Bạo lực học đường: Báo động một “quy luật ngầm”
Do bất đồng quan điểm với một nhóm bạn cùng lớp học, em B.L.K.P (Học sinh lớp 8A, trường THCS Lạc Thịnh, xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình), trên đường từ nhà đến trường tập văn nghệ đã bị nhóm bạn đánh hội đồng dã man.
Nguyên nhân chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ:
Theo trình bày của gia đình, vào khoảng 14h ngày 07/5/2023, em P trong khi đang trên đường từ nhà đến trường để tập diễn văn nghệ (chương trình do Nhà trường tổ chức) thì bị một nhóm, gồm 07 bạn học cùng lớp ép, bắt ngồi lên xe máy rồi đưa đến khu vực xóm Cọ, xã Lạc Thịnh để đánh. Nguyên nhân do P thường livestream bán hàng cho mẹ; thấy vậy một nhóm bạn đã tẩy chay, thường xuyên chửi, xúc phạm danh dự của P và yêu cầu P không được livestream nữa. Tuy đã giải thích và cho rằng việc livestream bán hàng cho mẹ không liên quan, cũng như không làm ảnh hưởng gì đến các bạn nên P vân cứ tiếp tục livestream. Và sau nhiều lần đe dọa không được nên đã dẫn đến sự việc nêu trên.
Chia sẻ với P, việc em bị đánh vào ngày hôm đó đã được nhóm bạn chuẩn bị từ vài hôm trước, và được coi đó là một sự “trừng phạt” cho kẻ bị tẩy chay. Theo yêu cầu của nhóm bạn đưa ra, P phải chấp nhận một trận đòn; và nhóm này còn đưa ra điều kiện với P: Việc P bị chửi rủa hoặc bị đánh đập không được nói với bất kỳ ai (đặc biệt là gia đình và Nhà trường); nếu sự việc bị bại lộ thì P sẽ phải lĩnh rất nhiều hậu quả khủng khiếp sau này. Do quá khiếp sợ nên tuy bị nhóm bạn thường xuyên chủi bới, xúc phạm danh dự và khủng bố tinh thần, P vẫn âm thầm chịu đựng một mình trong thời gian dài.
Như kế hoạch, vào khoảng 14h ngày 07/5/2023, P bị nhóm bạn gồm 07 người ép ngồi lên xe máy rồi đưa đến khu vực vắng vẻ tại xóm Cọ, xã Lạc Thịnh để đánh. Tại đây, sau khi đã chủi rủa chán chê, nhóm bạn đã lao vào đánh P không thương tiếc như giật tóc, tát, đấm đá và dẫm đạp lên toàn bộ cơ thể của P khi em đang quằn quại dưới chân nhóm bạn vì đau đớn... Khổ thân cho cô bé, lúc đó chỉ biết ôm đầu, ôm bụng chịu trận; miệng luôn van xin hoặc kêu, rên lên những tiếng kêu đau đớn. Thậm trí trong lúc P đang rên rỉ, nhóm này còn lột áo của em rồi livestream, gửi các hình ảnh của trận đánh cho các bạn cùng lớp học. Sau 15p đánh đập, chỉ khi P gục ngã và ngất lịm, nhóm này mới chịu thôi. Sau sự kiện khủng khiếp này, P và người mẹ thân yêu của em đã thực sự bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Bản thân P không còn muốn đến trường để tiếp tục học nữa, bởi em vừa bị quá khủng hoảng về tinh thần, lại vừa xấu hổ bởi hình ảnh “lột áo” và đánh đập em đã bị phơi bày trên mạng xã hội.
Báo động một “quy luật ngầm”
Qua tìm hiểu, phóng viên được biết, hiện đang có một hiện tượng được coi như “quy luật ngầm” tại Nhà trường. Đó là khi một bạn nào đó bị nhóm bạn tẩy chay thì mọi sự chỉ trích, xa lánh, thậm chí bị đánh đập cũng đều phải âm thầm chịu đựng, tự nguyện chịu trận mà không được nói cho bất kỳ ai (kể cả người thân). Trong trường hợp nếu sự việc bị tiết lộ thông tin thì người bạn đó sẽ phải chịu những hậu quả khủng khiếp.
Trao đổi với bà Tạ Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Thịnh, được biết Trường THCS Lạc Thịnh là trường điểm trong khu vực. Hàng năm, Nhà trường đều có những hoạt động, kế hoạch tuân thủ theo quy định của ngành Giáo dục như thực hiện các phong trào thi đua; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục; phổ biến pháp luật... Sự việc bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra như trên là điều đáng tiếc, nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà trường và hiếm khi xảy ra. Bản thân em P là một học sinh ngoan, đạo đức, có học lực tốt và đang học trong lớp “chọn” của Trường. Sau khi nắm bắt được thông tin về sự việc, Hiệu trưởng và cô giáo Chủ nhiệm đã gặp gỡ, thăm hỏi và động viên em P và gia đình; triệu tập và tổ chức cuộc họp giữa gia đình của P và gia đình các em học sinh tham gia vụ việc để trao đổi, giải quyết. Riêng các em tham gia vụ việc đã được Nhà trường xử lý kỷ luật theo qui định.
Chia sẻ với bà Bùi Thị Dự, mẹ của P, bà cho biết “P là một cô bé ngoan, đạo đức và rất thương yêu mẹ. Bởi gần 10 năm nay, em phải chịu cảnh thiệt thòi vì thiếu sự chăm sóc của người cha, và chỉ có người mẹ thân yêu là niềm động viên, chia sẻ và an ủi duy nhất trong cuộc sống. Chứng kiến những hình ảnh của vụ bạo hành đối với đứa con thân yêu của mình, lòng Tôi dường như đã tan nát và rất xót xa”. Suy nghĩ về cách giải quyết vụ việc của Nhà trường, bà Dự cho rằng tuy đã nhận được sự quan tâm của Nhà trường cũng như sự chia sẻ của gia đình phía nhóm bạn cùng lớp, nhưng cách giải quyết của Nhà trường chưa được khoa học. Bởi khi P và Bà được mời lên họp cùng Nhà trường, lẽ ra em phải nhận được sự thăm hỏi ân cần của cô giáo Chủ nhiệm và sự hối hận thực sự của nhóm các bạn bạo lực kia. Nhưng tại đây, cô giáo Chủ nhiệm đã có lúc chỉ trích em cũng như thái độ của nhóm bạn vẫn “nhơn nhơn” như đầy thách thức, qua đó không những không giúp được em ổn định tinh thần mà còn gây cho em sự hoảng loạn tinh thần nặng nề thêm về sau này”.
Bạo lực học đường vẫn đang là vấn nạn trong ngành Giáo dục; và hiện nay đã có nhiều văn bản pháp luật được ban hành, cùng các chế tài xử lý mạnh mẽ. Tuy nhiên để ngăn ngừa được những điều đáng tiếc xảy ra, một trong những điều quan là rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường; đặc biệt là cách giải quyết thấu tình, đạt lý của chính nhà trường và cơ quan chức năng./.
Quang Tuấn