Hà Giang: Nâng cao chất lượng hiệu quả mô hình trường bán trú ở huyện Quang Bình
TCGCVN- Quan tâm, chăm lo đời sống học sinh, nhất là những học sinh bán trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Quang Bình thường xuyên chỉ đạo. Từ đó, nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh khắc phục những khó khăn đảm bảo nhiệm vụ học tập.
Chia khẩu phần ăn cho học sinh tại trường PTDTBT TH&THCS Xuân Minh
Huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang hiện có 45 trường học trong đó có 12 trường Phổ thông dân tộc bán trú, nhiều bản cách xa điểm trường trung tâm. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc đi lại, học tập của học sinh. Để tìm giải pháp tháo gỡ, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, Phòng GD&ĐT huyện bám sát các văn bản hướng dẫn của cấp trên, chỉ đạo các trường thực hiện tốt những quy định của Bộ Tài chính về mua sắm thực phẩm. Hợp đồng với các nhà cung ứng thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng và uy tín. Thực phẩm phải tươi ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đối với đội ngũ nấu ăn được khám sức khỏe theo quy định. Dụng cụ chế biến, hệ thống vòi rửa sạch sẽ, an toàn. Thực đơn hàng ngày được xây dựng chi tiết, có thay đổi liên tục, đảm bảo sự phong phú về bữa ăn, đủ thành phần dinh dưỡng. Trong quá trình chế biến, phải tuân thủ nghiêm 10 quy tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn. Đặc biệt, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bán trú tại các trường đều được phòng nắm bắt kịp thời, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
Cô giáo Hoàng Thị Phiến - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quang Bình cho biết: Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các trường đến các thôn tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh và cũng phân tích những khó khăn của trường để phụ huynh học sinh chia sẻ cùng đóng góp kinh phí nuôi các em đối với học sinh không thuộc diện được hưởng chế độ theo quy định. Qua quá trình vận động với sự vào cuộc tích cực của các bên, các gia đình dần hiểu và ủng hộ trường trong việc cho học sinh ăn, ở bán trú. Hiện nay, học sinh ở 3 bậc: mầm non, tiểu học, THCS đều ra lớp đạt tỷ lệ chuyên cần 99,5%.
Được biết, bên cạnh việc chăm lo bữa ăn cho học sinh, các trường còn phân công giáo viên trực bán trú, đảm bảo an ninh, an toàn; quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, ôn luyện kiến thức, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao làm phong phú đời sống tinh thần, cho học sinh rèn kỹ năng sống, rèn kỹ năng tự giác trong học tập. Nhờ các giải pháp phù hợp, đến nay, toàn huyện có 12 trường có học sinh ở bán trú; 100% các trường thực hiện đúng quy định về bán trú. Chế độ, chính sách của học sinh được đảm bảo. Nhiều năm nay, không để xảy ra ca, vụ ngộ độc thực phẩm.
Các trường Phổ thông Dân tộc bán trú ở các xã như: Yên Thành, Nà Khương, Tuyên Nguyên, Hương Sơn, Xuân Minh, Tân Nam, Bản Rịa là những đơn vị điển hình làm tốt công tác bán trú. Năm học 2024 – 2025, Trường PTDTBT TH và THCS Xuân Minh có 15 lớp, 427 học sinh (361 em ở bán trú). Đứng chân trên địa bàn xã vùng cao khó khăn, cách trung tâm huyện 35 km, có nhiều bản cách xa trung tâm xã, để làm tốt công tác giáo dục, trường phối hợp với các trưởng thôn, bản nắm tình hình học sinh; tuyên truyền vận động các em ra lớp. Thành lập các nhóm zalo lớp tạo điều kiện để các thầy cô giáo, phụ huynh trao đổi thông tin 2 chiều, nắm bắt tình hình, yên tâm gửi gắm con em ở trường.
Thầy giáo Lê Việt Trung - Hiệu trưởng trường khẳng định: “Ngoài các giải pháp trên, trường còn tổ chức các hoạt động vui chơi bổ ích cho các em; hướng dẫn trồng rau cải thiện bữa ăn hàng ngày. Hiện nay, tỷ lệ học sinh ra lớp của trường đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần hàng ngày đạt 98,5%. Trường được lãnh đạo cấp trên, chính quyền địa phương đánh giá cao”.
Khu nhà ăn của học sinh trường PTDTBT TH&THCS Xuân Minh
Thực tế thăm quan tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Yên Thành chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những dãy nhà kiên cố là màu xanh của cây cối, hoa lá và những vườn rau xanh tươi tốt khu nhà bếp và khu ăn được bố trí sạch sẽ, thoáng mát. Khu vực bán trú của các em học sinh khang trang, sạch đẹp được bố trí đầy đủ đồ dùng. Em Ma Anh Duy, học sinh lớp 4A3, nhà ở Thôn Tân Thượng cho biết: Nhà em cách trường 10km, việc đi lại trước đây rất vất vả, mất nhiều thời gian, nhất là vào những hôm trời mưa. Từ năm học lớp 1, em được ở bán trú tại trường. Em thấy các điều kiện ăn, ở rất tốt. Hàng ngày, em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích; thầy cô quan tâm truyền đạt kiến thức ngay cả ngày nghỉ khi em có nhu cầu, điều đó giúp em học tập hiệu quả.
Làm tốt công tác bán trú, ngành GD&ĐT huyện Quang Bình đang góp phần chăm lo đời sống học sinh; tạo mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, trường và xã hội cùng chung tay thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục.
Đình Thơm