Đề xuất bỏ đại học quốc gia và đại học vùng: Cần xem lại mô hình đại học hai cấp
TCGCVN - Tại tọa đàm góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu lại mô hình tổ chức các đại học quốc gia và đại học vùng hiện nay, với đề xuất xóa bỏ mô hình đại học hai cấp để tăng hiệu quả quản trị và thúc đẩy tự chủ.
Một số đại biểu cho rằng mô hình đại học hai cấp hiện đang gây cản trở cho các trường đại học thành viên trong quá trình phát triển và triển khai cơ chế tự chủ. Theo đó, các trường thành viên vừa chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, vừa chịu sự điều hành từ đại học chủ quản, tạo ra sự chồng chéo trong quản lý.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn (Ảnh: Ngọc Trang)
Có ý kiến chỉ ra rằng mô hình đại học hai cấp không phổ biến trên thế giới và việc áp dụng tại Việt Nam hiện nay gây khó khăn trong việc giải thích, hợp tác với các đối tác quốc tế. Việc tồn tại một đại học chủ quản bao trùm nhiều trường thành viên được cho là thiếu linh hoạt và chưa phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục đại học hiện đại.
Đánh giá tác động chính sách của Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng chỉ ra những khó khăn trong việc vận hành mô hình đại học hai cấp. Nhiều hội đồng trường chưa phát huy đầy đủ vai trò, việc các đơn vị có tư cách pháp nhân trực thuộc nhau khiến cơ chế tổ chức và quản lý trở nên phức tạp, dễ phát sinh rủi ro.
Một số ý kiến đề xuất rằng, thay vì duy trì mô hình hiện nay, nên tổ chức lại theo hướng mỗi trường là một đơn vị độc lập, có quyền tự chủ như nhau. Đồng thời, cần sắp xếp lại các trường đại học có quy mô nhỏ để đảm bảo hiệu quả trong đầu tư, phát triển đội ngũ và tài chính.
Trước các ý kiến tại tọa đàm, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết những vấn đề đặt ra chủ yếu liên quan đến cách thức tổ chức, quản trị bên trong của các đại học, chứ không phải là việc xóa bỏ đại học quốc gia hay đại học vùng. Các đại học này vẫn giữ vai trò đặc thù trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Bộ cũng cho biết đang lắng nghe các đề xuất để tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức phù hợp hơn với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Việc thay đổi sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và vẫn giữ được sự linh hoạt trong quản lý.
Thu Hà