BỒI DƯỠNG VĂN HÓA PHÁP LUẬT CHO SĨ QUAN TRẺ Ở CÁC TRUNG ĐOÀN BỘ BINH TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM HIỆN NAY
1. Đặt vấn đề
Văn hóa pháp luật là một trong những phẩm chất cơ bản của nhân cách, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, tự giác thực hiện những quy tắc, quy định theo chuẩn mực xã hội và kỷ cương, phép nước. Đối với sĩ quan trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, văn hóa pháp luật là yếu tố quan trọng giúp cho mỗi cá nhân tự hoàn thiện bản thân, bảo đảm cho việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Tọa đàm về sĩ quan trẻ trong thời kỳ mới
Những năm qua, đại bộ phận sĩ quan trẻ ở các trung đoàn bộ binh trong quân đội đã tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện bản thân, hăng hái xung phong thực hiện các nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, vất vả, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, lập nhiều thành tíchb và được tuyên dương gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân và toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một bộ phận sĩ quan trẻ còn biểu hiện coi trọng lợi ích cá nhân, ngại khó khăn, gian khổ, ngại tu dưỡng, rèn luyện kỷ luật, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín, sức mạnh chiến đấu của quân đội và đơn vị. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho sĩ quan trẻ ở các trung đoàn bộ binh trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay đang là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
2. Nội dung bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho sĩ quan trẻ hiện nay
Thứ nhất, bồi dưỡng nâng cao nhận thức pháp luật mang tính chân, thiện, mỹ
Đây là yếu tố rất đầu tiên cấu thành văn hóa pháp luật của sĩ quan trẻ, là cơ sở, tiền đề cho việc bồi dưỡng văn hóa pháp luật của họ. Những tri thức pháp luật mang tính chân, thiện, mỹ của sĩ quan trẻ ở các trung đoàn bộ binh có được chủ yếu thông qua chương trình, nội dung giáo dục - đào tạo của Nhà trường trước khi tốt nghiệp và trong quá trình công tác ở đơn vị. Nó được xuất phát từ mục đích cao đẹp trong quá trình tiếp nhận, lĩnh hội tri thức pháp luật để có sự hiểu biết nhằm hình thành tình cảm, niềm tin pháp luật đúng đắn và điều chỉnh hành vi của mình tuân theo pháp luật, kỷ luật. Hiểu biết pháp luật vì mục đích hoàn thiện nhân cách sĩ quan và để điều chỉnh hành vi của mình một cách tự giác theo pháp luật chứ không vì mục đích tiêu cực, vụ lợi. Tri thức pháp luật của sĩ quan trẻ không chỉ là sự hiểu biết về hệ thống tổ chức xã hội với tính đa dạng, phức tạp của các mối quan hệ xã hội mà còn là những hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về công tác chỉ huy, quản lý đơn vị, quản lý con người ở các trung đoàn bộ binh, giúp cho sĩ quan trẻ ngày càng có nhận thức đúng đắn, toàn diện hơn về tính tất yếu phải tuân thủ pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị.
Thứ hai, định hướng tình cảm pháp luật mang tính chân, thiện, mỹ
Tình cảm pháp luật của sĩ quan trẻ là một yếu tố rất quan trọng trong cấu trúc của văn hóa pháp luật. Bởi nếu thiếu đi tình cảm pháp luật tích cực thì những tri thức pháp luật có được sẽ không được hiện thực hóa thành những hành vi và thói quen, lối sống theo pháp luật. V.I.Lênin đã khẳng định: Không có sự xúc cảm của con người thì xưa nay không có và không thể có sự tìm tòi chân lý. Tình cảm pháp luật mang tính chân, thiện, mỹ của sĩ quan trẻ được thể hiện ở thái độ tích cực, hành vi chấp hành một cách tự giác các điều luật của pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị và được biểu hiện cụ thể ở sự tán thành, thiện cảm, hài lòng, hành động đúng đắn của sĩ quan trẻ đối với các vấn đề pháp luật.
