GÓP PHẦN NHẬN DIỆN BẢN CHẤT CUỘC CHIẾN TRANH CỦA MỸ Ở VIỆT NAM QUA CHÂN DUNG TƯỚNG WESTMORELAND
1. Tướng Westmoreland – một nhân vật điển hình của quân lực và chính giới Mỹ
Đại tướng William Child Westmoreland (1914 – 2005) là người chỉ huy cao nhất của quân lực Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam trong thời gian từ năm 1964 đến 1972. Ông chính là viên tướng chỉ huy cao nhất của quân lực Mỹ và đồng minh trong thời kỳ mà cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam đạt tới đỉnh cao nhất, bộc lộ đầy đủ nhất bản chất cũng như những đặc điểm của nó. Rồi sau đó, khi cuộc chiến kết thúc, Westmoreland cũng là người có những lời nói và hành vi tiêu biểu cho một cách ứng xử của chính giới và tướng lĩnh Mỹ đối với di sản của cuộc chiến. Vì vậy, tìm hiểu con người, tư duy chiến lược khi cầm quân và các cách ứng xử của tướng Westmoreland sẽ góp phần rất quan trọng trong việc làm rõ bản chất của toàn bộ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và một số vấn đề của thời hậu chiến.
Đại tướng William Child Westmoreland (1914 – 2005) –
Nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1964-1968)
William C. Westmoreland từng tham gia Chiến tranh thế giới II ở nhiều mặt trận. Năm 1952, ông được phong quân hàm cấp tướng khi mới 38 tuổi và trở thành một trong những tướng quân trẻ tuổi nhất của quân đội Mỹ. Đủ thấy, Westmoreland là một kẻ rất có tài. Sau đó ông ta còn tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên và được đào tạo qua nhiều học viện và trường đại học danh tiếng, rồi được bổ nhiệm vào nhiều vị trí tham mưu, chỉ huy cao cấp trước khi được cử sang Việt Nam vào năm 1963. Đầu năm 1964, Westmoreland trở thành Phó Tư lệnh Bộ Tổng hành dinh cố vấn quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam (Military Assistance Command, Vietnam - MACV). Đến tháng 6 năm 1964 ông ta trở thành Tổng tư lệnh tất cả các lực lượng quân lực Mỹ ở Việt Nam. Khi giới thiệu Westmoreland vào vị trí này, Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara đã nói với Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, rằng ông ấy “chắc chắn là người giỏi nhất của chúng ta, không nghi ngờ gì!” [1] Đủ biết, Đại tướng Westmoreland là một trong những người tài ba nhất, tiêu biểu nhất của chính giới và của quân lực Hoa Kỳ.
Và kết cục của cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, như toàn thế giới đều đã biết: Mỹ đã thua, quân và dân Việt Nam đã thắng.
Là người chỉ huy cao nhất của quân đội Mỹ trong thời gian cao trào của cuộc chiến, cho nên lời nói và hành vi của Westmoreland thời hậu chiến sẽ như một chỉ báo quan trọng về suy nghĩ, thái độ, trách nhiệm và ứng xử của lãnh đạo chính giới và quân giới Mỹ đối với di sản của cuộc chiến. Ở vào vị trí đó, Westmoreland có thể chọn cách im lặng, không nói hoặc làm gì, để cho thời gian sẽ giúp chữa lành các vết thương và để cho tương lai tự tìm lối đi cho nhân loại. Còn nếu có phát ngôn hay hành động gì thì hẳn ông ta phải cân nhắc rất kỹ, để ít nhất cũng phải tỏ cho được tinh thần mã thượng của một chiến binh có danh dự, xứng đáng với vai trò và chức vụ mà ông ta từng đảm nhiệm.
Nhưng ông ta đã nói gì?
Năm 1998, khi trả lời phỏng vấn tờ tạp chí George, Westmoreland đã nói với nhà báo W. Thomas Smith Jr. như sau về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Tất nhiên, ông ấy [Giáp] là một đối thủ đáng gờm. Tôi cũng muốn nói rằng Giáp đã được huấn luyện với các đơn vị nhỏ về các chiến thuật du kích, nhưng ông vẫn cố sức tiến hành một cuộc chiến tranh bằng các đơn vị lớn với những tổn thất khủng khiếp cho chính quân của mình. Chính ông ta đã thừa nhận, vào đầu năm 1969, tôi nghĩ thế, rằng ông ấy đã mất tới khoảng nửa triệu binh sĩ? Ông ta đã cho biết như thế. Sự coi thường tính mạng con người như vậy có thể tạo nên một địch thủ đáng gờm, nhưng nó không tạo nên một thiên tài quân sự. Một chỉ huy Mỹ để mất người như vậy chắc sẽ khó mà tồn tại được trong vòng vài tuần lễ” [2].
Đó là điều Westmoreland nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam – một trong những người đã đánh bại ông ta.
Từ sau khi cuộc chiến kết thúc cho đến nay, giới nghiên cứu lịch sử quân sự toàn thế giới không có ai ghi nhận Đại tướng William C. Westmoreland là một tài năng quân sự nổi bật gì, trong khi đó, họ gần như nhất loạt thừa nhận tài năng và tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp và coi ông là một trong số ít những nhà cầm quân xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới từ cổ chí kim.
Một hay một số cá nhân nhà nghiên cứu thì có thể nhận thức sai lầm, nhưng đa số giới nghiên cứu trên toàn thế giới thì hẳn là không sai.
Dẫu vậy, những điều Westmoreland nói cũng đã gieo rắc vào dư luận hai điều tệ hại, sai lầm trong nhận thức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói riêng và nguyên tắc cầm quân, tác chiến của giới lãnh đạo chính trị và quân sự Việt Nam nói chung, và điều này có thể dẫn tới những nhận thức không chân thực của các thế hệ trẻ ở cả Mỹ, Việt Nam và nhiều nước khác về lịch sử cuộc chiến mà nước Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam trong thế kỷ XX.
