GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH: GIA ĐÌNH LÀ SỐ MỘT, …
* Mahatma Gandhi “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ”.
* Gia đình không chỉ là một danh từ, mà là mục đích để bạn phấn đấu, gia đình mạnh mẽ lắm đấy vì khi bạn còn nhỏ gia đình là nơi giúp bạn che chắn những sóng gió, khi bạn lớn hơn một chút thì gia đình cùng bạn đương đầu với những sóng gió, đến cuối cùng thì gia đình là nới duy nhất để bạn quay về.
1. Mở đầu
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là quá trình tác động lâu dài nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi cá nhân của học sinh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giáo dục đạo đức, lối sống cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, xã hội. Trong đó, giáo dục đạo đức gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp.
Trong bối cảnh công nghiệp hoá, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, coi trọng, phát triển phẩm chất, năng lực của người học trở thành xu thế tất yếu và phổ quát của mọi nền giáo dục trên toàn thế giới. Xu thế đó đòi hỏi giáo dục phải đào tạo ra những công dân thế kỉ XXI có đầy đủ những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của đời sống, xã hội và hội nhập quốc tế, bao gồm: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể, phù hợp với bốn trụ cột giáo dục thế giới: “Học để biết, học để làm; học để hoàn thiện bản thân mình, học để cùng chung sống” . Triết lí giáo dục như trên có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người và mọi người trong xã hội nói chung và cả bản thân giáo viên – học sinh nói riêng. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt của 4 trụ cột giáo dục đó, theo chúng tôi, chính là cái Đức (Đạo đức) của con người. Dưới đây, chúng tôi xin đề cập nội dung: Giáo dục đạo đức cho học sinh: Gia đình là số một (là số một, chứ không phải là duy nhất…).
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Tầm quan trọng của Giáo dục đạo đức
Từ xa xưa, cha ông ta đã quan niệm, đã khuyên bảo, dạy dỗ cho con em trong gia đình về mục đích của việc học, mục đích đi học không phải là để làm quan, không phải để làm giầu mà là để làm người, để nên người. Đi học kiếm cái chữ, dăm ba chữ (kiến thức văn hóa) để làm người. Học để biết (nhân vô học bất tri lí). Trong sự học đó, học đạo đức, lối sống, vai trò của chữ đức (đạo đức, lối sống) là vô cùng quan trọng, là quan trọng nhất đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của con người. Đạo đức của mỗi người sẽ có ý nghĩa quyết định sự thành bại đối với sự nghiệp của mỗi người (đức năng thắng số). Tâm đức (tâm hồn, đạo đức, tư tưởng, tình cảm, lối sống,…) của mỗi người là cao cả nhất, là quan trọng nhất, là trên hết: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (Nguyễn Du). Hồ Chủ Tịch căn dặn “Có tài mà không có đức lả con người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Lời của Bác luôn soi đường cho mỗi người trong quá trình học tập, tu dưỡng.
Giáo dục đạo đức, lối sống có quan hệ trực tiếp, biện chứng đến xây dựng môi trường văn hóa và ứng xử văn hóa trong môi trường học đường. Đạo đức, lối sống là thành phần cốt lõi của văn hóa, là bộ phận cơ bản, chính yếu của nền tảng tinh thần của xã hội. Giáo dục đạo đức, lối sống đúng đắn theo chuẩn mực giá trị cao đẹp xã hội, tạo ra động lực bên trong mỗi học sinh, sinh viên, thôi thúc họ hăng say học tập, tự giác, tích cực tham gia các sinh hoạt, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phong trào tình nguyện xã hội, bảo vệ môi trường; tự đề kháng, “miễn dịch” đối với cái xấu, cái tiêu cực; góp phần xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh, giàu tính nhân văn; là nhân tố quyết định, kiến tạo nền tảng của môi trường văn hóa lành mạnh, ứng xử có văn hóa trong trường học.
Từ khi thành lập nước cho đên nay, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng giáo dục đạo đức, văn hóa, lối sống cho nhân dân. Năm 2014, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết Trung ương 9 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó có đề ra nhiệm vụ: “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách”. Theo đó, xây dựng đạo đức, lối sống là vấn đề cốt lõi trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Hiện nay, Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 đang được xây dựng, trong đó xác định quan điểm: Giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Thực hiện giáo dục theo phương châm lấy người học và việc học làm trung tâm. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Chiến lược xác định giáo dục phổ phông phải tập trung vào chất lượng, đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống…
Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2024 – 2025, một trong các nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2024 – 2025 được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh là “tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên.”
