HÀ NỘI - MÃI LÀ NIỀM TIN YÊU, HY VỌNG CỦA CẢ NƯỚC
Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, hơn một nghìn năm trước đã được ông cha ta chọn là nơi định đô để tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Trái tim của cả nước, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, Hà Nội đã thành nơi lắng hồn núi sông ngàn năm với những khúc khải hoàn, trong đó, ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là một trong những mốc son chói sáng, tiếp tục kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, ngày càng tỏa sáng tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, ý chí xưng nền văn hiến, xây nền độc lập, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên để đã, đang và sẽ vẫn mãi là niềm tin yêu, hy vọng của cả nước.
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố và Bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
1. Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945-1954)
Bất chấp tuyên bố về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam được nêu trong Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945, chỉ đúng 3 tuần sau, ngày 23/9/1945, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm các mục tiêu ở Sài Gòn và từng bước mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước. Đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[1, tr.534], Hà Nội đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, kiên cường ngăn quân Pháp trong những ngày mùa Đông năm 1946 và cùng với nhân dân cả nước kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ, để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; buộc thực dân Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Việt Nam tạm thời bị chia cắt thành 2 khu tập kết quân sự, để tiến tới Tổng tuyển cử năm 1956. Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ tập kết ở Bắc vĩ tuyến 17, Quân đội Pháp và Quân đội Quốc gia Việt Nam tập trung ở Nam vĩ tuyến 17. Theo đó, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Đề phòng âm mưu của Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, Hà Nội khẩn trương chuẩn bị cho việc tiếp quản. Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng cử các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô. Ngày 17/9/1954, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để tiếp thu và quản lý Thành phố. Đồng thời, Hội đồng Chính phủ công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào Thành phố mới giải phóng; Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị bộ đội về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của Thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, phải không ngừng nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của lực lượng phá hoại.
Ngày 30/9/1954, ta và Pháp ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự; ngày 02/10/1954, ký Hiệp định chuyển giao Hà Nội về hành chính. Theo đó, nguyên tắc chuyển giao là đảm bảo trật tự, an toàn, không được phá hoại và không làm gián đoạn các hoạt động của Thành phố. Theo các văn bản đã được ký kết, từ ngày 02 đến 05/10/1954, các đội hành chính, trật tự của ta vào Thành phố, chuẩn bị tiếp quản các cơ quan, công sở, các công trình công cộng. Hơn 420 cán bộ, nhân viên đội hành chính và gần 160 công an có vũ trang của đội trật tự đã kiểm kê và giải quyết các công việc chuẩn bị nhận bàn giao từ phía Pháp và chính quyền thân Pháp, lập xong các biên bản để bàn giao vào ngày 07/10/1954. Đến 16 giờ, ngày 09/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân dân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. 20 vạn nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng.
Hà Nội cùng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp quản tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội: sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành (Citadel), những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt. Ta tiếp quản 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…, trong đó có phủ Toàn quyền cũ, phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não của Pháp.
15 giờ, ngày 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng. Trong thư gửi đồng bào Hà Nội nhân ngày giải phóng Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”[2, tr.79]. Đồng thời, Người nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khoẻ cả về vật chất và tinh thần” [2. Tr.78].
2. Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Minh, 70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trung tâm, luôn là niềm tin yêu, hy vọng của cả nước. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Nội vừa chiến đấu, vừa sản xuất, vừa xây dựng, vừa bảo vệ, thực sự là thành trì vững chắc, là hậu phương lớn, chỗ dựa vững trãi về tinh thần cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm chiến đấu ở miền Nam. Với phương châm “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, gần 100.000 người con Hà Nội đã cùng thế hệ trẻ cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; hơn một phần mười những người con ưu tú đó đã vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường. Đặc biệt, với chiến công vang dội của quân và dân Hà Nội góp phần đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, được bạn bè thế giới khâm phục và ngợi ca Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, buộc Chính phủ Mỹ phải quay lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng để cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc.
3. Hà Nội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975-2024)
Bước vào thời kỳ cùng cả nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vượt qua những khó khăn, gian khổ thời kỳ bao cấp, Hà Nội đã đi đầu triển khai quyết sách mới của Đảng. Trong công cuộc đổi mới, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội từ đô thị đến nông thôn phát triển đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đòi hỏi cấp bách của quá trình đô thị hóa nhanh. Đặc biệt, từ ngày 01/8/2008, Thủ đô được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Thành phố chính thức hợp nhất với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã mở ra thời kỳ mới, phát huy những tiềm năng to lớn của Hà Nội.