Vì thế, cần nghiên cứu để làm rõ hai vấn đề: Thứ nhất, ai là kẻ cầm quân theo nguyên tắc “nướng quân”, “coi thường sinh mạng con người”? Thứ hai, những sự thật lịch sử nào đã bị giới lãnh đạo nước Mỹ thời đó che giấu, xuyên tạc, đặc biệt là vai trò của Đại tướng William C. Westmoreland? Sự dối trá xảo quyệt của họ cuối cùng đã gây ra những hậu quả ra sao và bị phanh phui như thế nào.
2. William C. Westmoreland và chiến lược “Chiến tranh tiêu hao” của Mỹ
Về vấn đề ai là kẻ “nướng quân” và “coi thường sinh mạng con người”, thì trước đó, từ năm 1974, phát biểu trong một bộ phim tài liệu lịch sử, tướng Westmoreland đã đưa ra ý kiến: “Người phương Đông không coi trọng sinh mạng con người như người phương Tây. Ở phương Đông, sinh mạng đầy rẫy và rẻ rúng. Và đúng như triết học phương Đông đã bày tỏ: mạng sống không quan trọng” [3]
Và đó chính là nền tảng tư duy để tướng Westmoreland hiểu về “người phương Đông” và là cơ sở để ông ta suy đoán về triết lý cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày nay, ai từng nghiên cứu chút ít về triết học và lịch sử phương Đông thì đều có thể thấy lối suy đoán của ông tướng Mỹ bốn sao kia thực sự là sai lầm ngớ ngẩn.
Cố nhiên, về phương diện tư tưởng thì dù sao người ta vẫn có thể tranh biện hoặc thế này, hoặc thế khác, nhưng trên phương diện thực tiễn thì lịch sử chỉ có duy nhất một sự thật khách quan mà thôi.
Sự thực đó là gì? Đại tướng William C. Westmoreland chính là tác giả và là người đóng vai trò chính yếu, quan trọng nhất trong việc thực hiện chiến lược “chiến tranh tiêu hao” (Attrition War) tàn bạo, vô nhân tính nhất trong lịch sử loài người với những “từ khóa” ghê rợn nhất là “vùng tự do oanh tạc” (Free-Fire Zone) và “đếm xác chết” (body count). Đây chính là điều cần mổ xẻ để hiểu rõ triết lý chiến tranh và nguyên tắc cầm quân của lãnh đạo Mỹ thời đó nói chung và của tướng Westmoreland nói riêng.
Bước chuyển hướng từ “chiến tranh quy ước” sang “chiến tranh tiêu hao” của Westmoreland đã diễn ra như thế nào?
Khi bị bế tắc với chiến lược chiến tranh mà người Mỹ gọi là “chiến tranh chống nổi dậy” (counterinsurgency war), [4] từ năm 1964 Westmoreland đã liên tục hối thúc Tổng thống và Quốc hội Mỹ chấp nhận phương thức mới của cuộc chiến tranh với chiến lược “Chiến tranh hạn chế” (limited war) tăng cường viện trợ và đổ thêm quân vào chiến đấu trực tiếp trên chiến trường miền Nam [5]. Do vậy, số quân Mỹ có mặt ở Việt Nam tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 16 nghìn (năm 1964) lên đến hơn 540 nghìn năm 1968. Cùng với đó là hàng trăm nghìn binh lính của 5 nước đồng minh của Mỹ (Australia, Hàn Quốc, Thái Lan, New Zealand và Philppines) cũng có mặt ở chiến trường. Với lực lượng và vũ khí, khí tài, hậu cần, khả năng cơ động vượt trội, Westmoreland và giới chỉ huy Mỹ âm mưu buộc đối phương phải chấp nhận một cuộc “chiến tranh quy ước”: Tức là hai bên dàn quân ra trên trận tuyến, đọ sức trực tiếp, giành gật những vị trí chiến lược và quyết định thắng – thua trên chiến trường.
Nhưng ở Việt Nam, quân và dân ta lại không chấp nhận điều này, mà ngược lại tiến hành kháng chiến theo chiến lược chiến tranh nhân dân, đẩy hàng trăm nghìn quân Mỹ, quân đồng minh và gần một triệu quân đội Sài Gòn vào thế sa lầy, thiên la địa võng. Các cuộc hành quân theo lệnh của Westmoreland “tìm và diệt” (Search and Destroy) đều như những cú đấm uy lực vào không khí. Nhưng bất cứ ở đâu, quân Mỹ và quân Sài Gòn đều có thể bị tập kích, dù là trong nội thành Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng hay ở các phum, sóc xa xôi, hoặc trên các tuyến đường giao thông thủy, bộ. Trong thế sa lầy đó, Westmoreland đã phải chuyển từ chiến lược “chiến tranh quy ước” sang “chiến tranh tiêu hao”.
Chiến tranh tiêu hao (Attrition War) là gì? Nếu chiến tranh quy ước đặt mục tiêu là đánh bại đối phương để chiếm được những vị trí chiến lược thì chiến tranh tiêu hao nhằm vào việc sát hại được càng nhiều binh lính đối phương càng tốt. Vì vậy, thước đo chiến thắng của chiến tranh tiêu hao là số lượng quân lính đối phương bị sát hại trong chiến đấu (KIA – Killed in Action), tức là thứ chiến lược chiến tranh nhằm tới cái đích chủ yếu và duy nhất là: giết, giết càng nhiều binh sĩ của đối phương thì thắng lợi càng to! Tính chất phản nhân loại, mất nhân tính của chiến lược chiến tranh tiêu hao là như thế đó. Và chiến lược này do Westmoreland và các tướng lĩnh Mỹ vạch ra và áp dụng ở miền Nam Việt Nam!