2.2. Về khái niệm Đạo đức và Giáo dục đạo đức
Có thể hiểu Đạo đức là hệ thống các quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi, việc làm của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội.
Hiểu rộng ra, đạo đức là những nguyên tắc, quy định phù hợp với sự vận động của tự nhiên và xã hội được con người thừa nhận, tiếp nhận làm cơ sở chi phối hành vi ứng xử của con người theo chuẩn mực giá trị nhất định ở mỗi giai đoạn lịch sử, là tiêu chí đặt ra để mọi người phấn đấu, làm theo.
Theo cách hiểu hiện đại: “Đạo đức, hiểu theo nghĩa chung nhất, là một hình thái của ý thức xã hội, bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi của con người và toàn xã hội”.
Đạo đức là một hiện tượng xã hội có cấu trúc phức tạp, bao gồm ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức.
Giáo dục đạo đức cho học sinh là quá trình biến các chuẩn mức đạo đức lối sống từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội thành những đòi hỏi bên trong (động cơ) của mỗi cá nhân, thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của học sinh. Nội dung của giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bao gồm: giáo dục thế giới quan, giáo dục nhân sinh quan, giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục các phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người cho học sinh.
Vai trò của đạo đức đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội: Lịch sử xã hội loài người đã khẳng định tầm quan trọng của đạo đức trong quá trình tổ chức, thiết lập, duy trì trật tự, ổn định và phát triển xã hội. Tùy theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội mà sự tác động của đạo đức đến cá nhân và xã hội có khác nhau. Vai trò của đạo đức được thể hiện như sau:
Đạo đức là một trong những phương thức cơ bản để điều chỉnh hành vi con người, một sự điều chỉnh hoàn toàn tự nguyện, tự giác, không vụ lợi trong một phạm vi rộng lớn.
Đạo đức góp phần nhân đạo hóa con người và xã hội loài người, giúp con người sống thiện, sống có ích.
Đạo đức thể hiện bản sắc dân tộc trong quan hệ quốc tế, là cơ sở để mở rộng giao lưu giữa các giá trị văn hóa của dân tộc, quốc gia với các dân tộc, quốc gia khác.
Đạo đức góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
2.3. Gia đình và giáo dục gia đình
Gia đình
Gia đình là một hình thức tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục giữa các thành viên. Gia đình là giá trị quan trọng hàng đầu. Người dân Việt Nam vốn coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó là sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo và chính trị . Khái niệm gia đình ở đây là mô hình gia đình truyền thống được xây dựng trên cơ sở hôn nhân.
Vai trò và ý nghĩa của gia đình:
Gia đình là tế bào tự nhiên, là đơn vị nhỏ nhất để tạo nên xã hội. Nếu không có gia đình để tái tạo ra con người thì xã hội không tồn tại và phát triển được. Vì vậy, muốn xã hội tốt thì phải xây dựng gia đình tốt.
Gia đình là cầu nối giữa cá nhân và xã hội. Mỗi cá nhân chỉ có thể sinh ra trong gia đình, không thể có con người sinh ra từ bên ngoài gia đình. Gia đình là môi trường đầu tiên có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự hình thành và phát triển tính cách của mỗi cá nhân. Và cũng chính trong gia đình, mỗi cá nhân sẽ học được cách cư xử với người xung quanh và xã hội.
Gia đình là tổ ấm mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hoà trong đời sống của mỗi thành viên, mỗi công dân của xã hội. Chỉ trong gia đình, mới thể hiện được mối quan hệ tình cảm thiêng liêng giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Gia đình là chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống, chốn về bình yên sau những vất vả gian lao, nơi luôn rộng mở khoan dung sau những sai lầm vấp ngã.
Gia đình là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc những công dân tốt cho xã hội.
2.4. Một số nét về thực trạng suy thoái đạo đức của học sinh:
Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục, tình hình vi phạm các chuẩn mực đạo đức của học sinh là khá nghiêm trọng. Có đến 8% HS tiểu học thực hiện hành vi quay cóp trong thi cử và tỉ lệ gia tăng ở các cấp học: học sinh cấp trung học cơ sở là 55% và học sinh trung học phổ thông là 60%.
