ĐIỂM KHÁC TRONG TRONG TƯ TƯỞNG ĐỘC LẬP, TỰ DO CỦA HỒ CHÍ MINH VỚI NƯỚC MỸ
TCGCVN - Độc lập luôn là khát vọng cháy bỏng trong lòng người dân ở mỗi quốc gia bị xâm lược, áp bức và bóc lột. Việt Nam nói riêng và các quốc gia là thuộc địa và phụ thuộc nói chung trên thế giới đều có chung một mục tiêu là đấu tranh để giành được độc lập, tự do và phát triển đất nước.
“Độc lập – tự do” ở Việt Nam, là tư tưởng, quan điểm xuyên suốt, đầy tính nhân văn, nhân đạo trong con người Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. “Độc lập – tự do” của Hồ Chí Minh không chỉ phát triển tư tưởng trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ mà đã cụ thể hóa, hiện thực hóa bản chất tính nhân đạo sâu sắc của quan điểm này.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu
1. Đối với nước Mỹ, một nhà nước còn non trẻ, có lịch sử hình thành từ hơn 200 năm trước. Sau khi phát hiện ra châu Mỹ, quá trình di dân từ các châu lục khác đến châu Mỹ ngày càng nhanh. Người châu Âu đã xâm chiếm, khai phá và dùng vũ lực chiếm đoạt vùng đất này. Năm 1773, Anh đã lập ra 13 bang thuộc địa ở Bắc Mĩ. Nhằm ngăn không cho 13 bang này độc lập, Anh đã đặt ra hàng loạt đạo luật vô lý, cản trở sự phát triển ngành kinh tế công thương nghiệp ở Bắc Mỹ. Chính những đạo luật hà khắc này đã làm cho sự phản kháng của người dân Bắc Mỹ ngày càng tăng cao. Để chống áp bức bóc lột, nhân dân 13 bang Bắc Mỹ tổ chức “Hội nghị lục địa” thảo luận vấn đề chống Anh và xây dựng một hợp chủng quốc độc lập. Đến tháng 4 năm 1775, chiến tranh bùng nổ giữa chính quốc và các thuộc địa Bắc Mĩ, do Washington chỉ huy. Đến ngày 4/7/1776, Tuyên ngôn Độc lập được công bố, xác định quyền của con người và quyền độc lập của các thuộc địa.
Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776
Cuộc chiến giành độc lập của Mỹ chính thức chấm dứt. 13 bang Bắc Mỹ thoát khỏi sự chiếm đóng của Anh và chính thức được thành lập. Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (gọi tắt là Mỹ) ra đời. Bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa kỳ năm 1776 được công bố, đã nêu bật lên quyền cơ bản của con người đó chính là quyền được sống, được tự do và được sở hữu. Quyền sở hữu được đề cập tới trong bản Tuyên ngôn đó chính là quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuyên ngôn mang tính chất dân chủ tự do, thấm nhuần tư tưởng tiến bộ của thời đại.
Nhưng Tuyên ngôn độc lập của Mỹ không đề cập đến việc xóa bỏ chế độ nô lệ cùng việc bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thực chất chỉ bảo vệ quyền lợi cho người da trắng. Cách mạng chỉ đáp ứng được quyền lợi cho tư sản và quý tộc mới còn nhân dân không được hưởng chút quyền lợi gì. Và thực tế đã chứng minh, trên nước Mỹ còn diễn ra cuộc nội chiến kéo dài gây bao tổn thất đau thương cho người dân lao động. Đến thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ, từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khoảng cách giàu nghèo vẫn còn quá lớn. Độc lập, tự do, hạnh phúc chủ yếu dành cho những người có tiền, những nhà tư sản. Người dân lao động vẫn đói nghèo, cực khổ.
2. Đối với Việt Nam, một dân tộc đã bị áp bức dưới chế độ thuộc địa của thực dân Pháp suốt hơn 80 năm, đã kiên cường đấu tranh, chịu bao đau thương, anh dũng hy sinh vẫn quyết tâm giành kỳ được độc lập. Với nhãn quan sáng suốt, tầm nhìn vượt thời đại, đặc biệt với tấm lòng nhân hậu vị tha, con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí minh dẫn lối để đi tới Độc lập, tự do và hạnh phúc luôn gắn liền với nhân dân, đoàn kết toàn dân.
Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu Amiral Latouche Treville tại bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.
Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của Cách mạng là “giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”. Muốn làm được điều đó, phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Trong bài “Nên học sử ta” ( 2-1942), Người chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”.
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng khẩn trương chỉ đạo nhân dân Việt Nam tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước, bầu Quốc hội khoá I (6-1-1946) và chế định Hiến pháp. Chính phủ chính thức do Quốc hội lập hiến bầu ra (2-3-1946) “thật là Chính phủ của toàn dân”. Những việc làm đó không chỉ nhằm kiện toàn bộ máy chính quyền Nhà nước, mà còn nhằm thể chế hoá nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam.
