Hà Tĩnh: Triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học
TCGCVN - Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Triển khai thực hiện Học bạ số thay thế cho Học bạ giấy là giải pháp quan trọng của ngành giáo dục nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia.
Ngoài ra, học bạ số đảm bảo thuận tiện cho việc sử dụng, quản lý, tra cứu, xác thực học bạ trực tuyến cũng như cho phép xuất ra bản mềm của học bạ số, có thể in được trên giấy theo mẫu học bạ quy định của Bộ GDĐT, để sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học
Đẩy nhanh số hóa vào giáo dục
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo bằng các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm đẩy nhanh hoạt động chuyển đổi số. Trong đó, với ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131 năm 2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng, Bộ GDĐT, ngành Giáo dục đã và đang tập trung chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, sự chủ động trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của từng giáo viên là điểm sáng của ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động thì việc thực hiện số hóa trong ngành chưa thật sự gắn kết. Vì vậy, trước yêu cầu của Đề án chuyển đổi số quốc gia, của Bộ GDĐT và xuất phát từ đòi hỏi trong công tác quản lý của ngành cần phải triển khai xây dựng thí điểm Học bạ số.
Ngày 25/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.
Tiếp đến, ngày 11/02/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị Số 04/CT-TT về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.
Trước đó, ngày 04/9/2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đã có Thông tư Số 27/2020/TT-BGDĐT về Quy định đánh giá học sinh tiểu học.
Qua nghiên cứu, khảo sát, Bộ GDĐT bước đầu thực hiện thí điểm ở cấp tiểu học bởi đây là một việc mới, khó, tác động đến số lượng lớn học sinh, diễn ra phạm vi khắp các vùng, miền trên cả nước, với điều kiện kinh tế - xã hội, năng lực trình độ, cơ sở vật chất khác nhau nên cần thận trọng từng bước.
Cấp tiểu học là cấp học nền móng của hệ thống giáo dục quốc dân, vì vậy nếu cấp tiểu học được triển khai tốt, chắc chắn, đúng hướng sẽ có tác động một cách bền vững tới các cấp học, bậc học tiếp theo.
Với tầm quan trọng như vậy, năm học 2023-2024, Bộ GDĐT triển khai thí điểm hệ thống học bạ số, cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, bao gồm: phần mềm hệ thống; tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số.
Phạm vi thí điểm là các cơ sở giáo dục cấp tiểu học bảo đảm các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện các giải pháp, nội dung, yêu cầu đối với học bạ số, bảo đảm 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở giáo dục thực hiện thí điểm; năm học 2023-2024 chỉ thực hiện thí điểm đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4.
Triển khai thực hiện thí điểm Học bạ số theo kế hoạch của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch, văn bản hướng dẫn và thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ thư ký thực hiện thí điểm Học bạ số; hướng dẫn, chỉ đạo các Phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục tiểu học tham gia thí điểm triển khai rà soát, đánh giá, chuẩn bị các điều kiện kĩ thuật, nhân sự, nguồn lực bảo đảm các điều kiện để triển khai Học bạ số.
Qua rà soát, 100% cơ sở giáo dục tiểu học đảm bảo các điều kiện để triển khai thực hiện. Hiện tại, ngành giáo dục Hà Tĩnh đang phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ Học bạ số (VNPT Hà Tĩnh, Viettel Hà Tĩnh) tập huấn sử dụng Học bạ số cho các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh và xây dựng Cơ sở dữ liệu Học bạ số của ngành.
Ban Chỉ đạo Học bạ số của ngành GDĐT Hà Tĩnh họp triển khai thực hiện thí điểm
Cần sự chung tay thực hiện
Việc thí điểm học bạ số cấp tiểu học là thí điểm để làm, làm tốt hơn, chắc chắn hơn, hiệu quả hơn từ khung pháp lý đến nội dung chuyên môn và quan trọng nhất là đạt được kết quả đặt ra trong kế hoạch, chuyên môn. Vì vậy, ngành GDĐT Hà Tĩnh xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học bởi sự cấp thiết cần triển khai. Đây là công việc mới và là vấn đề có nhiều khó khăn nên khâu chuẩn bị rất quan trọng, cấp thiết.
Đặc biệt, đối với tinh thần của cơ sở giáo dục tiểu học làm thí điểm, cần phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong quá trình triển khai. Bởi thí điểm là điều kiện, nền tảng để Sở GDĐT, Bộ GDĐT làm mẫu để nhân rộng đến các cấp học, bậc học khác và có những quyết định về lộ trình mới tiếp theo.
Vì vậy trên hành trình thực hiện cái mới và vượt khó này để thành công đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt đội ngũ hiệu trưởng, giáo viên. Bên cạnh đó không thể thiếu sự đồng thuận, sự chung tay, tham gia tích cực của toàn xã hội.
PHAN DUY NGHĨA (Phòng GDPT, Sở GDĐT Hà Tĩnh)