Bên cạnh đó học sinh còn có những hành vi khác là biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức đáng chú ý như: hành vi nói dối cha mẹ, với học sinh tiểu học là 22%, trung học cơ sở là 50%, trung học phổ thông là 64%. Nghiên cứu tại một số trường phổ thông ở TP. Hồ Chí Minh cho thấy tỉ lệ học sinh vi phạm các chuẩn mực đạo đức là không nhỏ. Hành vi vi phạm phổ biến nhất là: chửi thề, chửi bậy; gây gổ, đánh nhau; trốn học, bỏ giờ và gian lận trong thi cử. Tỉ lệ 50% học sinh được khảo sát cho biết thỉnh thoảng có chửi thề và 12% thường xuyên có những hành vi đó. Tình trạng báo động học sinh gây gổ đánh nhau, trong đó không chỉ có học sinh nam mà còn có cả học sinh nữ. Một tỉ lệ đáng kể (34,2% học sinh) cho biết là thỉnh thoảng có thực hiện hành vi gây gổ, đánh nhau. Bên cạnh đó, hành vi bỏ giờ, trốn học cũng trở thành phổ biến.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 1.600 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học trong một năm học, tính trên phạm vi toàn quốc, trung bình xảy ra khoảng 5 vụ/ngày. Tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giới trẻ nói chung và học sinh nói riêng không chỉ là những vụ việc đơn lẻ, xảy ra cục bộ ở một vài địa phương mà đã có nguy cơ lan rộng từ thành thị đến nông thôn. Điều này đã được Đảng và Nhà nước ta nhận thấy thông qua các kết quả nghiên cứu, phản ánh từ các phương tiện truyền thông. Vì vậy, tại Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, Đảng ta cũng đã nhận định “Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội”. Đảng đã xác định giáo dục, đào tạo cùng với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là “nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển đất nước để bắt kịp sự phát triển của khu vực và thế giới, tránh nguy cơ tụt hậu”. Để góp phân thực hiện mục tiêu ngăn chặn nguy cơ suy thoái đạo đức trong một bộ phận không nhỏ thanh niên, học sinh, Đảng yêu cầu “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách phát triển thanh niên, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, việc làm, văn hoá cho thanh niên.”
Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi. Bằng chứng là các phương tiện truyền thông đã đăng tải các bài viết phản ánh về thực trạng này. Học sinh lôi bè kéo cánh để đánh nhau (cả trai lẫn gái), thậm chí hành hung cả thầy cô giáo, con giết cha, anh giết em, trẻ vị thành niên cũng gây ra nhiều vụ án mạng. Những hành vi tàn bạo này được đăng trên mặt báo chỉ là những tảng băng nổi, thực tế còn nhiều hơn nữa. Cách đây không lâu người ta choáng váng vì một đoạn video clip nữ sinh đánh bạn đăng tải trên Internet. Trong clip này một cô bé đang bị nữ sinh tóc ngắn vừa đánh tới tấp vào mặt vừa chửi tục với kiểu “dạy dỗ” rất anh chị. Trong khi đó nhiều học sinh khác ngồi chễm chệ ở ghế đá và thản nhiên nhìn vụ đánh hội đồng này. Một thái độ vô cảm không thể ngờ được! Sau đó, dư luận lại đau lòng trước tình trạng gia tăng bạo lực học đường của nữ sinh Việt Nam được phản ánh liên tục trên các phương tiện truyền thông.
Đáng báo động hơn nữa hiện tượng sinh viên, học sinh đánh giáo viên cũng gia tăng. Có những giáo viên đang giảng bài, bất ngờ bị học trò lấy mã tấu trong cặp xông lên bục giảng chém trọng thương. Bên cạnh đó, tình trạng sống thử và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng cao.
Hơn nữa, một số đông bạn trẻ đang chạy theo vòng xoáy của “văn hóa tốc độ”. Từ những sách báo không lành mạnh, đến những băng đĩa phim sex được trao cho nhau một cách dễ dàng, từ những quán Karaoke buổi tối đến những vũ trường, quán bar thâu đêm, rồi vào nhà nghỉ sống với nhau. Mặt khác, tình trạng đua xe cũng là một trong những vấn đề nổi cộm đang được diễn ra ở nhiều nơi.
