Chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ trong Giáo dục Đại học
TCGCVN - Hiện nay, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chú trọng vào công tác dạy ngoại ngữ cho sinh viên, nâng cao yêu cầu chuẩn đầu ra, đảm bảo cơ hội việc làm.
Tổ chức các cuộc thi Ngoại Ngữ
Với xu thế hiện đại hoá - toàn cầu hoá như hiện nay, để tăng cơ hội học tập, làm việc trong nước và nước ngoài, nhiều trường đại học, cao đẳng đã chú trọng vào công tác dạy ngoại ngữ cho sinh viên, nâng cao yêu cầu chuẩn đầu ra. Cùng với đó, ngay từ năm nhất đã phân loại năng lực trình độ ngoại ngữ của sinh viên để có hướng đào tạo.
Chú trọng dạy học ngoại ngữ trong Nhà trường
Không chỉ chú trọng vào công tác đào tạo chuyên ngành mà hầu hết các trường đặc biệt quan tâm đến trang bị các kỹ năng cho người học trước khi tốt nghiệp trong đó có kỹ năng ngoại ngữ; nhằm đảm bảo yêu cầu chuẩn đầu ra cũng như tăng cường cơ hội việc làm trong nước và nước ngoài.
Theo PGS.TS Phạm Thanh Huyền - Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội, ngày từ năm thứ nhất nhà trường đã kiểm tra phân loại năng lực ngoại ngữ của sinh viên để xếp lớp phù hợp với năng lực, trình độ của các em. Những sinh viên nào yếu, chúng tôi sẽ có phương án hỗ trợ, cố vấn phương pháp học. Đồng thời, nhà trường khuyến khích các em tham gia câu lạc bộ ngoại ngữ của trường để được học hỏi anh chị khóa trên, có thêm môi trường giao tiếp rèn luyện kỹ năng nghe - nói nhằm cải thiện khả năng ngoại ngữ, đạt được chuẩn đầu ra theo yêu cầu của nhà trường.
“Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến trên thế giới, do đó chúng tôi luôn chú trọng để các em có thể thành thạo 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết trước khi ra trường nhằm tăng cơ hội học tập cũng như làm việc được ở nhiều nước trên thế giới. Một xu thế hiện nay nữa là sinh viên chú trọng đa ngoại ngữ để tạo nhiều cơ hội cho bản thân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn lưu ý sinh viên các bạn cần phải có một ngoại ngữ tốt, thành thạo bốn kỹ năng để làm được ở một môi trường quốc tế, sau đó bạn bổ sung thêm ngoại ngữ khác cũng sẽ có thêm nhiều lợi thế hơn khi làm việc”, PGS.TS Phạm Thanh Huyền cho biết thêm.
Theo quy định, chuẩn đầu ra đối với môn Ngoại ngữ của các trường Đại học, Cao đẳng đều khá cao để đảm bảo năng lực cho sinh viên khi ra trường. Ví dụ: Chương trình đào tạo chuẩn sinh viên của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phải đạt 500 điểm TOEIC; chương trình tài năng 600 điểm TOEIC; chương trình tiên tiến IELTS 5.5. Đối với Học Viện Ngoại Giao yêu cầu chứng chỉ IELTS 6.0-6.5 với hệ đào tạo chuẩn, 6.5-7.0 với hệ đào tạo chất lượng cao hoặc tương đương. Đại học Kinh tế Quốc dân yêu cầu chuẩn đầu ra 5.5-6.5 IELTS hoặc tương tương.
Ngoại ngữ nâng cao cơ hội việc làm đối với doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh hoạ
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ngoại ngữ là một công cụ không thể thiếu trong quá trình học và mở ra cho sinh viên rất nhiều cơ hội về việc làm trên thị trường hiện nay.
Phạm Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Đối với những học sinh theo học khối ngành khoa học như em, việc biết ngoại ngữ là một điều bắt buộc. Bởi, khoa học kỹ thuật liên tục đổi mới hàng ngày hàng giờ, những kiến thức mới nhất trong giới học thuật thường sẽ được công bố bằng tiếng Anh. Vậy nên, việc thành thạo tiếng Anh chuyên ngành có thể khiến kiến thức cùng hiểu biết của người học sâu sắc. Từ đó, sinh viên sẽ có giá trị hơn trong mắt nhà tuyển dụng”.
Không chỉ chú trọng vào học tiếng Anh để chuẩn đầu ra trước khi tốt nghiệp, Phan Thị Oanh, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang học thêm tiếng Trung để mở rộng cơ hội việc làm sau này cho bản thân.
Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp không chỉ chú trọng vào chuyên môn mà còn đưa ra yêu cầu đối với ứng viên trong quá trình xét duyệt hồ sơ phỏng vấn về kỹ năng ngoại ngữ. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp thành thạo một hoặc nhiều ngoại ngữ là ưu thế rất lớn trong quá trình tìm kiếm việc làm cũng như phát triển bản thân trong lĩnh vực mình đang theo đuổi.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Phát triển kinh doanh, Công ty cổ phần MISA cho biết: “Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp có rất nhiều quan hệ đối tác quốc tế. Theo đó, bạn có ngoại ngữ tốt sẽ góp phần “làm giàu” môi trường làm việc, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới.
Bên cạnh đó, bạn có thể mở rộng phạm vi tìm kiếm việc làm ra các nước ngoài khi bạn có kỹ năng nghe, nói, dịch thuật tốt. Đặc biệt, ngoại ngữ tốt là con đường ngắn nhất giúp bạn thích ứng nhanh với văn hóa, môi trường làm việc mới. Từ đó, bản thân có thể mở rộng mối quan hệ”.
Bùi Bình