Trải qua 15 năm (2008-2023), Thủ đô Hà Nội luôn đi tiên phong trên mọi lĩnh vực, đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển quan trọng của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, xứng đáng với niềm tin yêu và hy vọng của cả nước. So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích nhưng Thành phố đóng góp tới 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Tăng trưởng GRDP giai đoạn 2008-2010 đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011-2022, GRDP bình quân đạt 6,67%/năm, tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định năm 2010) đã đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước và gấp 3,8 lần so với năm 2008.
Kinh tế Thủ đô không chỉ tăng về lượng mà còn tăng cả về chất. Cơ cấu các ngành kinh tế, cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch tích cực. Trên lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp - xây dựng tăng, lĩnh vực nông nghiệp giảm. Nếu như năm 2011, dịch vụ chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%; nông nghiệp chiếm 3,6%; thuế sản phẩm chiếm 13,4% thì đến năm 2022, ngành dịch vụ vẫn chiếm ưu thế với 63,22%; công nghiệp - xây dựng tăng lên 24,04%; nông nghiệp và thuế sản phẩm giảm còn 2,08% và 10,66%.
Tương ứng với cơ cấu này, cơ cấu lao động cũng thay đổi, so với năm 2015, lao động trong ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng hiện nay đã tăng khoảng 6,5%; tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm từ 19,7% xuống chỉ còn 6,9%. Năng suất lao động cũng được nâng cao. Năm 2022, năng suất của người lao động Thủ đô đã đạt mức 291,3 triệu đồng/người, gấp 2,34 lần so với năm 2011.
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn sau điều chỉnh địa giới hành chính đã chuyển dịch theo hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khá. Giai đoạn 2011-2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước (6,67%). Cơ cấu các ngành được điều chỉnh, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao ở một số lĩnh vực như: Điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học...
Hằng năm, thành phố thực hiện lựa chọn, công nhận các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Năm 2010, trên địa bàn chỉ có 53 sản phẩm được công nhận, thì đến hết năm 2022, Thành phố đã công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Doanh thu các sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt hơn 250.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực thật sự là những doanh nghiệp nòng cốt của ngành công nghiệp Thủ đô.
Từ khi mở rộng, Thành phố có thêm nhiều nguồn lực để phát triển công nghiệp, nhất là quỹ đất để tạo mặt bằng cho doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được phát triển với 9 khu công nghiệp, 70 cụm công nghiệp đang hoạt động. Trong 3 năm 2021-2023, đã tổ chức khởi công được 16/43 cụm công nghiệp được phê duyệt theo quy hoạch, 27 cụm công nghiệp còn lại đang hoàn thiện các thủ tục để khởi công và tiếp tục thành lập mới và kêu gọi đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp theo quy hoạch. Bên cạnh đó, Hà Nội còn có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, góp phần phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại nội địa (trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ) được chú trọng phát triển. Đến nay, Hà Nội có 3 trung tâm logistics, 2 cảng cạn và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khác. Quy mô giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 đạt khoảng 698 nghìn tỷ đồng, gấp gần 3,4 lần năm 2010. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 17 tỷ USD, gấp gần 2,1 lần năm 2010.
Thời điểm hết năm 2008, trên toàn địa bàn chỉ có 10 trung tâm thương mại, 78 siêu thị, 382 chợ... thì nay, Thành phố đã phát triển được 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ; hơn 2.000 cửa hàng, địa điểm kinh doanh thực phẩm; 415 máy bán hàng tự động... Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD, gấp 1,93 lần so với năm 2008 (hơn 30 tỷ USD). Trong đó, nhập siêu từ mức gấp 2,35 lần xuất khẩu năm 2008 giảm còn 1,15 lần 6 tháng đầu năm 2023.