Nhưng làm thế nào để giết được đối phương, trong khi quân Mỹ không thể xác định chính xác được địa bàn hoạt động và nơi trú quân của Quân Giải phóng – mà họ gọi là “Việt cộng” – “VC”.
Vậy là Westmoreland và giới chỉ huy Mỹ đã “sáng tạo” ra cái gọi là “vùng tự do oanh tạc” (Free-Fire Zone). Bất cứ nơi nào, dù đó là một ấp, một xã, một buôn làng hay thị trấn, nếu quân Mỹ phát hiện “có dấu hiệu hoạt động” của đối phương thì sẽ bị xác định là vùng “tự do oanh tạc”. Sau đó, quân Mỹ sẽ cho trực thăng bay đến đó và phát loa, rải truyền đơn, tuyên bố ấp A, xã B ... là “vùng tự do oanh tạc”, và yêu cầu tất cả những ai không phải là “Việt cộng” thì phải rời khỏi khu vực đó trong vòng 12 tiếng, hoặc 24 tiếng (tất nhiên là khu vực đó đã bị họ bao vây, kiểm soát). Sau thời hạn trên, họ sẽ cho máy bay đến ném bom, dội pháo bầy, bắn phá cho tan nát tất cả các mục tiêu trong khu vực. Tiếp theo họ mới cho bộ binh và xe thiết giáp tràn vào càn quét với mệnh lệnh: giết sạch tất cả những gì còn sống, đốt sạch, bỏ thuốc độc vào tất cả các nguồn nước.
Tất cả những “quy trình” chết chóc này đã được quy định rõ và hướng dẫn cụ thể bởi tài liệu “Kỷ luật tác chiến” (Rules of Engagement) do quân đội Mỹ biên soạn, đích thân tướng Westmoreland ký ban hành từ cuối năm 1965.
Nhưng trong thế trận chiến tranh nhân dân dựa trên tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường, quân và dân Việt Nam đã kiên quyết “một tấc không đi, một li không rời”, quyết bám trụ cùng nhau chiến đấu bảo vệ quê hương, làng xóm, dù bị quân Mỹ tuyên bố đó là “vùng tự do oanh tạc”. Và khi quân Mỹ tiến vào, họ sẽ chống trả quyết liệt. Mỗi người dân đều có thể là một chiến sĩ.
Và thế là các cấp chỉ huy chiến trường của Mỹ nhất loạt ra lệnh cho binh lính của họ: “Kill anything that moves!” (Giết bất kỳ thứ gì cử động!) [6]. Thậm chí, có viên chỉ huy còn nói thẳng với quân lính rằng: “Nếu một người bị giết, và đó là người Việt Nam, thì chính là một Việt cộng!” [7].
Một sĩ quan thủy quân đánh bộ Mỹ tên là Philip Caputo đã từng nói rõ như sau: “Chiến lược chiến tranh tiêu hao của tướng Westmoreland cũng đã có ảnh hưởng quan trọng đối với cách hành xử của chúng tôi. Sứ mệnh của chúng tôi không phải là giành lấy những vùng đất hay chiếm được các vị trí, mà đơn giản là giết: giết cộng quân càng nhiều càng tốt. Giết chết họ như đốn gỗ. Chiến thắng tức là đếm được nhiều xác chết, vượt qua tỉ lệ giết thấp, thuần túy như một phép số học.”[8].
Chiến lược chiến tranh tiêu hao của Westmoreland và cách chỉ huy quân đội của các sĩ quan Mỹ đã khiến cho quân lực Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ở chiến trường Việt Nam trở thành những cỗ máy giết người khổng lồ, được trang bị bằng những vũ khí, khí tài tối tân, mỗi chiến binh thành một tên đồ tể lao vào những cuộc tàn sát đẫm máu. Philip Caputo viết tiếp: “Áp lực sản xuất ra nhiều xác chết đối với các viên chỉ huy đơn vị là rất lớn, và họ lại truyền áp lực này cho binh lính.” Và thế là một cuộc tranh đua giết chóc giữa các viên chỉ huy và các đơn vị lính Mỹ đã diễn ra, vô cùng tàn bạo. Một báo cáo được tìm thấy trong hồ sơ của Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của chính quân đội Mỹ ghi lại lời khai của một hạ sĩ quan Mỹ như sau: “Từ vị trí phục kích chúng tôi cứ việc giết bừa phứa, và phần lớn nạn nhân đều không phải là Việt cộng. Chúng tôi dùng mìn Claymores chống lại bất kỳ người nào hay chiếc xuồng nào đi qua ... chẳng có gì khó khăn cả: sau khi chúng tôi đã giết họ thì họ chính là Việt cộng.” [9]
Chính Westmoreland và giới chỉ huy quân Mỹ cũng nhận ra tình trạng lạm sát dân thường phổ biến của binh lính và sĩ quan Mỹ. Vì vậy, ông ta đã ban bố nhiều huấn lệnh yêu cầu các đơn vị Mỹ phải tuân thủ “kỷ luật tác chiến”. Thậm chí ông ta còn đưa ra “tỉ lệ chuẩn” giữa số địch quân bị giết (enemy killed) với số vũ khí thu được (weapon captured) là từ 3:1 đến 5:1. Đó chính là công thức đếm xác chết (body count) của Westmoreland: cứ có từ ba đến năm xác địch quân mà có một vũ khí thu được thì coi như “đạt chuẩn”. [10]
Mặc dù vậy, do sức ép thành tích chiến trận nên các viên chỉ huy và binh lính ở hầu khắp các đơn vị của quân Mỹ và quân đồng minh đều không ngần ngại vi phạm “kỷ luật tác chiến”, phớt lờ cả huấn lệnh về tiêu chuẩn đếm xác chết của Westmoreland bằng cách ra sức lạm sát dân thường. Sử gia người Mỹ Gunter Lewy cho rằng, ít nhất một phần ba số người bị quân Mỹ và đồng minh giết chết và tuyên bố là “Việt cộng” thực chất là thường dân. Và con số này là vào khoảng 220.000 (trong thời gian từ 1965 đến 1972). [11] Một tác giả khác thì lại cho rằng, số lượng “địch quân” mà quân Mỹ và đồng minh thống kê thực chất là bị thổi phồng lên khoảng gấp đôi, tức là ít nhất một nửa số người bị họ giết hại thực chất chỉ là thường dân [12].
Có nhiều bằng chứng để kiểm nghiệm và xác thực những nhận định nói trên, mà Westmoreland và giới chỉ huy quân lực Mỹ không thể chối cãi được. Đó chính là sự vi phạm quá nghiêm trọng các công thức “đếm xác” chuẩn do Westmoreland ấn định. Chẳng hạn, trong cuộc hành quân mang tên Operation Speedy Express của Sư đoàn bộ binh số 9 đánh vào khu vực tỉnh Định Tường cuối năm 1968, quân Mỹ được cho là đã hạ sát được hơn 10.000 “Việt cộng” nhưng chỉ tịch thu được có 748 vũ khí. Do sự chênh lệch quá mức này mà Tổng Thanh tra quân lực Mỹ đã phải mở cuộc điều tra và xác nhận rằng có ít nhất từ 5.000 đến 7.000 thường dân đã bị giết hại và bị quân Mỹ đếm gộp vào số “địch quân bị tiêu diệt” [13]. Ngay trong trận Mỹ Lai (tháng 3 năm 1968), báo cáo chính thức của quân Mỹ lúc đầu cũng là: họ đã tiêu diệt được 128 “Việt cộng”, nhưng chỉ tịch thu được vẻn vẹn 3 vũ khí [14].
Những con số thống kê nói trên tự nó đã vạch trần sự thật. Sau này, một loạt các cuộc điều tra đã cho thấy quân Mỹ và quân đồng minh, nhất là các đơn vị “Hùm xám” và “Rồng xanh” của lính Nam Triều tiên đã phạm phải nhiều cuộc tàn sát tập thể thường dân vô tội trên khắp các địa bàn ở miền Nam Việt Nam [15]. Chỉ đến khi tin tức về hàng chục cuộc thảm sát dân thường man rợ như ở Tây Vinh (Bình Định, 1966-1967), Bình Hòa (Quảng Ngãi, 1966), Phong Nhất, Phong Nhị (Quảng Nam), Mỹ Lai (Quảng Ngãi, 1968), Thạnh Phong (Bến Tre, 1969) vv... thì công luận Mỹ và thế giới mới bàng hoàng nhận ra bộ mặt tàn bạo, vô nhân tính của đại tướng Westmoreland và thứ chiến lược chiến tranh tiêu hao mà ông ta và giới chỉ huy Mỹ đã và đang tiến hành ở Việt Nam.
Thế mà Westmoreland vẫn còn chưa cho thế là đủ tàn bạo. Trong thế bị bế tắc, sa lầy, nhất là sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam mùa xuân năm 1968, ông ta đã cho bí mật chuẩn bị một kế hoạch mang tên là “Fracture Jaw” hòng đưa vũ khí hạt nhân vào sử dụng tại chiến trường Việt Nam [16]. Cho dù Nhà Trắng đã bác bỏ kế hoạch này, nhưng thế cũng đủ cho thấy dã tâm muốn thực hiện đến cùng điều tàn ác ở mức độ cao nhất của viên Đại tưởng tổng chỉ huy quân lực Mỹ Westmoreland.
Như thế, đủ thấy ai mới là kẻ coi thường mạng sống con người. Người đó chắc chắn không phải là một nhà triết học phương Đông nào đó, càng không phải là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các nhà lãnh đạo Việt Nam. Mà đó chính là Đại tướng William C. Westmoreland và giới chỉ huy, lãnh đạo Mỹ, những kẻ sẵn sàng tàn sát cả binh lính và thường dân Việt Nam ở bất kỳ mức độ nào, chỉ hòng đạt được mục đích chiến tranh của mình.
Điều cần nói thêm ở đây là: chiến lược chiến tranh sai lầm và tàn bạo, vô nhân tính của Westmoreland và giới lãnh đạo Mỹ đã không chỉ dẫn đến cái chết đau thương cho hàng triệu người Việt Nam vô tội mà còn làm cho hàng chục nghìn binh lính Mỹ bị chết thảm, hàng chục nghìn người Mỹ khác bị thương về thể chất hoặc bị sang chấn tâm lý, tôn thương tinh thần nặng nề. Số liệu thống kê của chính phía Mỹ cho thấy: Năm 1965, hằng tháng chỉ có trên 170 binh lính và sĩ quan Mỹ bị giết chết ở chiến trường Việt Nam thì con số này lên tới 770 người vào năm 1967 và hơn 1200 người vào năm 1968. Bảng thống kê sau đây cho thấy rõ điều này.
Bảng 1: Số binh lính Mỹ bị giết chết ở chiến trường Việt Nam, 1965-1972
Nguồn: US Vietnam War Dead By Month. All data from the Combat Area Casualties Current File (CACCF) hosted by Duke University. https://www.mathscinotes.com/2018/07/vietnam-war-statistics-in-1968/
Khi thông tin và hình ảnh chân thực về cuộc chiến được giới truyền thông Mỹ đưa đến từng phòng ở của các gia đình người Mỹ thì lương tâm dân tộc Mỹ thức tỉnh. Hàng triệu công dân Mỹ, trong đó đi đầu là đội ngũ trí thức, sinh viên và các nhà tu hành đã rầm rộ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh tàn bạo của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Phong trào bắt đầu ngay từ ngày 5-5-1965 tại Đại học Berkeley ở California rồi nhanh chóng lan rộng sang các trường đại học khác và khắp nước Mỹ. Chiến tranh của Mỹ càng leo thang ở Việt Nam thì phong trào hòa bình, phản đối chiến tranh của Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ càng lan mạnh sang tất cả các nước phương Tây và Nhật Bản, thu hút sự tham gia của hàng chục triệu người, trở thành một làn sóng toàn cầu phản kháng Chính phủ Mỹ và các chính phủ thân Mỹ.
Bị sa lầy trên chiến trường Việt Nam, cô lập trên chính trường quốc nội và bị lên án mạnh mẽ trên trường quốc tế, Tổng thống Lyndon B. Johnson buộc phải tuyên bố chấm dứt chính sách leo thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tìm kiếm một giải pháp hòa bình chấm dứt cuộc chiến. Đầu tháng 3 năm 1968, sau khi bị thất bại trên chiến trường Khe Sanh, rồi lại bị hứng chịu những chỉ trích nặng nề sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của Quân Giải phóng vào Sài Gòn, Huế và các đô thị khắp miền Nam Việt Nam, Johnson bèn triệu hồi tướng Westmoreland về Mỹ. Ba tháng sau, ông ta được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào chức Tổng tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, thực chất là cách để rút viên tướng này khỏi cuộc chiến, mở đường cho việc rút dần quân Mỹ và đồng minh khỏi Việt Nam. Năm 1972, William C. Westmoreland chính thức giã từ binh nghiệp, trước khi phải chứng kiến thất bại hoàn toàn của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược của họ ở Việt Nam.
3. Tướng Westmoreland – kẻ dối trá trắng trợn
Trong sự nghiệp cầm quân của mình, một đối thủ luôn luôn khiến cho tướng Westmoreland “thất điên bát đảo” chính là giới truyền thông Mỹ. Theo nguyên tắc của thể chế chính trị Mỹ và các nước phương Tây, báo chí truyền thông được coi là “quyền lực thứ tư”, vừa là phương tiện tuyên truyền, “xã hội hóa” chính trị, nhưng cũng là thiết chế giám sát quyền lực, đảm bảo quyền được thông tin và tham dự chính trị của công dân Mỹ. Theo cách đó, đối với cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, giới truyền thông như “con dao hai lưỡi”. Ở thời kỳ đầu, khi Mỹ mới ngụy tạo ra “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” và đưa quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam thì chính báo chí Mỹ đã hầu như nhất loạt ca tụng quyết định của Tổng thống Mỹ, coi đó như là sứ mệnh “giải phóng” vinh quang của quân lực Mỹ, bảo vệ dân chủ, tự do cho dân chúng Việt Nam. Tác động của truyền thống Mỹ mạnh mẽ đến mức mà không ít những thanh niên Mỹ đã nộp đơn tình nguyện nhập ngũ để sang chiến đấu ở Việt Nam. Nhưng khi cuộc chiến theo triết lý chiến tranh tiêu hao càng phát triển theo dòng xoáy chết chóc tàn bạo của nó thì chính giới truyền thông Mỹ lại giúp cho công dân Mỹ và công luận thế giới nhận biết chân thực và cập nhật, sống động về bản chất của cuộc chiến do Chính phủ và quân lực Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Không chỉ những hình ảnh càn quét, đốt phá, bắn giết của quân đội Mỹ và đồng minh nhằm vào dân thường Việt Nam, mà cả những hình ảnh lính Mỹ phải ngâm mình trong những cánh đồng ngập nước, lặn lội trong rừng sâu, rồi họ cũng bị giết chết thê thảm. Những gương mặt lính Mỹ trẻ măng đầy hoảng loạn, đau đớn la hét sau khi bị thương, những cảnh lính Mỹ bị chết, thân thể trần truồng bị đồng đội kéo lê lên xe tải hoặc trực thăng ... được truyền hình và báo chí Mỹ đưa tin hằng ngày đã làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới.
Năm 1972, ngay trước khi giải nhiệm, Westmoreland thừa nhận: “Cuộc chiến đã được đưa đến một cách sống động vào phòng khách, phòng ngủ, vào cả trong căn bếp của hầu hết các công dân Mỹ.”[17] Và theo cách đó, giới truyền thông Mỹ đã góp phần thức tỉnh lương tâm công chúng Mỹ và thế giới. Công dân Mỹ không còn có thể chấp nhận được thực tế là con cái họ, những đứa trẻ vốn được họ giáo dục từ nhỏ về tinh thần nhân đạo, dân chủ, tự do, trách nhiệm, pháp quyền giờ lại bị trao vào tay những kẻ độc ác như Westmoreland để đưa sang Việt Nam, nơi họ phạm vào những tội ác ghê rợn nhất, bị biến thành những “cỗ máy giết người” phục vụ cho chiến lược chiến tranh tiêu hao, để “đếm xác chết” tính công, và rồi để chính họ cũng bị giết chết hoặc bị hành hạ đến mất cả nhân tính.
Khi đó, hàng chục triệu công dân Mỹ thấy không còn lưa chọn nào khác là phải đấu tranh để gây áp lực với Tổng thống và Chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh. Đó là cách duy nhất để họ cứu vớt con em họ và cứu vãn danh dự của nước Mỹ.
Nhìn thấy trước nguy cơ sẽ bị “đánh bại” ở trong nước bởi giới truyền thông và công luận Mỹ, tướng Westmoreland nói riêng và giới lãnh đạo Mỹ ra sức tìm cách đối phó. Một trong những phương sách phổ biến của ông ta và cộng sự là tự biến mình thành những kẻ dối trá trắng trợn. Đầu tiên là chính Westmoreland tự mình man khai thành tích thông qua việc “đếm xác” đối phương theo cách gian lận. Tiêu biểu là vụ việc về sau được phanh phui: trong trận Đak Tô (tháng 11 năm 1967), thực chất đơn vị quân Mỹ đã báo cáo là bị thiệt hại 78 binh sĩ và chỉ hạ sát được 10 quân lính đối phương. Bản báo cáo này khi được chuyển đến cho Westmoreland ông ta đã tự sửa lại con số đối phương bị hạ sát là 475 người, rồi mới cho công bố chính thức [18]. Theo cách này, nhiều sĩ quan chỉ huy của quân lực Mỹ ở các cấp khác nhau cũng ra sức “tô hồng” thành tích chiến trận, thổi phồng quá mức những “chiến công” của họ. Trong khi nhà sử học Mỹ Christian Appy cho rằng ít nhất số lượng “body count” của quân Mỹ đã được thổi phồng lên gấp đôi (100%), thì một nghiên cứu khác lại xác định rằng hơn 61% số chỉ huy quân Mỹ xác nhận rằng các “chiến tích” của họ đã được thổi phồng lên đáng kể [19].
Tất cả những “thao tác kỹ thuật” dối trá có tính hệ thống đó là để chuẩn bị dư luận cho các báo cáo chính thức của tướng Westmoreland trước Quốc hội và Tổng thống Mỹ, nhằm tranh thủ được sự ủng hộ của các thiết chế quyền lực này để đạt được mục đích: tiếp tục thông qua chủ trương tăng ngân sách, tăng viện trợ và gửi thêm nhiều lực lượng sang chiến trường Việt Nam. Chẳng hạn, ngày 28 tháng 4 năm 1967, báo cáo trước Quốc hội Mỹ, tướng Westmoreland khẳng định: dưới sự chỉ huy của ông ta, và với chiến lược chiến tranh tiêu hao, quân Mỹ và đồng minh ở Việt Nam đã “giành thắng lợi liên tục trong tất cả các trận đánh” [20]. Ông ta cũng nhiều lần khẳng định chắc chắn rằng: quân Mỹ đang giành lợi thế, và thắng lợi cuối cùng của cuộc chiến đang đến rất gần.
Không chỉ riêng tướng Westmoreland mà thực ra toàn bộ đội ngũ lãnh đạo chóp bu của Mỹ khi đó, bao gồm cả Tổng thống Lyndon B. Johnson và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Robert McNamara cũng đều đồng loạt cố tình nói dối để lừa bịp Quốc hội và nhân dân Mỹ hòng đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự của mình [21]. Việc ngụy tạo “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” ngày 6-8-1964 chính là vụ việc mở đầu cho toàn bộ chuỗi những sự dối trá liên hoàn của giới lãnh đạo nước Mỹ khi đó [22].
Chỉ đến khi cuộc Tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân miền Nam nổ ra vào dịp Tết Mậu Thân 1968 (vì thế ở Mỹ sự kiện này được gọi là “Tet Offensive” – “Cuộc tấn công dịp Tết”) đồng loạt diễn ra ở trên 170 đô thị trên khắp miền Nam Việt Nam thì công luận Mỹ mới bị bàng hoàng, choáng váng nhận ra rằng bấy lâu nay họ đã và đang bị Tổng thống Johnson, tướng Westmoreland và các lãnh đạo cao cấp nhất của nước Mỹ dối lừa. Cho dù có tới hơn nửa triệu quân, được trang bị vũ khí, khí tài tối tân, khả năng cơ động cao và với sự hỗ trợ của cả hệ thống tình báo quân đội và CIA danh tiếng mà Westmoreland và bộ chỉ huy quân Mỹ không thể phát hiện và ngăn chặn được việc quân và dân Việt Nam bí mật vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, đưa hàng chục vạn quân áp sát Sài Gòn và các đô thị rồi nhất loạt tung ra những đòn tấn công mãnh liệt, nhằm cả vào Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và Đại Sứ quán Mỹ. Toàn bộ sự dối trá khủng khiếp, có hệ thống của Johnson, McNamara và Westmoreland đã ngay lập tức bị bóc trần. Johnson không dám ứng cử cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo và Westmoreland cùng McNamara cũng phải rời bỏ chức vụ.
Về sau, báo giới và các ủy ban điều tra của quân đội Mỹ và Quốc hội Mỹ còn phát hiện tướng Westmoreland đã cố tình dối trá trong một loạt các vụ việc khác. Thực tế cho thấy, ông ta và giới chỉ huy quân đội Mỹ đã biết từ rất sớm sự thật về những cuộc thảm sát dân thường của quân lính Mỹ. Nhưng chính Westmoreland đã che giấu thông tin (cover-up) và kể cả sau khi đã rời khỏi chức vụ Tổng tư lệnh quân lực Mỹ ở Việt Nam, ông ta vẫn khuyến khích và giúp sức Tổng thống Rechard Nixon che giấu vụ thảm sát Mỹ Lai và những vụ việc khác [23].
