Ban Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THPT tỉnh Lào Cai tổ chức dạy thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương lớp 12 tỉnh Lào Cai
TCGCVN - Sở GD&ĐT Lào Cai đã ban hành các văn bản về việc tổ chức thực nghiệm tài liệu giáo dục địa phương (Gọi tắt: GDĐP) lớp 12 cấp THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Ngày 24-25/9/2024, Sở GD&ĐT Lào Cai tổ chức dạy thực nghiệm tài liệu GDĐP lớp 12 từ năm học 2024-2025 tại thị xã Sa Pa. Ban Biên soạn chọn 02 trường THPT để thực nghiệm, trường THPT số 1 thị xã Sa Pa (Lĩnh vực: Văn hoá; Lịch sử; Địa lí-Kinh tế; Chính trị-xã hội), trường PTDTNT THCS&THPT thị xã Sa Pa (Lĩnh vực Hướng nghiệp; Môi trường). Tổ chức thực nghiệm tài liệu GDĐP lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 để thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai về việc tổ chức biên soạn và thực hiện nội dung GDĐP trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Tham gia thực nghiệm tài liệu GDĐP có sự tham gia của Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả viết tài liệu GDĐP theo các lĩnh vực; các CBQL, giáo viên liên quan đến các lĩnh vực thực nghiệm của các trường THPT tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Tại trường PTDTNT THCS&THPT thị xã Sa, tổ chức dạy thực nghiệm 02 lĩnh vực: Môi trường và hướng nghiệp, gồm CBQL và giáo viên của các trường THPT thị xã Sa Pa để tổ chức góp ý tài liệu và dạy thử nghiệm. Tài liệu GDĐP lớp 12 bảo đảm cụ thể hoá mục tiêu của Chương trình GDPT 2018, góp phần giáo dục các phẩm chất và năng lực cốt lõi của học sinh; bảo đảm yêu cầu cần đạt về nội dung địa phương lớp 12; đảm bảo thiết thực, phù hợp với nhận thức, định hướng nghề nghiệp của học sinh, làm cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh; vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; được triển khai đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các trường THPT trên địa tỉnh Lào Cai.
Ban Biên soạn tài liệu GDĐP đã chuẩn bị các điều kiện, xây dựng lịch hội thảo góp ý tài liệu, phân công nhiệm vụ để chuẩn bị nội dung, cách thức triển khai dạy thực nghiệm. Trường PTDTNT THCS&THPT và trường THPT số 1 thị xã Sa Pa chủ trì, phối hợp với các trường THPT khác phân công giáo viên chuẩn bị các tiết dạy thử nghiệm với các chủ đề “Văn học hiện đại Lào Cai”, “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lào Cai giai đoạn 1991-2021”, “Chính sách xã hội ở tỉnh Lào Cai”, “Kinh tế tỉnh Lào Cai trong thời kì đổi mới”, “Stem với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Lào Cai”, “Bảo vệ môi trường ở tỉnh Lào Cai” thuộc nội dung GDĐP là nội dung giáo dục bắt buộc lớp 12, cấp THPT. Trường PTDTNT THCS&THPT và trường THPT số 1 thị xã Sa Pa đã chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thực nghiệm như phòng họp, huy động học sinh, phòng học, các thiết bị để tổ chức góp ý tài liệu, dạy thử nghiệm, lấy ý kiến phản hồi của học sinh tham gia thực nghiệm tài liệu GDDP lớp 12 (Học sinh tham gia thử nghiệm qua phiếu nêu về tính phù hợp, tường minh, yêu cầu cần đạt của tài liệu thử nghiệm; đặc biệt các em nêu mong đợi về tài liệu sau khi học thử nghiệm), tổ chức quay video giờ thực nghiệm…
Trước khi thực nghiệm tài liệu GDĐP lớp 12, Ban Biên soạn đã tổ chức họp họp giới thiệu tài liệu, mục tiêu biên soạn tài liệu và dạy thử nghiệm, ý kiến của tác giả biên soạn, dạy thử nghiệm 2 lượt với các lớp học nhận thức khác nhau để chỉnh sửa tài liệu. Sau dạy thử nghiệm lần 1, chủ biên, tác giả cùng các giáo viên tham dự cùng thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức dạy thử nghiệm, đánh giá nhận thức của học sinh; góp ý, đánh giá về lượng kiến thức, kĩ năng có phù hợp, đảm bảo các yêu cầu cần đạt đối với các đổi tượng học sinh; góp ý, đánh giá về độ chính xác, phù hợp của tài liệu. Sau đó tiến hành dạy thử nghiệm lần 2 và đánh giá mức độ phù hợp so với dạy lần 1, tiếp tục góp ý để hoàn thiện tài liệu.
Ban Biên soạn tài liệu GDĐP lớp 12, các CBQL, giáo viên tham dự thử nghiệm đánh giá chung: Chuyển bản mẫu tài liệu để nghiên cứu trước; phân công các giáo viên dạy, dự giờ dạy thử nghiệm có chuyên môn gần các lĩnh vực của bài học trong bản mẫu tài liệu giáo dục địa phương lớp 12 nghiên cứu và có ý kiến nhận xét, góp ý tài liệu; CBQL, giáo viên dự là người dự kiến sẽ dạy tài liệu trong năm học 2024-2025; lớp dạy thực nghiệm nguyên trạng học sinh hiện có, chọn lớp đa dạng đối tượng học sinh về nhận thức, giới tính, dân tộc; lớp dạy thực nghiệm lần 1 không trùng lớp dạy thực nghiệm lần 2; học sinh học thử nghiệm tham gia góp ý cho tài liệu dưới góp nhìn của người học và tài liệu viết cho người học; nhiều ý kiến phản biện của CBQL, giáo viên về tài liệu rất có giá trị để chủ biên, tác giả tiếp thu điều chỉnh sau dạy thực nghiệm.
Sau dạy thực nghiệm, các đại biểu tham gia dự giờ tiến hành thảo luận, trao đổi, nhận định về nội dung, phương pháp; gợi ý điều chỉnh những điểm cần sửa chữa phù hợp với tình hình và đặc điểm ở tỉnh Lào Cai. Qua thực nghiệm, Ban Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lào Cai đánh giá sự phù hợp của tài liệu giáo dục địa phương lớp 12 và tiếp tục chỉnh sửa và thực hiện các quy trình tiếp theo để triển khai từ năm học 2024-2025.
Đỗ Thanh Tùng,
Phòng GDTrH, Sở GD&ĐT Lào Cai