Các kỳ thi năm 2025: Những thay đổi bất ngờ từ Bộ GD&ĐT
TCGCVN - Bộ GD&ĐT vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng cho năm học 2024 - 2025. Trong đó, yêu cầu các địa phương và cơ sở giáo dục tập trung chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, cùng với các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế.
Năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ bước sang một trang mới khi được tổ chức dựa trên Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhằm đảm bảo sự thành công của kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ động của UBND các cấp tỉnh và sở Giáo dục và Đào tạo.
Bộ GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ( Ảnh minh họa)
Cụ thể, các địa phương cần xây dựng và triển khai một cách chặt chẽ, kịp thời các quy định về tổ chức thi, đồng thời tích cực lắng nghe ý kiến đóng góp từ cơ sở để hoàn thiện quy chế và các văn bản hướng dẫn liên quan. Việc đánh giá tác động của các quy định mới đối với từng địa phương cũng được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch và đạt hiệu quả cao nhất.
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của kỳ thi. Việc tổ chức các hội thảo, workshop trực tuyến để tập huấn cho giáo viên xây dựng ngân hàng câu hỏi mở là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Đồng thời, các địa phương tích cực ứng dụng các phần mềm quản lý thi hiện đại, như phần mềm chấm điểm tự động, nhằm đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Qua việc phân tích dữ liệu kết quả thi, các cơ sở giáo dục có thể xác định được những điểm mạnh, điểm yếu để từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học.
Việt Nam tham gia khảo sát PISA trên máy tính năm 2025
Là một cơ hội quan trọng để đánh giá chất lượng giáo dục của nước nhà so với các quốc gia khác. Để đạt được kết quả tốt nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị, bao gồm đào tạo cán bộ, nâng cấp cơ sở vật chất và xây dựng ngân hàng câu hỏi chất lượng cao.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc huy động sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực và thu thập dữ liệu, các địa phương cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của phụ huynh học sinh về tầm quan trọng của khảo sát PISA, từ đó tạo được sự đồng thuận và hợp tác tích cực.
PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) là một chương trình đánh giá toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, diễn ra ba năm một lần, nhằm đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi trong ba lĩnh vực: đọc hiểu, toán học, và khoa học.
Chu kỳ đầu tiên của PISA diễn ra vào năm 2000. Ban đầu, các bài thi PISA được thực hiện trên giấy, nhưng đến năm 2018, hầu hết các quốc gia đã chuyển sang hình thức thi trên máy tính, chỉ còn lại 9 quốc gia, bao gồm Việt Nam, vẫn duy trì thi trên giấy.
Năm 2025 sẽ đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam tham gia PISA với hình thức thi trên máy tính. Sự chuyển đổi này được kỳ vọng sẽ loại bỏ sự khác biệt đã từng xảy ra ở các chu kỳ trước, khi kết quả thi trên giấy của học sinh Việt Nam có sự chênh lệch đáng kể so với các quốc gia OECD thi trên máy tính, dẫn đến mô hình kết quả khác biệt (misfit) so với các nước OECD.
Huyền Vy