Dự kiến số lượng cơ quan chuyên môn của Quốc hội sau sắp xếp, tinh gọn
TCGCVN - Theo kế hoạch sắp xếp, sau khi thực hiện cải cách tổ chức, Quốc hội sẽ chỉ còn 8 cơ quan chuyên môn, bao gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban. Đây là một phần trong quá trình xây dựng các dự án luật và nghị quyết mới, nhằm tối ưu hóa bộ máy, giảm bớt sự chồng chéo và tăng cường hiệu quả hoạt động.
Chiều 6/2, trong khuôn khổ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản pháp lý liên quan đến cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Quy định số lượng cơ quan chuyên môn
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến đều tán thành với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn của Quốc hội. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng cơ quan chuyên môn của Quốc hội sẽ bao gồm Hội đồng Dân tộc và 7 ủy ban. Một số ý kiến đề xuất cần quy định rõ trong Luật Tổ chức Quốc hội về số lượng và tên gọi các ủy ban để bảo đảm địa vị pháp lý cho các cơ quan, và sử dụng thuật ngữ “cơ quan của Quốc hội” thay vì “cơ quan chuyên môn của Quốc hội.”
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy Nhà nước và yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, việc không quy định cứng số lượng và tên gọi các cơ quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục điều chỉnh, bảo đảm sự hài hòa về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan.
Cân nhắc việc phân công lĩnh vực tôn giáo
Một vấn đề quan trọng được thảo luận là việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng. Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị cân nhắc giao lĩnh vực này cho Hội đồng Dân tộc, nhằm đảm bảo sự cân đối trong việc phân chia nhiệm vụ giữa các cơ quan. Tuy nhiên, các Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Xã hội cho rằng lĩnh vực tôn giáo và tín ngưỡng nên tiếp tục thuộc thẩm quyền của họ, như trước khi thực hiện sắp xếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng ủng hộ ý tưởng giao lĩnh vực này cho Hội đồng Dân tộc, bởi vì Hội đồng này hiện phụ trách ít luật, chủ yếu tập trung vào công tác giám sát, và Bộ Dân tộc và Tôn giáo cũng đã được Chính phủ thành lập. Điều này sẽ giúp cân đối giữa các cơ quan, đồng thời tạo ra sự hài hòa trong hoạt động của các ủy ban.
Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Ủy ban Xã hội khẳng định rằng lĩnh vực tôn giáo liên quan đến nhiều vấn đề văn hóa và xã hội, và sẽ phù hợp hơn nếu vẫn tiếp tục giao cho các ủy ban này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh rằng quá trình sắp xếp bộ máy cần giữ ổn định, không gây xáo trộn quá nhiều. Ông bày tỏ sự lo ngại rằng nếu lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng chuyển sang Hội đồng Dân tộc, sẽ gây khó khăn cho công tác chuyên môn, vì Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã đảm nhận lĩnh vực này từ lâu.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất giao lĩnh vực tôn giáo cho Hội đồng Dân tộc, nhưng ông cho biết sẽ chấp nhận quyết định cuối cùng từ Quốc hội, bởi tăng thêm nhiệm vụ cũng đồng nghĩa với nhiều thử thách mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên họp
Kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khẳng định, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội sẽ vẫn giữ nguyên như trước đây. Cụ thể, lĩnh vực tín ngưỡng và tôn giáo sẽ tiếp tục thuộc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và không có sự thay đổi trong cơ cấu hiện tại. “Trước thế nào, giờ giữ như thế,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Bùi Bình