Không thể kể hết và cũng không cần phải kể hết các biểu hiện về thực trạng suy thoái đạo đức của học sinh hiện nay.
2.5. Nguyên nhân
Dưới đây là một số nguyên nhân của thực trạng suy thoái đạo đức của học sinh:
Gia đình, xã hội chưa quan tâm giáo dục các em đầy đủ.
Người lớn chưa gương mẫu.
Quản lí giáo dục đạo đức của nhà trường chưa chặt chẽ.
Nội dung giáo dục đạo đức chưa thiết thực.
Những biến đổi về tâm sinh lí lứa tuổi.
Tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường.
Một bộ phận thầy cô chưa quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh.
Ảnh hưởng của sự bùng nổ thông tin, truyền thông.
Chưa có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng giáo dục.
Sự quản lí giáo dục đạo đức của xã hội chưa đồng bộ.
Phim ảnh, sách báo không lành mạnh, các trò chơi trên mạng.
Nhiều đoàn thể xã hội chưa quan tâm đến giáo dục đạo đức.
Sự tác động của pháp luật chưa nghiêm, chưa chặt chẽ.
Tệ nạn xã hội.
Như vậy, có rất nhiều nguyên nhân khách quan như tác động của internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc,… khiến cho đạo đức của học sinh bị suy thoái, nhưng cần thiết phải ‘tự soi lại chính mình’ bằng việc xem xét lại hai nguyên nhân cơ bản xuất phát từ gia đình và nhà trường. Tại hội nghị quốc tế lần thứ 5 về giáo dục thế giới năm 2012 với chủ đề “Giáo dục đang đối mặt với những vấn đề đương đại thế giới”, hai chuyên gia Clipa và Lorga (2012) đã khẳng định gia đình và nhà trường là hai yếu tố quan trọng bậc nhất ảnh hưởng đến việc hình thành đạo đức học sinh.
2.6. Bối cảnh hiện nay và những thách thức đối với Giáo dục gia đình và những biểu hiện lệch chuẩn của Giáo dục đạo đức
Trong mấy chục năm trở lại đây, dưới sự tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bộ mặt đời sống kinh tế xã hội đất nước thay đổi theo cả chiều hướng tích cực và kèm theo cả những thách thức.
Quá trình này diễn ra với tốc độ chưa từng thấy và tác động nhiều nhất, làm biến đổi nhiều nhất cả về quy mô, cấu trúc và lối sống của gia đình Việt Nam.
Về mặt tích cực những giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Đời sống gia đình no ấm, đầy đủ hơn về vật chất và văn minh về đời sống tinh thần. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều chuyển đổi tích cực, lợi ích cá nhân được tôn trọng, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên được khuyến khích phát triển.
Mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng là nét tiêu biểu của gia đình mới, trong xã hội iện đại và có ảnh hưởng đến quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nói trên, thì cùng với sự đổi mới, kinh tế thị trường cũng đã có những ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và đạo đức gia đình nói riêng. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam có biểu hiện xuống cấp, mai một. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về cách ứng xử, lối sống đang đặt ra những thách thức. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống Việt Nam.
Một trong những thách thức lớn, nhiều khi rất khó giải quyết của gia đình hiện nay, trong bối cảnh xã hội luôn đổi mới như GS.TS. Hoàng Bá Thịnh, Chủ nhiệm bộ môn Giới và Gia đình, Trường Đại học Khoa học XH&NV, ĐHQG Hà Nội cho rằng: vấn đề lớn nhất của gia đình Việt Nam hiện nay chính vấn đề là giáo dục gia đình.
Giáo dục gia đình gắn với quá trình nuôi dưỡng và là toàn bộ những tác động của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, trong đó giáo dục đạo đức, nếp sống là nội dung quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện nay, giáo dục gia đình ở Việt Nam đang gặp không ít thách thức.
Trước hết, có thể thấy nhịp sống của nhiều gia đình Việt Nam ngày càng hối hả tất bật hơn. Thời gian dành cho nhau giữa những người thân thiết trong gia đình ngày một ít, nhất là thời gian cha mẹ dành cho con cái. Một bộ phận cha mẹ mải mê làm ăn, đầu tư về kinh tế nhưng không thật chú trọng đầu tư thời gian dành cho con em. Kết quả Điều tra gia đình Việt Nam 2006 cho biết gần 58% cha mẹ ở phía Nam và gần 63 % cha mẹ phía Bắc không dành nổi 30 phút một ngày để giải trí với con. Mải miết với cơm áo, gạo tiền và những nhu cầu khác không dành đủ thời gian bên con và cho con tất sẽ dẫn đến những hệ luỵ.