Thứ ba, xây dựng niềm tin pháp luật mang tính khoa học, các mạng
Niềm tin pháp luật là một thành tố phản ánh mức độ bền vững bên trong của văn hóa pháp luật. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào mục đích, ý nghĩa, tính tất yếu của việc giữ nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội ở đơn vị; tin tưởng vào bản chất khoa học, nghiêm minh và tính thực thi của pháp luật, kỷ luật; vững tin vào khả năng, hành vi chấp hành tự giác, nghiêm minh theo điều luật của pháp luật, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Niềm tin pháp luật mang tính khoa học, cách mạng của sĩ quan trẻ là cơ sở để củng cố tình cảm, phát triển ý chí quyết tâm, hình thành hành vi, lối sống theo pháp luật của họ. Niềm tin pháp luật của sĩ quan trẻ ở các trung đoàn bộ binh được hình thành thông qua con đường học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng trong môi trường công tác của mỗi cá nhân theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
Thứ tư, phát triển ý chí pháp luật cho sĩ quan trẻ
Ý chí pháp luật là mặt năng động của ý thức pháp luật, là phương tiện, hình thức điều chỉnh hành vi của sĩ quan trẻ một cách tích cực nhất theo chuẩn mực của văn hóa pháp luật. Cũng như ý chí của con người nói chung, ý chí pháp luật của sĩ quan trẻ có hai chức năng cơ bản là: Chức năng thúc đẩy và chức năng kiềm chế hành vi. Tùy theo những tình huống cụ thể mà sĩ quan trẻ huy động ý chí của mình để kiên quyết hành động, hoặc kiềm chế hành vi của mình để giữ vững những chuẩn mực pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị. Ý chí pháp luật mang tính chân, thiện, mỹ của sĩ quan trẻ được biểu hiện sâu sắc nhất thông qua ý chí quyết tâm học tập, rèn luyện của bản thân, biết kiềm chế và tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị. Qua đó, giúp cho sĩ quan trẻ có được bản lĩnh đấu tranh thẳng thắn, trung thực khắc phục những nhận thức sai và những toan tính chấp hành không nghiêm, vi phạm pháp luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội và quy định của đơn vị.
Thứ năm, rèn luyện thói quen hành vi chấp hành pháp luật của sĩ quan trẻ
Thói quen hành vi chấp hành pháp luật là thành tố biểu hiện cao nhất của văn hóa pháp luật. Đây là những hành động mang ý nghĩa tích cực, có ý thức tự giác của sĩ quan trẻ diễn ra trong môi trường có sự điều chỉnh của pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị. Hành vi chấp hành pháp luật của sĩ quan trẻ được coi là tích cực, hợp pháp chỉ khi nó dựa trên cơ sở những tri thức, tình cảm, niềm tin pháp luật đúng đắn, phù hợp với xã hội và môi trường đặc thù của hoạt động quân sự. Người có trình độ văn hóa pháp luật cao khi và chỉ khi hành vi chấp hành pháp luật của họ đạt đến trình độ tự giác. Vì vậy, hành vi chấp hành pháp luật mang tính chân, thiện, mỹ thể hiện trình độ văn hóa pháp luật cao và được xã hội tôn trọng. Bởi, hành vi chấp hành pháp luật thể hiện động cơ hành vi bên trong của chủ thể và phản ánh nhu cầu tiến bộ của xã hội.
Thứ sáu, hình thành năng lực ứng xử có văn hóa trong các quan hệ pháp luật
Đây là tổng thể những cách thức, biện pháp ứng xử và giao tiếp có văn hóa trong các quan hệ pháp luật mà sĩ quan trẻ tham gia; thể hiện thái độ tích cực của sĩ quan trẻ ở các trung đoàn bộ binh trong chấp hành các chuẩn mực của pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, mệnh lệnh của người chỉ huy; thái độ trong giải quyết các mối quan hệ với mọi người và với chính bản thân mình, ở tính tích cực, biết làm chủ và sự nghiêm khắc tự ghép mình vào các yêu cầu của pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị. Thói quen, lối sống theo pháp luật trong học tập, rèn luyện và cuộc sống hàng ngày là tổng hòa những nét cơ bản đặc trưng cho hoạt động học tập, rèn luyện, lao động và sinh hoạt hàng ngày tuân theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định ở đơn vị của sĩ quan trẻ. Lối sống theo pháp luật là một loại hình của lối sống, trong đó, dựa trên nền tảng ý thức pháp luật tiên tiến, sĩ quan trẻ thực hiện hành vi của mình sao cho phù hợp với các giá trị, chuẩn mực pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội và quy định của đơn vị.
3. Kết luận
Bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho sĩ quan trẻ trong quân đội vừa có tác dụng đóng góp vào quá trình sáng tạo ra các giá trị pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, quy định của đơn vị, vừa là quá trình tiếp nhận và phát huy các giá trị đó trong thực tiễn học tập, công tác của sĩ quan trẻ, mà đỉnh cao của nó là “sống, học tập, lao động theo Hiến pháp và pháp luật”. Văn hóa pháp luật của sĩ quan trẻ không phải tự nhiên hình thành mà là kết quả của quá trình học tập, tu dưỡng, rèn luyện nghiêm túc để thẩm thấu những giá trị văn hóa pháp luật vào cuộc sống của sĩ quan trẻ. Chính vì vậy, cần tiếp tục bồi dưỡng văn hóa pháp luật cho sĩ quan trẻ để họ từng bước hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, xứng đáng là người sĩ quan trẻ trong quân đội “vừa hồng, vừa chuyên”.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Văn Bằng, Xây dựng môi trường văn hoá pháp luật đơn vị học viên ở Học viện Chính trị quân sự, Luận văn thạc sĩ Chính trị học, Học viện Chính trị quân sự, Hà Nội, 2006.
2. Đại học Luật, Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
4. Đảng bộ Quân khu 4, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu IV lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghệ An.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thúy
Phòng Chính trị, Học viện Chính trị