm mục đích thúc đẩy hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của người học, coi trọng và nuôi dưỡng các tài năng và thế mạnh đa dạng hơn là kết quả học tập. UNESCO xác định 22 tiêu chí của trường học hạnh phúc được thể hiện 3 chữ P. Chữ P đầu tiên là People (con người), gồm các yếu tố: Tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường, thái độ tích cực của giáo viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt của các cá nhân, sự tích cực và hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường, điều kiện làm việc của giáo viên, kỹ năng và năng lực của giáo viên. Chữ P thứ hai là Process (Tiến trình), bao gồm các yếu tố như: khối lượng công việc hợp lý và công bằng, tinh thần hợp tác và làm việc nhóm, phương pháp giảng dạy và học tập hấp dẫn, học tập tự do, sáng tạo… Đây là các quy trình, chính sách, hoạt động được thiết kế để vận hành ngôi trường một cách hợp lý. Chữ P thứ ba là Place (Môi trường), bao gồm các yếu tố như: môi trường học tập thân thiện, an toàn, không gian xanh…
Theo đó, ngày 22.4.2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức lễ phát động “Triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một trường học hạnh phúc”. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu ra 3 yếu tố cốt lõi trong một trường học hạnh phúc, đó là: “yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Đây cũng chính là nhu cầu tự thân, là động lực để các thành viên trong nhà trường phấn đấu thực hiện.
Có thể thấy, nhà trường trở thành trường học hạnh phúc và bền vững là xu hướng tất yếu vì ở đó mọi người đều có được cảm giác vui vẻ vì đạt được ý nguyện. Điều quan trọng nhất trong trường học hạnh phúc và bền vững là làm thế nào để mỗi thầy giáo, cô giáo thấy được niềm hạnh phúc, để chính họ là người truyền cảm hứng, mang đến niềm vui, hạnh phúc cho học sinh.
3. Thực trạng kỹ năng kiến tạo trường học hạnh phúc ở tỉnh Đồng Tháp
Những năm gần đây, ngành giáo dục triển khai các giải pháp hướng đến giáo dục hạnh phúc như: Giảm tải chương trình học, chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận phát triển năng lực, phẩm chất và phát triển toàn diện học sinh theo từng cá nhân, giảm áp lực thi cử, thay đổi cách kiểm tra, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, tăng cường hoạt động trải nghiệm ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, tăng cường khen thưởng, động viên và thực hiện kỷ luật tích cực đối với học sinh... Trước hết, ngành giáo dục đã ưu tiên cho việc mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc” bước đầu đã tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện trong trường học. Nhờ thế chất lượng giáo dục dần được cải tiến, trong năm học 2021 - 2022, tỉnh Đồng Tháp có 632 cơ sở giáo dục công lập (Từ GDMN- THPT). Tổng số học sinh, là 325.386 người, với 18.643 nhà giáo và cán bộ quản lý. Tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, trong đó tập trung đảm bảo việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho các cơ sở giáo dục tiểu học. Kết quả có 100% lớp 1 và 2 của tỉnh học 2 buổi/ngày. Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, lựa chọn sách giáo khoa được triển khai nghiêm túc, theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT). Việc triển khai chương trình ở những năm đầu tiên nhìn chung đã đạt được kết quả tích cực.
Số liệu các trường đạt chuẩn quốc gia và trình độ đội ngũ quản lý toàn tỉnh (Nguồn báo cáo tổng kết năm học tháng 5 năm 2021
Năm học 2022 - 2023 sẽ là năm tiếp theo ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10. Nhìn chung việc xây dựng trường học hạnh phúc và bền vững đang được ngành giáo dục Đồng Tháp quan tâm triển khai trên diện rộng.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng trường học hạnh phúc và bền vững vẫn còn nhiều bất cập. Nhận thức của xã hội nói chung, của những người làm công tác giáo dục nói riêng, thiếu sâu sắc trong công tác tổ chức bộ máy sơ hở, lỏng lẻo. Việc bổ sung, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cán bộ quản lý thiếu kịp thời dẫn đến hiện tượng lạm quyền hoặc thiếu trách nhiệm hay cố tình vi phạm các nguyên tắc và sự thiếu minh bạch trong thi đua khen thưởng, thu chi tài chính. Sự thừa thiếu giáo viên mang tính cục bộ thường xuyên và nghiêm trọng toàn tỉnh (năm học 2021-2022) thiếu đến 1.970 biên chế (cấp mầm non 467 biên chế, cấp tiểu học thiếu 893, còn lại cấp THCS-THPT thiếu 610). Áp lực từ thừa thiếu cục bộ cũng gây nên tính cộng hưởng dẫn đến nhận thức lệch lạc của không ít cán bộ, giáo viên. Ở cấp học mầm non, việc áp dụng chương trình chung còn mang tính chất hình thức và áp đặt, không phù hợp đặc điểm đối với học sinh ở một số vùng miền. Cơ sở vật chất được đầu tư thiếu hiện đại, thiếu đồng bộ, nhất là công nghệ tiên tiến và không gian học tập, vui chơi, hoạt động thể lực. Đó là những bất cập tác động đến hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc.
