Giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
TCGCVN - Giáo dục đóng vai trò là nền tảng trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Giáo dục bắt buộc là mọi công dân trong độ tuổi phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định. Giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học là giai đoạn của quá trình đó. Phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi là một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, vùng miền. Bài viết này trình bày một số đặc điểm cơ bản, thực trạng, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi
Thư viện xanh của Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc, Thanh Hóa
1. Đặt vấn đề
Đảng và Nhà nước đã có nhiều ưu tiên phát triển giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XI chỉ rõ: “Ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”. Nhờ có những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giáo dục và đào tạo vùng dân tộc, miền núi đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đến năm 2015, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 1. Song, công tác giáo dục bắt buộc đối với giáo dục mầm non và tiểu học tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều bất cập, chất lượng giáo dục còn hạn chế. Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhìn chung còn thấp so với yêu cầu.
Phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học, thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Để nâng cao chất lượng, thực hiện có chất lượng giáo dục bắt buộc đối với giáo dục tiểu học vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng khó khăn cần có định hướng cụ thể, giải pháp căn cơ phù hợp hơn.
2. Một số khái niệm liên quan
Giáo dục: Giáo dục là một khái niệm đa nghĩa. Theo một số tác giả Phạm Minh Hạc, Hồ Ngọc Đại, Đặng Vũ Hoạt…, có thể hiểu quá trình giáo dục theo nghĩa rộng gồm hai bộ phận là quá trình dạy học và quá trình giáo dục. Trong bài viết này, giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng.
Giáo dục bắt buộc: Giáo dục bắt buộc là giáo dục có tính bắt buộc với tất cả các khâu trong tuổi đi học theo quy định của pháp luật; tùy từng giai đoạn cụ thể, Nhà nước quy định độ tuổi cụ thể và quy định mức độ, trình độ giáo dục. Việc hoàn thành giáo dục bắt buộc không chỉ căn cứ vào kết quả huy động trẻ đến tuổi đi học hàng năm mà còn phải căn cứ vào số học sinh tốt nghiệp sau khi học xong chương trình quy định. “Giáo dục bắt buộc” khác với “đi học bắt buộc”, nghĩa là cha mẹ có nghĩa vụ gửi con đến một trường nào đó. Giáo dục bắt buộc liên quan đến cả cha mẹ học sinh phải cho con của họ được giáo dục, và quyền của mọi trẻ em phải có học vấn.
Chính sách giáo dục: Chính sách giáo dục là một trong những chính sách xã hội cơ bản trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Chính sách giáo dục là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu của Nhà nước về lĩnh vực này. Chính sách giáo dục là một hệ thống quan điểm các mục tiêu của Nhà nước về giáo dục, các phương hướng giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu đó.
Phổ cập giáo dục: Khoản 8 Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Phổ cập giáo dục là quá trình tổ chức hoạt động giáo dục để mọi công dân đều được học tập và đạt đến trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.
Điều 14 Luật Giáo dục năm 2019 quy định về phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc như sau: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.
Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.
Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
Gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc”.
3. Nội dung và chương trình giáo dục
Nội dung, chương trình giáo dục bắt buộc được thực hiện ngay từ lớp đầu cấp tiểu học, đến hết cấp trung học cơ sở trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi.
Chúng ta đang bắt đầu thực hiện đổi mới giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Kỳ họp thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nội dung và chương trình giáo dục có những điểm mới. Cụ thể:
Nghị quyết khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện thực hiện”.
Giáo dục là một quá trình, một tổng thể thống nhất từ sự lãnh chỉ đạo của Đảng, đến việc quản lý của Nhà nước, sự hoạt động, quản trị của cơ sở giáo dục, sự tham gia trực tiếp, chăm lo của gia đình, phối hợp của cộng đồng, xã hội, sự tự giác của bản thân người học.
Giáo dục là một sản phẩm xã hội, kinh tế - xã hội phát triển, giáo dục phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu của xã hội. Vì vậy, đổi mới giáo dục là sự tất yếu – hầu như tất cả các nước đều thực hiện đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nước ta đã nhiều lần thực hiện đổi mới giáo dục. Mỗi thời kỳ đổi mới giáo dục đều mang lại những thành quả nhất định, tạo ra những bước tiến trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, Nghị quyết số 29-NQ/TW khóa XI chỉ rõ quan điểm trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới; kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm sai lệch.