Du lịch cũng được thành phố Hà Nội chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đón 21,92 triệu lượt khách nội địa (gấp 1,9 lần năm 2011), 7,02 triệu lượt khách quốc tế (gấp 3,7 lần năm 2011), chiếm hơn 37% lượng khách quốc tế của cả nước, xứng đáng vai trò trung tâm điều phối du lịch lớn nhất khu vực phía Bắc. Hà Nội được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Trong điều kiện hết sức khó khăn bởi hậu quả đại dịch COVID-19 và tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm tác động, nhưng năm 2023 vốn đầu tư phát triển trên địa bàn Thành phố tăng 9,3% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 11,5%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 2,9 tỷ USD, tăng 70,5% so với năm trước, là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đăng ký cấp mới 143 dự án với số vốn đạt 1,1 tỉ USD; 102 lượt tăng vốn đầu tư với 138 triệu USD; 118 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 77 triệu USD…
Cùng với phát triển kinh tế, Hà Nội đẩy mạnh thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đặt mục tiêu đến năm 2025, Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu so với kế hoạch năm 2023. Đối với mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hiện nay thành phố Hà Nội đã có 6 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Thanh Oai phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến cuối năm 2024, Thành phố Hà Nội cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu này.
Chương trình số 04-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội đề ra 33 chỉ tiêu, đến hết năm 2023, đã có 25 chỉ tiêu hoàn thành và lũy kế có 183 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, đến năm 2025 có 156 xã); hoàn thành 48 xã, nâng tổng số lên 68 xã nông thôn mới kiểu mẫu (Chương trình số 04-CTr/TU đề ra, đến năm 2025 có 80 xã). Còn chỉ tiêu về OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), kế hoạch của Thành phố sẽ đánh giá, phân hạng 400 sản phẩm nhưng năm 2023 đã có 545 sản phẩm… Như vậy, Thành phố đã hoàn thành trước một năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy. Đặc biệt, Hà Nội đã đáp ứng được 2 quy định đầu tiên trong số 8 điều kiện cần theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đó là có 100% số huyện, thị xã (hoặc Thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Với kết quả đạt và vượt kế hoạch được giao, Chương trình xây dựng nông thôn mới được đề cử bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô trong năm 2023.
Cùng với phát triển kinh tế, Thành phố chú trọng bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Năm 2023, số người tham gia bảo hiểm y tế là trên 7,9 triệu người, tăng 3,24% so với năm 2022, đạt 100,63% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94% dân số. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hơn 1,9 triệu người, tăng 3,86% so với năm 2022; đạt 100,44% kế hoạch Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao; chiếm 39,8% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 0,8% chỉ tiêu Thành phố giao. Tổng số hộ nghèo cuối năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 690 hộ (chiếm 0,03%); tổng số hộ cận nghèo là 15.835 hộ (chiếm 0,7%).
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển; quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự xã hội được bảo đảm. Công tác quản lý đô thị được đẩy mạnh, đường phố không ngừng được chỉnh trang đổi mới, vệ sinh môi trường được duy trì tốt; ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm, từng bước hình thành các điều kiện xây dựng dữ liệu lớn và thành phố thông minh.
Với phương châm “Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, Đảng bộ thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, nổi bật là việc ban hành Chương trình số 01-CTr/TU ngày 17/3/2021, về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị Thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025”. Đồng thời, “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phát huy vai trò của các cơ quan kiểm tra, giám sát trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kiên quyết đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng. Xây dựng Đảng bộ thành phố Hà Nội trong sạch, vững mạnh - Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Thủ đô.
Tất cả sự nỗi lực toàn diện, vượt bậc của Đảng bộ và nhân dân Thành phố trong 70 năm qua đã giúp Hà Nội làm nên những chiến công hiển hách và thành tựu vang dội, xứng đáng là “Thủ đô anh hùng của cả nước”, được bạn bè thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”; được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”.
Từ dấu mốc lịch sử giải phóng Thủ đô 70 năm về trước, đến nay, mạch nguồn đoàn kết, ý chí quyết tâm không lùi bước của người Hà Nội tiếp tục được bồi tụ làm nên những thành tựu quan trọng. Đây chính là động lực cho Thành phố hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn để Thủ đô Hà Nội vẫn mãi là niềm tin yêu và hy vọng của cả nước.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, HN, 2011.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, HN, 2011.
Đại tá, PGS.TS. NGƯT NGUYỄN XUÂN TÚ
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự