Dự thảo Luật Nhà giáo: Cần ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào ngành Sư phạm
TCGCVN - Trong quá trình đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ưu tiên, khuyến khích những người giỏi vào ngành Sư phạm để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành giáo dục.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.
Cần thiết ban hành Luật Nhà giáo
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) cho rằng nghề giáo có vai trò đặc biệt trong xã hội, không chỉ vì những kiến thức truyền đạt mà còn vì ảnh hưởng sâu rộng đến nhân cách, tư tưởng và phát triển của học sinh. Nhà giáo phải đảm bảo chất lượng đào tạo cao, không thể có sản phẩm lỗi, bởi thế việc xây dựng Luật Nhà giáo là vô cùng cần thiết. Luật này không chỉ tạo lập hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đội ngũ giáo viên mà còn là cơ sở để xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, giúp nhà giáo gắn bó với nghề lâu dài.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai).
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cũng cho rằng Luật Nhà giáo là một yêu cầu cấp thiết, bởi Hiến pháp năm 2013 đã xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí và phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện tại về nhà giáo vẫn còn thiếu sót, chưa có một định nghĩa rõ ràng và đầy đủ về nhà giáo, và chưa đáp ứng hoàn toàn những đặc thù của ngành giáo dục. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ giúp điều chỉnh và bổ sung các vấn đề quan trọng, tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của đội ngũ giáo viên.
Ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào ngành Sư phạm
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị, chính sách về nhà giáo cần phải ưu tiên, khuyến khích những sinh viên xuất sắc, những người có năng lực đặc biệt, thậm chí các nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tham gia vào công tác giảng dạy ở các cơ sở giáo dục. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà còn tạo ra nguồn lực có khả năng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc).
Tạo sự công bằng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập
Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng các chính sách hỗ trợ nhà giáo quy định tại Điều 28 của dự thảo Luật hiện chỉ phù hợp với nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục công lập. Điều này có thể tạo ra sự bất công bằng trong xã hội, khi các cơ sở giáo dục ngoài công lập không được hưởng các chính sách hỗ trợ tương tự. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu bổ sung các quy định để đảm bảo tính công bằng giữa các nhà giáo ở tất cả các cơ sở giáo dục, không phân biệt công lập hay ngoài công lập.
Cần bổ sung các quy định về tiền lương đối với người tập sự, thử việc
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là chế độ tiền lương đối với các giáo viên mới tuyển dụng, đặc biệt là những người trong giai đoạn tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng. Mặc dù dự thảo Luật Nhà giáo có quy định việc xếp lương đối với nhà giáo mới tuyển dụng, nhưng vẫn chưa rõ chế độ tiền lương và phụ cấp đối với những đối tượng này. Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ vấn đề này và bổ sung các quy định cụ thể về tiền lương đối với những người đang trong giai đoạn tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng.
Bùi Bình