Giáo dục giá trị cho học sinh, sinh viên
Mục đích của giáo dục giá trị trong nhà trường là giúp học sinh, sinh viên có được những hiểu biết về giá trị, hình thành thái độ và kỹ năng thực hành theo các hệ giá trị xã hội.
Bác Hồ và các em thiếu nhi
- Thực trạng vấn đề:
Công cuộc đổi mới ở nước ta gần 40 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội... Đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới đáng tự hào, đúng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng[H1] [M2] [M3] đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra nhiều thách thức, nhiều hành vi lệch chuẩn đang xuất hiện trong xã hội.
Mặt trái của cơ chế thị trường dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo, phân cực về của cải vật chất tạo nên những tác động xấu đến đạo đức và tình người. Quan hệ xã hội bị chi phối bởi đồng tiền, nhiều giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống bị lu mờ, lối sống cá nhân ngày càng phổ biến.
Mặt trái của hội nhập quốc tế làm tăng nguy cơ mất bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống bị xói mòn, bị lấn át bởi văn hóa ngoại nhập. Sự xuất hiện của nhiều phương tiện vui chơi, giải trí, hưởng thụ mới dẫn đến một bộ phận thanh, thiếu niên ham chơi, rơi vào lối sống thực dụng, tiêu dùng xa hoa, bất chấp các chuẩn mực xã hội.
Mặt trái của cách mạng công nghiệp 4.0 làm phá vỡ thị trường lao động truyền thống, máy móc tự động thay thế con người, nạn thất nghiệp gia tăng, nguồn tài nguyên cạn kiệt đe dọa đến môi trường sống. Giao tiếp xã hội dễ dàng thông qua mạng xã hội, nhiều người trở nên ngại giao lưu trực tiếp. Mọi dữ liệu được số hóa, an ninh mạng và quyền riêng tư bị đe dọa, thông tin bảo mật dễ bị đánh cắp.
Học sinh, sinh viên là lớp người trẻ tuổi còn thiếu bản lĩnh khi tham gia vào các mạng xã hội nên dễ bị lôi cuốn vào những trang không phù hợp với thuần phong, mỹ tục dân tộc, thậm chí mang tính kích động, lôi kéo làm điều xấu... Một số học sinh, sinh viên có thể bị lạc lối trong định hướng giá trị, lý tưởng sống, vi phạm đạo đức, pháp luật. Bạo lực học đường, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, nạn trộm cắp, cướp giật, cờ bạc, nghiện hút, … ở độ tuổi vị thành niên có chiều hướng gia tăng tới mức đáng lo ngại.
Về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, pháp luật có biểu hiện suy thoái, nhiều vụ án tham nhũng lớn được phơi bày, nhiều loại tệ nạn mới xuất hiện như cướp ngân hàng, lừa đảo, đánh bạc qua mạng, cướp của, giết người, buôn bán người, buôn bán ma túy, súng ống… qua biên giới...
Đảng ta đã xác định chủ trương khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, chấn hưng nền văn hóa truyền thống và phát triển giá trị con người Việt Nam trong thời đại mới.
Tuổi trẻ Việt Nam cần được giáo dục hệ giá trị Việt Nam, giúp họ định hướng đúng trong cách sống, học tập, lao động và ứng xử xã hội…nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Một số vấn đề lý luận về giá trị
Giá trị là đối tượng nghiên cứu của triết học, toán học, kinh tế học, xã hội học, tâm lý học…mỗi khoa học đều có những phân tích và đưa ra định nghĩa theo đặc thù của chuyên ngành.
Toán học coi giá trị là độ lớn của các đại lượng. Triết học bàn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Kinh tế học chú ý đến giá trị sử dụng và giá trị trao đổi của hàng hóa. Xã hội học chú ý đến các giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đạo đức, thẩm mỹ…Tâm lý học coi giá trị là một thành tố trong cấu trúc nhân cách, là cơ sở tâm lý bên trong của hành vi, là động lực thúc đẩy con người phấn đấu đạt được mục đích của cuộc đời.
Giá trị là khái niệm logic trừu tượng luôn đi liền với các đối tượng cụ thể (sự vật, hiện tượng, con người…). Giá trị là thuộc tính, phẩm chất của các đối tượng có trong thế giới khách quan, nên có tính khách quan. Việc nhận ra giá trị của các đối tượng đối với cá nhân hay cộng đồng lại mang tính chủ quan. Giá trị thể hiện mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng về mặt lợi ích trong những hoàn cảnh cụ thể.
Nhận ra giá trị của các đối tượng khách quan đối với cá nhân trước hết là do nhu cầu cuộc sống, sau đó đối với cộng đồng nhận thức giá trị luôn gắn liền với sự tồn vong, hưng thịnh của đất nước, sự trường tồn của dân tộc.
Lịch sử loài người là lịch sử nhận thức các chân giá trị, con người luôn tìm tòi, phát hiện ra các giá trị trong thế giới khách quan và hơn thế nữa con người còn có thể tạo ra những giá trị mới, để phục vụ cho cuộc sống của chính mình.