Các nhà giáo dục, các nhà sư phạm và nghiên cứu xã hội đã chỉ ra một số biểu hiện lệch chuẩn trong giáo dục con cái nói chung của không ít gia đình hiện nay.
Thứ nhất: Giáo dục gia đình đôi khi không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng.
Thế nào là một đứa con ngoan? Nhiều năm trở lại đây việc trọng bằng cấp và “thói háo danh” một cách thái quá đã khiến nhiều gia đình (nhất là nơi đô thị) quay cuồng vào cuộc chạy đua cho con vào đại học, vào trường chuyên lớp chọn một cách vô lối. Dường như đã trở thành một nhu cầu của cha mẹ, ngày nào thấy con đi học về cũng chỉ hỏi “hôm nay được mấy điểm”. Trong không ít gia đình, nhất là các gia đình trẻ, cha mẹ thích điểm 10 và giấy khen hơn cả con trẻ. Điều này cho thấy mối quan tâm của cha mẹ là “muốn con học giỏi, thành đạt chứ mấy ai quan tâm dạy con nên người”.
Hãy ngẫm lại, cha ông đã “định hình phẩm chất” (tạm gọi) một đứa trẻ ngoan là thế nào. “Người học trò ở trong nhà thì hiếu với cha mẹ, ra ngoài thì kính nhường kẻ bề trên, làm việc gì thì cẩn thận, nói điều gì thì tín, rộng lòng thương người mà lại thân với kẻ có nhân. Hễ làm được những điều ấy rồi, mà còn thừa sức thì hãy học văn chương xảo kỹ” [Luận ngữ, thiên “Học nhi” đệ nhất], (Xem Sơ học luân lý, Nxb Tân Việt, in lần thứ 2, 1950). Chắt lọc từ những điều răn dạy xưa, chúng ta vẫn có thể tìm những điều bổ ích cho việc giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình hiện nay. GS.TS Hoàng Bá Thịnh có lý khi nhận xét rằng “giáo dục của ta chưa coi trọng những vấn đề giáo dục về nhân cách, về lối sống, về những giá trị sống, về kỹ năng ứng xử… Giáo dục của chúng ta mới chỉ làm tốt vấn đề dạy chữ nghĩa, còn về mặt giáo dục nhân cách của trẻ thì chưa thực sự quan tâm đến” (Xã hội phát triển kéo theo những tác động lớn vào mỗi ngõ ngách của gia đình- Tạp chí Gia đình số 28/6/2011).
Dân gian lại có câu: “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, nếu một gia đình mà cha mẹ quá coi trọng đồng tiền và những giá trị vật chất mà xem nhẹ những giá trị thuộc về đạo đức, tình cảm trong ứng xử, trong lối sống…thì tất con cái họ khó trở thành người tử tế.
“Cách dạy con cái trong gia đình hiện nay thường nuôi dưỡng thói tham lam, ích kỉ, lười biếng và ỷ lại; những thói xấu đó nhiễm dần vào chúng và sẽ trở nên khó gạt bỏ nên đã trở thành thói quen. Trẻ bây giờ ít có những khả năng tự lập, tự làm chủ nên thường hay rụt rè, e ngại, thiếu năng động; hoặc dễ bị kích động trở nên liều lĩnh, dễ bị lừa gạt, hoặc a dua theo đám đông, không ý thức được việc làm của mình” (theo Giáo dục gia đình không còn tiêu chí đạo đức rõ ràng nữa- Dân trí 27/9/2013).
Thứ hai: Sự lệch chuẩn trong giáo dục gia đình hiện nay, nhất là đối với mô hình gia đình hiện đại còn là sự tâng bốc, chiều chuộng và cung phụng con quá mức.
