Bẫy lừa đảo trực tuyến, các phụ huynh lưu ý khi đăng ký các lớp học hè cho con
TCGCVN - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vừa điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến nhằm chiếm đoạt tài sản.
Hè là dịp mà nhiều phụ huynh cho con tham gia các khóa học kỹ năng mềm để làm sao vừa thuận tiện cho công việc vừa để trẻ không lãng phí kỳ nghỉ dài. Lợi dụng nhu cầu này, các đối tượng lừa đảo đã tạo ra các tài khoản giả mạo để lừa đảo những phụ huynh nhẹ dạ…
Giả mạo “trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND”
Thời gian gần đây, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang đăng tin giới thiệu sẽ tổ chức chương trình trại hè cho học sinh trên địa bàn.
Hình ảnh tài khoản giả mạo
Kẻ xấu tạo các tài khoản trên mạng như: “Trại hè kỹ năng - Học kỳ CAND”, “Trại hè học kỳ quân đội”, “Trại hè hướng nghiệp hàng không”... với giao diện, địa chỉ, số điện thoại giống với thông tin của các cơ quan Công an, Quân đội, Hãng hàng không Vietnam Airlines.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo, người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung như trên cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cung cấp giấy tờ, tài liệu chứng minh tính hợp pháp. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất cứ ai nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.
Mạo danh VTV để lừa đảo
Mới đây, xuất hiện chương trình "Cuộc Thi Ảnh Khoảnh Khắc Yêu Thương Mẹ và Bé" có dấu hiệu lừa đảo khi mạo danh VTV và bắt người chơi phải tham gia "mua hàng nhà tài trợ".
Fanpage giả mạo VTV
Theo thông tin từ Fanpage này, để tham dự cuộc thi, phụ huynh cần gửi 1 ảnh của mẹ (bà) và bé chụp cùng nhau cho trang Fanpage của BTC kèm lời tâm sự, lời chúc hay lời nhắn ý nghĩa đến các con. Phần thưởng cuộc thi lên tới 50 triệu đồng.
Thế nhưng khi phụ huynh liên hệ đăng ký tham gia, một người phụ trách tự xưng tên Nguyễn Hữu Trí hướng dẫn nếu tham gia chương trình, phải mua hàng của công ty "Vua hàng hiệu" sau đó bên "Vua hàng hiệu" sẽ thanh toán lại và "thưởng" thêm phần trăm cho người chơi.
Trang bị kiến thức kỹ năng mềm cho con là một việc làm rất thiết thực, tuy nhiên, các phụ huynh cần cập nhật thường xuyên các trang tin chính thống để không rơi vào vòng xoáy cạm bẫy.
Những hình thức dẫn dụ lừa đảo phổ biến trên không gian mạng nhắm vào đối tượng phụ huynh học sinh gồm: Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake. Lừa đảo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao. Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu. Lừa đảo tuyển người mẫu nhí Phát tán tin nhắn lừa đảo giả mạo Brandname.
Người dân cần thực hiện xác minh và tìm hiểu kỹ các thông tin về chương trình tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực. Không thực hiện theo yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng đặc biệt là giao dịch chuyển tiền.
Linh Tuệ