Hồ Chí Minh - nhà báo lỗi lạc, nhà sáng lập và người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Hồ Chí Minh - nhà báo lỗi lạc, nhà sáng lập và người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam
Trong cuốn sách “117 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành năm 2007 cho biết bài báo đầu tiên Bác Hồ viết in năm 1917. Cuốn sách cho biết: “Nhưng bấy giờ, Bác chưa giỏi tiếng Pháp. Muốn viết gì, Bác phải nhờ luật sư Phan Văn Trường. Ông là một nhà trí thức yêu nước, đậu tiến sĩ luật khoa ở Pa-ri, nhưng ông không muốn ký tên ở dưới và không viết hết điều mà Bác muốn nói, Bác rất khó chịu vì mình kém tiếng Pháp, Bác nghĩ: muốn tuyên truyền cho nước ta, nhưng không viết được chữ Pháp. Làm thế nào bây giờ? Nhất định phải học viết cho kỳ được”. Bác làm quen với ông Gaston Monmousseau, Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Pháp, Chủ bút báo La Vie Ouvrière(“Đời sống thợ thuyền”). Bác ngỏ ý muốn viết bài nhưng ngại vì tiếng Pháp còn kém. Chủ bút bảo: “Điều đó không ngại, có thế nào anh viết thế ấy. Tôi sẽ chữa bài cho anh trước khi đưa in. Anh không cần viết dài; năm sáu dòng cũng được”. Monmousseau hướng dẫn Bác viết cho mục “tin tức vắn” trên báo của ông.
Viết xong bài, Bác chép thành hai bản, một bản giữ lại. Lần sung sướng nhất trong đời viết văn, làm báo của Bác là bài đầu tiên được đăng trên tờ “Đời sống thợ thuyền”. Năm ấy là năm 1917. Bác đã so lại xem đúng sai chỗ nào, tòa báo sửa cho như thế nào. Sau này, khi thấy đã bớt sai, ông chủ bút lại bảo: “Bây giờ anh viết dài một tí, viết độ bảy tám dòng”. Rồi cứ thế, Bác viết được cả một cột báo, có khi dài hơn. Lúc ấy, người chủ bút (là bạn thân của Bác) lại bảo viết ngắn lại. Rút ngắn cũng khó như kéo dài. Nhờ kiên trì rèn luyện nên Bác đã thành công.
Một số tài liệu cho biết, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gặp Jean Longuet, cháu ngoại Các Mác, chủ bút báo Dân chúng (Le populaire), cơ quan của Đảng Xã hội Pháp. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, hai người trở nên thân thiết. Jean Longuet luôn động viên Nguyễn Ái Quốc viết về Việt Nam. Ông đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc viết và cho đăng một số bài báo tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Sau này Bác Hồ kể lại: Jean Longuet là người đầu tiên Bác gọi là “đồng chí”.
Theo Trần Dân Tiên, Người đã vượt qua khó khăn bằng cách vừa làm vừa học, tự học và học những nhà báo người Pháp có kinh nghiệm. Bằng sự nỗ lực của bản thân trên cơ sở xác định rõ mục đích và cách viết, chỉ một thời gian ngắn, Nguyễn Ái Quốc đã vào làng báo. Một bài viết ấn tượng nữa của Nguyễn Ái Quốc được tờ L’Humanité (Nhân đạo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp) đăng ngày 18-6-1919 chính là bản yêu sách với tiêu đề “Yêu sách của nhân dân An Nam”.
Từ tháng 8-1919, Người đã có bài trên Báo Nhân đạo và tiếp theo Người viết nhiều bài cho Báo Dân chúng, Đời sống công nhân...
Năm 1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng người Maroc, Algeria, Tunisia... thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa và lập ra cơ quan ngôn luận của Hội - tờ Le Paria (Người cùng khổ), số đầu tiên xuất bản ngày 1-4-1922. Nguyễn Ái Quốc trở thành trụ cột của tờ báo.
Năm 1922, Người lập ra tờ báo “Người cùng khổ”, một tờ báo cách mạng mang tính quốc tế nhằm nêu lên cho thế giới biết nỗi cơ cực của người lao động là do bị áp bức bóc lột. Thật là đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc vừa là chủ bút, vừa là biên tập, vừa là phóng viên, vừa là người bán báo. Người đã tìm cách chuyển được báo “Người cùng khổ” qua tay các thủy thủ, vượt đại dương về truyền bá trong nước để khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của đồng bào.
Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) mở lớp huấn luyện cho thế hệ cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội” và cho ra đời tờ báo “Thanh niên” - cơ quan ngôn luận của hội. Báo “Thanh niên” ra số đầu vào ngày 21/6/1925, đến tháng 4/1927, tờ báo xuất bản được 88 số bằng tiếng Việt. Như vậy, ngày 21-6-1925, Bác đã sáng lập báo Thanh niên, khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam và đã trực tiếp chỉ đạo, biên tập và viết nhiều bài chính luận cho tờ báo này.
Tháng 12/1926, Người lập ra báo “Công nông”; tháng 2/1927, lập báo “Lính kách mệnh”. Những tờ báo do Người sáng lập đều có tiêu chí chung là lên án chủ nghĩa thực dân, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh giành độc lập; công cụ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Cách mạng tháng Mười Nga và đất nước Liên Xô… chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 6/1930, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra “Tạp chí đỏ” xuất bản ngày 5-8-1930, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền đường lối cách mạng sau khi thành lập Đảng.
Năm 1941, Hồ Chí Minh về nước chủ trì Hội nghị Trung ương đề ra đường lối chiến lược với mục tiêu giành độc lập dân tộc. Sau khi “Mặt trận Việt Minh” ra đời, Người đã chỉ đạo lập ra các tờ báo “Việt Nam độc lập”
Năm 1942, Bác chỉ đạo sáng lập báo Cứu Quốc. Các tờ báo này là cơ quan ngôn luận của Đảng, của mặt trận Việt Minh đã góp phần quan trọng trong việc thức tỉnh tinh thần yêu nước của đồng bào đứng lên đấu tranh trong giai đoạn khó khăn của thời kỳ tiền khởi nghĩa và chớp thời cơ đứng lên giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám.
Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Bác chỉ đạo thành lập báo Nhân dân. Người đã viết hàng trăm bài báo cho báo Nhân Dân để chỉ đạo, tuyên truyền đường lối cách mạng.
Chính nhờ làm báo, viết báo và đọc báo, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm của Lênin “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L’Humanité số ra ngày 16 và 17-7-1920 và trình bày tại Đại hội lần thứ II của Quốc tế Cộng sản họp từ ngày 19-7 đến 7-8-1920. Trong tác phẩm này, có một nội dung quan trọng là Lênin yêu cầu các Đảng Cộng sản phải giúp đỡ các nước thuộc địa và phụ thuộc, thực hiện đoàn kết giai cấp vô sản các nước tư bản với các dân tộc bị áp bức để chống kẻ thù chung là đế quốc, phong kiến.
Sau này, trong bài “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin” đăng trên báo Nhân Dân ngày 22-4-1960 nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Lênin, Bác kể lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: ‘Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.
Bác Hồ đọc báo Nhân dân. Ảnh Tư liệu
Như vậy, tính từ bài báo đầu tiên “nhỏ như bao diêm” đăng trên tờ báo Đời sống thợ thuyền năm 1917 ở Pháp đến bài báo sau cùng mà Hồ Chí Minh viết là bài “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn” (Báo Nhân Dân, ngày 25-8-1969) (có tài liệu ghi là bài "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", ký tên T.L, đăng trên báo Nhân Dân ngày 1-6-1969), Hồ Chí Minh đã có một sự nghiệp làm báo kéo dài 52 năm.
Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau, đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng cũng như đời sống xã hội. Tác phẩm báo chí của Người, dù ở thể loại nào, viết về vấn đề gì đều có một sắc thái rất riêng, hết sức độc đáo, sáng tạo. Nhiều bài báo của Người đã trở thành tác phẩm bất hủ, lưu danh đến muôn đời sau.
Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí và những người làm báo. Người căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người cho rằng, bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội của nhà báo là: “Trước khi viết phải tự đặt ra câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”.
Tự hào cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam có được tấm gương nhà báo Hồ Chí Minh. Chúng ta học tập được rất nhiều điều ở Bác từ sự nghiệp làm báo cách mạng cho đến những điều cụ thể về nghiệp vụ báo chí như mục đích viết, phong cách viết, tính trung thực, tính khách quan, đặc biệt là động cơ và ý thức của người làm báo. Có thể nói, viết báo và đọc báo là tài sản vô giá mà Hồ Chí Minh để lại không chỉ đối với các thế hệ làm báo, mà còn có ý nghĩa thời sự cho mọi người chúng ta trong việc nắm bắt, tích lũy và định hướng xử lý thông tin trong điều kiện bùng nổ thông tin và những diễn biến phức tạp, đa chiều của xã hội hiện nay.
Đã 98 năm kể từ ngày tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời, những tư tưởng về báo chí và di sản báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là “kim chỉ nam” soi đường cho báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, giao phó.
Trần Đình Tuấn (sưu tầm và biên tập)