Không ít các bậc cha mẹ “cho rằng con mình cái gì cũng nhất: thông minh, xinh đẹp, tài năng, trí tuệ…Họ tâng bốc và làm cho con cũng tưởng nó hơn người” (Giáo sư Văn Như Cương- Thư gửi phụ huynh học sinh trường Lương Thế Vinh nhân khai giảng năm học 2013-2014). Lối giáo dục ấy đã khiến nhiều đứa trẻ sinh ra thói ngạo mạn, kiêu căng dẫn đến coi thường người khác (thậm chí thiếu tôn trọng cả thầy cô đang trực tiếp giảng dạy) và mnhuw thế lớn lên nó sẽ trở thành người như thế nào?
Trong điều kiện đời sống kinh tế của đại bộ phận gia đình được cải thiện và nâng cao và ít con (do chính sách dân số- kế hoạch hoá gia đình – mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con), nên không ít gia đình đã nuông chiều, không rèn giũa con đến nơi đến chốn. Nhiều người chiều con cháu, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quá mức của con cháu, khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ. “Thỏa mãn mọi nhu cầu của con cái, kể cả nhu cầu vô lối. Ít khi nói cho con cái biết rằng đồng tiền làm ra khó nhọc như thế nào, không ai ăn tiêu mà không phải lao động sản xuất. Nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện nay, có khi chiều, cung phụng con chỉ để cho con ăn nhiều hơn, chơi ngoan, chăm chỉ học tập. Họ không lường được hậu quả đằng sau đó, không dạy cho con về việc phải yêu quý cha mẹ, người thân. Đây là sự lệch lạc trong giáo dục nhân cách đáng báo động”. (Tội đại nghịch đến từ sự lệch lạc giá trị sống – PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam- Phụ nữ Thủ Đô 21/5/2013).
Có thể nhận xét: Hiện nay nhiều gia đình đang vô cùng lúng túng, loay hoay trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái. Hướng con cái vào những giá trị đạo đức truyền thống thì xem ra “lỗi thời”, hướng con cái vào các giá trị của giai đoạn trước đổi mới xem ra không phù hợp, hướng vào các giá trị hiện đại thì chưa thật rõ.
Thứ ba: Phó thác tất cả việc dạy con thành “người tử tế” trước khi thành “ông nọ bà kia” cho các lực lượng ngoài gia đình đã khiến vai trò (cực kì quan trọng) và bổn phận (không ai thay được) của cha mẹ trong giáo dục con cái trở nên mờ nhạt.
Không ít cha mẹ bận rộn với việc mưu sinh, sự thăng tiến của bản thân hoặc vì những lý do khác khi con mắc khuyết điểm đến gặp đại diện nhà trường thường nói “Trăm sự nhờ thầy”. Đây là câu cửa miệng mà trong thời buổi hiện nay dường như đã ít đúng. Mahatma Gandhi đã từng nói: “Không có một ngôi trường nào tốt bằng gia đình và không có người thầy nào tốt như cha mẹ”. Giáo dục của cha mẹ mới thật sự là quan trọng. Giáo dục của nhà trường chỉ là sự tiếp nối của giáo dục gia đình chứ tuyệt nhiên không thể thay thế cho giáo dục gia đình trong việc xây dựng nhân cách cho thế hệ trẻ. Phó thác việc dạy bảo, giáo dục con cái về đạo đức, cách sống, lối sống, lối ứng xử cho người khác là một sai lầm cần phải được cảnh báo, khắc phục.
Hầu như trường học nào cũng có hàng chữ rất lớn “tiên học lễ, hậu học văn”. Song việc dạy “lễ” của nhà trường hiện nay đã không đáp ứng được tinh thần và tầm quan trọng của việc dạy “lễ” trong nhà trường. Nhận xét về chương trình dạy đạo đức hiện nay, sau cuộc khảo sát do đoàn của Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện tại nhiều trường phổ thông năm 2013, ông Nguyễn Chí Thành, trợ lý Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng: “Không những thời lượng rất ít mà môn đạo đức, giáo dục công dân ở bậc phổ thông có nhiều bài học ôm đồm, không sát thực tế”. Trong bài Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Sợi chỉ đỏ là phát triển nhân cách người học” gửi Hội thảo khoa học 70 năm sư phạm Việt Nam – Đổi mới và phát triển tổ chức 21/12/2016 tại Hà Nội, Nguyên Phó chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người”, nghĩa là có nhân tính, thì mới có thể có cái khác, còn nếu không gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả…”
Cho đến nay, những nhận xét trên vẫn còn nguyên giá trị.
2.7. Một số giải pháp để gia đình cải thiện công tác giáo dục đạo đức cho học sinh
- Cần thiết thực hơn trong việc xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường và gia đình : Nếu nhà trường quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ này thông qua những việc làm thiết thực như tập huấn cho phụ huynh phương pháp giáo dục HS, tổ chức những buổi hội thảo để qua đó phụ huynh được chia sẻ kinh nghiệm giáo dục con, tổ chức những buổi gặp gỡ giữa phụ huynh và các chuyên gia tâm lý để được tư vấn, …, thì kết quả là không những thành tích học tập của HS tốt hơn mà một số hành vi phi đạo đức như nói dối, ích kỷ, vô kỷ luật của HS cũng giảm rõ rệt.
- Gia đình phải quan tâm toàn diện, sâu sắc hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các hành viên trẻ trong gia đình. Các bậc ông, bà, cha, mẹ hãy luôn luôn là tấm gương tốt cho con cháu noi theo. Trong gia đình hãy loại trừ lối sống thực dụng, tôn thờ giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị đạo đức; không tôn trọng các giá trị nhân văn, truyền thống tốt đẹp của gia đình, có hành vi bạo lực với người thân.
- Làm sâu sắc, bài bản hơn nữa việc phối hợp giáo dục giữa ba môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội, tránh những bất cập, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ bạo lực học đường, mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa nhà trường và cha mẹ cần được biến đổi theo hướng tích cực… để phát huy tối đa hiệu quả trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ;
- Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình còn có những khoảng trống, cần tiếp tục được hoàn thiện; việc thực hiện có lúc, có nơi còn thiếu nghiêm túc, chưa được đầu tư thỏa đáng cần được khắc phục.
- Nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống cho con em trong gia đình; phát huy hiệu quả nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các cấp, các ngành và người dân.
3. Kết luận
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng, giáo dục, nâng đỡ suốt đời người, là môi trường để hình thành và phát triển nhân cách, là nơi để rèn luyện lối sống có đạo lý, có tình người. Với mỗi chúng ta, gia đình là tổ ấm, là bến đỗ bình yên, là trường học đầu tiên hình thành, phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi con người. Để môi trường gia đình thực sự lành mạnh, an toàn và ấm áp cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện cần có sự chăm lo, vun đắp của mỗi thành viên gia đình, sự ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật và các chủ trương, chính sách về gia đình.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về gia đình nhằm phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được trong việc nâng cao chất lượng sống của các gia đình Việt Nam, vẫn còn đó nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết như: tình trạng ly hôn, ly thân, tảo hôn, phụ nữ lấy chồng nước ngoài qua môi giới bất hợp pháp, mua bán người… diễn biến phức tạp; tệ nạn xã hội vẫn đang tiếp tục xâm nhập vào gia đình đặc biệt là giới trẻ; vấn đề bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội; sự tôn trọng giá trị gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội, nhất là thế hệ trẻ đang bị giảm sút; đạo đức, lối sống suy đồi…
Đối tượng của giáo dục gia đình là các thành viên trong gia đình, nhưng trước hết tập trung vào con trẻ, nhằm tạo cho thế hệ mới trong gia đình phương thức hoạt động, hình thức tư duy và ứng xử, cảm xúc và hành động, ở đó giáo dục đạo đức giữ vị trí quan trọng hàng đầu, là số một. Giáo dục đạo đức thực hiện ngay từ khi đứa trẻ mới chập chững và được thực hành liên tục tạo thành nề nếp: em nhỏ theo gương anh chị lớn, con cháu theo gương ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rõ, trong quá trình giáo dục, bồi dưỡng, xây đắp đạo đức cao đẹp cho con trẻ thì giáo dục gia đình, vai trò của gia đình là số một, là cực kì quan trọng, nhưng không phải là duy nhất,…
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011.
2. Vũ Khiêu (chủ biên) (2000), Văn hoá Việt Nam - xã hội và con người, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 80/2017/NĐ-CP Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện chống bạo lực học đường
4. Ban chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
5. Hồ Chí Minh về vấn đề giáo dục, Bài nói chuyện với cán bộ học sinh trường ĐHSP Hà Nội, ngày 21/10/1964, NXB Giáo dục, trang 235.
PGS. TS Nguyễn Gia Cầu
Tổng biên tập Tạp chí Giáo chức Việt Nam