Mặc dù những sự dối trá có chủ đích và có hệ thống của Westmoreland đã bị phanh phui, nhưng ông ta lại luôn tỏ ra rất ngoan cố. Khá lâu sau khi cuộc chiến đã kết thúc, vào năm 1982, đài truyền hình CBS của Mỹ cử phóng viên đến phỏng vấn Westmoreland cho một phóng sự đặc biệt về chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến tranh của họ ở Việt Nam. Trong đó, phóng viên Mike Wallace của đài CBS đã cho rằng Westmoreland đã nhận định sai tình hình, cố tình đánh giá thấp lực lượng của đối phương, làm cho công chúng và Quốc hội Mỹ tin vào khả năng giành chiến thắng đang tới gần và ủng hộ nỗ lực leo thang chiến tranh của ông ta hồi năm 1967, viên tướng này đã đệ đơn kiện nhà đài và phóng viên. Nhưng ngay trước khi vụ kiện này được đưa ra xét xử, Westmoreland đã dàn xếp xin rút đơn, vì biết trước sẽ bị thua kiện.
Sau chiến tranh, Westmoreland công bố một cuốn hồi ký chiến trận của mình với tiêu đề “A Soldier Reports” (“Báo cáo của một chiến binh”, do Doubleda in lần đầu tiên vào năm 1976). Cuốn hồi kỳ này bị giới nghiên cứu cho rằng vẫn tiếp tục kéo dài sự dối trá của Đại tướng Westmoreland. 10 năm, năm 1986, Westmoreland vẫn còn đóng vai Grand Marshal (Đại Nguyên soái) và chủ trì buổi đại lễ diễu hành tại Chicago của hơn 200.000 cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam với sự chứng kiến của khoảng hơn nửa triệu người, nhằm vãn hồi hình ảnh của cựu binh Mỹ trong ký ức và dư luận của công chúng Mỹ [24].
Và cho tới tận trước lúc qua đời Westmoreland vẫn không thẳng thắn thừa nhận những sai lầm và thất bại trong cuộc chiến mà ông từng là kẻ chỉ huy cao nhất. Ông ta cho rằng nước Mỹ đã không hề thua trong cuộc chiến đó, chỉ có điều là “Đất nước ta đã không thực hiện đầy đủ cam kết với miền Nam Việt Nam. Nhưng với Việt Nam, nước Mỹ đã giữ vững được phòng tuyến 10 năm trời và ngăn không để quân cờ domino đổ xuống” [25].
4. Thay lời kết
Với nghiên cứu này, chúng tôi không có ý định đào bới quá khứ, khơi dậy hận thù hay đau thương, nhưng lịch sử cần một sự công minh, sòng phẳng. Chỉ có thể tiến tới hòa giải lịch sử (historical reconcilliation) trên cơ sở làm rõ sự thật lịch sử, rút ra từ đó những bài học có ích cho tương lai, chứ không phải là che giấu hay xuyên tạc lịch sử.
Đó chính là điều mà ngay từ khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ còn đang diễn ra ở Việt Nam và cả sau này, giới báo chí truyền thông Mỹ và phương Tây cũng như giới sử học toàn thế giới không ngừng tìm kiếm: sự thật và công bố sự thật. Nhờ nhìn thẳng vào những sự thật đau thương, tàn bạo của cuộc chiến mà lương tâm hàng trăm triệu người ở Mỹ và phương Tây đã thức tỉnh, kết liên thành phong trào hòa bình, phản đối cuộc chiến của chính phủ Mỹ ở Việt Nam. Sức mạnh của phong trào phản kháng có quy mô toàn cầu đó cũng đã góp phần rất quan trọng vào việc sớm chấm dứt cuộc chiến, lập lại hòa bình, mở đường cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn.
Trên hành trình tìm kiếm sự thật đó, đội ngũ cựu chiến binh Mỹ, những người đã từng tham chiến ở Việt Nam, đã có nhiều đóng góp quan trọng, nhằm xoa dịu những vết thương, bù đắp phần nào những tổn thất của các bên từng tham chiến và thúc đẩy cho việc bình thường hóa thành công quan hệ giữa hai nước Mỹ và Việt Nam, mở đường cho những quan hệ hợp tác giữa hai chính phủ và giữa nhân dân hai nước.
Cũng trong hành trình kiếm tìm sự thật đó, báo giới và các sử gia Mỹ đã và đang phanh phui những sự dối trá của lãnh đạo cao nhất của nước Mỹ và quân lực Mỹ thời chiến, trong đó Đại tướng William C. Westmoreland là một nhân vật điển hình. Dối trá nối tiếp dối trá, sai lầm kế tiếp sai lầm, từ chiến lược cho tới chiến thuật, cuối cùng đã khiến cho toàn bộ cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam rơi vào bế tắc và thất bại.
Tuy nhiên, khác với Robert McNamara và nhiều người khác, Westmoreland đã dối trá đến cùng, chưa bao giờ chịu thành thật thừa nhận những sai lầm và thất bại trong quá khứ. Với cách hành xử của một “Sore Loser” (kẻ bại trận cay cú), tướng Westmoreland đã tự hạ thấp danh dự quân nhân của mình, và tệ hơn nữa, cho đến trước khi từ giã cõi đời, ông lại tiếp tục đầu độc tương lai bằng cách đưa ra những nhận định sai trái về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân đội và nhân dân Việt Nam, những người đã trực tiếp đánh bại ông và đội quân hùng hậu do ông chỉ huy.
Do vậy, những nghiên cứu như thế này để tiếp tục soi rọi làm sáng tỏ thêm sự thật lịch sử, dù đó là một trang sử đau buồn, là cần thiết và chính đáng.
----------------------------------------
Tài liệu tham khảo và chú thích
1. The Best in the Army". Presidential Recordings Program. Archived from the original. https://en.wikipedia.org/wiki/William_Westmoreland. Truy cập ngày 2-5-2023.