Thực hiện mục tiêu phát triển giáo dục là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Nghị quyết số 29-NQ/TW chỉ rõ định hướng: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13, cụ thể hóa định hướng của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW. Thực hiện nghị quyết của Đảng, Quốc hội, của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về trí tuệ, thể chất, tinh thần; giúp học sinh trở thành người tích cực, tự tin; có ý thức lựa chọn nghề nghiệp, tự học suốt đời để trở thành người công dân có phẩm chất tốt đẹp, có năng lực cần thiết đáp ứng yêu cầu của xã hội, xây dựng cuộc sống gia đình và cá nhân tốt đẹp.
Chương trình giáo dục phổ thông (ban hành năm 2018) gồm chương trình tổng thể, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Thực hiện định hướng đổi mới theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.
Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9 gồm cấp tiểu học và trung học cơ sở:
- Cấp tiểu học
Chương trình giáo dục cấp tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền tảng cho sự phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần, phẩm chất và năng lực. Định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng, những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập, sinh hoạt.
Nội dung giáo dục: Nội dung giáo dục gồm các môn học bắt buộc và các môn học tự chọn.
Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Ngoại ngữ 1 (lớp 3, 4, 5), Tự nhiên xã hội (lớp 1, 2, 3); Lịch sử và Địa lý (lớp 4, 5), Tin học và Công nghệ (lớp 3, 4, 5), Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm (trong đó có nội dung Giáo dục địa phương).
Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 1 (lớp 1, 2).
- Cấp trung học cơ sở
Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; giúp học sinh biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức, kỹ năng nền tảng.
Nội dung giáo dục:
Các môn học và hoạt động bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung Giáo dục địa phương.
Môn Lịch sử và Địa lý được tích hợp dùng một quyển sách.
Môn Hóa học, Vật lý, Sinh học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.
Nội dung Giáo dục địa phương được tính như một môn học độc lập, có sách giáo khoa môn học. Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2 (2, 6).
Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Ngọc Lặc tham gia Giao lưu Câu lạc bộ em yêu Toán và Tiếng Việt.
4. Thực trạng phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng núi
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, dân tộc Kinh chiếm đa số, tỷ lệ 85,3%, còn lại 53 dân tộc thiểu số với tỷ lệ 14,7%. Tuy tỷ lệ dân số ít, song các dân tộc thiểu số đều sinh sống ở những vùng biên giới, biên cương, phên dậu của Tổ quốc, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển các lĩnh vực của vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, trong đó có giáo dục. Nhờ vậy, các mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã thu được nhiều kết quả.
Phổ cập giáo dục là một nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện quyền bình đẳng trong giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc. Chúng ta đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Kết quả giai đoạn 2011 - 2020 như sau:
Công tác phổ cập giáo dục mầm non: Huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi đến trường (nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phổ cập giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi) đạt 56,2% (cả nước đạt 88,5%), tỷ lệ huy động trẻ em đến nhà trẻ chỉ đạt 11,8% (cả nước 25,8%).
Công tác phổ cập giáo dục tiểu học: Tập trung duy trì kết quả huy động học sinh trong độ tuổi đi học tiểu học và hoàn thành chương trình cấp tiểu học; nâng cao chất lượng giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn. Đến năm 2014, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức 1.
Công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Đến năm 2018, 63/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập tốt nghiệp trung học cơ ở mức 1. Tỷ lệ huy động trẻ vùng dân tộc thiểu số, miền núi đi học đúng độ tuổi cấp trung học cơ sở đạt 87,32%. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở được duy trì, mở rộng. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở tăng.
Tuy nhiên, công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều bất cập. Kết quả phổ cập giáo dục mầm non đạt thấp, chất lượng giáo dục chưa cao.
Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học còn nhiều hạn chế, việc huy động học sinh đi học, học hết cấp khó khăn, chưa vững chắc. Việc nâng chuẩn lên mức độ 2, 3 còn nhiều trở ngại. Phổ cập giáo dục trung học cơ sở cũng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học sinh đi học, học hết cấp chưa thật vững chắc, học sinh bỏ học còn nhiều. Việc nâng chuẩn lên mức 2, 3 còn nhiều khó khăn.
Ví dụ: Tại tỉnh Hà Giang, tỉnh miền núi cao cực Bắc của Tổ quốc, có trên 85% dân số là người dân tộc thiểu số. Năm 1993, tỷ lệ học sinh trong toàn tỉnh đến trường chỉ là 42,3%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa lớp rất cao. Tại 6 huyện miền núi của tỉnh, học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 bỏ học 71,3%; đến lớp 5 là 90,2%. Huyện Mèo Vạc có 45 lớp 1, 719 học sinh; lớp 3 là 11 lớp, 68 học sinh. Đến lớp 5 còn 3 lớp, 27 học sinh. Chỉ sau bốn năm, huyện Mèo Vạc và cả tỉnh Hà Giang đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Vì vậy, không thể nói là có chất lượng vững chắc trong phổ cập giáo dục tiểu học, cấp học bắt buộc.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tính đến ngày 01/8/2015, tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ phổ thông là 79,2%, tỷ lệ người có việc làm từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo 6,2%. Tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, đang học đạt 70,2% (năm học 2014 - 2015), số học sinh tiểu học là dân tộc thiểu số có 1.316.048 em.