Một định nghĩa có tính khái quát được chấp nhận rộng rãi: Giá trị là những thuộc tính hay phẩm chất của các đối tượng có trong hiện thực khách quan, có thể đáp ứng các nhu cầu vật chất hay tinh thần của con người.
Phân tích nội hàm của khái niệm giá trị cho thấy giá trị có các dấu hiệu đặc trưng sau đây:
Một là, giá trị là những gì có ích đối với của con người. Giá trị mang ý nghĩa tích cực, tốt đẹp, đáng quý, đáng trân trọng…của các đối tượng có trong hiện thực khách quan.
Hai là, giá trị phản ánh mối quan hệ về mặt lợi ích giữa chủ thể (con người, cộng đồng) và các đối tượng (sự vật, hiện tượng…) trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể. Những gì có ích đối với con người được coi là có giá trị, những gì không có ích cho cuộc sống bị coi là vô giá trị.
Ba là, giá trị có tính định lượng, có thể đo đếm, đánh giá được, trong khoa học và trong sản xuất người ta xác định được các mức độ giá trị của sản phẩm, trong cuộc sống người ta nhận biết được giá trị của những hành vi tốt đẹp có sức lan tỏa tới cộng đồng.
Bốn là, giá trị quy định động cơ của hành vi, tạo nên sự ham thích, ước muốn, hoài bão, thôi thúc con người phấn đấu để đạt được mục đích hoạt động.
Năm là, việc nhận ra giá trị của các đối tượng thay đổi theo dòng lịch sử, phụ thuộc vào trình độ nhận thức, trình độ kinh tế, văn hóa, nhu cầu cuộc sống…của cá nhân và cộng đồng.
Khái niệm giá trị có ngoại diên rộng, nên có nhiều cách phân loại:
+ Cách phân loại chung nhất có: giá trị tự nhiên, giá trị xã hội, giá trị vật chất, giá trị tinh thần.
+ Cách phân loại theo chuyên ngành có: giá trị kinh tế, giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật, giá trị khoa học, giá trị lịch sử, giá trị đạo đức, giá trị nghề nghiệp…
+ Cách phân theo phạm vi bao quát có: gíá trị quốc gia, giá trị gia đình, giá trị con người…
Một đối tượng có thể có nhiều giá trị được xem xét dưới các góc độ khác nhau tạo thành hệ giá trị. Hệ giá trị là một tập hợp các giá trị của đối tượng có trong hiện thực khách quan.
Các giá trị trong một hệ được sắp xếp theo trật tự có thứ bậc tạo thành thang giá trị. Mỗi giá trị được xem xét theo những tiêu chuẩn nhất định gọi là chuẩn giá trị.
Trong hệ giá trị có những giá trị trung tâm, có tính bền vững, có vai trò định hướng cho cuộc sống của con người được gọi là giá trị cốt lõi. Nhận thức được giá trị cốt lõi con người luôn vững vàng trước những khó khăn, thách thức của cuộc sống.
Các nhà khoa học nhấn mạnh bản chất xã hội và tính lịch sử của các chuẩn giá trị. Những chuẩn giá trị có ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng trong một giai đoạn lịch sử trở thành giá trị xã hội. Giá trị xã hội có chức năng định hướng, điều chỉnh mọi hành vi của xã hội.
Việc các chủ thể lựa chọn những giá trị cốt lõi, quan trọng nhất đối với bản thân trong những thời điểm, những tình huống cụ thể, gọi là định hướng giá trị. Định hướng giá trị là thái độ của con người đối với những giá trị cốt lõi, thể hiện sự tìm tòi và khẳng định những gì cần thiết nhất đối với bản thân trong những hoàn cảnh cụ thể. Định hướng giá trị là hoạt động tâm lý có sự tham gia của các yếu tố: nhận thức, thái độ, tình cảm, ý chí, đạo đức và thẩm mĩ… của chủ thể.
Mỗi thời đại, mỗi cộng đồng xã hội trong những điều kiện lịch sử cụ thể thường có những định hướng giá trị khác nhau. Việc mong muốn có được những giá trị tốt đẹp đã làm ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của con người trong lao động cải tạo hiện thực, do vậy có thể khẳng định giá trị có chức năng định hướng hoạt động của con người đi đến chân, thiện, mỹ, cũng vì vậy giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Hệ giá trị khi đã ổn định, bền vững được thể hiện dưới dạng các nguyên tắc, triết lý, lý tưởng sống trở thành giá trị quan. Giá trị quan là hệ thống các quan niệm về giá trị, là căn cứ để con người cảm nhận, lựa chọn, đánh giá các giá trị vật chất và tinh thần trong cuộc sống. Giá trị quan quyết định niềm tin và khuynh hướng hoạt động của con người để đạt đạt mục đích cuộc sống.
Giá trị quan là bộ phận cấu thành của nhân sinh quan, thế giới quan được thể hiện ở hai mặt: một là nhu cầu cuộc sống, hai là trình độ nhận thức, thái độ và hành vi thói quen của chủ thể trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể.