2. Nguyên văn tiếng Anh: “Of course, he [Giap] was a formidable adversary. Let me also say that Giap was trained in small-unit, guerrilla tactics, but he persisted in waging a big-unit war with terrible losses to his own men. By his own admission, by early 1969, I think, he had lost, what, a half million soldiers? He reported this. Now such a disregard for human life may make a formidable adversary, but it does not make a military genius. An American commander losing men like that would hardly have lasted more than a few weeks." https://en.wikipedia.org/wiki/William_Westmoreland. Truy cập ngày 30-4-2023.
3. Nguyên văn tiếng Anh: “The Oriental doesn't put the same high price on life as does a Westerner. Life is plentiful, life is cheap in the Orient. And as the philosophy of the Orient expresses it: Life is not important.” Dẫn theo: Himadeep Muppidi (2013). "Wrestling the Frame". In Blaney, David L.; Tickner, Arlene B. (eds.). Claiming the International. Abingdon, Routledge. p. 179.
4. Ở Việt Nam, chiến lược này của Mỹ được gọi là “Chiến tranh đặc biệt”.
5. Ở Việt Nam, chiến lược chiến tranh này của Mỹ được gọi là “Chiến tranh cục bộ”.
6. Về sau khẩu lệnh này đã được tác giả Nick Turse lấy để đặt tên cho một công trình nghiên cứu của ông: “Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam” (Giết bất kỳ thứ gì cử động: Cuộc chiến thực sự của Mỹ ở Việt Nam), xuất bản năm 2013 ở Mỹ. Trong công trình này Nick Turse đã khai thác tối da tài liệu lưu trữ quân sự, phỏng vấn các nhân chúng lịch sử để lập nên một hồ sơ tội các chiến tranh của quân lực Mỹ ở Việt Nam.
7. O'Nan, Stewart; Caputo, Philip (1998). The Vietnam Reader: The Definitive Collection of American Fiction and Nonfiction on the War. Anchor Books, tr. 156
8. O'Nan, Stewart; Caputo, Philip (1998). sđd, tr. 156.
9. Dẫn lại theo Greiner, Bernd, “Spurensuche – Akten über amerikanische Kriegsverbrechen in Vietnam”, in: Wolfram Wette/ Gerd R. Uberschär (Hrsg), Kriegsverbrechen in 20. Jahrhundert, Primus Verlag, Darmstadt, 2001 tr. 465.
10. Greiner, Bernd, “Spurensuche...”, sđd, tr.466.
11. Lewy, Guenter (1978). America in Vietnam. Oxford University Press. tr. 450–451.
12. Appy, Christian G. (2000). Working-Class War: American Combat Soldiers and Vietnam. Univ of North Carolina Press. pp. 153–156.
13. Bellamy, Alex J. (2017-09-29). East Asia's Other Miracle: Explaining the Decline of Mass Atrocities. Oxford University Press, tr. 33–34.
14. Bourke, Joanna, An Intimate History of Killing: Face-to-Face Killing in Twentieth-Century Warfare, Basic Books, New York, 1999, tr. 56.
15. Turse, Nick (January 15, 2013). Kill Anything That Moves: The Real American War in Vietnam. Henry Holt and Company, tr. 121–128; Ward, Geoffrey C.; Burns, Ken (September 5, 2017). The Vietnam War: An Intimate History. Knopf Doubleday Publishing Group, tr. 235–238.
16. Sanger, David E. (October 6, 2018). "U.S. General Considered Nuclear Response in Vietnam War, Cables Show". The New York Times. Cosmas, Graham A. MACV: The Joint Command in the Years of Withdrawal, 1968-1973 (PDF). Government Printing Office. tr. 41, 73.
17. Dẫn lại theo: Hamond, William M., “The Press in Vietnam as Agent of Defeat: a Critical Examintation”, in: Review in American History, Vol 17, No.2 (June 1989), tr. 312.
18. Ward, Geoffrey C.; Burns, Ken (September 5, 2017). The Vietnam War: An Intimate History. Knopf Doubleday Publishing Group, tr.. 235–238.
19. Appy, Christian G. (2000). Working-Class War: American Combat Soldiers and Vietnam. Univ of North Carolina Press. pp. 153–56; Kempster, Norman (January 31, 1991). "In This War, Body Count Is Ruled Out". Los Angeles Times.
20. Sheehan, Neil (1988). A Bright Shining Lie: John Paul Vann and America in Vietnam, 1989.
21. Xem: https://tienphong.vn/tai-lieu-my-phoi-bay-bi-mat-va-doi-tra-ve-chien-tranh-viet-nam-post1433650.tpo
22. Robert J. Hanyok, "Skunks, Bogies, Silent Hounds, and the Flying Fish: The Gulf of Tonkin Mystery, 2–4 August 1964", Cryptologic Quarterly, Winter 2000/Spring 2001 Edition, Vol. 19, No. 4 / Vol. 20, No. 1. Về toàn bộ “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/Sự_kiện_Vịnh-Bắc_Bộ
23. Murray Kempton, "Heart of Darkness," New York Review of Books, 24 Nov. 1988, tr.. 26; Phạm Hồng Tung, “40 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai: lật lại hồ sơ một tội ác chiến tranh của quân đội Mỹ tại Việt Nam”, in trong: Nghiên cứu Lịch sử, số 3, 2003, tr. 20-29.
24. Chicago Tribune. August 17, 1986; xem thêm: https://www.nytimes.com/1986/06/14/us/vietnam-veterans-in-chicago-parade-cheered-by-crowds.html. Truy cập ngày 3-5-2023.
25. Dẫn lại theo: https://en.wikipedia.org/wiki/William_Westmoreland . Truy cập ngày 3-5-2023.
GS.TS. Phạm Hồng Tung
Đại học Quốc gia Hà Nội