Đoàn người biểu tình ngày 19/8/1945 trước cửa Bắc Bộ phủ (ảnh tư liệu)
Cũng trong năm 1946, ngày 22-9, trên chiến hạm Đuymông Đuyếchvin, trong thư trả lời bà Sốtxi trong Hội liên hiệp phụ nữ Pháp, Hồ Chí Minh viết: “Các bà yêu đất nước mình, các bà mong đất nước mình được độc lập và thống nhất. Nếu có kẻ nào tìm cách xâm phạm nền độc lập và thống nhất ấy, thì tôi tin chắc rằng các bà sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ nó. Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi yêu Tổ quốc Việt Nam của chúng tôi, chúng tôi cũng muốn Tổ quốc của chúng tôi độc lập và thống nhất”. Người khẳng định “chúng tôi quyết dùng tất cả sức mình để giành được nền độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi”.
Tại Đại hội lần thứ III của Đảng (9-1960), Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân tộc ta là một, nước Việt Nam là một. Nhân dân ta nhất định sẽ vượt tất cả mọi khó khăn và thực hiện kỳ được thống nhất đất nước, Nam, Bắc một nhà” .
Trước lúc đi xa, trong Di chúc tháng 5-1965, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Trong bản thảo bổ sung tháng 5-1968, Người căn dặn phải “chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc”. Người dùng mực đỏ để viết cụm từ “thống nhất Tổ quốc”, nhấn mạnh một nhiệm vụ hết sức quan trọng phải làm ngay sau ngày kháng chiến chống Mỹ thắng lợi.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đối với Hồ Chí Minh, đoàn kết toàn dân mới tạo nên được hạnh phúc, thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân Việt Nam.
Từ tầm nhìn vượt thời đại đó đã luôn gắn liền với tấm lòng nhân hậu vị tha của Hồ Chí Minh. Người luôn đau đáu lo cho cuộc sống của nhân dân. Làm cách mạng, giành được độc lập, tự do chính là phải mang hạnh phúc được đến cho nhân dân. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế mới dân chúng được hạnh phúc”.
Tư tưởng và tấm lòng vị tha ấy của Người còn được minh chứng bằng cả cuộc đời hy sinh cho cách mạng, cho Tổ quốc, cho nhân dân. Người đã sống là để phục vụ, để cống hiến, để dấn thân vào con đường gian lao nhằm giành và bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, xây đắp tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là phương châm sống và hành động trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh. Khi hoạt động tại Pháp, có lần Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp mời Bác đến gặp tại Bộ Thuộc địa. Vị Bộ trưởng này lúc thì đe dọa, lúc lại ra vẻ ôn tồn khuyên Người từ bỏ hoạt động chống ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Người trả lời: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính ngài ở lại. Tôi xin phép về” (Trích trong tác phẩm “Vừa đi đường vừa kể chuyện – T.Lan”, bút danh của Người).
Tháng 1-1946, trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”
Tư tưởng nhân đạo của Người còn được thể hiện qua áng văn bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Đó là khi viết Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, với tầm nhìn của một lãnh tụ, Hồ Chí Minh đã rất sáng tạo trong việc phát triển bản Tuyên ngôn của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. "Tất cả mọi người" được hiểu là "tất cả đàn ông" (all men) - đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XVIII khi chế độ nô lệ còn tồn tại, sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc, nam - nữ còn rất nặng nề, "những người đàn ông" có quyền mà Tuyên ngôn đề cập đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Còn với Hồ Chí Minh, Người khẳng định một cách rõ ràng, các quyền đó là dành cho "tất cả mọi người", không phân biệt địa vị, thành phần, tôn giáo, giới tính, sắc tộc. Đó là những giá trị to lớn và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ “quyền” của con người, Người đã suy rộng ra quyền của các dân tộc "các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Người đã khéo léo khẳng định quyền bình đẳng, độc lập và tự do dành cho tất cả nhân loại cần lao. Đó là điểm kế thừa và cũng là khác biệt, khi Người nhấn mạnh "các dân tộc trên thế giới", mở ra một thời đại mới, là những lời cổ vũ, lời khẳng định quyền thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ.
Trong sự nghiệp Đổi mới và công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày nay, tư tưởng đoàn kết toàn dân, thống nhất nhân dân và luôn quan tâm đến hạnh phúc cho nhân dân của Hồ Chí Minh vẫn mãi là ánh sáng soi đường cho chúng ta. Hơn lúc nào hết phải quán triệt và thực hiện lời dạy của Người:
"Nước lấy dân làm gốc.
Trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, lực lượng chính là ở dân.
… Gốc có vững cây mới bền,
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân" (Hồ Chí Minh).
Ths. Nguyễn Thị Cúc (Trường THCS Lê Quý Đôn – Hà Đông – Hà Nội)