Từ những phân tích trên, cho thấy cần phải giáo dục giá trị cho mọi công dân, trong đó quan trọng nhất là cho học sinh, sinh viên lớp người trẻ tuổi đang học tập, tu dưỡng để trưởng thành, nối tiếp sự nghiệp của cha, ông.
Hệ giá trị quốc gia: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Hệ giá trị của con người trong thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo…
3. Giáo dục giá trị cho học sinh, sinh viên
Giáo dục giá trị cho cộng đồng xã hội là một vấn đề quan trọng đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu trên các cấp độ khác nhau.
Với cấp độ xã hội, đề tài khoa học cấp Nhà nước KX-07-04 xác định: “Bản chất của việc giáo dục giá trị là một quá trình tổ chức, hướng dẫn, kích thích hoạt động tích cực của con người để họ có thể lĩnh hội được các giá trị xã hội, hình thành nên hệ thống giá trị của cá nhân, phù hợp với mong đợi của xã hội” [73; tr.185]
Giáo dục giá trị cho cộng đồng dân cư chính là hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho mọi người từ đảng viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức, đến quần chúng nhân dân... giúp họ nhận thức được các giá trị xã hội, hình thành thái độ và hành vi chuẩn mực để góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Giáo dục giá trị cho cộng đồng dân cư là khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, đây là một hoạt động lớn, có tính chiến lược lâu dài, cần có sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Hình thức giáo dục giá trị cho cộng đồng dân cư cần thực hiện thông qua sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức, đoàn thể quần chúng, thông qua hệ thống thông tin đại chúng, thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, sách báo, ấn phẩm về giá trị, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng, các hội thi lao động sáng tạo của ngành, nghề, địa phương, thông qua việc xây dựng làng văn hóa, khu phố văn hóa, công sở văn hóa…
Tuy nhiên giáo dục giá trị cho mọi người dân quan trọng nhất là giáo dục cho học sinh và sinh viên trong nhà trường, vì trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Nhà trường là cơ sở giáo dục, có đầy đủ các điều kiện, phương tiện để tiến hành quá trình giáo dục có hiệu quả bền vững, có sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Giáo dục giá trị cho học sinh, sinh viên trong nhà trường là quá trình sư phạm dưới những tác động của các nhà giáo đến với học sinh, sinh viên nhằm giúp các em chiếm lĩnh và chuyển hóa hệ giá trị xã hội thành giá trị sống của bản thân phù hợp với yêu cầu của xã hội và thời đại.
Mục đích của giáo dục giá trị trong nhà trường là giúp học sinh, sinh viên có được những hiểu biết về giá trị, hình thành thái độ và kỹ năng thực hành theo các hệ giá trị xã hội.
Quá trình giáo dục giá trị bao gồm ba khâu: tác động vào nhận thức, tác động vào tình cảm, thái độ và tổ chức thực hành, trải nghiệm, rèn luyện các hành vi thói quen làm theo các chuẩn giá trị.
Hình thức tổ chức giáo dục trong các nhà trường rất đa dạng, quan trọng nhất là thông qua giảng dạy tích hợp giá trị vào các môn học, đặc biệt là các môn học xã hội và nhân văn, hoặc có thể xây dựng chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh phổ thông, chuyên đề giáo dục giá trị nghề nghiệp cho sinh viên. Cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm xã hội, các cuộc thi tìm hiểu về giá trị văn hóa xã hội, nhằm hình thành kỹ năng sống cho các em.
Phương pháp giáo dục giá trị cần có phương pháp thuyết phục, phương pháp rèn luyện, trải nghiệm và phương pháp nêu gương, động viên, khích lệ học sinh hành động theo chuẩn giá trị xã hội.
Xây dựng nhà trường trở thành môi trường sư phạm lành mạnh, đầy tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm, nhà giáo là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên noi theo. Nhà trường, gia đình và xã hội luôn phối hợp quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên.
4. Kết luận
Việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và giá trị con người trong thời đại mới là khơi dậy ý chí tự cường của cả dân tộc để xây dựng nước Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.
Giáo dục giá trị cho cộng đồng xã hội dân cư, cũng như cho học sinh, sinh viên là quá trình có tính chiến lược, lâu dài, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục phải linh hoạt phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương…có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ban ngành, đoàn thể từ trung ương đến địa phương. Nhà trường phải là đơn vị tiên phong trong giáo dục giá trị cho thế hệ trẻ “vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội nhà văn.
2. . Phạm Minh Hạc ( 2012 ) Giá trị học NXB Dân trí
3. Trần Đình Hượu (1994), “Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc”, NXB Văn hóa.
4. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VII. NXB Chính trị quốc gia.
5. Hồ Sĩ Quý (2006), Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb Chính trị Quốc gia,
6. Văn kiện đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII (2021) NXB Chính trị quốc gia.
7. Nguyễn Phú Trọng, Bài phát biểu tại Hội n ghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2022.
8.Tsunesaburo Makiguchi (2012) Giáo dục vì cuộc sống sáng tạo NXB Trẻ .
9. Phạm Viết Vượng (2010) Giáo dục học NXB ĐHQG Hà Nội.
PGS.TS. Phạm Viết Vượng, Trường ĐHSP Hà Nội