Để thực hiện được sự bình đẳng, xóa dần khoảng cách chênh lệch về giáo dục giữa miền ngược và miền xuôi, đòi hỏi công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Hiện tại, mặt bằng về giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số còn ít về số lượng, yếu về trình độ chuyên môn. Trong số cán bộ cấp xã người dân tộc thiểu số về trình độ học vấn trung học cơ sở là 45,7%, tiểu học là 18,7%, có 1,9% trình độ cao đẳng, đại học. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn 30%, còn hơn 2.000 xã, trên 18.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn.1
5. Hạn chế, nguyên nhân
Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, đầu tư nhiều mặt từ chủ trương, đường lối, lãnh chỉ đạo đến các chương trình, dự án, đề án cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đã đạt được nhiều thành quả. Song, công tác phổ cập giáo dục, thực hiện giáo dục bắt buộc ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Thứ nhất, mặc dù được Nhà nước đầu tư xây dựng, hệ thống trường lớp các cấp được mở rộng, củng cố, đẩy nhanh việc xây dựng trường chuẩn các mức độ, nhưng điều kiện đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế. Hệ thống mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng núi cao. Miền núi rộng bao la, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, dân cư ở phân tán, mật độ dân cư thưa thớt.
Ví dụ tại tỉnh Thanh Hóa, địa phương này có diện tích tự nhiên lớn, dân số đông thứ ba cả nước (sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), có 11 huyện miền núi (trong số 27 đơn vị hành chính cấp huyện); diện tích chiếm 71,87% toàn tỉnh; dân số chiếm 24,20%. Mật độ dân trong trung bình 116,25 người/km2, thấp nhất là huyện Quan Sơn có 37 người/km2, trong khi đó dân số trung bình vùng đồng bằng Thanh Hóa là 833 người/km2, vùng biển là 948 người/km2.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng trường học ở nơi trung tâm xã không thể đáp ứng được nhu cầu đến trường lớp của học sinh tiểu học ở xóm, bản. Những nơi xa xôi, khó khăn, hẻo lánh, trường lớp càng phân tán, nhỏ lẻ, tạm bợ điều kiện phương tiện dạy học càng khó khăn, tiếp cận với dịch vụ giáo dục của học sinh càng bị hạn chế.
Trường phổ thông dân tộc bán trú phát triển khá mạnh, mạng lưới khá rộng đã khắc phục được tình trạng học sinh phải đi học quá xa, bỏ học. Song, những nơi khó khăn nhất, dân cư thưa thớt nhất, học sinh nhỏ tuổi cấp tiểu học ít có cơ hội đến trường nhất vẫn còn là những tồn tại.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở ngày càng được nâng cao về trình độ đào tạo, chuyên môn, song phân bố không đồng đều, nơi thừa, nơi thiếu; đặc biệt, nơi khó khăn lại thiếu giáo viên nhiều hơn. Giáo viên phải dạy thay, dạy lớp ghép nhiều trình độ, khó bảo đảm chất lượng. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiếu thốn hoặc không có, lại thiếu giáo viên. Để dạy được các môn học bắt buộc trong cấp tiểu học như: Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, đối với phần lớn trường tiểu học vùng dân tộc thiểu số, miền núi là những thách thức vô cùng lớn. Cấp trung học cơ sở, ngoài việc thiếu giáo viên các môn Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật, Ngoại ngữ thì giáo viên phải dạy các môn ghép như: Lịch sử - Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (ghép Lý, Hóa, Sinh) là khó khăn với giáo viên.