4. Những giải pháp định hướng giáo dục kỹ năng kiến tạo về trường học hạnh phúc trong xu thế hội nhập hiện nay.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Đồng Tháp xác định mục tiêu phấn đấu của giáo dục địa phương là nằm trong nhóm 3 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và nhóm 15 cả nước dựa trên các chỉ số có thể so sánh được. Trong đó, sẽ cụ thể hóa các giải pháp về phát triển giáo dục trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 hoàn thành đến năm 2025. Để đạt được những mục tiêu đó cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của trường học hạnh phúc trong cuộc sống. Bằng các phương tiện truyền thông kết hợp nhiều hình thức thích hợp, tuyên truyền đến mọi đối tượng nhất là những người có liên quan về giá trị trường học hạnh phúc và bền vững. Trong đó nhà trường cần linh hoạt thông tin qua hội cha mẹ học sinh để làm nồng cốt truyền thông quảng bá hình ảnh của trường về những nhiệm vụ kiến tạo xây dựng trường học hạnh phúc và bền vững trong lĩnh vực giáo dục. Cần mở rộng phạm vi nhận thức của nhà giáo, phụ huynh, học sinh và cộng đồng về thông điệp kiến tạo trường học hạnh phúc và bền vững, để họ thấy được rằng chỉ có sự hòa nhập mới có thể phát huy hết tiềm năng của sự học hỏi tri thức và phát triển toàn diện mục tiêu của giáo dục trong đó bao gồm ba “P” cơ bản của Trường học Hạnh phúc, mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí bởi hạnh phúc gắn liền với quan niệm về niềm vui trong cuộc sống: - sống hòa hợp với bản thân, người khác và thiên nhiên – trong tất cả các môn học và hoạt động của học đường.
Hai là, bồi dưỡng kỹ năng kiến tạo về trường học hạnh phúc cho đội ngũ trong lĩnh vực sư phạm. Muốn có trường học hạnh phúc phải có những con người (những chủ thể) hạnh phúc: Các chủ thể trong một nhà trường bao gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh, hiệu trưởng là người khởi nguồn và tổ chức, kiến tạo làm điểm xuất phát đầu tiên để có những người dạy hạnh phúc, giúp các học sinh được hạnh phúc. Chính họ là người có kỹ năng kiến tạo hiểu rõ những yếu tố tâm lý nào để trường học được hạnh phúc và bền vững, làm sao để thỏa mãn được những mong muốn, nguyện vọng của đội ngũ chung một môi trường, giúp nhau cải thiện tư duy về nhận thức như thế nào- trường học kiến tạo hạnh phúc và bền vững. Để từ đó làm cho bản thân được hạnh phúc góp phần xây dựng trường học hạnh phúc, giúp đội ngũ phải luôn luôn gương mẫu, phải không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, tự học tập nâng cao chuyên môn đạt và vượt chuẩn. Muốn phụng sự nhân dân, để xã hội tôn kính, trước hết đội ngũ nhà giáo cần yêu nghề, yêu trường, tận tụy, tôn trọng, yêu mến người học và thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp có như vậy thì hình mẫu nhà giáo mới có ý nghĩa giáo dục, không được chạy theo số lượng để nhằm mục đích chuẩn hóa mà phải coi trọng chất lượng. Đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vì phải thực sự là những nhà khoa học chân chính, họ phải là những người sáng tạo, có nhiều sáng kiến trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy. Thầy cô giáo ở các nhà trường phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, dạy thực, học thực, kiểm tra đánh giá kết quả thực. Tập trung hình thành năng lực và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học trong dạy học. Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học hướng vào người học; tích cực đổi mới, cải tiến phương tiện dạy học bảo đảm tính khoa học và hiện đại. Chủ thể truyền tri thức không những đọc mà phải thẩm thấu tan chảy khi thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Thấm nhuần các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuẩn nghề nghiệp.
