Hội đồng xét duyệt đề cương đề tài tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2025
TCGCVN - Chiều ngày 27/ 3/ 2025, tại hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội đồng khoa học đã tiến hành xét duyệt Đề cương đề tài tư vấn, phản biện và giám định xa hội năm 2025. Tên đề tài: “Đánh giá việc thực hiện nội dung giáo dục địa phương cho học sinh phổ thông ở các tỉnh miền núi phía bắc theo chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Chủ tịch Hội đồng, ThS Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp hội và các ủy viên phản biện. Ảnh: Linh Tuệ
Đề tài này là một nghiên cứu tư vấn, phản biện và giám định xã hội do Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thực hiện.
Tham dự buổi xét duyệt có các thành viên Hội đồng gồm:
-ThS Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Liên hiệp hội, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng.
-PGS.TS Trần Kiểm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ủy viên phản biện 1;
-TS Nông Thị Thu Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ủy viên phản biện 2.
-PGS.TS Phạm Bích San, Trường Đại học Thăng Long, ủy viên
-TS Lê Như Quân Ban Tư vấn, Phản biện và Giám đinh xã hội, ủy viên.
Về phía Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục có:
-PGS.TS Tô Bá Trượng, Viện trưởng; PGS.TS Nguyễn Gia Cầu, Phó Viện trưởng, PGS.TS Trần Đình Tuấn, Phó Viện trưởng kiêm Chủ tịch hội đồng khoa học đồng thời là Chủ nhiệm đề tài.Cùng tham dự còn có các thành viên nghiên cứu khác
PGS.TS Trần Đình Tuấn, Chủ nhiệm đề tài, thay mặt Ban Nghiên cứu tóm tắt đề cương nghiên cứu. Báo cáo đã đã nêu rõ lý do chọn đề tài, tính cấp thiết của việc nghiên cứu; xác định những nội dung chính và những công việc chủ yếu của đề tài.
Sau phần báo cáo, các ủy viên phản biện và các thành viên trong Hội đồng xét duyệt đã lần lượt phát biểu ý kiến.
Nhìn chung các ý kiến, đều nhất trí và đánh giá cao tính cấp thiết của đề tài và sự chuẩn bị nghiên cứu, đồng thời đánh giá bản Đề cương của Ban đề tài được chuẩn bị nghiêm túc, công phu của Ban nghiên cứu.
Các nội dung nghiên cứu được xác định là có tính khả thi cao và phản ánh đúng các vấn đề cơ bản cần được làm rõ.
Tuy nhiên, các thành viên cũng chỉ ra một số điểm cần bổ sung và làm rõ như: sự thống nhất giữa tên đề tài và nội dung trình bày trong đề cương đề tài. Đăc biệt, phần lý luận nên giới hạn ở tổng quan về vấn đề nghiên cứu, trong khi thực trạng cần phải tập trung phân tích, làm rõ hơn và đánh giá cả những ưu điểm, thành công của các địa phương.
Về phương pháp nghiên cứu, các ý kiến đề xuất cần mở rộng khảo sát thực tiễn không chỉ ở tỉnh Bắc Kạn mà còn ở địa phương miềm núi phía Bắc khác.
PGS.TS Trần Đình Tuấn, Chủ nhiệm đề tài đã cảm ơn và tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, đồng thời giải trình một số vấn đề được đặt ra.
Kết luận, Ông Nguyễn Quyết Chiến, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban nghiên cứu đề tài, đồng thời nhấn mạnh các nội dung chính cần phải tập trung chỉnh sửa và bổ sung. TS Lê Như Quân, Thư ký hội đồng đã đọc Biên bản, công bố kết quả bỏ phiếu. Tổng số điểm đánh giá của Hội đồng là 430 điểm, bình quân 86 điểm. Đề tài đã được thông qua và sẽ chính thức triển khai nghiên cứu từ tháng 4 đến tháng 11 năm 2025.
Linh Tuệ