Định hướng cho học sinh thi vào lớp 10 có nhiều khó khăn
TCGCVN - Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cuối cấp đóng vai trò quan trọng trong việc phân luồng sau bậc THCS. Thế nhưng, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập rất mong manh.
Học sinh THPT trường liên cấp Phenikaa trong giờ hướng nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn
Khoảng 23.000 học sinh Hà Nội không thi lớp 10 công lập
Đầu tháng 6.2024, các tỉnh thành sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM... kỳ thi này được ví là căng thẳng hơn thi đại học do hệ thống trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP Hà Nội về công tác tuyển sinh đầu cấp, năm học 2023 - 2024 có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 (tăng khoảng 4.000 so với năm học trước). Trong đó, hơn 110.000 em đã đăng ký thi vào lớp 10 công lập, số còn lại không đăng ký dự thi khoảng 23.000 học sinh (chiếm 17%).
Hằng năm, khi số liệu này được công bố, dư luận lại dậy sóng về câu chuyện phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Một số phụ huynh phản ánh tình trạng giáo viên chủ nhiệm vận động học sinh có kết quả học tập chưa cao không đăng ký thi lớp 10, nhằm đảm bảo tỷ lệ đỗ cao - đạt thành tích tốt.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng có nhiều lý do để học sinh lựa chọn không thi vào lớp 10 công lập.
"Trên địa bàn TP Hà Nội có rất nhiều trường dân lập, tư thục, các trung tâm dạy nghề, giáo dục thường xuyên có thể trở thành lựa chọn của các bậc phụ huynh và học sinh. Chất lượng giáo dục của các trường trong nhóm này ngày càng nâng cao, học sinh cũng không cần vất vả ôn tập. Đó là một trong những lý do nhiều học sinh lựa chọn không đăng ký thi” - TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, ranh giới giữa việc tư vấn, định hướng với việc có dấu hiệu ép buộc học sinh không tham gia kỳ thi rất mong manh. Vì vậy, giáo viên và nhà trường phải "tròn vai" trong công tác hướng nghiệp quan trọng này.
“Học sinh có quyền lựa chọn thi vào trường THPT theo ý thích của bản thân cho dù học lực ở mức trung bình hay yếu kém. Nhà trường và giáo viên chỉ làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp, đưa ra lời khuyên cho học sinh và phụ huynh để họ hiểu lớp 10 công lập không phải là con đường duy nhất. Chúng ta không được đánh đồng phân luồng học sinh sau THCS thành câu chuyện ép thí sinh không được dự thi” - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Phân luồng học sinh sau THCS là bài toán khó, nếu thực hiện có hiệu quả sẽ giúp giảm đáng kể áp lực thi vào 10 của học sinh, phụ huynh và giáo viên. Để làm được điều này, công tác hướng nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng
Phân luồng học sinh sau THCS là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng đi vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân học sinh và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội. Hiện nay các trường THCS trên cả nước đã và đang đẩy mạnh việc phân luồng học sinh sau THCS.
Bùi Bình