Với cơ sở vật chất chưa đầy đủ, trình độ giáo viên yếu, lại thiếu là những khó khăn lớn để đảm bảo chất lượng cho mục tiêu phổ cập giáo dục, dạy học bắt buộc đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ ba, hệ thống chính sách của Đảng, Nhà nước đã có tác động sâu sắc đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hệ thống trường lớp được quan tâm xây dựng ngày càng khang trang hơn, điều kiện dạy và học ngày càng được cải thiện. Nhiều chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh người dân tộc thiểu số được thực hiện. Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi thời gian qua vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Hộ nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, giáo viên dạy học ở vùng cao, vùng khó khăn vẫn bị hạn chế trong tiếp cận dịch vụ giáo dục; một số chế độ, chính sách thực hiện chưa hiệu quả; cơ sở vật chất các trường phổ thông dân tộc bán trú chưa được chú trọng đầy đủ; điều kiện ăn ở của giáo viên, học sinh bán trú như: nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm công cộng, điện nước còn tạm bợ, thiếu thốn. Có những chính sách, chế độ ra đời nhưng chậm được triển khai thực hiện như: Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định gồm 3 chương 15 điều: Chương 2 quy định chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường chuyên biệt; Chương 3 quy định chính sách với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nghị định ra đời nhưng khó triển khai thực hiện. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 2, phạm vi điều chỉnh với trường phổ thông dân tộc nội trú và phổ thông dân tộc bán trú, nhưng ở những nơi xa xôi, khó khăn, hẻo lánh chưa thể mở được trường nội trú, bán trú nên không thể áp dụng Nghị định này. Hay như khoản 2 Điều 2 “Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật”, cụ thể là luật nào, đặc biệt khó khăn là thế nào, rất khó để xác định, triển khai thực hiện. Đến ngày 23/12/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 19/2013/NĐ-CP điều chỉnh một số nội dung. Các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mới được hưởng chính sách theo Nghị định. Như vậy, phải sau 6 - 7 năm, chế độ, chính sách, văn bản của Chính phủ mới đi vào cuộc sống.
Thứ tư, tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Người dân nhìn chung chỉ lo có cái ăn, cái mặc, ít có điều kiện tiếp cận với văn hóa, xã hội; nhận thức đơn giản, chưa quan tâm nhiều đến việc học hành, tương lai của con em. Vì vậy, việc vận động cho trẻ đến trường, học hết lớp, hết cấp, hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc không hề đơn giản. Song, nhiều nơi, nhà trường với sự tận tâm của giáo viên đã vận động sự đóng góp của người dân, của cộng đồng lo cho học sinh có được bữa ăn no, đã giữ chân được học sinh, làm cho các em có động lực từ “đi học được ăn no”, các em đã gắn bó hơn với trường lớp, vượt đường xa, đèo cao, suối sâu cố gắng học tập hơn.
6. Một số đề xuất, giải pháp và kiến nghị
Một là, Chính phủ sớm rà soát ban hành chính sách, cơ chế, phân định cụ thể vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng núi theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội, quy định cụ thể địa danh xã, huyện thuộc diện vùng núi, vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để thuận tiện hơn trong việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hai là, thời gian qua, một số chế độ, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước còn chồng chéo gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Một số chính sách ban hành nhưng chưa có hoặc chậm có nguồn kinh phí để triển khai thực hiện. Khuyến nghị ban hành chính sách cần có điều kiện kinh phí để thực hiện kịp thời, nên có định hướng huy động nguồn lực từ xã hội, cộng đồng.
Ba là, Nhà nước cần sớm có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng bổ sung giáo viên đặc thù dạy các môn bắt buộc trong chương trình, nội dung giáo dục bắt buộc. Đặc biệt là các môn học Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật.
Trong khi chưa đủ giáo viên dạy các môn học đặc thù đó, nhiều giáo viên phải dạy tăng giờ, dạy thêm lớp, phải điều động đi tăng cường cho các trường xa. Nhà nước nên sớm có chính sách kịp thời để động viên họ.
Bốn là, Nghị định số 06/2018/NĐ-CP có quy định trợ cấp tiền nhà trọ cho học sinh dân tộc thiểu số ở những trường phổ thông dân tộc bán trú, tuy nhiên, nơi xa xôi hẻo lánh không có nhà cho học sinh ở trọ. Để duy trì phổ cập giáo dục, duy trì dạy học bắt buộc với cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được bền vững, Chính phủ cần tăng cường đầu tư xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú có đủ điều kiện học tập, sinh hoạt như: chỗ học, chỗ ngủ, nơi nấu ăn, nơi vệ sinh, điện, nước…, chính sách cần sát thực tế để dễ đi vào cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
1. Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Chính sách giáo dục bắt buộc tại một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam.
2. Ban Chấp hành Trung ương (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục và đào tạo, ban hành ngày 04/11/2013.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (7/2017), Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể.
4. Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1945 - 2010, NXB Giáo dục Việt Nam.
5. Nguyễn Phú Tuấn (2017), Giáo dục Hà Giang: Lịch sử và phát triển, NXB Hội Nhà văn.
6. Phạm Viết Vượng (2017), Giáo dục học, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
7. Vụ Giáo dục Dân tộc - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam.
TS. Nguyễn Phú Tuấn
Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục