CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN GÓP PHẦN LÀM NÊN THẮNG LỢI CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH LỊCH SỬ
TCGCVN - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là chiến dịch tiến công chiến lược có quy mô lớn nhất, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là kết quả của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, sự hy sinh anh dũng của quân và dân ta, thể hiện đỉnh cao nghệ thuật điều hành tác chiến chiến dịch của quân đội ta, trong đó công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh tinh thần, động viên toàn dân, toàn quân ta tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, dành thắng lợi vẻ vang.
Các nhà tư tưởng Mácxít khẳng định: "Vai trò của công tác tuyên truyền chính là làm cho lý luận thâm nhập vào quần chúng để qua đó trở thành lực lượng vật chất". Tuyên truyền là một con đường, biện pháp giáo dục quan trọng nhất tạo nên nhân tố chính trị tinh thần của bộ đội. V.I. Lê-nin đã khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tuyên truyền có bước phát triển cả về nội dung và hình thức, trở thành nhân tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Theo đó, công tác tuyên truyền đã cổ vũ, động viên tinh thần, quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, trong đó nhấn mạnh mục tiêu chính nghĩa của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ hoà bình, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền cũng đã vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ và bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược. Từ đó, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc.
Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng để toàn quân, toàn dân quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của đảng, làm cho mọi tổ chức, mọi lực lượng thấm, ngấm và triển khai thực hiện có hiệu quả đường lối quân sự của đảng; làm rõ nét tư tưởng chỉ đạo "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" và nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta. Nhờ đó mà bức Điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng" đã được truyền đến cán bộ, chiến sĩ như một lời hịch của non sông, đất nước. Công tác tuyên truyền còn làm nổi bật vai trò của Đảng trong xây dựng, củng cố hậu phương vững chắc, góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến.
Nhờ có công tác tuyên truyền mà tinh thần đại đoàn kết dân tộc, ý chí quật cường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của mọi tầng lớp nhân dân lại được kết thành một làn sóng to lớn, mạnh mẽ với với tinh thần "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; "xe chưa qua, nhà không tiếc" để chi viện cho miền Nam ruột thịt, cùng với sự hy sinh anh dũng của quân dân miền Nam đã làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền đã thúc đẩy phong trào "toàn dân đánh giặc", "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà là một pháo đài" tạo nên sức mạnh kiên trung, anh dũng, để nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Công tác tuyên truyền đã kịp thời thông tin đến nhân dân cả nước những chiến công lớn của quân, dân miền Nam, tạo động lực và tinh thần to lớn để mỗi người nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam giành thắng lợi. Những gương chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ, đồng bào miền Nam được lan tỏa rộng rãi, như mẹ Nguyễn Thị Suốt, anh Nguyễn Văn Trỗi, chị Võ Thị Sáu... đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của khí phách kiên trung con người Việt Nam trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác tuyên truyền còn là một mũi nhọn sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần cô lập và phân hóa lực lượng địch, thúc đẩy quá trình tan rã của chúng. Thông qua các hình thức tuyên truyền, ta đã làm cho đối phương nhận rõ tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược, tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta để đối phương hoang mang về tư tưởng, từ bỏ hàng ngũ địch, quay súng chống lại chính quyền Sài Gòn, trở về với nhân dân, với Tổ quốc. Cùng với đó, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng quốc tế, các hội nghị, diễn đàn, ta đã lan tỏa thông điệp về cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam một cách khéo léo để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Từ đó phong trào biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam trên đường phố Mỹ, châu Âu đã lan rộng, tạo sức ép lớn buộc chính phủ Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc, ký kết Hiệp định Paris, rút quân về nước.
Để có được hiệu quả công tác tuyên truyền Đảng ta đã quan tâm đào tạo, bối dưỡng đội ngũ, xây dựng bộ máy tuyên truyền từ trung ương đến cơ sở một cách chặt chẽ, phát huy tốt vai trò các tổ chức, các đoàn thể và từng cán bộ, đảng viên, quần chúng với phương châm mỗi chiến sĩ, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận tuyên truyền, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như văn học, nghệ thuật, báo chí, âm nhạc, cổ động trực quan, thông qua phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các hoạt động của các tổ chức, các lực lượng.
Chúng ta có thể khẳng định rằng, công tác tuyên truyền đã góp phần to lớn cùng với các hoạt động khác làm nên thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Công tác tuyên truyền đã khẳng định được vị trí, vai trò và ưu thế của mình để khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của địch, định hướng dư luận trong nước và quốc tế, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày nay, việc tiếp tục phát huy vại thế, vai trò của công tác tuyên truyền càng có ý nghĩa và tầm quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, cổ vũ hành động, định hướng tư tưởng, khích lệ, động viên tinh thần, làm nền tảng để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
Thượng tá Hoàng Anh Tuấn Học viện Chính trị