HỘI THẢO KHOA HỌC “Những khó khăn, bất cập trong tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải pháp khắc phục”
Giáo dục nghề nghiệp là vấn đề đang có tính thời sự cả về lý luận và thực tiễn. Những năm gần đây có nhiều công trình, đề tài nghiên cứu về GDNN dưới các góc độ tiếp cận khác nhau. Trong thực tiễn, mặc dù các hoạt động đổi mới GDNN diễn ra rất quyết liệt nhưng hệ thống GDNN ở nước ta vẫn chậm phát triển, quy mô nhỏ lẻ, hoạt động chia cắt. Kết quả đào tạo nghề của các cơ sở GDNN nhìn chung còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, chưa gắn kết với các doanh nghiệp. Trước thực trạng đó, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Những khó khăn, bất cập trong tổ chức đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giải pháp khắc phục”. Mục đích hội thảo nhằm phát hiện những khó khăn, bất cập trong thực tiễn GDNN, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục, đồng thời kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng ra quyết định điều chỉnh phương thức quản lý phù hợp với thực tiễn, tạo cơ hội cho GDNN phát triển mạnh mẽ hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của doanh nghiệp và của thị trường lao động.
.
Ảnh toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức ngày 21 tháng 7 năm 2023, tại Hội trường tầng 6, nhà số 475, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Tham gia buổi hội thảo gồm có:
- Đại biểu thuộc Hội Cựu Giáo chức Việt Nam: GS, TSKH, NGND Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Phó Chủ tịch Hội CGC Việt Nam, Nguyên Phó Ban Khoa giáo TƯ. Ông Nguyễn Xuân Phương, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội CGC Việt Nam.
- Đại biểu thuộc các trường đại học: PGS. TS Nguyễn Quốc Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà; PGS.TS Trần Đăng Bộ, Trường Đại học Thành Đô; NGƯT, TS. Ninh Văn Bình, Trường Đại học Trà Vinh.
- Đại biểu Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí minh: ThS Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp; ThS Hoàng Quốc Long, Phó CT Hội GDNN TP.HCM và nhiều cán bộ là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của các trường cao đẳng, trường trung cấp trên địa bàn Thành phố.
- Đại biểu đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Văn phòng Hội đồng Quốc gia GD &PTNL. Tham gia hội thảo còn có các nhà khoa học và cán bộ, giảng viên, giáo viên đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp và các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH.
- Về phía Viện Nghiên cứu hợp tá phát triển giáo dục: PGS.TS Nguyễn Gia Cầu, Bí thư Chi bộ, Phó Viện trưởng; ThS. Ngô Quang Binh, Phó Viện trưởng; PGS.TS Trần Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Khoa học; PGS.TS Phạm Viết Vượng, Cố vấn khoa học; TS. Nguyễn Phú Tuấn, NC viên cao cấp, Trưởng ban GD phổ thông. Tham gia hội thảo còn có các thành viên trong Ban Nghiên cứu đề tài; các tác giả có bài tham luận; đại diện các trung tâm, các đơn vị trực thuộc của Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục.
- Đến dự và đưa tin Hội thảo khoa học có các phóng viên của Đài Truyền hình VTV2; Tạp chí Giáo chức Việt Nam; Tạp chí điện tử giáo dục – Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Báo Đời sống và Pháp luật.
Đoàn Chủ tịch điều khiển Hội thảo gồm: GS.TSKH, NGND Nguyễn Mậu Bành; PGS.TS Nguyễn Gia Cầu; PGS.TS Trần Đình Tuấn. Thay mặt đoàn Chủ tịch, PGS.TS Trần đình Tuấn giới thiệu chương trình hội thảo và những điều cần chú ý trong quá trình hội thảo.
Đoàn chủ tịch hội thảo
PGS.TS Nguyễn Gia Cầu thay mặt lãnh đạo Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục đọc lời khai mạc, nhấn mạnh sự cần thiết và ý nghĩa của việc tổ chức buổi hội thảo, đồng thời giới thiệu khái quát về Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục. Tiếp đó, PGS.TS Trần Đình Tuấn đọc báo cáo đề dẫn hội thảo. Trong đó định hướng 4 vấn đề cần tập trung thảo luận. Đó là những nội dung phát tiển mới của lý luận giáo dục nghề nghiệp; những vấn đề về thực trạng khó khăn, bất cập trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay; giải pháp khắc phục khó khăn, bất cập, tạo cơ hội cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới; Đề xuất kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng.
Tiếp đó, các đại biểu đã phát biểu ý kiến tham luận. Có 9 ý kiến tham luận trực tiếp tại hội trường và có 32 bài tham luận được gửi đến cho Ban Tổ chức Hội thảo. Có 29 bài được Ban Tổ chức Hội thảo đăng trên sách kỷ yếu hội thảo.
Các ý kiến tham luận tập trung nhiều vào thực trạng bất cập trong quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp. Việc sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn mang nặng tính cơ học, chưa phù hợp với xu thế phát triển. Việc chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý đang gây ra nhiều xáo trộn và khó khăn trong tổ chức thực hiện. Việc ban hành các văn bản quản lý đối với giáo dục nghề nghiệp còn chồng chéo, khó thực hiện, kém tính hiệu quả. Các chỉ tiêu chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp hầu như không đạt được.
PGS.TS Trần Đình Tuấn báo cáo đề dẫn hội thảo
Đối với thực trạng quản lý nhà trường, các ý kiến tham luận chỉ ra những khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, tuyển không đủ chỉ tiêu và không tuyển được học sinh giỏi váo học nghề. Chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục nghề nghiệp còn lạc hậu, chưa cập nhật trình độ phát triển của lý luận giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ giáo viên chưa chuẩn, chưa được quan tâm đúng mức. Cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp chưa đồng bộ. Kết quả giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động.
Về giải pháp khác phục khó khăn, bất cập và phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới. Các tham luận đã đề xuất nhiều giải phát khá đa dạng. PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ đề xuất hệ thống 8 giải pháp. TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất 3 nhóm giải pháp. ThS Đặng Minh Sự nhấn mạnh giải pháp về điều chỉnh các chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải pháp đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp.
Các ý kiến đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý cần phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách thu hút đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp. Có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào học nghề. Đề nghị chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để đảm bảo tính hệ thống, nhất quán trong quản lý và tổ chức thực hiện.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Kết thúc Hội thảo, GD.TSKH. NGNN Nguyễn Mậu Bành đã phát biểu tổng thuật các tham luận và bế mạc Hội thảo. Trong đó, đã đánh giá cao về tính khoa học, tính thực tiễn thiết thực của các ý kiến tham luận. Hội thảo đã gợi mở ra những ý tưởng mới về tiếp tục nghiên cứu, phát triển lý luận và thực tiễn giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Linh Tuệ