Ba là, đa dạng hóa về kỹ năng kiến tạo trường học hạnh phúc trong thực hiện. Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng ngôi trường hạnh phúc và bền vững có nhiều mô hình và những con đường tiếp cận đa dạng, phong phú. Trên cơ sở tư duy mới, cán bộ quản lý và giáo viên phải nổ lực nhận thức đúng đắng và mạnh dạn, linh hoạt thiết kế, vận dụng các mô hình và hình thức linh hoạt để tạo ra” vườn ươm” thật sự hạnh phúc và bền vững. Muốn vậy, trước hết bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, luôn phải làm “kiểu mẫu” về mọi mặt “Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách”. Giáo sư Trần Văn Thọ cũng nhấn mạnh về vai trò của giáo viên: “Để hình thành trường học hạnh phúc, các giáo viên phải trang bị sự hiểu biết, kiến thức và kỹ năng giúp họ chú ý và chăm sóc sự hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh”
Bốn là, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong giáo dục kỹ năng kiến tạo trường học hạnh phúc. Trường học là thiết chế văn hóa - giáo dục đặc biệt. Việc quan tâm, đầu tư cho giáo dục được xem là nhân tố quan trọng cho sự phát triển, cho tương lai tương sáng của dân tộc Đa dạng hoá, linh hoạt trong chính sách tự chủ, đầu tư trang thiết bị phù hợp thông tư, điều lệ của từng cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và Phổ thông trung học. Mỗi góc sân của trường phải là khu giải trí vui chơi, thẫm mỹ mang tính giáo dục để học. Do vậy, phải được đầu tư xây dựng bền vững. Vì thế cần kêu gọi các nhà đầu tư trong cơ chế chính sách hỗ trợ từ cộng đồng yêu thương, chia sẽ cùng kinh phí có hạn của nhà nước trong việc góp phần khang trang cơ sở giáo dục trong thời kỳ hội nhập phát triển.
Năm là, huy động sự tham gia của xã hội, gia đình. Gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội để xây dựng trường học hạnh phúc và bền vững cho học sinh dựa trên xu thế hội nhập phát triển. Trên chương trình tọa đàm (Ngày 22.11.2019) Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu: “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc”. Bộ trưởng đề cập tới 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc. Nhóm tiêu chí thứ nhất, xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Trong đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Nhóm tiêu chí thứ hai, trong nhà trường giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Nhóm tiêu chí thứ ba, quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường. Hiệu trưởng trên cương vị của mình cần tạo dựng được mối quan hệ này để làm cho giáo viên, học sinh tự hào về môi trường đã ươm tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng, là ngôi trường được cộng đồng xã hội tôn trọng.
5. Kết luận
Trường học hạnh phúc và bền vững là nơi giáo dục hiệu quả, ý nghĩa, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học thực sự là "nơi ước đến, chốn mong về" với đông đảo học sinh. Trong môi trường này, mỗi học sinh sẽ cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương tỏa ra từ thầy cô, bạn bè với niềm vui được nhân lên và nỗi buồn được chia sẻ. Hạnh phúc với người học đôi khi rất giản dị, một lời hỏi thăm, nhắn nhủ, động viên hay một lời phê, nhận xét chân tình, một giờ giảng hay, một phong cách dạy giản dị với mực thước trí tuệ uyên bác của thầy cô mang lại những ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp cho học sinh khiến các em thấy hạnh phúc trong suốt cuộc đời
Theo dự thảo chiến lược thì mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Đồng thời, xây dựng hệ thống giáo dục mở, trường học hạnh phúc và bền vững phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, tầm nhìn về giáo dục Việt Nam nói chung, trong đó có giáo dục Đồng Tháp tại thời điểm của hai cột mốc quan trọng là năm 2030 và 2045 khi tầm nhìn về sự phát triển của đất nước vào hai thời điểm này đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030.
Tài liệu tham khảo
[1]. Kế hoạch 267/KH-UBND 2022 xây dựng Đề án phát triển giáo dục Đồng Tháp đến 2030 (thuvienphapluat.vn)
[2]. Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa XI về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
[3]. Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/1/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
[4]. Đặng Quốc Bảo, Bùi Việt Phú (2012), Một số góc nhìn về quản lý và phát triển giáo dục, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
[5]. Nguyễn Minh Đường, Phan Văn Kha (đồng chủ biên) (2006), Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội
Th.S Nguyễn Thị Mỹ Ngân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Thạnh B, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp