“NÚT THẮT - ĐIỂM NGHẼN - NAN ĐỀ” CỦA GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC
1. Minh triết giáo dục của Nhà Văn hóa Nguyễn Trãi
Anh hùng Dân tộc Việt /Nhà Văn hóa Nguyễn Trãi có lời thơ bất hủ:
“Nên thợ, nên thày vì có học
No ăn, no mặc bởi hay làm”
Học giả Hoàng Ngọc Hiến có nhận xét:
"Vẻn vẹn trong hai câu thơ đã đặt ra những vấn đề và những yêu cầu cơ bản nhất của cuộc sống làm người: “làm và học”, “no ăn no mặc”, “nên thợ nên thày” .
“No ăn no mặc” là điều kiện tối thiểu để phát triển,
Nên thợ nên thày” là sự đòi hỏi để phát triển năng lực nhân tính.
Trong quan niệm truyền thống “Học” được gắn với những yêu cầu “Thông kinh thuộc sử”, “Khoa danh hoạn lộ”, ở đây “Học” được gắn với
“Nên thợ Nên thày” không có sự phân biệt năng lực “làm thợ”, năng lực “làm thày”, đó là tư tưởng giáo dục học vĩ đại của Nguyễn Trãi (“Luận bàn về Minh Triết và Minh Triết Việt” Nxb Tri thức H.2011 tr 47)
Cần chú ý: Nhà Văn hóa Nguyễn Trãi đã đặt vấn đề “Nên thợ” là yêu cầu đầu tiên trong sự phát triển Nhân cách của con người
2. Minh triết giáo dục của Nguyễn Trãi một thời kỳ dài đất nước không hiện thực được do Tâm lý giáo dục “Từ chương, Ban ơn, Quyền uy” đã ngự trị trong đời sống giáo dục
Nút thắt của Giáo dục hiện nay là kiểu Sư phạm từ chương
Điểm nghẽn của Giáo dục hiện nay là kiểu Sư phạm ban ơn
Nan đề của Giáo dục hiện nay là kiểu Sư phạm chỉ huy
Học sinh học xong Trung học Cơ sở thường được định hướng học lên Trung học Phổ thông, học sinh học xong Trung học Phổ thông thường được định hướng vào các Trường Đại học
Đất nước tuy có một số Trường Đại học - Cao đẳng dạy nghề, tuy nhiên hệ thống các trường này vẫn bị xếp vào “hạng 2” trong Hệ thống giáo dục chung
Một quan điểm phổ biến hiện nay là hướng người học chọn con đường “SS" (Secondary – Superior) và coi thường con đường “PP" (Primary – Profession)
Dòng P – P (Primary – Profession), cung cấp nền học vấn phổ thông bình thường cho đại bộ phận thế hệ trẻ rồi đưa họ vào học nghề đại trà đáp ứng nhu cầu nhân lực thông thường.
Dòng S – S (Secondary – Superior), cung cấp nền học vấn phổ thông tối hảo cho một thiểu số con em các tầng lớp trên của xã hội, đưa họ thụ hưởng sự đào tạo ở các mức cao cấp nhằm có nhân lực tinh hoa của kinh tế văn hóa để bảo lưu quyền lợi của giai cấp quý tộc.
Các nhà xã hội học đã lên án hiện tượng này, vì đó là nguồn gốc tạo ra các bất ổn của xã hội.
3. Giải pháp khắc phục: Thực hiện con đường “Tam hóa”
Chúng tôi cho rằng cần phải khẩn thiết thực hiện “Tam hóa Giáo dục” để tháo gỡ “Điểm nghẽn – Nút thắt – Nan đề” giáo dục đã nêu trên
“Tam hóa Giáo dục” bao gồm: Hiện đại hóa, Dân tộc hóa và Lành mạnh hóa
3.1. Hiện đại hóa được quan điểm về “Học nghề/ Dạy nghề”, xây dựng được các chính sách thực hiện Minh triết giáo dục của Nguyễn Trãi,
của Hồ Chí Minh
Tháng 09/1949, Bác Hồ đã có Lời Huấn Đức:
“Học để làm việc,
Làm người
…
Muốn đạt mục đích, thì phải
Cần – Kiệm – Liêm – Chính
… “
(Hồ Chí Minh Toàn Tập, NXBCtQg, Học 2011, Tập 6, tr 208)
Sau lời dặn này, Bác còn mong mỏi các nhà trường phải thực hiện được "4H": "Học - Hỏi - Hiểu - Hành"
Cách đây 65 năm (ngày 31/12/1958), đến thăm Trường Trung học Chu Văn An, Người có Lời Huấn Đức:
“Do các cháu cố gắng, do các thầy, các cô giáo cố gắng, năm nay, nhất là mấy tháng gần đây các cháu có những tiến bộ khá.
Tác phong, kỷ luật, tư tưởng tiến bộ, như thế là tốt.
Tham gia Lao động như thế là tốt.
Trước nói: Lao động là vẻ vang. Nhưng các cháu hiểu: anh lao động, tôi vẻ vang. Nay hiểu: mình lao động, mình vẻ vang. Vì các cháu, các thầy, các cô trực tiếp lao động nên tinh thần đối với lao động cũng có khác.
Trước: các cháu chưa biết khó nhọc của công nhân, nông dân.
Bây giờ: các cháu biết lao động của công nông cần cù, khó nhọc.
Trước: các cháu cơm đến thì ăn, áo đến thì mặc.
Bây giờ: biết rõ làm ra cơm áo là khó nhọc.
Trước: không biết vì sao phải cần kiệm.
Nay hiểu rõ là lao động khó nhọc mới có cơm ăn, áo mặc, nên biết vì sao phải cần kiệm. Như thế là tư tưởng biến đổi.
Trước khinh lao động chân tay. Bây giờ trọng lao động chân tay và người lao động. Như thế là tư tưởng biến đổi.
Do đó, tác phong của các cháu cũng thay đổi.
Trước: đi học về vứt sách, ăn cơm rồi chơi không làm việc nhà, vì cho mình là cô là cậu học trò, nhất là học trò trường Bưởi là oai lắm.
Bây giờ các cháu đã ngăn nắp trật tự hơn.
Cũng do như thế mà chí khí các cháu tốt hơn.
Bác nói các cháu chớ giận
Trước: các cháu ăn bám bố mẹ.
Bây giờ bước đầu ít nhiều các cháu đã biết tự lực cánh sinh như làm vườn, làm mộc… Các cháu học tập những người Lao động, các cháu không muốn ăn bám bố mẹ, ăn bám xã hội.
Trước: các cháu chỉ học trong sách
Bây giờ: học và thực hành kết hợp với nhau.
Ví dụ: trước kia học về nông học, thầy và trò chỉ học trong sách vở.
Bây giờ: các cháu về nông thôn, cày cấy, trồng trọt, làm phân.
Như thế là học kết hợp với hành.
Do Lao động, tri thức tăng thêm.
Do Lao động, sức khỏe tăng hơn.
Đó là kết quả của Lao động sản xuất.
Trường học của ta là trường học xã hội chủ nghĩa. Trường học xã hội chủ nghĩa là thế nào?
Nhà trường xã hội chủ nghĩa là nhà trường:
Học đi với Lao động
Lý luận đi với Thực hành
Cần cù đi với Tiết kiệm
(Toàn tập, Hà Nội 2011, Tập 11, tr 594)
Minh triết giáo dục của Nguyễn Trãi, của Hồ Chí Minh phải không ngừng được Hiện đại hóa trong bối cảnh giáo dục nước ta đã bước vào trạng thái “VUCA”:
V: Volatility (Biến động)
U: Uncertainty (Bất định)
C: Complexity (Phức tạp)
A: Ambiguity (Mơ hồ)
Trong bối cảnh “VUCA” ngày nay trên thế giới, các nước chú ý trang bị cho con người có năng lực “4C”:
⦁ C1: Critical thinking – Năng lực Tư duy Phản biện
⦁ C2: Collaboration – Năng lực Hợp tác
⦁ C3: Communication – Năng lực Giao tiếp
⦁ C4: Creativity – Năng lực Sáng tạo
Năng lực sáng tạo hiện nay có sự chú ý đến phương thức học:
“Vừa học Vừa làm, Vừa làm Vừa học”, “Vừa là thợ, Vừa là thầy” thực hiện Learning by Doing
3.2. Việt Nam hóa các Kinh nghiệm hay của các nước trong vùng về đào tạo nghề, chú ý kinh nghiệm của Thái Lan, của Inđônêxia, của Singapore và nhiều nước khác trên thế giới
3.3. Lành mạnh hóa việc tổ chức dạy nghề ở nước ta theo một số việc sau đây:
⦁ Nên đưa Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động Thương binh Xã hội về Bộ Giáo Dục và Đào tạo, lập cơ quan chuyên trách cho đào tạo nghề ở nước ta
⦁ Có sự tôn vinh những Người Lao động, đặc biệt những nghệ nhân ở các Làng nghề đã góp công đào tạo truyền nghề cho Thế hệ trẻ. Chú ý các nghề nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp.
⦁ Có chính sách phân luồng hợp lý đối với học sinh sau khi học xong Trung học cơ sở có nguyện vọng được vào các Trường nghề.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
2. Hoàng Ngọc Hiến (2011), Luận bàn về minh triết và Minh triết Việt, NXB Tri thức, Hà Nội.
3. Phạm Minh Hạc (2011), Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
Đặng Quốc Bảo
(Chủ Tịch Viện Trí Việt/IVM)