DI CHÚC –VĂN KIỆN LỊCH SỬ SOI SÁNG VIỆC NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, trước khi đi xa đã để lại cho dân tộc ta một văn kiện lịch sử đặc biệt, một bảo vật quốc gia, di sản vô cùng quý giá đó là Di chúc của Người. Dù Di chúc chỉ hơn 1.400 chữ, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành để nói về Đảng đầu tiên, trong đó Người nhấn mạnh một cách đặc biệt nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Di chúc của Người tiếp tục soi sáng việc nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, hướng tới “Mổi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư..., là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”[1. Tr.622]
1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Văn kiện lịch sử đặc biệt, bảo vật quốc gia
Trong số rất nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đặc biệt Di chúc là một tác phẩm được Người viết lâu nhất, trong 4 năm. Khởi thảo ngày 10-5-1965 (năm Người tròn 75 tuổi) và Người xem lại lần cuối vào ngày 19-5-1969, đúng vào ngày kỷ niệm lần thứ 79 ngày sinh của Người. Trong 4 năm ấy, năm nào cũng vậy, Người chỉ dành một khoảng thời gian vào dịp sinh nhật, từ ngày 10 đến 19-5 và chọn từ 9 đến 10 giờ sáng - giờ minh mẫn với những giây phút tốt lành, thăng hoa của con người, để suy ngẫm, trăn trở viết, xem lại và sửa chữa, bổ sung... Quá trình đó thể hiện tâm nguyện, tình cảm, cẩn trọng, trách nhiệm của Người với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mang nét độc đáo riêng, cho dù bút tích Người ghi rõ “Tuyệt đối bí mật”, nhưng đây là tài liệu được công bố rộng rãi nhất ngay từ lần đầu tiên vào những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh cả ở trong nước và nước ngoài. Di chúc của Người đã được đăng tải trang trọng ở trang nhất nhiều tờ báo lớn trên thế giới sau ngày 9-9-1969 - ngày Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.
Mặc dù được Người khiêm nhường chỉ gọi đó là một bức thư, “tôi để lại mấy lời này cho đồng bào, đồng chí”, nhưng Di chúc lại là văn kiện lịch sử đặc biệt, gần như một cương lĩnh chính trị. Tư tưởng chủ đạo và bao trùm trong Di chúc là tư tưởng: Không có gì quý hơn độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dân chủ và dân giàu, nước mạnh, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, vì hạnh phúc của con người. Di chúc của Người đã chứa đựng nội dung của một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế. Đồng thời, là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển, định hướng cho bước đường phát triển của cách mạng Việt Nam trong tương lai mà mục tiêu cao nhất là hướng tới quyền làm chủ và hạnh phúc của nhân dân. Nội dung cơ bản ấy được thể hiện trên những vấn đề: Về niềm tin và quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ, xâm lược để giành mục tiêu độc lập dân tộc, hoà bình, thống nhất Tổ quốc; Về việc khắc phục hậu quả chiến tranh và quan tâm chăm lo các tầng lớp trong xã hội; Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, nâng cao đời sống con người; Về động lực phát triển và mục tiêu hướng tới: độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh; Về cải cách, đổi mới, chống trì trệ, bảo thủ hư hỏng và mở rộng dân chủ; Về chỉnh đốn lại Đảng trong điều kiện cầm quyền và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; Về đoàn kết thống nhất trong Đảng, trong nhân dân và đoàn kết quốc tế; Về chăm lo bồi dưỡng lực lượng cách mạng cho đời sau; Về phong trào cộng sản thế giới và về việc riêng của Người.
Chính sự cẩn trọng, sửa chữa, bổ sung nhiều lần và với tư tưởng chủ đạo, bao trùm bởi những nội dung cơ bản toàn diện thể hiện một đại tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, về Đảng, về dân, về nước, về quốc tế và là một thiết kế lý luận về đổi mới và phát triển của đất nước trong tương lai nên Di chúc của Người đã thực sự là một văn kiện lịch sử đặc biệt, di sản vô giá. Và, cũng chính những điều đó mà Di chúc của Người đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia ngay từ đợt 1 vào đầu tháng 10 – 2012 [2].
2. Di chúc là công trình lý luận về xây dựng Đảng cầm quyền
Trong Di chúc, với 1.431 chữ, gồm 5 nội dung chính, nhưng Hồ Chí Minh đã cân nhắc và dành để viết “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG” với 108 chữ. Người nhấn mạnh: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”, đây là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Người khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”. Vì thế, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Di chúc của Người đã tập trung nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: “...cần phải giữ sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Trong Đảng phải “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để “củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phảỉ có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, hết lòng phục vụ nhân dân.
Tiến hành cách mạng Việt Nam là thực hiện một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu, đòi hỏi tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, Đảng cầm quyền phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là phải thực hiện bồi dưỡng cho thanh, thiếu niên lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cách mạng Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời cách mạng thế giới. Sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế. Người căn dặn trong Di chúc “về phong trào cộng sản thế giới” chính là những định hướng quan trọng cho hoạt động đối ngoại của Đảng, trong đó nguyên tắc đoàn kết quốc tế phải dựa trên “nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.
3. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng quá trình nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay
Được soi sáng bởi những tư tưởng và chỉ dẫn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng nói chung và nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên nói riêng, trong công tác đổi mới, chỉnh đốn Đảng những năm gần đây, Đảng ta đặc biệt chú trọng chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khoá XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã chú trọng tới việc xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, tại Đại hội lần thứ XII (2016), lần đầu tiên Đảng ta xác định cùng với nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức còn phải xây dựng Đảng về đạo đức. Đặc biệt, với thái độ nghiêm túc và quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư (khoá XII) ra Nghị quyết về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đã nhận diện đúng và lần đầu tiên chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Xem xét, đối chiếu những biểu hiện cụ thể này hoàn toàn thuộc những vấn đề về tư cách, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc.
Từ chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” thì việc chỉ ra khuyết điểm để mau chóng sửa chữa làm cho Đảng “mạnh khỏe, chắc chắn” là hết sức cần thiết. Trên cơ sở nhận diện đúng các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu, quan điểm và đặc biệt lựa chọn 4 nhóm nhiệm vụ với 29 giải pháp hết sức cụ thể để đấu tranh ngăn chặn, khắc phục những khuyết điểm, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Cùng với đó, Đảng còn ban hành Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 về Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương. Tiếp tục quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Đảng ta có Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Quán triệt và thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tư (khoá XII) và thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới theo Quy định số 144-QĐ/TW, cùng với trách nhiệm nêu gương, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần phải dành thời gian suy ngẫm về những điều chỉ dẫn trong Di chúc của Người. Từ đó, tự đối chiếu với tiêu chuẩn, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, nghiêm túc tìm ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” theo 27 biểu hiện mà Đảng đã chỉ ra để tích cực sửa chữa, khắc phục và thực hiện tốt 19 chuẩn mực thuộc 5 điều của Quy định số 144-QĐ/TW.
Thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh, ngăn ngừa, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, về “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ hiện nay chính là việc kiên quyết thực hiện theo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra cách đây 55 năm trong Di chúc làm cho mỗi cán bộ, đảng viên: “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.
Dưới ánh sáng của những tư tưởng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong Di chúc của Người, để nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đòi hỏi các tổ chức đảng mà trước hết là các cấp uỷ, người đứng đầu tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương lần thứ tư (khoá XII) và trách nhiệm nêu gương theo Quy định số 08- QĐ/TW, cùng những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Quy định số 144-QĐ/TW. Trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản:
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Phải coi đây là công việc thường xuyên của mọi tổ chức đảng, của mọi cán bộ, đảng viên, của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị. Quá trình đó phải luôn gắn chặt với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái “lợi ích nhóm” và tình trạng “ba hoa” nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân về phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Tăng cường hơn nữa cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ một số cán bộ, đảng viên của Đảng “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành... Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ... mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[1, tr.547]. Do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm, nó làm cho suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên; nó thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” càng diễn biến phức tạp, làm suy yếu sức mạnh của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đoàn kết thống nhất trong Đảng, gây thách thức lớn đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Do đó, quán triệt và làm theo những chỉ dẫn trong Di chúc của Người về nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, đòi hỏi toàn Đảng và mỗi đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền phải đặt lợi ích của nước, của dân lên trên hết. Phải đẩy mạnh đấu tranh nhằm “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nêu cao tính tổ chức và tính kỷ luật, kiên quyết chống những biểu hiện lối sống cơ hội, thực dụng, ngăn ngừa và đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”.
“Thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” trong Đảng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, những biểu hiện lối sống thực dụng, cơ hội trong cán bộ, đảng viên sẽ không được ngăn chặn và đẩy lùi, nếu chúng ta không thực hiện tốt việc “thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” như Chu tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc năm xưa và Nghị quyết Trung ương lần thứ tư (khoá XII) đã chỉ ra hiện nay. Điều hết sức cơ bản trong nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là phải thường xuyên nghiêm túc tự phê bình và phê bình, ngăn ngừa những biểu hiện mới xâm lấn và đẩy lùi, đi tới xoá bỏ những biểu hiện suy thoái đang tồn tại hiện nay. Không thường xuyên nghiêm túc, kiên quyết phê bình và tự phê bình và đi tới sửa chữa khuyết điểm thì cũng như giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh càng nặng thêm, nguy cơ đến tính mạng như Người đã chỉ ra.
Tự phê bình và phê bình trong Đảng là nhằm hướng tới làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận ra những khuyết điểm, giúp nhau sửa chữa và khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, qua đó mà tiến bộ, đoàn kết thống nhất trong Đảng được tăng cường. Vì thế, tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất, “là thang thuốc hay nhất” để chữa chạy khuyết điểm góp phần nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay.
Trong tình hình hiện nay và những năm tới, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương lần thứ tư khoá XII, Kết luận số 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục thực hiện “thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc. Chỉ có như thế mới góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chống những biểu hiện lối sống cơ hội, thực dụng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong tình hình mới.
Hơn nửa thế kỷ đã qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành với Đảng, với nhân dân, soi sáng cho cách mạng Việt Nam trên chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử ấy, dưới ánh sáng của Di chúc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng xây dựng củng cố, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chăm lo nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên để họ thật sự xứng đáng là “người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, như chỉ dẫn trong Di chúc của Người. Nhờ đó, họ luôn tiên phong, gương mẫu, lãnh đạo nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và hiện nay là đổi mới toàn diện đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Thành tựu của công cuộc đổi mới gần 40 năm qua trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội hôm nay là minh chứng hùng hồn khẳng định tính chân lý về con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc, đã và đang từng bước hoàn thành ước nguyện cuối cùng trong Di chúc của Người về một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh, sánh ngang với các cường quốc năm châu.
Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, HN, 2011.
[2]. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1426/QĐ-TTg, ngày 01-10-2012, về việc công nhận bảo vật quốc gia, HN, 2012.
Đại tá, PGS,TS,NGƯT NGUYỄN XUÂN TÚ
Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự